Tâm sự hội viên
Vinh quang thuộc về sự sáng tạo
Nhà văn Nguyễn Văn
Tôi được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Thái năm 1995. Sự muộn mằn ấy, là bởi cái duyên chưa tới. Qua 27 năm sinh hoạt ở Chi hội Văn xuôi, tôi thấy mình được lợi rất nhiều.
Thứ nhất, tôi có được một địa chỉ, để vừa lao động, vừa hưởng thụ. Hưởng thụ văn chương, là sự hưởng thụ đặc biệt. Nó không tăng thêm cho ta calo nào, nhưng nhờ nó, ta thấy cuộc đời này tươi đẹp và đáng yêu. Còn lao động trong sáng tác văn học, là loại lao động đặc thù. Ta càng dấn thân vô, lại càng thấy mình còn non kém mà phải cố gắng hơn.
Thứ hai, qua viết văn, tôi có cơ hội rèn luyện và làm mới mình. Nhớ lại, hồi tôi mới cầm bút, thấy mình còn dễ dãi lắm. Sau này, trước khi định viết, tôi tự hỏi mình: “Viết gì? Viết để làm gì?”, và “Viết thế nào?”. Trả lời được một cách thuyết phục, mới viết. Nhờ vậy, những gì tôi viết sau này, đã khá hơn trước. Ấy là tôi tự so chính mình trước và bây giờ. Nếu so với các bạn viết khác, thì tôi thấy mình còn phải học hỏi nhiều hơn.
Bây giờ tuổi tôi đã cao, nhưng vẫn thích viết. Tôi vừa hoàn thành bản thảo (lần 1) tiểu thuyết có tên là DÒNG ĐỜI. Trong bản thảo này có đoạn:
“Cuộc sống cũng như một dòng chảy. Trong dòng chảy ấy, có chỗ trong, chỗ đục; chỗ trật tự, chỗ xô bồ; thậm chí ở đâu đó, có cả cái mới sinh cùng hiện diện với cái đang tàn lụi… Đó là Dòng đời”.
Từ bao đời nay, người ta đã dùng giáo dục, luật pháp, văn hóa v.v. để làm cho Dòng đời trong sạch và thân thiện từ ngọn nguồn, mang lại sự tốt đẹp cho đời. Nhưng có lẽ con người còn phải làm nhiều hơn nữa…”.
Vâng, nếu đúng như vậy, thì trong những việc còn phải làm, có việc của Văn học – Nghệ thuật. Cuộc sống đang chờ những sáng tạo mới của Văn học – Nghệ thuật nói chung, Văn chương nói riêng. Vinh quang thuộc về sự sáng tạo.
"Những ngày đầu"
Nhà thơ Nguyễn Hữu Bài
Thế là tôi gia nhập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã được 35 năm. Ôn lại một chặng đường chưa phải là dài của đời tôi, của Hội mà thấy sao bồi hồi, cảm động và tự dưng bao kỷ niệm của những ngày đầu ấy cứ lần lượt trở về, khơi gợi bao tình cảm, bao nhiệt huyết của một thời tuổi trẻ.
Nhớ những năm tháng ấy, do yêu cầu của công việc ở Phòng Giáo dục và UBND huyện, tôi có thành lập một đội văn nghệ xung kích và với chút kiến thức âm nhạc, tôi đã viết khá nhiều ca khúc về Bác Hồ, về ATK, về Ngành Giáo dục. Được đội văn nghệ xung kích đưa đi hội diễn tỉnh, ngành, giao lưu với bạn bè được nhiều thiện cảm.
Cuối năm 1987, anh Hà Đức Toàn lên Định Hoá gặp tôi và nói làm hồ sơ để gia nhập Phân hội Âm nhạc thuộc Hội VHNT tỉnh mà anh đang vận động thành lập. Thế là tôi trở thành hội viên Phân hội Âm nhạc từ 1987 cho đến năm 1992 khi tôi chuyển công tác về Thư viện tỉnh.
Trước đó, anh Ma Đình Thu, nguyên là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Việt Bắc liên hệ với Thường trực UBND huyện đề nghị thành lập Chi hội VHNT của huyện. Đề nghị của anh đã được tập thể lãnh đạo UBND đồng ý. Thế là, dù với một lực lượng khá khiêm tốn: tôi, anh Vi Thư, anh Ma Doãn Bính (đã mất), anh Ma Đình Thu, anh Hoàng Luận đã trở thành những hạt nhân đầu tiên của Chi hội VHNT Định Hoá, tôi được cử làm Chi hội trưởng.
Cuối năm 1987, anh Hà Đức Toàn lên công tác, công nhận Phân hội VHNT Định Hoá và kết nạp những hội viên này vào Hội tỉnh.
Năm 1992, tôi chuyển sang sinh hoạt ở Phân hội Thơ và gắn bó với thơ, với Chi hội Thơ từ đó tới nay, với biết bao kỷ niệm không thể nào quên. Tôi đã từng được cử làm Phân hội trưởng 12 năm, tham gia một khoá Ban Chấp hành và phối hợp cùng các anh, chị: Hà Đức Toàn, Ma Trường Nguyên, Đàm Thế Du, Nguyễn Thuý Quỳnh làm được biết bao công việc của Hội, của Phân hội. Ấn tượng sâu sắc nhất là những lần tổ chức Ngày thơ Việt Nam. Năm thì ở Nhà Văn hoá Công nhân Gang Thép, năm thì ở Thư viện tỉnh, năm thì ở ATK Định Hoá. Ở đâu cũng đạt được những kết quả vượt mong đợi.
Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên tròn 35 năm tuổi. Ba nhăm năm ấy gắn bó với một phần đời của tôi, rất ấn tượng, rất thân thiết và không phai mờ. Mong Hội ta sẽ mãi mãi xứng đáng là một mái nhà chung mà chúng ta ai cũng góp phần nhỏ bé của mình để xây dựng nên.
Nhớ thuở ban đầu lưu luyến ấy!
Nhà thơ Nguyễn Anh Đào
Năm 1980 Công đoàn tỉnh Bắc Thái phát động cuộc thi sáng tác về đề tài công nhân. Tôi cũng mạnh dạn làm một chùm thơ và đôi ba truyện ngắn dự thi. Ngày tổng kết, tôi được giải B với bài thơ: Bình minh Lâm trường. Tại lễ trao giải tôi được làm quen với các anh: Hồ Thủy Giang, Nguyễn Đức Thiện, Nguyễn Minh Sơn (là những người đoạt giải) và các anh: Khánh Kiểm, Trần Văn Loa (Ban Giám khảo). Từ đó tôi bắt đầu sáng tác thơ, thỉnh thoảng được đăng báo Thái Nguyên. Đọc lại những bài thơ ngày ấy, giờ thấy nó không khác gì khẩu hiệu tuyên truyền!
Sau này, thành lập Ban Vận động thành lập Hội Văn nghệ Bắc Thái, tôi cùng anh Hồ Thủy Giang đạp xe đến nhà ông Hoàng Thể , anh Trần Văn Loa, anh Khánh Kiểm, ông Vi Hồng. Rồi cùng Nguyễn Minh Sơn, đến nhà anh Ba Luận. Sau đó là quen Nông Phúc Tước, Khánh Hạ, Trần Văn Bổn và bạn nữ duy nhất là Minh Hằng… Tôi được anh Hồ Thủy Giang tặng rất nhiều sách để đọc. Hơn nữa, làm ở phòng tổ chức hành chính của cơ quan, tôi cũng đặt mua rất nhiều loại báo (trong đó có Văn nghệ của Hội Nhà văn và Tạp chí Văn nghệ Quân đội), toàn tiền cơ quan cả, tha hồ đọc và nghiên cứu sáng tác. Chúng tôi thân nhau, và có nhiều cuộc gặp nhau trao đổi. Sau cùng nhau đi thực tế viết bài và ra tập san cho nhà máy Điện Cao Ngạn.
Tôi thích đến thăm Ban Vận động thành lập Hội (khi ấy ở Chi cục Thống kê tỉnh, bây giờ là Thành ủy Thái Nguyên). Có lần tôi đi cái xe máy cũ xuống Hội, đúng hôm Ban Chấp hành họp. Vừa đến nơi, ông Nông Phúc Tước bảo tôi đi đón ông Vi Hồng, nhà mãi sau khu Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ, đường vào heo hút. Thế là tôi lại nổ xe phành phạch quay đi cho kịp giờ Ban Chấp hành họp. Có hôm anh Hồ Thủy Giang rủ tôi đến gặp anh Ba Luận đang làm thư ký ở văn phòng UBND tỉnh để trao đổi công việc của Hội, vì tôi cũng hay ra vào UBND tỉnh làm việc. Rồi thời kỳ tôi làm cán bộ của sở Lâm nghiệp Bắc Thái, tham mưu cho lãnh đạo sở phối hợp với Hội (khi ấy ông Hà Đức Toàn làm Chủ tịch) tổ chức cuộc thi sáng tác về đề tài Lâm nghiệp, sau in thành tập sách với tên gọi: Tiếng chim không hót… Những chuyện nhỏ ấy, giờ nghĩ lại cũng thấy ấm áp. Tôi thật sự hãnh diện vì là hội viên của Hội từ ngày thành lập đến nay. Cái quý hơn nữa là các anh em quen biết từ đó, đến nay vẫn thân quý nhau như ngày nào.
Rất nhớ các anh em trong Hội ngày đầu thành lập và cũng rất yêu quý anh em hội viên hiện tại. Xin có một lời cùng bao bạn bè văn nghệ của tôi: Nhớ lắm cái thuở ban đầu lưu luyến ấy!...
Những người thầm lặng
Nhà nghiên cứu dân gian Nông Phúc Tước
Ban đầu thành lập Hội VHNT Bắc Thái chỉ có 6 chi hội. Cuối nhiệm kỳ I, tách chi hội Văn xuôi thành 2 chi hội là Văn xuôi và Văn nghệ Dân gian. Nhà văn Vi Hồng (nay đã mất) được phân công làm Chi hội trưởng, vì ông là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, đang giảng dạy Văn học dân gian tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc.
Lúc đầu Chi hội chỉ có 4 người, thành quả đầu tiên là truyện cổ “Nàng Công, chàng Cốc” được hoàn thiện tập thể trong trại sáng tác đầu tiên của Hội do Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Thái đăng cai tổ chức tại Nhà nghỉ dưỡng Hồ Núi Cốc. Đến nay truyện đã thành huyền thoại Văn học dân gian thực thụ.
Sau Đại hội nhiệm kỳ III, Ban Chấp hành phân công tôi làm Chi hội trưởng để nhà văn Vi Hồng chuyên tâm sáng tác tiểu thuyết. Từ đó đến nay đã trải qua bốn nhiệm kỳ đại hội, bây giờ đang là nhiệm kỳ thứ năm đảm nhiệm vai trò này. Tôi gọi các hội viên sinh hoạt trong Chi hội là “những người thầm lặng”, với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Có một thời gian dài, đến ba phần tư hội viên có tuổi đời trên sáu mươi. Sinh hoạt Chi hội hằng năm rất khó khăn, phần vì hội viên ở xa, tản mát, phần vì tuổi cao. Hoạt động chuyên môn các hội viên đều tự thân vận động, từ việc chọn đề tài, đi, điền dã làm tư liệu, đến việc hoàn thiện bản thảo, công bố công trình. Họ âm thầm, lặng lẽ, miệt mài, tự học hỏi nhất là những di sản về văn tự cổ, những tiếng nói cổ xưa, nhặt nhạnh bổ sung tư liệu, như người dân vẫn nói: "đãi cát tìm vàng".
Ấy thế mà, bây giờ nhìn lại thành quả ba chục năm qua các hội viên Chi hội hoàn thành khối lượng công việc cũng kha khá. Hiện nay các hội viên Chi hội Văn nghệ Dân gian vẫn đang âm thầm lặng lẽ công việc “đãi vàng” của mình.
Cá nhân tôi, sắp tới, dù tuổi đã cao, trên bàn làm việc vẫn còn năm tập sách chữ Nôm Tày. Trước mắt có lẽ sẽ ưu tiên cho 3 tập truyện thơ “Kim Quế”, “Lưu Quang”, “Trạng Ba”.
Là một trong 30 hội viên đầu tiên của Hội Văn nghệ Bắc Thái, chứng kiến nhiều sự thăng trầm của Hội, tôi hy vọng vào sự phát triển từng ngày của Hội VHNT Thái Nguyên trong dòng chảy hội nhập chung cho nền văn học Việt Nam.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...