Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
11:04 (GMT +7)

Tình yêu

VNTN - Mercès Rodoreda sinh năm 1908 tại Barcelone và mất năm 1983 tại Girona Tây Ban Nha. Bà có khiếu văn học và viết văn từ thời còn rất trẻ. Bà là cộng tác viên cho rất nhiều tờ báo tại Tây Ban Nha. Năm 1937 bà đã đoạt giải Creixell với tiểu thuyết Aloma. Cuộc đời và sự nghiệp của bà đã gắn liền với những sự kiện chính trị và văn hóa của thế kỷ XX ở xứ Catalogne: trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, bà đã đến Pháp, sau đó là Thụy Sĩ cho đến tận năm 1957. Trong sự nghiệp văn chương, bà đã đoạt rất nhiều các giải thưởng văn học lớn của Tây Ban Nha và của xứ Catalogne. Đặc biệt, năm 1980, bà đã được tặng giải thưởng danh dự của Viện văn học nghệ thuật Catalogne vì sự nghiệp văn chương Catalogne thế kỷ XX. Có lẽ do bị ám ảnh bởi cuộc nội chiến quá khủng khiếp, nên trong hầu hết các tác phẩm của bà, có những yếu tố hư hư thực thực, đôi khi đưa tác giả từ hồi hộp đến độ gay cấn. 


Tôi thật lấy làm tiếc là đã đến quấy quả bà vào giờ này khi mà bà vừa mới đóng cửa hiệu, nhưng hiệu của bà là cửa hàng xén duy nhất nằm trên đường tôi đi làm về. Đã nhiều ngày nay tôi thường ngắm qua cửa kính…Tôi tự nhủ, điều đó chắc nực cười lắm khi một gã đàn ông ở tuổi tôi, người dính đầy xi măng và mệt mỏi đi đi lại lại trên giàn giáo… Xin lỗi cho phép tôi được lau mồ hôi cổ: bụi xi măng bám vào các vết nhăn trên da và khi mà mồ hôi ra thì làm cho ngứa ngáy khó chịu lắm. Tôi muốn… Trong cửa hiệu của bà có tất cả mọi thứ, trừ cái mà tôi muốn… nhưng có thể cái ấy bà lại không bày trong tủ kính… Có vòng đeo cổ, kim khâu và các loại chỉ. Chúng ta phải thừa nhận rằng những cuộn chỉ là một cái gì đó luôn làm các bà trở nên khùng khùng… Hồi còn bé tôi luôn lục lọi trong giỏ khâu của mẹ tôi, tôi xâu các lõi chỉ vào một chiếc kim đan và nghịch ngợm quay tít lên. Buồn cười quá phải không khi mà một thằng bé con là tôi ngày ấy lại có thể nghịch như thế, nhưng bà biết đấy, đời mà. Hôm nay là ngày lễ thánh của bà xã tôi, tôi dám chắc là cô ấy nghĩ rằng tôi sẽ chẳng tặng quà gì cho cô ấy, rằng tôi đã quên tiệt cái ngày lễ này rồi. Những cô hàng xén kể cũng lạ, cái mà tôi cần thì các cô ấy lại xếp gọn vào trong những hộp các-tông to cộ. Nếu tôi muốn tặng cho cô ấy một chiếc vòng cổ, thì bà thấy thế nào? Ô, mà có lẽ cô ấy không thích đâu. Dạo chúng tôi mới cưới nhau, tôi đã mua tặng cô ấy một chiếc bằng hạt thủy tinh óng ánh màu boóc-đô; tôi đã hỏi cô ấy có thích không, cô ấy đã trả lời: có, em thích lắm. Nhưng cô ấy lại chưa từng đeo một lần nào. Thỉnh thoảng tôi có hỏi để khỏi làm cô ấy buồn: chiếc vòng cổ anh tặng ấy, em không đeo à? Cô ấy trả lời là đeo vào trông có vẻ diện quá, và rằng nếu đeo vào, cô ấy trông như một chiếc tủ kính! Tôi không sao thay đổi được ý kiến của cô ấy.

Minh họa: GB

Thằng bé Raphael, thằng cháu đích tôn của chúng tôi ấy mà, đầu nó đầy những tóc là tóc và có đến sáu ngón ở mỗi bàn chân, đã sử dụng những hạt vòng ấy để chơi bi. Tôi rất biết là mình đang làm mất thì giờ của bà, nhưng có những thứ quả là rất khó cho một người đàn ông. Tôi ấy à, người ta có thể sai tôi đi mua đồ ăn, tôi không thuộc hạng đàn ông thường xấu hổ khi phải xách làn đi chợ, ngược lại là khác, tôi thích chọn thịt, tôi và anh hàng thịt là chỗ bạn bè từ nhỏ. Còn chọn cá ư? Cô hàng cá, ý tôi muốn nói là bố mẹ cô ta đã từng bán cá cho bố mẹ tôi. Nhưng nếu phải mua một cái gì đó khác đồ ăn ra… bà thấy tôi lớ ngớ như con cú giữa trưa vậy. Làm ơn cố vấn cho tôi. Thế bà, bà nghĩ rằng tôi có thể tặng gì cho cô ấy được?... Một hay hai lô chỉ nhỉ?... nhiều màu khác nhau, nhưng nhất là màu đen và màu trắng, những màu mà ta lúc nào cũng cần! Có thể tôi sẽ vớ phải cái mà cô ấy thích. Nhưng bà cũng nên biết rằng cô ấy cũng dám quẳng thẳng cả lô ấy vào mặt tôi lắm! Điều này thì cũng tùy từng lúc, vào lúc cô ấy bực tức cáu giận, cô ấy coi tôi như một thằng trẻ ranh…Sau ba mươi năm trời ăn cùng mâm ngủ cùng giường, một người đàn ông và một người đàn bà…Lỗi là do ta quá biết, quá hiểu nhau. Đấy là điều lúc nào tôi cũng nói thế. Nhưng khi ta đã cùng nhau chia sẻ biết bao giấc ngủ, biết bao cái sinh cái tử, và biết bao cái bánh mì mỗi ngày… Thế ruy-băng thì sao? Không đương nhiên rồi… Một cái cổ áo đăng-ten hả? Thôi được, thế thì lấy một cái cổ áo đăng-ten đi! Cô ấy đã có một cái rồi, toàn là những bông hồng kèm theo những chùm nụ nhỏ xíu và cả lá nữa. Chỉ còn thiếu có gai thôi, nhiều lúc để cười khi nhìn thấy cô ấy đính nó lên một chiếc váy nào đó, tôi nói vui với cô ấy như vậy. Nhưng hiện giờ cô ấy không còn ăn diện nữa, chỉ có chăm lo cho gia đình thôi. Đó là một người phụ nữ đảm đang công việc nội trợ. Giá bà có thể nhìn thấy cô ấy đánh láng mọi thứ nhỉ…Những chiếc ly trong tủ buýt-phê, ôi chà chà! Tôi tin là cô ấy lau mỗi ngày ba lần lận, bằng một chiếc khăn vải. Khi cô ấy lấy từ trong tủ ra, tôi cứ ngỡ là cô ấy không đụng vào chúng, đặt tất cả lên mặt bàn và: dùng đi, mình dùng đi. Tôi bắt mình lau cốc suốt ngày thế này. Xong rồi, cô ấy lại xếp chúng gọn gàng ngăn nắp đâu ra đấy, những chiếc này cạnh những chiếc kia, đều tăm tắp như một hàng quân đội mũ rộng vậy. Còn đáy xoong đáy chảo thì khỏi phải nói!... Các thức ăn, ta cứ tưởng như chẳng bao giờ cô ấy sử dụng xoong chảo cả. Trong nhà, cái gì cũng nức mùi sạch sẽ. Thế bà nghĩ khi đi làm về tôi sẽ làm gì, là tôi sẽ chúi đầu vào đọc báo à, hay là nghe thông tin thời sự? Trên sân, tôi đã thấy một thùng nước ấm phơi dưới ánh nắng, tôi chà xà phòng và cô ấy dội nước tráng cho tôi. Chúng tôi treo hẳn một chiếc ri đô có những đường sọc xanh trắng để tránh những cái nhìn khiếm nhã của hàng xóm chĩa vào tôi. Mùa đông, tôi thường tắm trong bếp, bà có thể hình dung ra lúc cô ấy phải lau dọn, hót chỗ nước tràn ra ngoài chứ! Nếu tôi để tóc hơi dài quá là cô ấy trách tôi. Và tuần nào cô ấy cũng sửa móng tay móng chân cho tôi…Vâng, còn về chuyện chúng ta đang nói dở về chiếc cổ áo ấy mà, tôi cũng chẳng biết nữa…Thế còn những cuộn len để cô ấy tự mình đan một chiếc áo thì sao nhỉ? Nhưng tôi lại mù tịt không biết cô ấy phải dùng bao nhiêu cuộn… Hơn nữa, mua len trong những ngày nóng nực như thế này, và tặng cô ấy một món quà, món quà đó lại bắt cô ấy phải làm việc… Để tôi đọc những thứ có trong những chiếc hộp này xem nào. Cúc mạ vàng, cúc mạ bạc, cúc xương voi, cúc trần, cúc trơn. Đăng-ten thêu gối ư? Áo may ô trẻ em. Tất hoa. Các loại mẫu. Lược cài đầu. Khăn choàng vai. Tôi biết là mình phải quyết định nhanh thôi, nếu không thì bà sẽ tống cổ tôi ra khỏi cửa mất. Bây giờ, khi chúng ta đã nói chuyện với nhau và tôi đã có chút tin tưởng nơi bà, bà có biết cái mà tôi thật sự muốn mua là gì không? Một chiếc quần lót dành cho người đứng tuổi… Loại dài ấy nhé. Phía dưới có một dải đăng-ten màu sẫm làm diềm và một dải ruy-băng chờm qua diềm đăng-ten trong một đường rua luồn dải lụa và hai đầu thắt lại thành một chiếc nơ hồng. Bà có loại ấy không?...Tôi thật khó diễn tả cho bà chuyện này. Cô ấy sẽ sướng điên lên mất. Tôi sẽ dải nó ra giường, hết sức nhẹ nhàng, và cô ấy sẽ có một phen ngạc nhiên cực độ. Tôi sẽ nói với cô ấy: Mình đi thay ga giường đi mình, cô ấy sẽ sửng sốt khi nghe tôi yêu cầu, và sẽ đi thay ngay ga giường, và rồi cô ấy sẽ nhìn thấy chiếc quần lót. A, mà chiếc hộp này bị kẹt rồi đây này. Những chiếc hộp to tổ bố này thường là rất khó mở ra đóng vào. Ô, được rồi, thật mất quá nhiều công sức cho một công việc chẳng đáng kể gì. Loại quần lót phụ nữ mà tôi thích hơn cả là loại có đăng - ten màu sẫm, bởi vì… chung quy lại nó giống như rêu ấy… Ruy-băng, màu xanh lơ hả? Không được, màu hồng trông vui mắt hơn chứ. Chất liệu này bền chứ hả?... Bởi cô ấy nhà tôi là người luôn chân luôn tay, và chẳng khi nào chịu đứng yên một chỗ cả… ít ra thì nó cũng không rách luôn chứ! Tôi ấy à, tôi có cảm giác là nó rất dai, vả lại nếu bà đã khẳng định với tôi điều ấy… Nó là vải cô-tông chứ? Là vải đẹp đấy! Cô ấy sẽ nhận ra thôi, bà xã nhà tôi ấy mà. Và tôi dám nói là cô ấy sẽ không bị chật đâu. Em thích lắm mình ạ, cô ấy sẽ nói thế. Và chỉ có thế. Cô ấy nhà tôi ít lời lắm. Chỉ nói đúng những từ cần phải nói thôi. Cỡ nào ấy hả?... Đây mới là lúc tôi mù tịt đây! Xem nào, bà làm ơn trải nó lên đây… Cô ấy, như bà biết đấy, tròn ung ủng như một quả bí ngô. Vòng đùi thì cũng ngang vòng bụng. Còn cỡ này, bà nói là cỡ lớn nhất rồi à? Tôi lại cứ ngỡ là quần trẻ con. Hồi cô ấy 20 tuổi thì có lẽ là vừa như in đấy. Nhưng chúng tôi đã có thêm tuổi rồi. Dĩ nhiên rồi, bà chẳng thể làm gì khác được. Tôi cũng vậy thôi. Có điều là tôi không thấy gì khác có thể vừa lòng cô ấy. Bà xã tôi ấy mà, cô ấy luôn muốn những thứ tiện sử dụng. Thế bây giờ phải làm gì nhỉ? Tôi không thể về nhà với bàn tay không thế này. Chí ít thì cũng phải mua một cái gì đó ở cửa hàng bánh ngọt trong phố vậy… Ô, đó là lẽ đương nhiên, có đúng vậy không? Một người đàn ông làm việc quần quật tối ngày như tôi thì làm gì có nhiều thời giờ để mà chú ý tới những kiểu cách dềnh dang.

Mercès Rodoreda

Hiệu Constant dịch

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xổ số

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm truyện cực ngắn Murakami Haruki

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ngày mà Alfred tự tìm kiếm mình trên Google

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Ông bà nội tôi

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Bertha

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Truyện kể trong ngày của mẹ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước