Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
19:22 (GMT +7)

Thái Nguyên – Mảnh đất nghĩa tình

VNTN- Một ngày trên mảnh đất Thái Nguyên đã đọng lại trong mỗi chúng tôi biết bao cảm xúc! Dẫu chưa được tới những vùng đất lạ đẹp đẽ mê hồn, kỳ thú của Thái Nguyên nhưng những khoảnh khắc tuyệt vời này cũng đủ để cho chúng tôi có được những cảm nhận đẹp về mảnh đất và con người nơi đây thật đáng yêu, đáng quý biết nhường nào!

Lễ mít tinh thành lập chính quyền cách mạng tỉnh Thái Nguyên ngày 20/8/1945 diễn ra tại Sân vận động thành phố Thái Nguyên ngày nay. Ảnh tư liệu lịch sử.

Nắng thu vàng như mật. Sóng sánh. Ngọt ngào. Thơm nức trung du. Đến với "Thủ đô gió ngàn" vào một ngày thu nắng đẹp, bao nhiêu cảm xúc chợt đến! Xe bon bon. Gió du dương. Gió hát. Lòng ta say. Ngân nga trong tim… “ Thái Nguyên ơi dù đường dài cách trở, đồi chập chùng mây núi thuở nào xa… hương chè xanh xanh đến mượt mà, về quê hương, anh về nơi đầu suối…”.

Thái Nguyên là một trung tâm chính trị, kinh tế của khu Việt Bắc xưa, trung tâm của vùng trung du miền núi Đông Bắc nói chung, là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tân Cương nằm ở vùng ngoại thành phía tây của thành phố Thái Nguyên, là một vùng trung du bán sơn địa, xen kẽ có nhiều thung lũng hẹp, bằng phẳng. Nơi đây có dòng sông Công huyền thoại và hồ Núi Cốc đẹp mê hồn. Dòng sông mềm mại uốn khúc trải mình bên dãy Tam Đảo uy nghi. Xa xa, thấp thoáng những đồi chè xanh uốn lượn như những lớp sóng xanh biếc trải mình trong nắng thu. Đã bao lần trở về nơi đây nhưng không hiểu sao mỗi lần như vậy, tôi vẫn không khỏi hồi hộp, vui sướng.

Khi xưa, ông bà tôi đã từng sống ở nơi đây và cũng đã nằm xuống tại đây. Cái mảnh đất Thái Nguyên nặng nghĩa nặng tình này làm sao tôi có thể nguôi đi nỗi nhớ!

Ngọn gió heo may se lạnh miền trung du như đánh thức mọi ký ức trong tôi. Tôi nhớ mỗi lần về thăm bác là một lần cả gia đình tôi lục tục chuẩn bị từ vài hôm trước. Nào quần áo, tư trang, nào quà bánh… cứ như đi du lịch dài ngày. Nhớ nhất là một ngày mùa đông năm ấy, cả bố mẹ tôi cùng đi với anh chị em chúng tôi và các cháu . Tới nơi còn rất sớm . Bác tôi cùng các anh chị ra tận xe đón, tay bắt mặt mừng. Bác tôi (bác Thoa) đã ngoại bát thập nhưng vẫn còn nhanh nhẹn tinh tấn lắm. Bác nắm tay cha tôi thật chặt như thể sợ đứa em trai bé bỏng ngày nào buột mất khỏi vòng tay mình trong thoáng chốc.

- Cậu mợ và các cháu đi xa về có mệt không?

- Không mệt đâu nhưng em muốn được đi ngủ, chị cho em ngủ một lúc nhé?

Tôi xúc động nhìn bác và cha tôi dìu nhau vào nhà trong, cả hai chị em đều đã phơ phơ mái tóc bạc. Mẹ tôi và chị em tôi rất trân trọng những phút giây ấy nên cứ lẳng lặng nhìn theo họ. Mọi người ngồi nói chuyện thật vui vẻ ngoài phòng khách. Đường sá xa xôi nhưng không hề ai thấy mệt có lẽ bởi những giây phút hội ngộ ấm áp này đã truyền cho nhau một thứ năng lượng kỳ diệu. Đã gần một năm nay mới có dịp trở lại, Thái Nguyên đã có nhiều đổi thay, phát triển và tình người có lẽ cũng ngày càng bền chặt hơn. Một lúc sau, bác tôi trở ra với vẻ mặt xúc động:

- Bố các con đấy, không hiểu sao hôm nay cứ muốn nằm giường của chị rồi bắt chị ngồi bên trò chuyện… chẳng khác gì ngày bé. Bác cười, hàm răng hạt na đen nhánh long lanh giọt nước mắt trên khóe môi. Tôi đọc được trong thẳm sâu đôi mắt ấy một niềm cảm thông xen lẫn xúc động nghẹn ngào. Rồi bác kể về những năm tháng gian lao ngày xưa khi ông bà mới lên đây lập nghiệp…

 Ấy là những năm tháng đói nghèo cơ cực trước Cách mạng Tháng Tám (1945).

 “Quê nhà xơ xác, ông bà nội các con tìm lên đây kiếm kế sinh nhai. Lúc đó bác mới 12 còn bố các con lên 10. Cuộc sống cơ hàn lầm than, làm thuê, làm mướn kiếm bát cơm, manh áo qua ngày… Không bao lâu, dịch bệnh kéo đến, bao nhiêu người chết… Ông nội qua đời. Khi ấy là năm 1944. Qua năm sau, bà nội các con cũng lại ra đi vì bệnh tật, đói khát… Bơ vơ giữa cuộc đời ở một nơi xa lạ, hai chị em chẳng biết đi đâu, về đâu… Giữa thời khắc nước sôi lửa bỏng chuẩn bị tổng khởi nghĩa, tình hình thế sự có nhiều biến động, rất may có một gia đình người gốc Thái Nguyên nhận hai chị em về nuôi. Ông bà cũng có một người con trai lúc đó khoảng ngoài 20 rất giỏi giang. Bác tên là Hai. Sau này bác mới biết là bác ấy làm cách mạng. Vậy là từ đó, hai chị em sống cùng gia đình và được ông bà và bác ấy cưu mang, chỉ bảo mọi điều...

Thấy hai chị em bác nhanh nhẹn tháo vát, bác Hai dẫn dắt hai chị em làm một số công việc cho cách mạng. Bố các con tuy nhỏ nhưng rất thông minh, được việc. Sau này bác mới biết đó là công việc làm liên lạc cho kháng chiến. Phong trào kháng chiến ở Thái Nguyên những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa rất rầm rộ. Thị xã Thái Nguyên được chọn làm điểm tiến công chính của Quân giải phóng. Bác thấy bố các con rất hứng thú với công việc này. Bác Hai thường hay gọi cậu ấy là “Em Kim Đồng” của Thái Nguyên. Đưa công văn tới một số cơ sở như Thịnh Đức, Phúc Trìu… mà chỉ một loáng là xong. Một lần trên đường đi, gặp bọn lính tuần, bố con đã biết vận dụng ngay bài học của bác Hai, lập tức nằm xuống, lăn bên vệ đường giả như người đói khát (lúc ấy dân ta đói nhiều lắm), vậy là thoát chết. Nhưng bác Hai thì đã hy sinh anh dũng trong một lần đi làm nhiệm vụ ở vùng sau lưng địch...

Bác Thoa ngừng lại, đôi mắt nhìn xa xăm như thấu cả một miền ký ức… Mẹ tôi không muốn bác buồn nên gợi chuyện:

- Cũng nhờ những năm tháng ấy mà ông ấy nhà em trưởng thành như vậy. Em còn nhớ năm ấy trở về làng, ai cũng trầm trồ khen ngợi: Anh Đài vừa chững chạc lại vừa hiểu biết, giỏi giang…

Sau Cách mạng Tháng Tám, phong trào cách mạng ngày càng lớn mạnh ở hầu khắp mọi nơi. Cha tôi trở về quê hương tham gia phong trào kháng chiến ở địa phương, rất tích cực, năng nổ, còn bác Thoa thì ở lại Thái Nguyên làm giao liên cho kháng chiến.

Tôi cũng không ngờ rằng đó là lần cuối cùng cha tôi trở về với Thái Nguyên và gặp lại người chị gái thân thương của mình! Khi Người sắp ra đi vẫn còn căn dặn: “Các con phải thường xuyên về Thái Nguyên thăm bác và gia đình bác Hai. Cái mảnh đất Thái Nguyên ấy nặng nghĩa nặng tình lắm, đó chính là quê hương thứ hai của gia đình chúng ta”.

Vậy là chiều nay, bác và các anh chị sẽ đưa chúng tôi đi thăm mộ các cụ rồi tới thăm gia đình bác Hai. Tuy các cụ và bác Hai không còn nữa nhưng chắc chắn vong linh họ vẫn cảm nhận được tình cảm ấm áp của những người con xa… Lặng im trước ngôi mộ của bác Hai, chúng tôi như mường tượng thấy cả một ký ức đau thương nhưng thật hào sảng, oai hùng của những người con quê hương kháng chiến Thái Nguyên. Và hôm nay, nếu cha tôi còn sống, chắc chắn ông sẽ lại khề khà, tỉ mỉ kể lại cho chúng tôi nghe  những câu chuyện không bao giờ hết về những năm tháng hào hùng ấy!

Mặt trời đã chênh chếch phía tây, hắt những tia nắng đỏ rực cuối ngày xuống thung lũng. Phía xa xa những đồi chè xanh bạt ngàn san sát như bát úp đang ngời lên trong ánh hoàng hôn rực rỡ.

Một ngày trên mảnh đất Thái Nguyên đã đọng lại trong mỗi chúng tôi biết bao cảm xúc! Dẫu chưa được tới những vùng đất lạ đẹp đẽ mê hồn, kỳ thú của Thái Nguyên như Hồ Núi Cốc, hang Phượng Hoàng, thác Mưa Rơi… nhưng những khoảnh khắc tuyệt vời này cũng đủ để cho chúng tôi có được những cảm nhận đẹp về mảnh đất và con người nơi đây thật đáng yêu, đáng quý biết nhường nào!

Nhất Chi Mai (Hưng Yên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Một cánh chim bằng

Xem tin nổi bật 5 ngày trước

Mái trường của tôi

Tôi và Thái Nguyên 1 tuần trước

Dọc miền kí ức

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Vẳng tiếng chuông chùa

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Xóm Đồi yêu dấu

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Vó Ngựa, mảnh đất tôi yêu

Xem tin nổi bật 5 tháng trước