Tiếp tục triển khai nhiệm vụ “Từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam”
VNTN - Đó là tên Hội nghị tập huấn công tác lý luận phê bình văn học, nghệ thuật do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức từ ngày 9 đến 12/9, tại Sầm Sơn (Thanh Hoá), cho hơn 180 học viên là lãnh đạo ban tuyên giáo tỉnh/thành ủy phụ trách văn hóa văn nghệ, hội văn học nghệ thuật, cán bộ nghiên cứu lý luận, phê bình; phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí và giảng viên các trường đại học, cao đẳng của 29 tỉnh, thành thuộc khu vực phía Bắc.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá đã đến dự và phát biểu tại buổi khai mạc....
Với mục tiêu: nâng cao trình độ hiểu biết những vấn đề cơ bản, quan trọng về lý luận văn học nghệ thuật, yêu cầu và định hướng triển khai xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam cho học viên; nắm vững quan điểm, đường lối phát triển văn học nghệ thuật của Đảng và Nhà nước, thực tiễn đường lối văn học nghệ thuật nói chung và tình hình phê bình văn học nghệ thuật nói riêng; nâng cao khả năng xử lý những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn đời sống văn hoá, văn nghệ…, các học viên đã được nghe 5 chuyên đề: “Đường lối phát triển văn hoá, văn nghệ của Đảng trong thời kỳ đổi mới”, do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ truyền đạt. “Định hướng và những nội dung cơ bản của lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam”, do PGS.TS Đinh Xuân Dũng truyền đạt; “Quan điểm của Marx, Angels, Lenin và Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật”, do GS.NGND Hà Minh Đức truyền đạt; “Đấu tranh tư tưởng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật hiện nay”, do nhà thơ Hữu Thỉnh truyền đạt. Và “Vấn đề tiếp nhận, vận dụng các lý thuyết nghệ thuật nước ngoài vào Việt Nam”, do PGS.TS Phan Trọng Thưởng truyền đạt.
Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Ủy ban toàn quốc các Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tại Hội nghị tập huấn
Trong quá trình lãnh đạo gần 1 thế kỉ qua, Đảng ta luôn khẳng định vị trí, vai trò của văn hoá, văn nghệ trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhất là từ công cuộc đổi mới đất nước năm 1986 đến nay. Hơn 30 năm qua, nhiều văn kiện, nghị quyết, chỉ thị về văn hoá, văn nghệ đã được ban hành, trong đó có những nghị quyết có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của văn học, nghệ thuật nước nhà như: Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị khoá X, Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong tình hình mới; Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng nêu nhiệm vụ: từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam…
Thông qua các lớp tập huấn, các học viên đã có cơ hội hiểu thấu đáo hơn về đường lối lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ nói chung và về lí luận, phê bình văn học nghệ thuật nói riêng, đồng thời, đây cũng là cơ hội tốt cho các học viên giao lưu, học hỏi giữa các địa phương về lĩnh vực này.
Theo đánh giá của nhà nghiên cứu phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) – học viên - thì, đây là lớp tập huấn thành công trên nhiều phương diện: phong phú về nội dung, nghiêm túc về tổ chức, đa dạng về đối tượng... Mong rằng Ban tổ chức sẽ không ngừng điều chỉnh, cải tiến để những đợt tập huấn như thế này sẽ ngày càng trở nên ý nghĩa, thiết thực đối với công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật ở Việt Nam những năm tiếp theo.
Kết thúc khóa tập huấn, các học viên đã có bài thu hoạch nộp cho Ban Tổ chức và được đánh giá cao về nội dung cũng như tinh thần thái độ học tập. Đã có 25 cá nhân và 8 tập thể được tuyên dương về chất lượng bài thu hoạch và tinh thần học tập tốt.
Cũng trong nội dung chương trình tập huấn, các học viên đã được đến tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh tại xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.
T.H
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...