Thái Nguyên – một thời đạn bom, một thời hòa bình
VNTN- Bạn có nghe thấy lịch sử hào hùng của Thái Nguyên đang nói với hôm nay bao điều thiêng liêng? Có bao ước mơ dang dở của các thế hệ đi trước đang chờ đợi chúng ta thực hiện.
Cầu Gia Bảy khánh thành năm 1964. Ảnh: T.L. Nguồn: baothainguyen.vn
Tôi sinh ra ở Bến Tượng - Thái Nguyên. Nhà tôi ở bên con đường đi xuống bến. Vào mùa thu, Bến Tượng đẹp và buồn, nước trong và lạnh, nhìn rõ bao đá sỏi nằm ngủ mơ nơi đáy nước. Sông Cầu như một thiếu phụ dịu dàng choàng tay ôm thành phố. Đầu những năm 60 của thế kỉ XX, thành phố Thái Nguyên còn nghèo, những phố nằm ở trung tâm, ngoài một số công sở là nhà xây có mấy dãy nhà mái lá nằm đối diện với quảng trường bây giờ. Trong những ngôi nhà đơn sơ đó có một gian hàng bán cà phê và bánh sừng bò đựng đầy kem, trên mặt bánh có rắc vừng thơm ngậy. Tôi đã đứng ngoài cửa sổ nhìn vào, mút ngón tay mãi không về được.
Năm 1965, chiến trường miền Nam ngày càng ác liệt. Đúng vào năm đó bom Mỹ đã đánh sập một dầm cầu Gia Bẩy, rất nhiều người con của Thái Nguyên đã ngã xuống ở nơi này. Cầu đã được sửa chữa gấp. Những đoàn xe quân sự lại nối đuôi nhau đi ra tiền tuyến. Máy bay Mỹ thường xuyên bắn phá Thái Nguyên - Khu Công nghiệp luyện kim đầu tiên của cả nước. Tôi nghe lỏm cha mẹ thầm thì chuyện phải sơ tán khỏi thành phố. Lúc đó, tôi cũng không hiểu “sơ tán” là gì. Chúng tôi chuyển vào ở tại phố Đán, tưởng chừng chỉ đi ít ngày rồi trở lại, nào ngờ đi mãi đến tận hôm nay.
Năm 1972, một buổi chiều cha đèo tôi trên xe đạp về nhà bác Cả tại xã Linh Sơn. Con đường đầy đá hộc gập ghềnh, bên đường đào sẵn những hầm trú ẩn hình tròn, bên cạnh để nắp hầm bê tông. Khi vừa đi qua một cánh đồng rau thì còi báo động rú liên hồi. Bom nổ dữ dội, cha tôi quăng xe đạp vào bên đường, dắt tay tôi chạy vào trú trong chiếc cống khổng lồ. Bỗng thấy đất trời rung chuyển lắc lư như đưa võng, đặc biệt có âm thanh lạ lùng như tiếng hàng vạn hạt ngô nổ ròn tan trong lò khi người ta nổ bỏng, thì ra đó là tiếng hàng ngàn viên bi của bom bi bắn vào vỏ cống. Cha ôm ghì lấy tôi, hét lớn:
- Cả bom tấn và bom bi đấy. Con lấy ngón tay bịt chặt lỗ tai rồi há mồm...
Tôi mếu máo:
- Cha ơi, thế này lại phải “sơ toán” đi thôi.
Giặc Mỹ bắn phá ngày càng ác liệt hơn, nhà cháy, người chết, có đàn vịt chết trắng cánh đồng. Mấy anh em tôi cùng các em con chú Đường sơ tán về nhà bác Cả, cùng mọi người đào đắp một hầm kèo khổng lồ. Cứ còi báo động rú lên là tất cả lao xuống hầm. Nửa đêm hôm đó, tôi mắt nhắm mắt mở quờ quạng xuống hầm, bỗng quờ tay vào một khúc gì dài, lạnh, ram ráp, ngùng ngoằng, thì ra đó là một con rắn. Tôi hét lớn, vùng chạy lên cửa hầm, mấy anh chị em trêu trọc:
- Sợ rắn hơn bom Mỹ à...?
Cũng vào năm 1972 lịch sử này, giặc Mỹ cho B52 “rải thảm” khắp miền Bắc, trong đó có Thái Nguyên là một trọng điểm hứng ngàn tấn bom của quân thù. Các nhà máy như Giấy Hoàng Văn Thụ, Điện Cao Ngạn, Khu Gang thép Thái Nguyên... lửa cháy ngút trời. Bác Cả, cha tôi, chú Đường đều tham gia dân quân tự vệ, vừa sản xuất vừa chiến đấu. Đêm đến đạn pháo cao xạ, tên lửa, súng 12 ly 7 bắn lên đỏ trời. Bác Cả cầm tay chú Đường nghẹn ngào.
- B52 rải thảm thì không có gì sống sót nổi. Hay chú xin nghỉ ốm về đây ít bữa. Nhà máy của chú là mục tiêu bắn phá. Nhỡ ra.
- Không được anh ạ. Anh chị cho em gửi các cháu thôi. Chúng nó vào tận nhà bóp cổ mình, ngồi yên hay trốn tránh đều hèn lắm. Nếu hai vợ chồng em có chuyện gì không hay, nhờ anh chị nuôi các cháu hộ chúng em.
Đêm đêm, tiếng máy bay phản lực Mỹ rít như xé vải, tiếng máy bay, ném bom hạng nặng trầm đục, ì ì, rồi tiếng nổ ghê gớm khiến đất đai, nhà cửa rung lắc dữ dội. Pháo và tên lửa của ta vạch lên trời hàng ngàn vệt đỏ căm hờn. Nhiều máy bay giặc tan xác trên bầu trời Thái Nguyên, có cả pháo đài bay B52, cháy như bó đuốc. Trưa hôm ấy, bọn trẻ chúng tôi gào thét đến khản cổ, rồi sung sướng nhìn theo người lớn đi băt phi công Mỹ, khi xuất hiện hai chiếc dù một trắng, một đỏ đang sa xuống cánh đồng xa tít tắp. Bác dâu Cả cầm đòn gánh vừa chạy vừa hét:
- Dù đỏ là của thằng phi công cấp tá đới. Chết mẹ chúng mày đi. Hai con trâu nhà tao có tội gì mà mày bắn chết nó…
Đêm hôm ấy, tôi thấy bác Cả đứng khóc ngoài sân, cứ nhìn mãi về phía nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ - Nơi ấy có những quầng lửa đỏ lòm liếm lên bầu trời. Bác Cả vừa khóc vừa thều thào:
- B52 rồi em ơi. Em tôi chết mất thôi. Cầu trời Phật, tổ tiên phù hộ độ trì cho chú Đường...
Mấy hôm sau, chú Đường kể lại trận bom kinh hoàng kia, cả nhà mới biết đến chuyện may rủi kì lạ trong chiến tranh:
- Pháo với tên lửa mình bắn kinh lắm. Nếu không thì tan tành hết. Em là xạ thủ 12 ly 7 trực chiến mấy đêm rồi. Đêm ấy em được nghỉ ở nhà, nửa đêm B52 “rải thảm” chà đi xát lại xóm em, tất cả cháy tan hoang hết, nhà nào cũng có người chết, có nhà không còn một ai. Nhưng không hiểu sao cả hai lần cắt bom của chúng, đến đúng nhà em thì dừng không có quả bom nào rơi xuống, cứ như là chúng nó chừa nhà em ra, mọi người thấy có lạ không?
Bác Cả cười sang sảng mà nước mắt ròng ròng:
- Trời Phật, tổ tiên phù hộ đấy. Bà nó đâu? Thịt hẳn 3 con gà liên hoan, ăn mừng cả nhà ta đi qua mũi tên, hòn đạn mà không sứt mảnh da nào.
Bọn Mỹ thất bại phải ngồi vào bàn đàm phán tại Paris. Thái Nguyên cùng cả miền Bắc đứng dậy từ đổ nát hoàng tàn, xây dựng lại từ đau thương mất mát. Cầu Gia Bảy đã được sửa chữa, để lại soi bóng xuống sông Cầu trong xanh. Hương chè Tân Cương lại ngát thơm như tình người Thái Nguyên nhân hậu, kiên cường. Tôi ngắm nhìn gương mặt của cha mẹ, bác Cả, chú Đường cùng bao người Thái Nguyên khác mà xúc động trước một điều kì diệu: - Áo còn vá, ăn sắn khoai, mắt trũng sâu, nhặt từng thanh tre, viên gạch vỡ, gom góp để xây dựng lại trên tro than... Nhưng họ bình thản, không có biểu hiện nào của lo sợ, vì sao? Thái Nguyên anh hùng bởi có những người con anh hùng ấy. Chúng ta phải sống thế nào khi soi gương mặt, tâm hồn mình vào những tấm gương như thế? Cách đó không xa cầu Bến Tượng đồ sộ , hiện đại đã nối hai bờ sông. Hai cây cầu, một của quá khứ bi hùng, một của hiện tại thịnh vượng sóng đôi, như là biểu tượng của truyền thống và hiện đại hiện diện trên mảnh đất này.
Cầu Bến Tượng, thành phố Thái Nguyên. Ảnh minh họa, nguồn:vannghethainguyen.vn
Bao năm tháng đã như nước sông Cầu đi ra biển lớn, tôi đi giữa Thái Nguyên nguy nga hiện đại hôm nay mà như đi giữa một dòng sông, bờ quá khứ anh hùng thì thầm nhắc nhở, bờ tương lai tươi sáng vẫy gọi, tôi thành con sóng yêu thương gian díu giữa đôi bờ thực ảo.
Đi qua đài phun nước ở trung tâm thành phố, những tia nước như những ngón tay trắng muốt, đang muốn níu người qua mà nhắn nhủ:
- Bạn có nghe thấy lịch sử hào hùng của Thái Nguyên đang nói với hôm nay bao điều thiêng liêng? Có bao ước mơ dang dở của các thế hệ đi trước đang chờ đợi chúng ta thực hiện.
Ai đang hát, bài hát “Huyền thoại Hồ Núi Cốc” ngân nga, để núi rừng cùng lòng người chòng chành sóng sánh, khiến bạn bè bốn phương về đây đắm đuối với đất, với người quê mình tình nghĩa và anh hùng.
Nguyễn Đức Hạnh
(Thái Nguyên)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...