Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
15:52 (GMT +7)

Tôi và cừu

Tạp văn Mạc Ngôn

Dê và cừu có nhiều loại, hình dáng rất khác nhau, nhưng ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi là cừu.

Hai mươi năm trước, có hai chú cừu là người bạn thân thiết nhất của tôi, hình dáng chúng cho đến nay vẫn còn in sâu trong óc tôi rõ mồn một.

Hồi đó, hình dáng tôi thế nào thì thật chịu, không có cách gì nói ra cho rõ được.

Bởi thời bấy giờ ở quê, việc chụp ảnh là cực kì hiếm thấy. Con trai sáu bảy tuổi cũng ít khi đứng trước gương soi xem hình dáng mình như thế nào. Nghe mẹ tôi nói lại thì hồi nhỏ, tôi xấu trai lắm, mặt mũi lúc nào cũng nhọ nhem nhọ thỉu, trên môi lúc nào cũng thò lò hai giọt mũi xanh, bà con lối xóm gọi đó là “hai sợi râu rồng”. Mẹ tôi còn bảo, thuở nhỏ, tôi ăn thùng bất chi thình, hệt như quỉ đói đầu thai vào nhà vậy. Tết năm ngoái, tôi có về thăm nhà, mẹ tôi còn nhắc lại chuyện cũ. Mẹ bảo, lẽ ra tôi phải là một mầm non rất tốt, nhưng đúng lúc cần lớn thì tiếc rằng lại đói quá, hỏng mất phôi, thế nên tôi mới có cái thân hình ẻo lả, rúm ró như thế này đây! Vừa nói, mẹ vừa giọt ngắn giọt dài. Tôi chẳng đành thấy mẹ buồn phiền, nên phải nói lảng sang chuyện khác, bắt đầu gợi lại chuyện về hai chú cừu.

Tôi nhớ dạo ấy là vào một chiều xuân, nhà tôi bỗng có một ông già áo quần lam lũ đến chơi. Tôi nép sau cánh cửa, tò mò nhìn ông, nghe ông nói chuyện với ông nội tôi, bằng một cái giọng ở vùng nào ấy, nghe là lạ. Ông rút trong bọc ra hai cái bánh cỏ tranh đem cho tôi. Thứ bánh đó ngòn ngọt, ăn vào mồm kêu lép bép. Cái cảm giác ấy, đến giờ nghe còn mới lạ.

Ông nội tôi bảo tôi gọi ông ấy là ông Hai. Về sau tôi mới biết, ông Hai là anh em kết nghĩa với ông tôi. Việc kết nghĩa xảy ra trên đường vận chuyển lương thực cho bộ đội trong chiến dịch Hoài Hải, có thể nói là tình bạn đã được hun đúc nên trong khó khăn hoạn nạn. Ông Hai hỏi tôi:

- Thằng Ba! Cháu có muốn chăn cừu không?

- Có ạ! - Tôi nói.

- Thế thì được! Ông Hai bảo: chờ đến phiên chợ sau, ông sẽ mang cừu đến cho cháu!

Ông Hai đi rồi, tôi ngày ngày ngóng chờ phiên chợ, còn bắt ông tôi phải lấy vỏ đay tết cho tôi một cái roi chăn cừu. Cuối cùng thì phiên chợ cũng đã tới. Quả nhiên, ông Hai mang đến cho tôi hai con cừu con. Ông bỏ vào cái làn tết bằng dây rừng địu đến. Hai con cừu này trắng như tuyết, lông trên mình chúng cuộn lại thành búi. Đôi mắt trong xanh, trông hệt như hai hòn bi ve trong suốt. Cái mũi hồng của chúng cứ chun chun. Lúc mới đến, chúng cứ luôn miệng kêu be be, y hệt hai đứa trẻ mồ côi. Nghe tiếng kêu của chúng, mũi tôi cay xè, nước mắt bỗng dưng cứ rịn ra. Ông Hai bảo, hai con cừu non này mới được hai tháng tuổi, vẫn còn đang bú, nhưng không may mẹ chúng bị chết. Có điều, dẫu xấu tốt thế nào thì nay cũng đã là mùa xuân, cỏ non đã mọc, chỉ cần chịu khó chăm bẵm, thì chúng sẽ không thể nào chết được.

Lúc ấy đúng vào thập kỉ sáu mươi, đời sống khó khăn, đồng tiền mất giá, chợ búa cái gì cũng đắt, cừu lại càng đắt hơn. Mặc dù ông tôi và ông Hai là bạn sinh tử của nhau, nhưng vẫn phải trả ông tiền. Việc ấy đã làm ông Hai tức giận, râu tóc dựng ngược cả lên:

- Kìa, anh Cả! Sao anh khinh em quá thế? Hai con cừu này là em mang đến cho thằng cháu Ba nó chơi đấy!

Ông tôi nói :

- Chú Hai! Đây đâu phải trả chú tiền cừu? Đây chẳng qua là anh Cả muốn giúp chú chút ít tiền đi đường thôi mà!

Bà lão nhà ông Hai vừa bị chết đói, còn lại một mình ông không nơi nương tựa, ông bỏ ráo cả gia sản, định lên Đông Bắc, tìm đến nhà con gái. Ông run lập cập nhận lấy món tiền, nước mắt lưng tròng, nói:

- Anh Cả ơi! Anh em mình như thế này đây!

Đôi cừu con, một con đực, một con cái. Chị gái tôi đang học trung học, đã đặt tên cho chúng, con đực, là “Sêmiusa”, con cái là “Valia”.

Làng tôi nằm ở chỗ giáp ranh ba huyện. Ra khỏi làng, đi về phía đông hai dặm là một bãi cỏ rộng mênh mông. Mùa xuân đến, trên bãi cỏ xanh tít tận chân trời nở rất nhiều hoa, cứ như một tấm thảm rất lớn. Ở đây, tôi và đôi cừu đã tìm được nơi vui thú. Chúng quên hết mọi khổ đau, ăn no cỏ non, lại chạy nhảy tung tăng trên thảm cỏ. Tôi cũng thích chí lăn lộn trên bãi cỏ. Thỉnh thoảng có con chim sơn ca làm tổ trên bãi cỏ, bị tôi làm kinh động, giật mình bay vút lên mây như một mũi tên.

Sêmiusa và Valia dần dần lớn lên và rất béo. Ngược lại, tôi vẫn cứ lùn tịt như thế, gầy nhom như thế. Người nhà vẫn dành nhiều cơm cho tôi ăn, song tôi không lúc nào cảm thấy được ăn no. Mỗi khi nhìn miệng hai con cừu gặm cỏ non một cách hết sức tài tình, tôi thường rất thán phục. Có lúc, tôi cũng học theo chúng, bứt mấy cọng cỏ non lên nhấm. Tuy nhiên, tôi rốt cuộc vẫn chẳng phải là cừu. Những vạt cỏ non xanh mơn mởn ấy, ăn vào chát xít, đắng ngắt, không làm sao nuốt nổi.

Một hôm tôi vô tình phát hiện trên đầu con Sêmiusa xuất hiện hai cái gì có màu hồng, tôi hết sức kinh ngạc, vội chạy về nhà hỏi ông nội. Ông nội bảo, con cừu này nó mọc sừng rồi đấy. Tôi rất khó chịu với việc Sêmiusa mọc sừng. Bởi vì khi bắt đầu mọc sừng, nó tự nhiên trở nên rất xấu xí.

Xuân qua thu tới, Sêmiusa đã hết sức cường tráng, bốn chân khỏe khoắn, sừng trên đầu đã đâm ra rất mập, cuộn dần sang hai bên. Nó đã mất đi cái hình tượng xinh đẹp hồi niên thiếu, khi đi đường đầu ngẩng cao, với một vẻ tự cao tự đại. Tôi thường hay dúi đầu nó xuống, muốn rèn nó cho khiêm tốn hơn. Điều đó làm nó hết sức khó chịu. Nó lắc đầu một cái, ẩy tôi văng ra xa. Valia cũng đã lớn, nó rất mập mạp, rất nhã nhặn, y hệt cô gái nết na. Nó cũng đã mọc sừng, nhưng sừng nó rất nhỏ.

Hai con cừu của tôi đã trở nên có danh tiếng trong làng. Mỗi khi tôi đi chăn chúng trên bãi cỏ, y như rằng lại có bọn con trai xán đến, xem đôi sừng đang nhú ra trên đầu con Sêmiusa từ đằng xa. Bọn chúng còn đố nhau, xem đứa nào dám sờ vào đôi sừng của con Sêmiusa, cả bọn sẽ đào cho đứa ấy một sọt rau dại. Có một đứa tên là Đại Tráng, tỏ vẻ anh hùng, rón rén sán đến gần, nhưng chưa kịp ra tay, đã bị Sêmiusa húc cho ngã lăn cu chiêng. Tất nhiên tôi thì không sợ gì Sêmiusa, miễn là tôi đừng có dúi đầu nó xuống đất, là nó có vẻ thân thiện với tôi ngay. Tôi có thể cưỡi trên lưng nó, để nó cõng tôi đi rất xa.

Có người thích vẽ sự, đã khuyên ông tôi đem bán hai con cừu đó đi, họ bảo bỏ rẻ, mỗi con cũng phải được ba trăm. Nghe được tin này, tôi sợ quá, mà cũng căm giận quá! Trời tối, tôi không dám về nhà, định cùng hai con cừu ngủ đêm lại trên đồng cỏ. Ông tôi đã tìm thấy bọn tôi. Ông bảo:

- Cứ yên tâm cháu ạ! Nhà mình sẽ không bán đâu. Cháu chăm mãi nó mới lớn được đến thế này, sao lại đem bán nó đi cho được?

Trên bãi cỏ tôi chăn cừu đó, còn có một đàn cừu của nông trường quốc doanh. Trong đó, con đầu đàn nghe đâu mang từ bên Tân Cương về. Con cừu đó đã được sáu bảy tuổi, còn nhỉnh hơn cả con Sêmiusa nhà tôi. Toàn thân nó lông mọc dài và bẩn thỉu thành ra màu vàng nâu, hai cái sừng màu xanh, khù khoằm trên đầu trông y như hai cái roi sắt. Nó rất thích xéo mắt nhìn người, dáng vẻ vô cùng đáng sợ. Đối với đàn cừu ấy, trước nay tôi vẫn áp dụng chính sách “tị nhi viễn chi” (tránh mà ở rõ xa). Chẳng ngờ, có một hôm, hai con cừu nhà tôi đã đi ngược lại ý nguyện của tôi, chủ động tiến đến nhập bọn với đàn cừu nông trường. Người chăn đàn cừu đó xem ra trạc độ hai bảy hai tám tuổi, mặc một bộ áo quần học sinh màu xanh, lôi thôi lếch thếch, trên sống mũi kẹp “hai cái bánh”, một khuôn mặt gầy choắt, xanh xao, trông như đống đất phèn. Người thanh niên đó hết sức xởi lởi nói với tôi:

- Cháu à! Hai con cừu của cháu chăn khá lắm!

Tôi kiêu hãnh ngẩng cao đầu, chú ấy lại nói:

- Chỉ tiếc là giống không được tốt. Nếu con cừu cái của cháu mà được con cừu đực giống Tân Cương của chú phối giống cho, thì con nó sau này chắc chắn sẽ rất tốt. -Vừa nói, chú ấy vừa chỉ con cừu đực xấu ma chê quỉ hờn của chú ấy trong đàn. Tôi vội vàng muốn đuổi đôi cừu của tôi đi, nhưng đã muộn. Cái con cừu đực ấy vừa trông thấy con Valia thì vội vàng le te xán đến. Cái mồm dơ bẩn của nó cứ hít hít mãi vào cái cửa sau của con Valia. Hít hít xong, chun mũi nín hơi, nhe răng, ngoác miệng, nghếch mặt lên trời, phác ra một cử chỉ hết sức lưu manh. Con Valia cúp đuôi né tránh. Nhưng “thằng cha” ấy cứ xoắn xuýt theo đuôi không chịu rời ra. Tôi tức giận, vung roi quất cho “thằng cha” ấy một trận, nhưng nó không coi ra gì. Lúc ấy, Sêmiusa dũng cảm xông lên. Con cừu đực là tay chọi cừu có hạng. Nó đứng nguyên tại chỗ, liếc nhìn con Sêmiusa bằng ánh mắt khinh miệt, giống hệt một gã lưu manh. Hiệp đấu thứ nhất, gã cừu đực áp dụng chiến thuật tránh chỗ thực, đánh chỗ hư, tránh cho con Sêmiusa húc trượt, ngã kềnh ra đất. Tuy nhiên, Sêmiusa không hề biết sợ. Nó nhanh chóng bật dậy, lại dũng mãnh lao lên. Mặt nó tóe ra những ánh hồng quang, lỗ mũi mở to, phun hơi ra phì phì, y hệt một con chó sói trong trí tưởng tượng của tôi. Gã cừu đực không dám khinh địch, lúc lắc đôi sừng thép đón đánh. Một tiếng “chát” vang lên, hai cặp sừng choảng vào nhau, tựa hồ bắn tóe ra hoa cà hoa cải. Tiếp đó, đôi bên chọi nhau kịch liệt, chỉ nghe vang lên những tiếng “chát, hự, chuỵch, choạc”, cả một vạt cỏ rậm dưới chân bị tám cẳng chân giẫm nát như bùn. Cuối cùng, cả hai con đều kiệt sức, mõm phùi bọt trắng, lông con nào con nấy ướt đẫm mồ hôi. Cuộc chiến bước vào trạng thái dính kết, bốn cái sừng xoắn lấy nhau. Con Sêmiusa tiến ba bước, con cừu đực lùi lại ba bước; con cừu đực tiến ba bước, con Sêmiusa lùi lại ba bước. Tôi lo cuống, khóc òa lên, chửi rủa con cừu đực, con cừu đực không thèm để ý. Chửi rủa chú chăn cừu, chú chăn cừu bỏ ngoài tai. Chú chăn cừu không hề nghe tiếng tôi la hét chửi mắng. Chú lặng lẽ cúi đầu cặm cụi vẽ cái gì trên cái bảng kẹp giấy. Đúng là đồ khốn nạn! Tôi xông lên, giơ roi quất thẳng cánh vào đít con cừu đực. Chú chăn cừu chạy đến kéo tôi ra, nói:

- Cháu ơi! Chú xin cháu! Để yên chú vẽ cho xong bức tranh chọi cừu này đã!

Bây giờ tôi mới thấy, trên tờ giấy trắng chú kẹp trên giá vẽ, một bức tranh ngồn ngộn cuộc vật lộn giữa con Sêmiusa và con cừu đực lồ lộ hiện ra, chỉ có điều cái chân sau của con cừu đực chưa vẽ xong. Lúc này tôi mới biết, trên đời này, những con vật sống, có thể đặt gọn lên tờ giấy được. Thực không ngờ, một chú chăn cừu lòng đầy ấm ức như thế lại có tài hoa đến nhường ấy. Bất giác lòng tôi dâng lên một niềm cảm phục đối với chú.

Từ bấy giờ, chú chăn cừu và tôi trở thành đôi bạn rất thân. Ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau trên bãi cỏ. Chú ấy đã khiến cho tôi hiểu được rất nhiều chuyện li kì hấp dẫn, ngược lại, tôi cũng cho chú biết được rất nhiều chuyện bí mật của làng tôi. Chú ấy tặng tôi bức tranh chọi cừu, và bằng nét bút rồng bay phượng múa, chú kí một cái tên rất đẹp kỉ niệm tôi. Tôi coi như một báu vật, hai tay đón lấy, nâng niu chạy thẳng về nhà. Cả nhà tôi, ai cũng khen đẹp. Tôi lấy ngay một miếng khoai chín, miết vào, dán bức tranh ấy lên tường.

Hôm chủ nhật, chị tôi từ trên tỉnh về nhà lấy lương thực, thấy bức tranh trên tường, chị bảo, người họa sĩ vẽ bức tranh này là một nhà danh họa nổi tiếng, tiếc rằng anh ấy đã bị đấu tố thành phần tử phái hữu. Ngay chiều hôm ấy, tôi đã giới thiệu để chị tôi và chú ấy làm quen với nhau.

Về sau, con cừu đực và con Sêmiusa còn chọi nhau mấy trận nữa, vẫn không phân thắng bại, rồi chẳng hiểu thế nào, chúng lại quay sang giảng hòa với nhau.

Năm sau, Valia đẻ được hai con cừu con, lông mịn mà dài, đuôi dài quét đất, quả không phải một giống cừu thường. Lúc này, cừu không còn đắt như trước nữa, cả bốn con cừu nhà tôi không đáng giá nổi trăm đồng bạc. Tôi biết ông tôi chắc là ân hận lắm, nhưng không thấy ông nói gì.

Chẳng mấy chốc đã hai mươi năm, ông tôi đã lên chín mươi. Tôi đi lính cũng đã được ít năm. Năm ngoái tôi về thăm nhà, ông tôi bảo:

- Cái tấm da cừu đó đã bị mọt ăn mất rồi... Ông Hai cháu chắc giờ cũng đã mất...

Cái tấm da cừu mà ông tôi nói đó, là da của con Sêmiusa. Ngày trước, sau khi chọi nhau với con cừu đực, tính nó đâm ra thay đổi, hơi một tí là húc người. Khi không có người để húc thì nó quay sang húc tường. Cái tường chuồng cừu bị nó húc thủng một lỗ to tướng. Một hôm ông tôi ra chuồng cừu cho nó uống nước, chẳng hiểu thế quái nào nó không nhận lục thân(*), húc ngay vào đầu ông nội tôi. Ông nói: “Của này không thể giữ lại được!”.

Một hôm nhân lúc tôi đi vắng, ông đã bảo chị Tư đem làm thịt nó. Khi trở về tôi mới thấy, một con Sêmiusa oai phong lẫm liệt ngày nào, giờ đây đã thành món thịt cừu cuộn sôi trong nồi ninh. Mười mấy cái miệng trẻ con trong gia đình tôi vây quanh cái nồi chờ thịt chín sẽ ăn nó vào trong bụng. Mắt tôi rân rấn lệ khi mẹ tôi đưa cho tôi một bát lòng cừu, lòng tôi tuy tan nát, nhưng tôi vẫn vồ lấy ăn ngấu ăn nghiến.

Valia và hai con của nó cũng bị ông tôi đem ra chợ bán.

Về sau, chị tôi đi theo cái chú chăn cừu ấy. Còn bức tranh chọi cừu trên tường, chả hiểu chị tôi lấy đem đi, hay đã bị mẹ tôi đem nhóm bếp, tôi cũng không còn nhớ nữa

(*) Chỉ sáu hàng thân thích gần gũi với mình là cha, mẹ, vợ, con, anh, em.

Võ Toán dịch từ nguyên bản tiếng Trung

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 2 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước