Theo miền kí ức
VNTN- Cuộc thi Viết “Tôi và Thái Nguyên” đã dừng nhận bài. Công việc của tôi trong Ban tổ chức cũng đã cơ bản hoàn thành. Và tôi tự thấy mình cũng nên chia sẻ chút ít với quý độc giả, vì bản thân không được dự thi.
Thật ra, ban đầu tôi cũng định viết về những kí ức của mình để hưởng ứng sau Cuộc thi, vì nó chất chứa trong tôi đã từ lâu lắm. Nhưng cũng như nhiều người, lại băn khoăn không biết nên tái hiện “đoạn” nào trong cuốn phim lịch sử ấy, vì chỗ nào cũng đẹp, cũng đáng yêu, đáng khoe và nhất là không thể chọn ra đoạn nào là hay nhất!
Rồi thì, dường như bị “phân tán” đề tài do đọc nhiều bài dự thi gửi đến nữa. Đọc bài nào cũng thấy mình cũng có kí ức na ná, mà hay chả kém, vậy chẳng nhẽ “theo trend”?
Ngay từ những bài đầu tiên: “Những chuyến tàu đêm” (Võ Thị Thu Hằng), “Kí ức sắn” (Đào Nguyên Hải), “Dưới mái nhà xưa” (Sao Băng), “Hoa của thép” (Thạch Thảo)… đã gây ấn tượng mạnh cho tôi khi liên tưởng về kí ức tuổi thơ của mình. Rồi “Chị tôi” (Minh Hằng), “Đường làng” (Lưu Thị Bạch Liễu), “Khoảng trời tràn nắng” (Minh Quang)… khiến tôi thấy gia đình tôi ngày xưa như hiện về trước mắt.
***
Bố mẹ tôi đều là người Thái Bình lên xây dựng khu Gang thép ở những đợt đầu (1959), cùng làm trong Tổng đội Đường ống, sau là xưởng Hàn Tán. Lúc mới lấy nhau, bố mẹ tôi ở khu tập thể chỗ đồi Phúc Lợi (khu vực giao cắt giữa đường Cách mạng Tháng Tám với đường sắt Kép – Lưu Xá ngày nay). Vốn sinh ra từ “đất Chèo”, cả bố và mẹ tôi đều có năng khiếu chèo và tham gia sôi nổi vào đội văn nghệ của xưởng, của Nhà máy. Sau này, bố tôi còn làm nhạc công của Đoàn Chèo Gang thép nổi danh một thời. Ông tên là Trọng Thể, kéo nhị và thổi sáo rất hay, từng đoạt giải với tiết mục độc tấu sáo “Cây trúc xinh”, biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội. Khi tôi còn bé tí chưa đi học, ông đã dạy tôi kéo nhị và gảy đàn tam (có 3 dây cước). Tôi nhớ, được đưa lên hội trường ở Đồi Độc Lập, đứng lên trên cái ghế đẩu đánh đàn tam bài “Chú ếch xanh” phục vụ hội nghị, các bác vỗ tay nhiệt liệt và thưởng cho nhiều kẹo.
Sau này, bố tôi là cây “tấu nói” nổi tiếng của Thái Nguyên, với tiểu phẩm “Cái xẻng” nói về Gang thép. Hồi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra (1979), tiểu phẩm “Anh nuôi ra trận” của ông được về Hà Nội ghi hình và phát trên Đài Truyền hình Việt Nam. Cả nhà tôi rồng rắn xuống khu tập thể cán bộ (gần Hội trường 62) để xem nhờ tivi nhà một bác lãnh đạo, phát lúc 18 giờ ngày mùng 1 Tết, tôi còn nhớ mãi…
Cái tên của tôi cũng có lịch sử khá thú vị. Chẳng là, khi sinh con đầu lòng là chị gái tôi (sau cũng làm Gang thép rồi về hưu) tình cờ đúng vào 29/11/1963, ngày ra mẻ gang đầu tiên của Tổ quốc ở lò cao số 1 Khu Gang thép. Nhưng chị là con gái nên không thể đặt tên là “Gang”. Cho đến hai năm sau, khi tôi ra đời thì bố tôi mới lấy kỷ niệm Gang thép ấy đặt tên cho đứa con trai của mình. Bây giờ, trong công tác, mỗi khi gặp những người cùng tên như anh Đào Văn Thép (Bí thư Đảng ủy phường Châu Sơn, TP. Sông Công) hay Nguyễn Ngọc Thép (Bí thư Đảng ủy xã La Bằng, huyện Đại Từ)… tôi vẫn thường đùa: tôi mới là thép xịn!
Tôi có ngoại hình rất giống bố, cũng có “gien văn nghệ”, lại là trai đầu, nên được ông yêu chiều. Thời bao cấp khó khăn thế, nhưng ông luôn cho tôi tiếp xúc với văn hóa, văn nghệ: đưa đi xem “bóng đá quốc tế” trên sân vận động thành phố, đi xem chiếu phim lưu động; mua cho báo, truyện thiếu nhi... 10 tuổi tôi đã được bố sắm cho cây đàn măng đô luyn, niềm mơ ước của con nhà giàu chứ không nói đến con công nhân thời đó! Khoảng 2 năm sau, tôi lại được “nâng cấp” lên cây ghi ta gỗ và đi học nhạc, đúng như tác giả Nguyễn Minh Trọng đã viết trong bài “Kí ức 62”…
***
Khi đọc “Nhà máy của tôi” (Cồ Thị Thơm), “Kí ức về một trận bom” (Tiết Thị Minh Hà),… tôi lại nhớ về thời chiến tranh và chuyện đi sơ tán.
Tôi vừa sinh ra thì đúng khi giặc Mỹ dùng không quân đánh phá Thái Nguyên, và nhà tôi phải sơ tán xuống xóm La Cớm, xã Tân Quang (nay là phường Tân Quang, TP. Sông Công), cách nơi ở cũ chừng 6 – 7 km. Chị gái thì được gửi về quê, nhưng tôi nhỏ quá, nên cứ sáng được bà nội cõng đi, chiều lại cõng về (thời kỳ đầu giặc Mỹ đánh ngày, nghỉ đêm). Bố mẹ tôi vẫn phải vừa sản xuất, vừa chiến đấu trong Nhà máy. Sau thấy vất vả quá, và giặc Mỹ cũng chuyển sang đánh ban đêm, nên bố tôi đã quyết định làm một cái nhà tạm trên một quả đồi chưa có người ở tại nơi sơ tán. Nói là “tạm” nhưng gia đình tôi ở cho đến ngày thống nhất đất nước mới chuyển đi. Vậy là tuổi thơ tôi lớn lên ở đó. Mang tiếng “con nhà công nhân”, nhưng tôi lớn lên ở một vùng nông thôn trung du, với đủ các trò: bẫy gà gô, cò lửa; bắt cá, cua, lươn, ếch, trai trai, ba ba, thậm chí cả… rắn độc về ăn, như những đứa trẻ mục đồng thực thụ!
“An cư”, chị gái tôi được đón lên và thêm mấy đứa em tôi được ra đời. Như bao đứa trẻ cùng trang lứa, chúng tôi hồn nhiên mà lớn dù có phảng phất nỗi lo về chiến tranh, bom đạn. Ấy là cứ sau mỗi lần Nhà máy bị ném bom, bà tôi lại chạy sang hàng xóm hỏi han tình hình. Và chúng tôi cũng đứng hóng, đăm chiêu như người lớn.
Nhưng cái sự đăm chiêu của lũ trẻ không phải là thường xuyên. Nơi sơ tán hầu như không bị ném bom. Hễ báo động, bọn tôi chui vào hầm (khoét vào đồi ngay sau nhà), rồi đứng thập thò ở cửa hầm để xem… máy bay và tên lửa đuổi nhau, xem đạn pháo vút lên nổ đì đòm. Mấy chị em còn nghĩ ra đủ trò để quậy lúc bố mẹ vắng nhà. Một lần tôi đóng vai thầy giáo, đứng giảng bài. Bọn tôi khênh 1 tấm thép dày và nặng dựng lên làm bảng. Tôi vừa viết mấy chữ và quay lại hỏi “học sinh” thì… rầm. Tôi thấy man mát, xon xót ở gót chân. Nhìn lại, hỡi ôi! Tấm bảng sắt đổ xuống phạt vào đúng gót chân trái, gân trắng lộ ra (giờ còn sẹo). Tôi không thấy đau, mà chỉ sợ bố mẹ về mắng, nên lên giường trùm chăn nằm im. Một lần khác, tay cầm con dao nhíp gấp (loại 1 đồng 9 theo giá phân phối, in hình cột cờ Hà Nội) chạy từ trên dốc xuống, vấp phải cái rễ cây ngã sấp, mũi dao cắm luôn vào mặt. May cũng chỉ để lại cái sẹo nhỏ mà thôi!
Ngày ấy, công nhân Gang thép kiên cường lắm. Bám máy, bám lò. Máy bay đến thì xuống hầm tránh, riêng tự vệ thì lên trận địa bắn trả. Giặc đi lại hàn gắn, lại khôi phục sản xuất. Ở nơi sơ tán, hạnh phúc vỡ òa mỗi khi nghe tin tốt lành, rồi hết ca, lại thấy bố mẹ tôi trở về. Tôi nhớ một lần sợ đến thót tim sau một trận ném bom ở Nhà máy. Còi báo yên, bà tôi đi ngóng rồi chạy về báo: “Lạy trời cho bố mẹ mày không bị làm sao cháu ạ, tao nghe nói chú Sảng bảo vệ bị sập hầm rồi”. Đây là người duy nhất ở xóm tôi bị nạn. Và thật may mắn, chú được cứu sống, chỉ bị sức ép và ngạt, từ đó tóc chú bạc trắng.
…Nhiều kí ức lắm: Cuộc sống thời bao cấp; bạn bè, thầy cô thời học phổ thông; gian khó thời học sinh, sinh viên; nhiệt huyết của tuổi trẻ khi bước vào công tác;… cùng với bao trải nghiệm thực tiễn qua những ngành nghề, chuyên môn khác nhau, để giờ đây giúp ích rất nhiều cho tôi trong công tác biên tập. Suốt chặng đường ấy, và cho đến nay, tôi luôn tự hào mình là “Người Gang Thép”.
Với tất cả những kiến thức, vốn sống ấy, với tình cảm trân trọng miền kí ức của các tác giả dự thi, tôi như được khơi dậy kí ức của chính mình, nghiêm cẩn với từng con chữ, từng địa danh, sự kiện, chau chuốt từng bức hình minh họa trước khi duyệt đăng. Mỗi bài viết đến với độc giả lại mang đến cho tôi một niềm vui nho nhỏ, vì tôi biết, nhiều người đang mong đợi và trân quý dáng hình quê hương mình trong những miền kí ức.
Gang Thép, 02/11/2021
Trần Thép
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...