Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
07:07 (GMT +7)

Thái Nguyên – Miền đất lành

VNTN- Tôi chợt nhớ đến câu tục ngữ “Đất lành chim đậu”. Thái Nguyên đúng là miền đất lành, miền đất nhân hậu đã và đang cưu mang, nuôi dưỡng những người con ân nghĩa, giàu ý chí, khát vọng vươn lên.

Khách sạn Dạ Hương - cơ ngơi mà anh Đỗ Trọng Hiệp cùng gia đình đã tạo nên trên mảnh đất Thái Nguyên

Tôi là người Hải Dương, những năm 70, 80 của thế kỉ XX, hàng xóm kế bên nhà ông bà ngoại tôi là nhà anh Hiệp. Anh lớn hơn tôi khoảng chục tuổi, học rất giỏi và cực đẹp trai (!). Học hết cấp 3, anh Hiệp đi bộ đội, rồi đi xuất khẩu lao động ở Tây Đức. Khi về nước, anh phải lòng chị Hằng, một cô gái Thái Nguyên xinh đẹp và giỏi giang. Anh chị nên duyên vợ chồng và chọn thành phố Thái Nguyên là nơi gây dựng cơ nghiệp, lập nên một chuỗi nhà hàng khách sạn lộng lẫy, hoa lệ, góp phần cho sự phát triển hưng thịnh của ngành du lịch Thái Nguyên suốt từ đầu những năm 1990 cho đến nay.

Có lần về quê anh tâm sự: “Không chỉ phải lòng người Thái Nguyên, anh còn có duyên và phải lòng với cả mảnh đất Thái Nguyên xinh đẹp, hữu tình này. Với anh, Thái Nguyên thực sự đã trở thành quê hương thứ hai”.

Vốn rất ngưỡng mộ ý chí, tài năng, phẩm chất và nhân cách của anh, tôi tò mò muốn tìm hiểu xem lí do nào đã khiến anh chọn Thái Nguyên là nơi để gắn bó, góp phần dựng xây và cống hiến.

Trong một chuyến đi du lịch Thái Nguyên, đoàn của chúng tôi đặt chân đến khách sạn 4 sao của anh giữa thành phố Thái Nguyên hoa lệ.

Đêm xuống. Đứng từ trên tầng cao nhất của khách sạn mà ngắm nhìn toàn cảnh, mới thấy hết sức sống và sự phồn hoa của Thành phố. Ánh đèn điện từ hàng trăm, hàng ngàn tòa nhà cao tầng đã thắp sáng màn đêm, khiến cho thành phố miền đồi núi trung du đẹp ngỡ ngàng và lung linh, huyền diệu.

Sáng tinh mơ thức dậy, đứng trên nóc khách sạn mà ngắm nhìn, toàn cảnh Thành phố hiện lên một vẻ đẹp hết sức chân thực và thơ mộng. Từng dãy núi trập trùng như lưng một con rồng xanh khổng lồ ôm quanh. Nơi đó, ngút ngàn đồi chè xanh ngan ngát, nõn nà màu lục biếc. Những mái ngói đỏ tươi san sát dưới thung lũng. Những tòa nhà cao tầng sơn đủ màu sắc sáng tươi như chạm mây trời. Từ phía đông, một vệt mây hồng ló rạng, ông mặt trời nhẹ nhàng, tinh nghịch thò ra vầng trán, đôi mắt, rồi bất ngờ nhoẻn miệng tươi cười và hất tung cái chăn vàng óng ả, đầy ánh sáng xuống muôn nơi. Cả thành phố như thức dậy và đang bừng lên một ngày mới đầy âm thanh và màu sắc.

Sau bữa sáng điểm tâm nhẹ nhàng, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá, thưởng ngoạn vẻ đẹp của Thái Nguyên. Qua lời của người hướng dẫn viên, cả đoàn được ôn lại và hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng của Tỉnh. Nơi đây là quê hương của Lý Nam Đế tức Lý Bí (vị hoàng đế đầu tiên của đất nước ta, người có công đánh tan giặc Lương xâm lược, lập nên nhà nước Vạn Xuân ở thế kỉ VI); là cái nôi của cách mạng Việt Nam, nơi ra đời các tổ chức vũ trang: Cứu quốc quân II, Giải phóng quân…; là nơi Bác Hồ đã sắc phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, vị Tổng tư lệnh huyền thoại, đáng kính của quân đội ta. Thái Nguyên được trìu mến gọi là “Thủ đô gió ngàn” bởi nơi đây là trung tâm của chiến khu Việt Bắc. Ở đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã sống và làm việc suốt 8 năm (1947 - 1954), đề ra những quyết sách quan trọng, cùng bộ đội và nhân dân cả nước đánh đuổi giặc Pháp xâm lược, làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lấy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ôn lại những sự kiện lịch sử trọng đại ấy, trái tim tôi bồi hồi xúc động, thấy Thái Nguyên thật xứng với tên gọi “Mảnh đất của cội nguồn, mảnh đất lịch sử anh hùng”. Tôi bồi hồi nghĩ đến bài thơ “Cảnh rừng Việt Bắc” của Bác Hồ, được Người viết từ lúc còn nằm gai nếm mật ở chiến khu: “Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay/ Vượn hót, chim kêu suốt cả ngày/ Khách đến thì mời ngô nếp nướng/ Săn về thường chén thịt rừng quay/ Non xanh nước biếc tha hồ dạo/ Rượu ngọt chè tươi mặc sức say/ Kháng chiến thành công ta trở lại/ Trăng xưa, hạc cũ với xuân này”. Tôi chợt hiểu ra rằng Việt Bắc đã có quá nhiều kỉ niệm đẹp đẽ, ân tình với Bác. Bài thơ không chỉ là niềm lạc quan vượt lên gian khổ, không chỉ là lời ước hẹn thủy chung, tình nghĩa mà còn là những lời ngợi ca vẻ đẹp nên thơ, giàu có của vùng đất địa linh nhân kiệt này.

Khi đất nước được thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, người dân Thái Nguyên đã biết đánh thức tiềm năng của vùng đồi núi trung du quê mình để làm giàu, làm đẹp cho gia đình, cho quê hương. Nơi đây có Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, tên tuổi vang lừng cả nước; có đặc sản trà xanh nổi danh với những từ ngữ không thể đẹp hơn: “Đệ nhất danh trà”, “Trà Thái, gái Tuyên”; có nhiều di tích lịch sử oai hùng và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, huyền thoại.

Đến với Thái Nguyên, được bồi hồi thăm An toàn khu Định Hóa, cái lõi của chiến khu Việt Bắc năm xưa; được tung tăng ngắm nhìn đồi chè Tân Cương xanh mướt uốn lượn tầng tầng bậc bậc; được du ngoạn trên con thuyền nhỏ thơ mộng trên Hồ Núi Cốc; được ngắm nhìn cơ ngơi đồ sộ của Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, ngắm nhìn sự khang trang, hiện đại của các trường học, bệnh viện trong thành phố; được thưởng thức các món ăn thơm ngon và nhâm nhi chén trà đậm đà hương vị của vùng đất này trong sự đón tiếp nồng hậu, hiếu khách của người Thái Nguyên, tôi thấy lòng mình thật mãn nguyện, đủ đầy. Thái Nguyên đã vươn mình như Phù Đổng, đúng như ước mong và tiên đoán của Bác Hồ: “Ðến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”! Cùng với cả nước, Thái Nguyên đã làm được điều đó một cách rất xuất sắc, tự hào.

Và tự nhiên, tôi thấy thêm yêu mến con người và mảnh đất Thái Nguyên đến thế! Có cả một niềm tự hào xôn xao, tươi tắn ở trong lòng. Với tôi, Thái Nguyên, miền đất thiêng đã in sâu vào máu thịt từ thời còn cắp sách đến trường ở tuổi mười ba, mười bốn xa xưa. Giờ đây, tôi đã gần 50 tuổi, vậy mà những cảm xúc về Việt Bắc, trong đó có mảnh đất Thái Nguyên mà nhà thơ Tố Hữu đã viết năm nào vẫn cứ vẹn nguyên, ngân nga, đẹp đẽ, rạo rực, tươi mới trong lòng tôi: “Ta đi giữa ban ngày/ Trên đường cái ung dung ta bước/ Đường ta rộng thênh thang tám thước/ Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên.../ Đẹp vô cùng! Tổ quốc ta ơi”!...

Thế rồi, đoàn chúng tôi bịn rịn chia tay Thái Nguyên vào một sáng mùa hè đẹp trời. Vợ chồng anh Hiệp đã chu đáo tặng cho mỗi người trong đoàn một túi chè Thái thơm ngon thượng hạng để làm quà. Trên đường trở về, đầu tôi vẫn văng vẳng câu anh nói: “Đất nước mình rộng dài và tươi đẹp lắm. Dù ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần có lý do để gắn bó, thì nơi đó cũng là quê hương”. Mới thấy tư tưởng, quan điểm, tầm nhìn của anh thật cởi mở, tiến bộ, rộng dài, xứng tầm là một doanh nhân thành đạt. Tôi cũng đã hiểu tại sao anh lại gắn bó thủy chung son sắt với Thái Nguyên đến thế. Tôi chợt nhớ đến câu tục ngữ "Đất lành chim đậu”. Thái Nguyên đúng là miền đất lành, miền đất nhân hậu đã và đang cưu mang, nuôi dưỡng những người con ân nghĩa, giàu ý chí, khát vọng vươn lên.

Hiền Hòa (Giáo viên Trường Trung học cơ sở Đồng Lạc, xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Một cánh chim bằng

Xem tin nổi bật 6 ngày trước

Mái trường của tôi

Tôi và Thái Nguyên 1 tuần trước

Dọc miền kí ức

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Vẳng tiếng chuông chùa

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Xóm Đồi yêu dấu

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Vó Ngựa, mảnh đất tôi yêu

Xem tin nổi bật 5 tháng trước