Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
03:23 (GMT +7)

Thơ Ko Hyung-Ryul (Hàn Quốc)

 

VNTN - Ko Hyung-Ryul sinh ra ở Sokcho, một vùng biển thuộc tỉnh Kangwondo vào tháng 11 năm 1954, thời điểm một năm sau khi cuộc chiến tranh Hàn Quốc bước vào giai đoạn đình chiến. Năm 1979, ông công bố tác phẩm Trang Tử đăng trong tạp chí Văn học hiện đại và bắt đầu sáng tác. Ông làm thơ, viết tản văn, tự luận tự truyện...

Năm 2000, ông phát hành số đầu tiên Tạp chí Sipyung châu Á, và lập nên thi đàn châu Á trong đó giới thiệu với Hàn Quốc gần 340 nhà thơ châu Á đến từ Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ...

Ông cũng đã tổ chức các diễn đàn ngâm thơ, trong đó mời nhiều nhà thơ châu Á tới Hàn Quốc tham dự như Lễ hội văn học thi nhân Hàn Quốc - châu Á tại Seoul. Gần đây, ông cùng với 15 nhà thơ Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản cho ra mắt Tạp chí Gió mùa, quy tụ nhiều văn sĩ cùng chí hướng ở khu vực Đông Bắc Á.

Ko Hyung-Ryul đã nhận được nhiều giải thưởng văn hóa nghệ thuật cũng như giải thưởng văn học hiện đại Hàn Quốc. Ông đang giữ vai trò điều hành biên tập Tạp chí Thi học hiện đại ra hai tháng một lần. Hiện nhà thơ sống ở khu vực ngoại ô Seoul.

Mũi lao ngày ngày lao tới

Mỗi ngày lại có một mũi lao lao về phía anh ấy

Anh ấy mỗi ngày lại cố gắng ngừng lại để bắt lấy mũi lao

Có những khi anh còn chờ đợi đến tận tối muộn.

Mỗi ngày lại có một mũi lao lao về phía anh ấy

Mỗi ngày lại là một mũi lao khác nhau, màu sắc khác mà tốc độ cũng khác

Cả cao độ lao đến cũng khác

Cả phương hướng lao đến cũng khác.

Nó tạo ra âm thanh xé rách bầu trời

Rồi lao về phía anh ấy

Nhưng vào một thời khắc nào đó khi anh đang lơ đãng

Nó không thể lao trúng vào anh và đành biến mất.

Hôm nay cũng lại một ngày nữa đã trôi qua

Anh vẫn không biết sự thật rằng nó đã bỏ qua mình rồi

Anh vẫn chờ đợi nó. Ở sau lưng anh

Có một vầng trăng liêu xiêu trồi lên trên mặt đất hàng ngày.

Ta đang mọc đây, trăng cất tiếng kêu thét

Tiếng thét đó chạm đến cả buổi sáng ngày mai còn chưa đến

Và giờ đây sẽ quên đi cả tên của nó mà sống tiếp.

 

Gửi tặng chim đại bàng chẳng thể nào an ủi được

Khi một nhà thơ nọ chết, có một con chim đại bàng của đám mây đen

mang trên mình đôi cánh lớn tựa như ngọn núi

Có một chú chim nhỏ mổ vỡ quả trứng và chui ra ngoài ở hòm thư nhà tôi

Có một đám cháy bay vào trong quan tài, rồi đi ra, đi vào trong túi áo tôi.

Ở đây có một nhà thơ là chính tôi, nên tôi không biết

có nên sử dụng đồng nhất chủ ngữ với sở hữu cách hay không?

Khi ấy có lẽ tôi đã thì thầm

Nếu nói như vậy thì đó chẳng phải đã trở thành lời của kiếp trước hay sao?

Dù sao thì lúc đó tôi có lẽ cũng phải công bố việc tôi đã lẩm bẩm một mình

Con chim sẻ tại sao lại định chui vào túi áo ta nhỉ?

Chẳng lẽ không thể chui vào đôi mắt ta đang rực lửa?

Giây phút cất lên câu nói đó

Tôi đã nhận ra một sự thật rằng không hề tồn tại cái gọi là tôi một cách đặc biệt.

Không biết có ai đó đang làm náo loạn trên đầu tôi.

Những kẻ đã đến cùng chúng ta từ bầu trời trống rỗng

Những kẻ có mái tóc màu đen và thẳng, với hai con mắt đầy trí tuệ và hai cánh tay.

Tia chớp không phải chỉ xuất hiện trên bầu trời.

Chúng chỉ đột nhiên luôn ngoái nhìn về bầu trời phía Tây.

Chẳng phải ngày mai chúng ta cần xem xét sâu bên trong lòng đất nữa hay sao

Không phải họ mà chính chúng ta ở dưới sâu lòng đất đang dẫm những bước chân bé nhỏ

Tôi lắng tai nghe phải chăng ở đó có âm thanh gì đang vang vọng tới

Có gì đó đang sôi sục lên, nắm giữ lấy âm nhạc và chứa đựng trong linh hồn?

Cho dù chỉ sau ba ngày nữa, tất cả sẽ bị chất lên trên ngọn lửa

Trở thành một nắm tro tàn và như làn khói biến tan.

Giờ đây họ đã không còn là lý tưởng, đã trở thành thực thể

Họ đã không tiến hóa thêm từ quá khứ và chỉ đang dần lụi tàn

Trên đầu tôi, liệu vẫn còn chút bình yên lưu lại?

Hay trên đầu tôi, một hoang mạc vô tận?

 

Hạt giống của nước mắt

Trước khi già hơn, tôi đã đùa với vợ tôi một điều

Mình à, hãy đứng ngay ngắn thử vái lạy tôi một lần xem sao

Vợ tôi chỉ cười đi về phía gian bếp, cô ấy làm một việc quan trọng hơn là cúi lạy

Việc rửa bát mà vốn cả đời cô ấy vẫn làm, lẽ ra lát nữa làm cũng được.

Anh ấy đã chết

Và một ngày nọ, người vợ chợt nhớ đến câu nói

Vào một năm nào đó, khi chúng ta còn chưa già

Người chồng đã nói với cô ấy

Mình à, hãy đứng ngay ngắn thử vái lạy tôi một lần xem sao.

Người vợ khắc ghi nhớ như in câu nói đó. Khi cô đang đứng rửa bát, người chồng ở ngay phía sau

Lặng lẽ nhìn vào lưng cô và thì thầm

Như buổi tối của cô dâu mới trong ngày đầu tiên về nhà chồng.

Tuổi già, nhìn trân trối vào chiếc đồng hồ treo tường đang lơ lửng tựa hư không.

 

Nguyễn Thị Thu Vân (dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 1 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước