Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
21:37 (GMT +7)

Tiếc nuối -Truyện ngắn. Kate Chopin

VNTN - Bà Aurélie có thân hình khỏe mạnh, đôi gò má hồng hào, mái tóc đang từ màu nâu chuyển sang hoa râm và một đôi mắt kiên quyết. Bà đội cái mũ của đàn ông khi ra đồng, mặc cái áo choàng quân đội cũ màu xanh khi trời lạnh, thỉnh thoảng đi ủng cao cổ.

Bà Aurélie không hề nghĩ đến việc lập gia đình. Bà chưa bao giờ yêu. Ở tuổi hai mươi bà có nhận được một lời cầu hôn, nhưng bà đã khước từ ngay, và ở tuổi năm mươi bà vẫn không hề nuối tiếc sự việc đó.

Vậy là bà khá đơn độc trên cõi đời, ngoại trừ con chó Ponto, những người da đen sống trong các túp nhà nhỏ và làm việc đồng áng cho bà, cùng bầy gà, vài con bò, một đôi la, một khẩu súng (dùng để bắn diều hâu bắt gà), và đức tin tôn giáo của bà.

Một buổi sáng bà Aurélie đứng chống nạnh trên hàng hiên, nhìn một đám nhóc tì, như là từ trên mây rơi xuống, khá bất ngờ và rắc rối, không được chờ đón. Chúng là lũ con của người hàng xóm gần nhất của bà, Odile, nói cho cùng cũng chẳng thân cận gì lắm.

Người thiếu phụ đã xuất hiện trước đó năm phút, tháp tùng theo là bốn nhóc tì này. Trên tay chị là bé Elodie, bàn tay kia kéo theo Ti Nomme, trong khi đó thì Marcéline và Marcélette đi theo bằng những bước chân vụng dại.

Mặt chị đỏ bừng và xấu đi vì nước mắt và sự kích động. Chị đã được gọi về vì chứng bệnh hiểm nghèo của mẹ chị. Chồng chị thì ở tận Texas, nơi mà đối với chị như xa cả triệu dặm. Valsin đang đợi chị với cỗ xe la để đưa chị ra ga.

“Xin đừng hỏi, bà Aurélie, bà chỉ giữ hộ em mấy đứa nhỏ tới khi em về. Lạy Chúa, em sẽ không làm phiền bà nếu có cách nào khác! Xin coi chúng như con cháu, bà Aurélie, đừng dung thứ đứa nào. Em muốn điên lên với bọn trẻ, mà Leon thì không có ở nhà, còn mẹ em thì thậm chí không khỏe lên nổi!”  sự đau khổ làm Odile vội vã và khích động rời khỏi cái gia đình buồn chán của chị.

Bà Aurélie để bọn trẻ tập hợp ở dải bóng mát hẹp nơi cổng vòm của căn nhà dài, thấp. Ánh nắng trắng đang đập vào những tấm ván cũ màu trắng, mấy con gà đang bươi cỏ tìm mồi ở chân mấy bậc tam cấp, một con đã dạn dĩ leo lên, đang bước đi nặng nề, bệ vệ, băng qua hàng hiên. Có mùi hoa cẩm chướng dễ chịu trong không khí, và tiếng cười của những người da đen vọng đến từ cánh đồng bông vải đang nở hoa.

Bà Aurélie đứng ngắm lũ trẻ. Bà nhìn Marcéline với ánh mắt nghiêm khắc, con bé đang lếch thếch bế em vì trọng lượng của bé Elodie núng nính. Bà nhìn Marcélette đang hòa những giọt nước mắt lặng lẽ của nó với tiếng khóc quấy của Ti Nomme cũng với vẻ nghiêm khắc như thế. Bà bình tĩnh lại trong khi ngắm chúng, quyết định một loạt các công việc phải làm. Bà bắt đầu bằng việc cho chúng ăn.

Nếu trách nhiệm của bà Aurélie có thể bắt đầu và kết thúc ở đó, thì có thể khá dễ dàng, vì chạn thức ăn của bà được cung cấp thừa thãi để giải quyết cho nhu cầu này. Nhưng những nhóc tì không phải là những chú lợn con, chúng đòi hỏi những sự chăm sóc chu đáo, một việc hoàn toàn lạ lẫm đối với bà Aurélie, và công việc đó làm bà muốn phát ốm.

Thực sự là bà không đủ khả năng quản lý lũ trẻ con nhà Odile trong mấy ngày đầu. Làm sao bà biết được Marcélette luôn luôn khóc khi bị nghiêm giọng quát? Đó là tính cách đặc biệt của Marcélette. Bà chỉ trở nên quen với sự say mê hoa của Ti Nomme khi nó đã vặt hết cả hoa dành dành và cẩm chướng để nghiên cứu cấu trúc thực vật của chúng.

“Con không bảo nó được, bà Aurélie,” Marcéline nói với bà. “Bà phải trói nó vào một cái ghế. Mẹ con luôn làm vậy khi nó hư: mẹ trói nó trong một cái ghế.” Cái ghế mà bà Aurélie cột Ti Nomme khá to và thoải mái, và thằng bé chớp lấy cơ hội ấy để ngủ một giấc trong buổi chiều trời ấm áp.

Vào buổi tối, khi bà ra lệnh cho chúng vào giường như là xuỵt bầy gà vào chuồng, chúng cứ đứng trơ trơ trước mặt bà. Bà phải thuyết phục lũ trẻ mặc những chiếc áo ngủ trắng nhỏ may từ áo gối, và lắc ru chúng bằng bàn tay mạnh mẽ cho tới khi chúng bị quất như quất bò ư? Hay là đem một chậu nước ra đặt giữa nhà, để rửa sạch từng bàn chân nhỏ rám nắng, bụi bậm, mỏi mệt? Marcéline và Marcélette cười như nắc nẻ - về việc bà Aurélie có lúc đã tin là Ti Nomme có thể ngủ mà không cần nghe truyện Croque-mitaine hay Loup-garou, hay cả hai, hay Elodie có thể ngủ mà không cần đung đưa hay hát ru.

“Tôi nói cho thím biết, thím Ruby,” bà Aurélie tâm sự với bà bếp, “tôi, tôi thà quản lý một tá đồn điền hơn là bốn đứa trẻ. Chúa ạ! Đừng nói với tôi về bọn trẻ!”

“Không ai mong rằng bà sẽ biết hết về chúng, bà Aurélie ạ. Ngày hôm qua tôi thấy rõ ràng thằng nhóc chơi với rổ đựng chìa khóa của bà. Bà không biết rằng chơi với chìa khóa sẽ làm trẻ em lớn lên cứng đầu sao? Có nhiều việc bà phải biết để nuôi dạy trẻ con.”

Bà Aurélie hẳn nhiên không đòi hỏi hay khao khát mớ kiến thức xa vời về chủ đề này của thím Ruby, là người đã “lên bổng xuống trầm” trong đời. Bà đủ vui để học vài mẹo làm mẹ dùng cho nhu cầu tức thời.

Những ngón tay nhớp nháp của Ti Nomme buộc bà phải moi ra những chiếc tạp dề trắng đã không mặc trong nhiều năm, và bà phải làm quen với những nụ hôn ướt nhẹp cách biểu lộ sự trìu mến tự nhiên của nó. Bà lấy rổ đồ may vá mà bà ít khi dùng tới từ ngăn trên tủ đứng xuống, để sẵn sàng sửa những chiếc áo đứt khuy và những vết rách. Bà mất một vài ngày để làm quen với tiếng cười, tiếng khóc, tiếng líu lo vang lên khắp nhà trong suốt cả ngày. Cũng không phải mất một hai đêm bà mới có thể ngủ yên với cơ thể núng nính nóng hổi của Elodie ép sát người bà, và hơi thở ấm áp của con bé phà vào gò má bà giống như chim quạt cánh.

Nhưng sau hai tuần bà Aurélie đã trở nên quen với những việc như vậy, và bà không còn phàn nàn nữa.

Cũng vào cuối tuần thứ hai đó, một buổi chiều, khi bà Aurélie nhìn về phía máng ăn của gia súc, thì bà thấy cỗ xe la màu xanh của Valsin đang quẹo vào khúc quanh của con đường. Odile ngồi bên cạnh người đánh xe lai da đen, thẳng thớm và tỉnh táo. Khi họ đến gần, gương mặt tươi tỉnh của người thiếu phụ cho biết chuyến về nhà của chị khá vui vẻ.

Nhưng sự trở về bất ngờ không thông báo của Odile làm bà Aurélie bỗng dưng bối rối và gần như lo lắng. Lũ trẻ được tập hợp lại. Ti Nomme đâu? Nó ở trong lán, đang mài dao. Còn Marcéline và Marcélette đâu đang chơi may đồ hàng cho mấy con búp bê ở góc hiên. Về phần Elodie, con bé đang yên ổn trong vòng tay bà Aurélie và nó hét lên sung sướng khi thấy cỗ xe màu xanh quen thuộc đang đưa mẹ nó về với nó.

Sự náo động đã qua, và bọn trẻ con đã đi hết. Khi chúng đi rồi mới tĩnh lặng làm sao! Bà Aurélie đứng trên hàng hiên, nhìn và lắng nghe. Bà không còn thấy cỗ xe, ánh nắng đỏ chiều tà và bầu trời chạng vạng màu xanh xám cùng nhau trộn thành một màn sương tím trên cánh đồng và con đường che khuất cỗ xe. Bà không còn nghe tiếng bánh xe lăn cót két. Nhưng bà vẫn còn có thể mơ hồ nghe những giọng nói vui vẻ, lanh lảnh của bọn trẻ.

Bà quay vào nhà. Còn nhiều việc đang đợi bà, vì bọn trẻ đã để lại tình trạng nhếch nhác như một bãi chiến trường, nhưng bà không bắt tay vào việc dọn dẹp ngay. Bà Aurélie ngồi nơi chiếc bàn, chầm chậm lướt nhìn quanh phòng, vào chỗ bóng chiều đang lan dần đến vây quanh thân người đơn độc của bà. Bà gục đầu trên cánh tay gấp trên bàn, và bắt đầu khóc. Ôi, bà khóc thật! Khóc không nhẹ nhàng như nhiều phụ nữ thường khóc. Bà khóc giống như một người đàn ông, với tiếng thổn thức dường như xâu xé tâm hồn bà. Bà không chú ý đến con chó Ponton đang liếm tay bà.

Kate Chopin (1854-1904) có cha là người Ái Nhĩ Lan nhập cư nước Mỹ, mẹ là người Pháp. Bà đặc biệt kiên định khám phá những kinh nghiệm phức tạp trong quan hệ nam nữ và đời sống gia đình… Sáng tác của bà thường gây ra tranh luận nên có nhiều truyện ngắn không được in lúc bà còn sống. 

Võ Hoàng Minh 

dịch (Từ “Regret”)

Nguồn: Http://classiclit.about.com/library/bl-etexts/kchopin/bl-kchop-regret.htm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xổ số

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm truyện cực ngắn Murakami Haruki

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ngày mà Alfred tự tìm kiếm mình trên Google

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Ông bà nội tôi

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Bertha

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Truyện kể trong ngày của mẹ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước