Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
18:56 (GMT +7)

Thơ của các nhà thơ Việt Nam ở nước ngoài

VNTN - VNTN số đặc biệt hân hạnh gửi đến bạn đọc trang thơ của một số nhà thơ Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới, với những niềm thương yêu sâu sắc gửi về quê nhà.

Trân trọng cảm ơn nhà thơ Nguyễn Đức Tùng và nhà phê bình văn học Văn Giá đã giới thiệu. 


Nguyễn Đức Tùng

Đêm ngủ trong chùa 

Đôi khi con biết mẹ nằm trong đất

Lặng im như hòn đá

 

Đôi khi con biết không phải thế

 

Đôi khi con biết mẹ về

Trong chiếc chiếu hoa

 

Đêm nay ngủ lại trong chùa

Thức suốt đêm đập muỗi 

 

Không con nào chết

Chúng lọt hết qua kẽ tay

 

Trừ một con

Bay về lúc nửa đêm 

 

Kịp lặng lẽ đẻ trứng xuống 

Bể nước đầy cơn mưa cũ.

Phan Ni Tấn

Hóa thân 

làm đôi guốc mộc quai hường

xin cùng tha thướt xuống đường với em

ngày mưa guốc lấm bùn lem

cũng vui vì chỗ gót sen em về

làm vi vút ngọn gió quê

hay vi vu thổi cây tre đầu đình

bay vờn trong chớm bình minh

hay trong chiều cũng tài tình như hương

làm thảm cỏ dại bên đường

xe qua bụi bám mà thương nẻo nhà

xa như người đã đi xa

thôi không về nữa để tà áo phai

làm le lói ngọn sớm mai

chiếu trên kẽo kẹt đôi vai gánh gồng

chiếu xanh bờ lúa đòng đòng

có con cò trắng con còng con cua

làm hạnh của đất khai mùa

làm hương ngọn gió xin đùa áo bay

ai xưa hò hẹn phương này

ôi phương từ bấy đến rầy chưa quên

xin làm ẩn mật hương thiền

làm lời trong miệng người hiền nói ra

đem tâm hư gột cái tà

dội vào nhân thế ta bà ánh dương

làm mong manh lưới tơ sương

nhưng bền như dạ người thương nhớ người

từ em biết nói yêu rồi

trong niềm hạnh nguyện anh ngồi hóa sinh

xin làm miếng cắn thâm tình

ngậm vành môi ấy có hình trái tim

có đôi con mắt lim dim

có hình như giọng nói im không lời

làm xôn xao vẻ yêu đời

đồng thanh ương ứng với người tóc xanh

mai hoa vài nụ trên cành

diệp thanh mấy chiếc cũng thành mùa xuân

làm trăng một đóa sáng ngần

soi đường nối lại những phần chia phôi

nhớ giùm nỗi nhớ khôn nguôi

che giùm nhau ngọn gió đời bụi bay

trèo lên trên ngọn trời mây

thu trăm năm lại một ngày vào thơ. 

Như Quỳnh de Prelle

Đọc thư Hội An 

tôi đã từng ở đó trong những ngày bình an một mình 

trong những căn phòng nhỏ xa lạ mà thân thuộc 

trên những con phố, những mái nhà cũ, 

                                    những dấu chân buồn vắng lặng 

 

tôi đã đến đó để chạy trốn vài lần gục ngã 

của thế giới thanh xuân buồn bã vô chừng 

tôi ngồi lại trên chiếc ghế nhỏ ở quán ăn 

        của một người đàn bà quen thuộc với nhiều người 

bằng món ăn cơm gà 

mì Quảng 

cháo vịt đêm khuya 

 

tôi đã từng mặc chiếc váy lụa màu tím 

tôi đã từng thức dậy giữa đêm khuya cùng đoàn phim 

tôi đã từng mơ một người đàn ông 

                                        sống bằng đôi mắt qua ống kính 

bằng nhịp thở của không gian thời gian 

cùng nhau mà hỗn độn không thể chia ra hay chạm vào 

 

tôi đọc thư Hội An 

và nhớ nơi này 

nơi tôi tìm đến thiền lòng mình 

ở mỗi quán cafe và chiếc bàn cô độc 

 

tôi nhớ những bức hình có tôi trong đó 

tôi ghi lại hình ảnh ở nơi phố thị cổ xưa 

và một lần bất ngờ tôi gặp Vincent Ngô 

nhà biên kịch là thầy dạy kịch bản của tôi 

trong những hàng người đông đúc của mùa hè năm đó 

trên chiếc cầu qua sông của thành phố 

 

nhớ Hội An, nơi thuộc về Việt Nam của tôi

lòng tôi chùng xuống như một buổi chiều buồn bã 

khi tôi ngồi đâu đó không quen biết ai 

thành phố trôi qua đôi mắt vô hồn 

không biết tìm kiếm cái gì ở đâu. 

Lê Đình Nhất Lang

Tiếng đàn mới của Thạch Sanh 

Khi tiếng đàn Tính Tịch Tình Tang không

còn mê hoặc lòng người bằng tiếng đồng

tiền Leng Keng dễ hiểu,

Khi Thạch Sanh vỡ lẽ cả đời mình chưa bao giờ

có đất, khi đi đốn củi trong rừng cũng như

khi về lầu son làm công chức,

Khi Công Chúa chịu nhìn nhận một

số phận bình thường như bao nhiêu nàng

con gái mấy bận đổi đời,

Thì Lý Thông, đúng, chỉ có Lý Thông,

chứng tỏ là tay kinh doanh có hạng, biết dùng

lao động đào hầm, khuyến mãi

dự án hạ tầng của hắn, và định hướng

cho mình một cuộc sống đầy

khoái lạc, cho dù phải

vùi lấp người anh em nghèo khổ.

Nếu không có giặc, chắc người ta không gặp

lại gương mặt ngẩn ngơ

xuất thần của Thạch Sanh, vẫn cây đàn ấy,

nhưng lần này còn có thêm cơm

ăn mãi không hết, giống như

vốn vay đổ vào hoài không ngưng.

Có điều tiếng đàn giờ đây kêu:

Đứng Đực Đừng Đưng.

Nguyễn Hàn Chung

Ba năm lẻ nữa 

Ba năm lẻ nữa bảy mươi

câu thơ còn nói trổ trời được chăng

giá như đủ sức gầy sòng

thì ta vẫn có quyền không thay người

Ba năm lẻ nữa tới thời

hàng tiền đạo chắc rụng rời mấy em

tội gì ta phải kiêng khem

rượu bia nhan sắc đã thèm cuộc nhau

Ba năm lẻ nữa rất mau

có ham quất ngựa tàu cau được nào

giờ không bếp núc xôn xao

mây bay trắng lợp hàng rào ngoài sân

Ba năm lẻ nữa lần chần

tới luôn đừng có phân vân chút gì

đời ai mà chẳng chia ly

cớ chi cam chịu tự ti đã già

Ba năm lẻ nữa đàn bà

thấy mình ở tận đàng xa đã lùi.

Đỗ Quyên

Ba đoạn đời thơ 

Về việc hôn nhau trong thơ

Tôi và em

Mỗi người đều hôn người khác

trong các bài thơ của mình

Chúng mình không hôn nhau trong thơ

Không bao giờ

Hôm nay mới hiểu

     vì sao.

Câu thơ không có bài thơ

Tôi đã sống qua những đêm

một mình một căn nhà

và những người đàn bà trong các căn nhà khác

Sáng dậy

sau một đêm thức

hiểu sự vô thường

ở câu thơ không có bài thơ.

Câu thơ nấm mồ

Đang bí câu thơ kết

nhớ đến lời chào vĩnh biệt của em

Nhưng anh không muốn

dựng một nấm mồ hai xác chết.

(Trích Trường ca thơ)

Vancouver, 2010 - 2017

Hoàng Xuân Sơn

Đọc lại Chùa Đàn.

Nguyễn Tuân 

thả phừng vào cơn ngủ

vẳng rung nghe tiếng đàn

tơ sương trùm bản mệnh

đáy chủ lấp ngàn trang

mồ chữ úp then gió

cơ may một âm hồn

trả treo cùng thân gạo

đội tang về hương thôn

thử cầm phách gõ nhịp

vào khoảng không trắng nhờ

đất lìa hương mê thảo

rượu bỏng cuồng ngâm thơ

hâm bồ đề ấm cội

mắt khoáng dã phương quỳ

mơ chuông đồng trảm lối

một buổi về hoa thi.

2 jan. 2016

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 2 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước