Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
20:34 (GMT +7)

Thái Nguyên và tình yêu “to đùng” của bố 

VNTN - Biết bố yêu thích những cuốn sách viết về lịch sử, tôi thường thu thập, sưu tầm cho bố những cuốn lịch sử đảng bộ địa phương. Căn phòng nhỏ của bố bên cạnh các báo tạp chí văn nghệ, luôn dành nhiều chỗ cho các cuốn sách lịch sử.

- Thái Nguyên có gì mà níu chân bố vậy?

- Thì, Thái Nguyên có mẹ và các con là những tình yêu “to đùng” níu chân bố chứ sao?

Tôi nhớ mãi buổi trưa hè hôm ấy, tôi và bố về quê. Sau bữa cơm cùng các cô chú trong nhà, bố dẫn tôi ra cánh đồng làng. Giữa bát ngát mênh mông của cánh đồng lúa, bố lại kể cho tôi nghe về mảnh đất Hà Tây quê lụa - nơi bố sinh ra - và mảnh đất Thái Nguyên quê hương thứ hai của mình.

Năm 1976, bố lên Thái Nguyên công tác tại Công ty Gang thép. Tại đây bố gặp mẹ, người thiếu nữ miền đất Kha Sơn của huyện Phú Bình. Bố mẹ làm cùng phân xưởng, rồi ý hợp tâm đầu, hai người đến với nhau. Lúc đầu ông bà nội cản ghê lắm nhưng bố vẫn quyết tâm gắn bó với đất và người Thái Nguyên. Ông bà ngoại cho bố mẹ sào đất ven làng. Bố mẹ dựng căn nhà nhỏ, rồi lần lượt đón những tình yêu “to đùng” ra đời. Đi qua những năm tháng khó khăn, củ khoai, củ sắn nuôi anh em chúng tôi khôn lớn, trưởng thành.

Lớn hơn một chút, được đi nhiều nơi nhưng tôi vẫn luôn đắm đuối với mảnh đất trung du nửa đồng nửa núi quê mình. Cả bầu trời tuổi thơ ở đó, những buổi cùng bố lên đồi hái sim, tìm hoa dẻ - thứ quà tuổi thơ mà nhắc lại tôi có cảm giác vẫn còn thoang thoảng mùi hương quanh đây. Biết sở thích của con gái, bố thường hái cho tôi cả một nón sim và hoa dẻ, tha hồ thưởng thức về đến tận nhà.

Bố rất chiều tôi nhưng lại khá nghiêm khắc trong việc giáo dục con cái. Bố yêu thích lịch sử và có thời gian nào phù hợp là bố lại lồng ghép kể cho chúng tôi nghe về quá khứ hào hùng của dân tộc, gần hơn là lịch sử của tỉnh, huyện, xã. Mỗi lần bố đi chơi nhà mấy người bạn, bố lại đạp xe cho tôi đi cùng. Không biết bố cố tình đạp xe qua mấy di tích lịch sử của xã rồi giới thiệu cho tôi về những địa danh lịch sử ấy hay là con đường đến nhà bạn bố vòng vèo đến thế. Tuy nhiên tôi lại rất hào hứng với cách bố truyền cảm hứng cho tôi về truyền thống cách mạng quê hương. Có lẽ bố phải sưu tầm và đọc nhiều sách sử lắm thì mới giới thiệu một cách cặn kẽ về mảnh đất quê hương Kha Sơn anh hùng. Nơi ấy còn lưu giữ rất nhiều dấu tích từ những năm tháng cách mạng. Bố kể rằng: Mảnh đất Kha Sơn chính là nơi khởi nguồn cách mạng của huyện Phú Bình. Nơi đây có 11 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 7 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 4 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Tiêu biểu nhất phải kể đến Cụm di tích lịch sử văn hóa xã Kha Sơn, bao gồm: Chùa Mai Sơn, đình Kha Sơn Hạ - chùa làng Ca, đình Kha Sơn Thượng, rừng Mấn, rừng Rác và nền nhà ông Cao Nhật. Nơi đây đã đùm bọc, bảo vệ nhiều cán bộ của Đảng hoạt động trên địa bàn; bảo vệ cán bộ các nơi đến dự các lớp đào tạo, huấn luyện quân sự, chính trị, trong đó có nhiều lớp bồi dưỡng cho cán bộ chủ chốt các tỉnh. Các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt,... đã chủ trì hoặc trực tiếp giảng bài tại các lớp học này.

Thực ra, lúc nhỏ nghe bố kể, tôi cũng chỉ mường tượng được phần nào. Sau này, nghiên cứu chuyên sâu về mảng lịch sử địa phương, nhiều kiến thức tôi lại phải mang giấy bút đến hỏi bố. Phải yêu mảnh đất và con người nơi đây lắm bố mới giảng giải kĩ lưỡng cho tôi đến vậy. Rồi hồi ấy, mỗi lần Hội Cựu chiến binh xã tổ chức cho hội viên đi du lịch các di tích lịch sử trong tỉnh bố lại xin thêm một suất để cho tôi đi cùng. Vì thế, so với bạn bè trong lớp, có lẽ tôi là đứa được đi tham quan nhiều điểm di tích danh lam thắng cảnh trong tỉnh nhất. Đến các di tích như ATK Định Hóa hay Hồ Núi Cốc,... bố đều giới thiệu cho tôi nghe về lịch sử hào hùng cũng như vẻ đẹp của mảnh đất và con người nơi đây.

Để rồi, khi học ở trên lớp, môn lịch sử bao giờ điểm của tôi cũng cao nhất lớp. Sau này khi vào đại học, có lẽ do ảnh hưởng từ bố mà tôi đã chọn chuyên ngành Lịch sử Đảng để thỏa niềm đam mê của mình. Ra trường, được làm đúng với chuyên môn, tôi vui và có lẽ bố là người còn phấn khởi hơn cả tôi nữa. Biết bố yêu thích những cuốn sách viết về lịch sử, tôi thường thu thập, sưu tầm cho bố những cuốn lịch sử đảng bộ địa phương. Căn phòng nhỏ của bố bên cạnh các báo tạp chí văn nghệ, luôn dành nhiều chỗ cho các cuốn sách lịch sử.

Ở quê, bố có rất nhiều bạn già. Ngày nào, các cụ cũng ngồi uống chè rồi đàm đạo chuyện trò với nhau. Bao năm rồi bố và những người bạn vẫn duy trì được thói quen ấy. Khi thì ở nhà người này, khi lại sang nhà người khác. Bố không sinh ra ở Thái Nguyên nhưng trong tâm niệm của những người bạn thì bố là người am hiểu về Thái Nguyên hơn rất nhiều người. Một vài lần các cô chú và người thân ở quê gốc của bố lên thăm chơi và có ý đón bố về quê. Những lúc ấy tôi thấy mặt bố đỏ lên, ánh mắt đượm buồn xa xăm. Có lẽ bố cũng suy nghĩ nhiều lắm. Bố cũng chỉ trả lời ậm ờ, rằng khi nào già hẳn rồi tính. Mọi người chỉ biết cười xòa rồi lại rôm rả câu chuyện sau bao ngày không gặp gỡ.

Ngoài 70 tuổi, sức khỏe của bố đã giảm sút hơn xưa. Các con đi công tác, lấy chồng đều xa nên ít có dịp về thăm bố mẹ. Trong căn nhà nhỏ, bố mẹ vẫn lặng lẽ vào ra và mỗi lần điện thoại reo, các con báo sắp trở về thăm nhà là bố mẹ vui mừng lắm. Lần nào, bố cũng chu đáo thịt sẵn hai con gà. Một con cả nhà liên hoan luôn, một con dành cho các cháu mang về…

Chiều cuối thu, gió ngoài đồng thổi vào xào xạc. Tôi đưa các con về thăm ông bà sau vài tháng trời giãn cách vì COVID-19. Có các cháu về ríu rít vui đùa nên nhìn ông bà mừng lắm. Bố tôi đưa bọn trẻ ra khu cánh đồng chơi. Cánh đồng lúa đang ngả vàng chuẩn bị cho thu hoạch, xa xa là rặng tre làng soi bóng dòng suối. Phong cảnh làng quê thật nên thơ. Bố khẽ khàng nói với tôi:

- Bố chuẩn bị được ít tiền, vừa mua lại mảnh đất nho nhỏ của người trong xóm ở gò đất cao kia, sau này bố có khuất đi, các con cho bố về đấy nhé.

Nghe bố nói, nước mắt tôi chảy tràn hai bên má. Nhiều lúc chúng tôi vô tâm quá. Cứ nghĩ mình vẫn còn là trẻ con và vẫn được bố mẹ chở che, yêu thương, bao bọc như hồi còn thơ bé vậy. Tôi có biết đâu là bố đã già và yếu đi nhiều.

Hơn nửa đời người bố gắn bó với Thái Nguyên và mảnh đất yêu thương ấy cũng sẽ là điểm dừng chân cuối cùng của bố…

Lê Thị Hào

(Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Phú Bình)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xóm Đồi yêu dấu

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Vó Ngựa, mảnh đất tôi yêu

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Cầu Huy Ngạc trong tôi

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Đồi Dung

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Chã - nơi ấy có mẹ chồng tôi

Xem tin nổi bật 8 tháng trước

“Người Gang Thép!”

Xem tin nổi bật 9 tháng trước