Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
07:58 (GMT +7)

Thơ ca gieo mầm Sống từ Hy vọng

VNTN- Vào 15/2 vừa qua, Cuộc thi thơ online “Sống và hy vọng” nằm trong chuỗi hoạt động của Ngày thơ Việt Nam diễn ra tại Thái Nguyên, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã phối hợp cùng Ban Văn học nghệ thuật VOV6 và Diễn đàn văn chương Quán Chiêu Văn tổ chức đã chính thức khép lại. Bằng sự lan toả rất lớn, cuộc thi này đã thành công ngoài mong đợi từ những ấn tượng mạnh mẽ với công chúng. 

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh (trái), Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, Trưởng BTC Cuộc thi tặng hoa cảm ơn các thành viên Ban Giám khảo Cuộc thi. Ảnh: Thanh Lên.

Những dấu ấn đặc biệt

Chỉ trong vòng 1 tháng diễn ra cuộc thi (từ ngày 6/1 - 6/2/2022), Ban tổ chức đã nhận về gần 1.300 tác phẩm của hơn 500 tác giả ở tất cả các kênh: Diễn đàn Văn học nghệ thuật Thái Nguyên (VHNT TN), email và đường bưu điện. Đặc biệt trong số đó, gần 100 bài dự thi viết tay được gửi về. Những phong bao to nhỏ khác nhau, được viết rất cẩn thận và đầy đủ thông tin bằng chữ viết tay phía mặt ngoài.

Thậm chí có những thí sinh đã tự tay gấp giấy làm bì đựng. Đấy là những nâng niu mà những người tham gia đã gửi đến chúng tôi. Cũng là những trân trọng mà chúng tôi cần trân quý. Chưa có cuộc thi nào mà chúng tôi nhận được nhiều bài dự thi qua đường bưu điện đến vậy. Bóc phong bì, lật mở những trang giấy, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì có cụ đã nhiều tuổi lắm lắm vẫn nhiệt tình; rồi cả những bạn trẻ cũng hăng hái say sưa. Có khi gửi cả 2 lần cho chắc chắn. Tác giả Phan Thức (Phổ Yên - Thái Nguyên) điện thoại mấy lần cho Ban tổ chức để hỏi về việc đã nhận được tác phẩm chưa bởi ông sợ thất lạc,… Tất cả những điều đấy cho thấy sức lan toả của “Sống và hy vọng” đã đến với công chúng sâu rộng thế nào và họ đã đón nhận nó ra sao. 

Ngay từ những ngày đầu tiên phát động và thông báo Thể lệ, Diễn đàn VHNT TN đã tiếp nhận một số lượng lớn các bài đăng tham dự. Ban tổ chức không thể ngờ được sức hút lại nhanh đến như vậy và cứ thế tinh thần ấy được tiếp nối đến những ngày cuối cùng. Những tưởng trong dịp Tết Nguyên đán, không khí nộp bài sẽ chùng xuống vì mọi người còn phải lo lắng chuẩn bị cho năm mới. Nhưng không! Số lượng bài tăng dần, vượt hơn hẳn đợt đầu. Có những người dự thi khi quá ngày kết thúc vẫn “chăm chỉ” gửi mail cho Ban tổ chức và viết thư tay. Có lẽ vì biết đến cuộc thi muộn quá mà bởi háo hức vội vàng muốn tham gia nên họ không để ý đến thời gian. 

Tác giả Nguyễn Chí Diễn (Bắc Giang) còn “chăm chỉ” tổng hợp các tỉnh có số lượng thí sinh có bài đăng tải trên Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử để “khoe” lên facebook. Tác giả chia sẻ: “Ngày nào em cũng vào trang xem có tên mình không. Tiện thể tổng hợp luôn, ngày xưa em học khối A mà, em hay phân tích số liệu”. Có những người tham dự đáng mến như vậy, những người tổ chức cuộc thi như chúng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc nhường nào. 

Gần 100 bài dự thi viết tay được gửi về. Ảnh: QK.

Cuộc thi thơ online được mở ra trong thời điểm mọi thứ đều “đóng cửa”, trực tuyến là phương thức duy nhất để con người nhìn thấy nhau. Và Ban giám khảo của cả vòng Sơ khảo và Chung khảo có lẽ đều có những cảm xúc rất riêng khi được chấm giải qua màn hình máy tính. Với số lượng cực kì lớn của các bài tham dự, 5 giám khảo Sơ khảo đã phải tốc lực và nhẫn nại để chọn ra những thí sinh xứng đáng nhất vào vòng trong. Phân chia thành 3 đợt chấm bài, cùng 2 cuộc họp online, mỗi cuộc kéo dài 4 tiếng đồng hồ mới đủ thời gian để họ đưa ra kết quả cuối cùng. Nhà thơ Trần Đức Cường bộc bạch: “Chưa bao giờ tôi làm giám khảo của cuộc thi nào như vậy. Số lượng bài quá lớn, có những hôm tôi phải thức đêm mới xem được hết. Thơ ca có lẽ có dịp để không bị lãng quên”. 

Cuộc họp của BTC được thực hiện trực tuyến. Ảnh: Hạnh Quyên.

Những tháng ngày đặc biệt 

Trong thời điểm cả nhân loại đối mặt với dịch bệnh do Covid gây ra, ai cũng trải qua những sự lo âu, phấp phỏng, có cả tuyệt vọng nữa. Con người chưa bao giờ cảm thấy sự sống dễ dàng bị đe doạ, thậm chí dễ dàng bị tước đoạt đến thế. Thế nhưng nếu cứ chìm đắm trong những điều tiêu cực thì chúng ta khó lòng vượt lên. Chỉ có một cách duy nhất là nuôi dưỡng niềm tin, nghĩ đến những điều lạc quan thì đời sống này mới có thể tiếp tục. Và thơ ca chính là nơi để con người gieo trồng những mầm hy vọng nảy nở. Chính bởi lẽ ấy, Ban tổ chức đã lựa chọn chủ đề “Sống và hy vọng” dành cho Cuộc thi thơ năm nay. 

Từ khắp mọi miền cả nước, những ai biết đến Cuộc thi thơ lần này đều có chung một niềm háo hức. Có những người tham gia không phải chỉ với mục đích đoạt giải, mà với họ được chia sẻ yêu thương mới là giá trị cao nhất. “Mặc dù Chùm thơ dự thi đã được đăng trên trang VHNT Thái Nguyên nhưng không đạt giải, tôi cũng cảm thấy niềm vui lan tỏa. Còn sống là còn hy vọng về một khoảng trời thi ca đầy hương sắc. Cảm ơn Ban tổ chức Cuộc thi!” - tác giả Nguyễn Đức Bá đã thật thà chia sẻ như thế sau khi Cuộc thi kết thúc. Chúng tôi tin rất nhiều con người khác nữa cũng chung một dòng suy nghĩ như vậy. 

“Sống và hy vọng” đã giúp chúng tôi - những người trong Ban tổ chức nhận ra giá trị của Thơ ca vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí sức ảnh hưởng của nó đã vượt ra khỏi đường biên của Việt Nam để đến với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, trong đó có: Nhật, Ukraina, Đức và Pháp. Chị Quyên Gavoye - người đoạt giải Ba cuộc thi tâm sự: “Là chị. Mọi người không thể tưởng tượng được cảm giác của người xa quê. Suýt khóc. Mọi người làm quá tuyệt”.

Các thành viên BTC-BGK Cuộc thi giao lưu, trao đổi tại khán phòng sau khi kết thúc Chương trình Đêm thơ. Ảnh: Thanh Lên.

Với 35 thí sinh vào vòng chung khảo, Ban giám khảo đã phải nỗ lực hết mình trong việc chọn lựa. Sau khi có kết quả chấm, Ban tổ chức đã tổng hợp danh sách các thí sinh đoạt giải bao gồm: 2 giải Nhì, 3 Giải Ba, 7 giải Tư cùng 6 Tặng thưởng được công bố chính thức  trong Đêm thơ Nguyên tiêu - phát sóng trực tuyến trên Fanpage Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử. Chủ đề “Sống và Hy vọng” đã khiến cho những người cầm cân nảy mực thực sự khó khăn trong việc chọn lựa khi mỗi bài thơ là một câu chuyện, một nỗi niềm suy tư. Thế nhưng cuối cùng, thơ đã vì thơ mà lên tiếng, vì con người mà bộc bạch. 

Như nhà báo Trần Nhật Minh - Trưởng ban Văn học nghệ thuật VOV6 đã nói: “Giữa thời thế thế này mà Thơ vẫn âm ỉ, dào dạt ở chỗ này chỗ kia thì thật kính nể. Nể hơn cả là giữa lúc dịch giã vẫn chưa hết đe dọa, các hoạt động Ngày thơ bị đình trệ, một hội văn học nghệ thuật địa phương đã đứng ra khởi xướng và phối hợp với VOV6 và Quán Chiêu Văn tổ chức Cuộc thi thơ chủ đề “Sống và Hy vọng”, chỉ hơn 1 tháng phát động mà thu về hơn 1 nghìn bài. Chứng tỏ thơ và kể cả những thứ gần thơ, sắp thơ… vẫn là cái mác tinh thần lớn gắn vào một quốc gia “lạc quan” nhất.“

Hạnh Quyên

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy