Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
09:09 (GMT +7)

Thái Nguyên – Nơi chắp cánh ước mơ

VNTN- Khi phố đã lên đèn, chị Bình chở tôi về phòng trọ, ăn vội suất cơm bụi rồi đi dạy thêm. Từ ngày đó, lúc nào có thời gian thì tôi lại vào Trường chơi với các bạn. Mỗi người một hoàn cảnh, các bạn khiếm thị học văn hóa bằng chữ nổi Braille, biết chơi hầu hết các loại nhạc cụ, học nghề...

Giáo viên Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi tỉnh Thái Nguyên luôn tận tâm với các em học sinh. Ảnh: Đặng Thùy.

Tháng 9 năm 2009, tôi nhận được giấy báo trúng tuyển Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Được đi học, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì bản thân sẽ được đến Thái Nguyên - nơi đã cưu mang ông bà ngoại trong và sau những năm tháng chiến tranh biên giới, nơi có rừng cọ đồi chè xanh mướt trang thơ. Lo vì nhà còn chạy ăn từng bữa, chị gái đang học Cao đẳng năm thứ ba, em trai học lớp mười một. Tôi phân vân không biết nên theo đuổi bốn năm trên ghế giảng đường hay lao vào đời đi làm thuê kiếm sống. Bố bảo: “Sớm mồ côi, học hết lớp bảy, bố phải nghỉ học giữa chừng, thiệt thòi lắm. Học được thì nên theo con ạ”. Và tôi quyết định một mình bắt xe khách từ Cao Bằng xuống Thái Nguyên nhập học.

Lần thứ hai từ trên "rừng" đến một thành phố lớn, sau khi làm xong thủ tục nhập học, các chị ở xóm trọ tạm thời đã rủ tôi đi “loanh quanh cho biết” để sau này không bị lạc đường. Qua bến xe, thấy xe khách chạy ngược, tôi nhớ nhà ghê gớm. Chị Ngoan quê ở Lạng Sơn như đang thực hành bài hướng dẫn du lịch, chỉ cho tôi biết chợ Đồng Quang, đường đi Hà Nội, đường Phan Đình Phùng,...

Chị Bình rẽ sang đường Minh Cầu và dừng lại trước cổng Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi tỉnh Thái Nguyên (nay đổi tên thành Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên). Sau khi xin phép bác bảo vệ, cất xe, mấy chị em tiến vào sân. Nơi đây chăm sóc và định hướng nghề nghiệp cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các vùng lân cận như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Yên Bái,… Một bạn bị khiếm thính nắm lấy tay tôi làm quen. Chị Bình chia cho bạn một túi kẹo, bạn dùng ngôn ngữ cử chỉ đáp lại và chạy về cuối dãy kí túc. Khi vào một căn phòng, tôi thấy các bạn khiếm thị đang ôm đàn ghita say sưa hát: “Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng. Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương. Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm. Là người, tôi sẽ chết cho quê hương,...”. Dường như đã nghe được tiếng bước chân, các bạn vừa hát vừa cười gật đầu chào. Chẳng mấy chốc, chúng tôi làm quen với nhau. Bạn Đại, bạn Chu quê ở Định Hóa, bạn Đức quê ở Đồng Hỷ, bạn Thanh, bạn Hải nhà dưới Phổ Yên và một số bạn khác nữa. Phòng kí túc gọn gàng, sạch sẽ, ai nấy đều vui vẻ. Tôi nghĩ tại sao mình lại buồn? Năm lên ba tuổi, nếu không được chữa trị kịp thời thì tôi cũng như các bạn bây giờ.

Vừa ăn kẹo, các bạn vừa kể câu chuyện lập nghiệp của vợ chồng anh Thiện và ước mơ của bản thân. Chị Ngoan nhanh nhảu: “Nếu phát tờ rơi để mọi người biết đến Cơ sở tẩm quất của người khiếm thị thì chúng mình làm cho. Chiều nay mấy chị có hứng thú dạo phố, nhân tiện cho cô bé sinh viên mới này biết đường đi lối lại, ít nữa quăng mình vào đời cày cuốc gia sư này nọ không sợ lạc”. Nói là làm, tôi ngồi sau xe các chị đến từng địa điểm để phát cho mọi người. Tôi biết thêm ở thành phố này có Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam, đền thờ Đội Cấn, chợ Thái, nhà thờ Túc Duyên, cầu Gia Bảy, chùa Phủ Liễn,... Khi phố đã lên đèn, chị Bình chở tôi về phòng trọ, ăn vội suất cơm bụi rồi đi dạy thêm.

Từ ngày đó, lúc nào có thời gian thì tôi lại vào Trường chơi với các bạn. Mỗi người một hoàn cảnh, các bạn khiếm thị học văn hóa bằng chữ nổi Braille, biết chơi hầu hết các loại nhạc cụ, học nghề... Tôi thân với Chu nhất. Bạn đa tài: thạo tiếng Anh, thạo điện thoại, tin học, hát và đánh cờ được giải cao toàn quốc,... Bạn bảo: Nếu đã theo đuổi ước mơ thì kiên trì nhé, như chúng tớ đây không phải chỉ nhìn thấy một màu đen đâu. Chẳng có cái gì dễ dàng, những vân tay nhỏ bé này cho mình phân biệt được mệnh giá tiền đấy. Nếu thấy chán cuộc sống này, hãy vào đây một ngày, mọi người sẽ lấy lại niềm vui.

Tôi biết, các thầy cô giáo ở Trường đã cho các bạn một “Mái ấm yêu thương”. Nơi đây ăm ắp tình người giữa lòng thành phố Thái Nguyên. Tôi còn theo các bạn bắt xe khách về nhà nhau chơi, đi cưỡi ngựa, làm sáo. Những chuyến đi đó giúp tôi biết được nhiều hơn về Thái Nguyên và hi vọng gắn bó với mảnh đất này. Thanh có người yêu. Đó là một cô gái xinh xắn, lành lặn chủ động bày tỏ tình cảm của mình với chàng trai ít nói. Cả đội rất vui khi phát hiện ra mỗi lần cậu đánh đàn thì len lén bật điện thoại cho người yêu nghe. Vượt qua mọi rào cản, khó khăn, cả hai về chung một nhà và mở cơ sở nho nhỏ.

Khoảng năm 2010, một hôm, tôi đến thăm các bạn thì thấy trong phòng có hai bé gái đều có đôi mắt mờ đục, hồn nhiên học hát bài “Bà ơi bà”. Khi được chia kẹo, các em biết lễ phép nhận. Bạn Chu cho hay, hai chị em ruột này là Chô và Dí, dân tộc Mông, từng bị người thân có ý định bán sang bên kia biên giới vùng Tây Bắc lấy tiền mua thuốc phiện. Được đội sinh viên tình nguyện phát hiện và đưa về Trường mới được ít ngày. Cô chị tám tuổi, cô em mới lên sáu. Khi tới đây chưa biết nói tiếng Kinh, cũng không biết làm vệ sinh cá nhân. Các cô giáo ở Trường thay nhau trông mỗi người một ngày đêm. Đặc biệt, cả hai chị em có giọng hát trong trẻo. Tôi đã khóc. Mừng vì các em không bị kẻ buôn người đem đi trót lọt. Yên tâm khi các em được chăm sóc chu đáo hơn ở nơi các em được sinh ra. Ở Thái Nguyên, các em cũng sẽ như tôi, có những người bạn, có ước mơ và lớn lên như những bông hoa.

Đại diện Quỹ từ thiện “Trái tim Danko” đến tặng quà cho học sinh của Trường, tháng 10/2019. Nguồn: dankogroup.com.vn

Chu còn giúp đỡ tôi tìm việc làm thêm để vượt qua kỳ học cuối. Sau bốn năm, ra trường, mỗi người một ngả. Chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Chu, Đức, Đại, Đạt đã tốt nghiệp Đại học và đi làm. Các bạn còn lại đều mở cơ sở tẩm quất dưới Hà Nội. Thỉnh thoảng về thăm nhà, mọi người lại gọi tôi ra cơ sở của vợ chồng anh Thiện ở cạnh chùa Phủ Liễn ăn cơm như người trong gia đình. Tôi lấy chồng Thái Nguyên. Đây là nơi yên bình nhất mà tôi lựa chọn để gắn bó.

Ai cũng có một ước mơ. Thái Nguyên đã cho chúng tôi thực hiện ước mơ đó. Nhìn vào nhau vượt qua khó khăn và soi lại mình, thấy từng phút từng giây thật đáng sống.

Hoàng Thị Hiền (Phú Bình, Thái Nguyên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Một cánh chim bằng

Xem tin nổi bật 3 ngày trước

Mái trường của tôi

Tôi và Thái Nguyên 6 ngày trước

Dọc miền kí ức

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Vẳng tiếng chuông chùa

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Xóm Đồi yêu dấu

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Vó Ngựa, mảnh đất tôi yêu

Xem tin nổi bật 5 tháng trước