Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
08:14 (GMT +7)

Tách cà phê trung thực

VNTN - Dù có viết văn, nhưng Gerald Fleming chủ yếu được biết đến là một nhà thơ. Sáng tác của ông đã được giới thiệu rộng rãi từ hơn 30 năm qua. Ông đã có được một số giải thưởng về văn chương. Thời gian từ 1995 đến 2000, ông biên tập và xuất bản Tạp chí văn chương Barnabe Mountain Review, có thể tìm đọc các ấn bản này tại thư viện U.C. Berkeley's Barncroft.

Ông dạy học suốt 37 năm tại nhiều trường công lập ở San Francisco và hiện sống tại San Francisco Bay.

 

Có một sinh viên đại học quyết định sẽ trải qua một năm học ở nước ngoài tại một quốc gia anh đã từng đọc biết nhưng chưa hề viếng thăm. Anh bay đến thủ đô của quốc gia đó, lấy một phòng ở một ký túc xá - nhìn ra dòng sông - và say mê tiếp xúc với vẻ đẹp, với sự khó khăn về ngôn ngữ, với những con người nhiệt tình, sôi nổi và thích tranh cãi ở đất nước đó.

Trong quán cà phê (có bán thức ăn) của trường, anh thường ngồi đối diện với một bạn cùng trường anh không quen và ngẫu hứng bắt chuyện, mặc dù theo truyền thống là không có chuyện trò gì trong các bữa ăn giữa những người lạ - cho dù những người lạ là người cùng quốc tịch. Nhưng cử chỉ của anh, mắt mở to, dường như làm những người bạn kia xúc động và trở nên rộng lượng, thậm chí rất cởi mở. Chẳng bao lâu anh đã có nhiều bạn chào anh khi anh đi ngang qua bàn của họ.

Một buổi sáng, anh ra ngoài khuôn viên trường để mua sách vở, và bất chấp ngân quỹ eo hẹp của mình, anh quyết định thưởng thức một tách cà phê tại một quầy quán cà phê nhỏ. Anh gọi cà phê bằng cách dùng những từ chính xác ghi trong danh mục thức uống, nhưng người chủ quán kêu rằng không hiểu được anh nói gì, và anh phải lập lại hai lần.

Cà phê được mang đến, chàng trai cảm ơn chủ quán, uống cà phê, và khi ông ta - một người to béo tóc đen có cái bụng to như bụng bầu, thấy anh đã uống xong, bèn tính tiền gấp đôi giá đã ghi trên bảng giá đặt phía ngoài quán.

“Đợi chút,” chàng trai nói bằng tiếng nước mình, quên mất là đang ở đâu. “Giá này gấp đôi giá biểu ghi ngoài kia.” Rồi anh mở quyển tự điển ra, tìm chữ gấp đôi, đọc to chữ đó, và chỉ vào bảng giá biểu ghi nơi cửa kính của quán. Trong suốt thời gian đó, ông chủ quán cứ ngửa bàn tay đòi tiền.

“Không,” chàng trai nói, và đọc số tiền ghi trên bảng giá, và cố nói với sự trợ giúp của quyển từ điển, rằng anh thấy người ngồi kế bên anh, uống tách cà phê như của anh, đã trả đúng khoản tiền ghi trên bảng giá - thậm chí không có một khoản boa nào chi thêm. Dù vậy, ông chủ quán cứ xòe bàn tay mập của ông ta.

Chàng trai nhún vai, cho tay vào túi lấy tiền trả.

Khi anh bỏ đi, anh cảm thấy xấu hổ. Thứ nhất, tự cho mình uống một tách cà phê bốc đồng nói chung là hoang phí; thứ nhì, với việc trả tiền giá gấp đôi, anh đã mất hai lần khoản tiền lẽ ra không nên chi tiêu.

Suốt ngày anh cứ vương vấn với sự kiện này, và vào giờ ăn chiều ở quán cà phê của trường, anh lấy khay thức ăn của mình đến ngồi vào bàn đối diện với một cô gái đẹp nở nụ cười với anh, nhưng anh không nói một lời, cứ bận lòng với chuyện đã xảy ra ở quán cà phê.

Bên ngoài quán cà phê của trường anh thấy có mấy hộp các tông rỗng, trên đường về phòng mình anh lấy một hộp, vào phòng anh lấy một cái kéo lớn cắt từ hộp các tông ra hai tấm bìa hình chữ nhật kích thước bằng nhau. Trên một tấm bìa, bằng chữ in hoa, anh viết bằng tiếng nước mình:

XIN ĐỪNG VÀO QUÁN CÀ PHÊ NÀY. ÔNG CHỦ QUÁN NÀY LỪA TÔI. ÔNG TA BẮT TÔI TRẢ GIÁ GẤP ĐÔI SỐ TIỀN TÔI PHẢI TRẢ CHO TÁCH CÀ PHÊ. TÔI CHỈ MUỐN LẤY LẠI TIỀN CỦA MÌNH. CÁM ƠN.

“Anh làm gì vậy?” mấy người bạn chung phòng hỏi.

“Ô, không có gì. Chuyện riêng thôi,” anh trả lời, và họ tôn trọng anh, để anh một mình.

Tấm bìa chữ nhật còn lại làm anh mất thời gian hơn. Anh gắng hết sức để viết cũng nội dung ấy bằng tiếng của quốc gia anh đã đến, nhưng anh không chắc chắn là đúng văn phạm.

Rồi anh tìm một cái que và đóng ghim bảng thông báo vào: bảng viết bằng tiếng nước anh một bên, bên kia là bảng tiếng nước sở tại, cái que đúng cỡ một cái cán cầm tay.

Sáng hôm sau anh đến quán cà phê đứng trước quán với bảng thông báo của anh, rồi đi tới đi lui chầm chậm theo phong cách của người nước anh.

Quán cà phê gần một trạm xe điện ngầm, đường phố đông đúc, đầy những người vội vã lên tàu đi lo việc mưu sinh.

Cho dù vậy, nhiều người đi chậm lại để đọc bảng báo của anh. Dù chắc chắn trường hợp của anh là chính đáng, anh cảm thấy tổn thương khi thấy những người dừng lại đọc bảng báo của anh bĩu môi phát ra tiếng “xì” nho nhỏ - âm thanh đó anh chưa từng nghe trước đây - rồi tiếp tục đi. Và những người vào quán cà phê thì lắc đầu với anh và nhìn xuống.

Sau hai giờ, chàng trai mệt mỏi, thất vọng, đi về lớp học.

Nhưng hôm sau anh thức dậy sớm và trở lại đó. Anh đến đó sau khi chủ quán mở tiệm một chút, ông ta thấy anh đi tới đi lui với bảng thông báo bèn mở cửa kính của quán, quát câu gì đó rồi sập cửa lại.

Lát sau, đám đông đi bộ trên lề đường đến, lại những tiếng xì xịt từ một số ít người, nhưng hôm nay có những người - một số họ đã xì xịt ngày hôm qua - dừng lại trước anh, nói những chuyện về cách quốc gia của anh hành xử trong một cuộc chiến tranh từ lâu trước khi anh sinh ra, về những tập đoàn tham nhũng, về các xu hướng tình dục của tổng thống quốc gia anh.

Với từng người trong số này chàng trai - bởi bản tính ôn hòa - chỉ nhún vai, và hình như để chọc tức anh họ rủ nhau vào quán cà phê, là nơi họ đã có thể không vào ngày hôm qua. Chẳng mấy chốc quán cà phê đông khách hơn lệ thường, và qua ô cửa kính chàng trai có thể thấy những khách hàng ở quầy quay lại nhìn anh khi anh đi tới đi lui - anh có thể thấy ông chủ bụng bầu chỉ chỏ anh khi ông ta kéo cần máy pha cà phê hay dọn những tách sứ trên quầy.

Trong vài ngày việc này tiếp tục. Việc kinh doanh của chủ quán trở nên tưng bừng; chàng trai thậm chí bị bạt tai một lần, bị buộc tội là đồng phạm trong một vụ đánh bom xa xôi nhiều thập kỷ trước.

Nhưng chàng trai cứ có mặt ở đó - rồi đến lớp, học, và trở lại quán cà phê mỗi buổi sáng.

Chẳng bao lâu những khách hàng đến quán này thấy sự kiện không còn khác thường. Dù họ có sự oán giận đối với quốc gia của anh, họ đã dần dần tôn trọng anh - sự thay đổi này bắt đầu bằng việc họ giảm bớt sự chỉ trích anh, rồi phát triển thành sự gật đầu chào anh, rồi họ không vào quán cà phê trên đường đến ga tàu điện nữa. Chẳng bao lâu sau chàng trai thấy việc kinh doanh của chủ quán trở lại bình thường, những ngày quán bùng nổ khách đã qua. Anh thấy chủ quán, chưa bao giờ thèm chú ý đến anh sau lần quát anh ở cửa quán, bây giờ trừng trừng nhìn anh từ phía sau quầy.

Một buổi sáng, như là thói quen, chàng trai đến vài phút sau khi chủ quán mở cửa tiệm. Bầu trời nặng nề - dự báo sẽ có cơn mưa rào - chàng trai mong trời sẽ không mưa, vì mưa sẽ làm ướt bảng thông báo của anh.

Trời còn tối, quán chưa có khách, và trong ánh đèn vàng của quán cà phê chàng trai thấy người chủ mặc chiếc áo thun trắng đập nắm tay phải của ông ta lên quầy, đi lại chỗ quầy thu ngân, mở hộc tủ ra, lấy lên cái gì đó, đóng mạnh hộc tủ lại, và đi ra cửa. Ông ta mở rộng cửa, nói câu gì đó với chàng trai - những lời mà theo ngôn ngữ của ông ta có nghĩa là heo, tiền, may mắn, và ném những đồng tiền xu xuống chân chàng trai với cử chỉ của một người quen ném xúc xắc, và đứng yên tại cửa, hai cánh tay trần khoanh trước ngực.

Chàng trai không biết cần phải làm gì. Khoản tiền anh đòi đã ở dưới chân anh. Mình không thể cúi xuống nhặt lấy và bỏ đi, anh nghĩ, hay mình có thể chọc ông ấy tức điên lên bằng cách đã “tìm” thấy tiền nhưng vẫn đi tới đi lui với bảng thông báo của mình. Tốt hơn mình nên chờ, và suy nghĩ, vì mình không biết phải làm gì.

Ngay lúc đó một cậu bé và một cô bé trên đường đến trường, lưng đeo ba lô vừa đến. “Kìa!” chúng nói bằng tiếng bản địa. “Tiền kìa!” và cả hai cúi xuống nhặt những đồng tiền xu rồi tiếp tục đi.

Chàng trai nhếch mép cười với chủ quán, và chủ quán sập cửa.

Sự việc thay đổi vào ngày hôm đó. Trời không mưa, khách qua đường bắt đầu thực sự chào chàng trai - Chào buổi sáng - trẻ em sờ tay áo anh, và chủ quán - việc kinh doanh vẫn chỉ bình thường - cứ chằm chằm nhìn ra. Ngoài ra hôm đó, khi những khách hàng thường xuyên của quán đi ra - thường thì họ im lặng, tránh nhìn mắt anh - nay đã nhìn anh và chào với vẻ tôn trọng, chàng trai nghĩ có lẽ chủ quán đã kể cho họ câu chuyện ném tiền.

Ngày hôm sau chủ quán mở cửa rất sớm, bước ra đường, đến bên chàng trai, và đặt khoản tiền được yêu cầu vào bàn tay phải của anh. Chàng trai hạ thấp bảng xuống, nói “Cám ơn”, gật đầu chào và về nhà.

***

Tôi biết câu chuyện này là thực, vì tôi chính là chàng trai đó, và ba mươi năm sau tôi đã trở lại thành phố này, với một nửa số tóc của tôi đã rụng, bụng tôi đã phệ, tôi đứng ngay quầy bọc kẽm của quán cà phê ấy. Ông chủ quán bây giờ lưng khòm, ngồi chồm mình trên chiếc ghế không lưng tựa giống như một hình nhân trong một bức tranh cũ của danh họa Daumier, chỉ đứng lên khi cần thiết, cơ thể chậm chạp, mắt nhìn lờ đờ. Một sinh viên địa phương bên cạnh tôi kể tôi nghe câu chuyện về tôi, chuyện kể của cậu ta có thêm thắt chút ít.

Chuyện này đã tam sao thất bản trong những năm tôi không còn ở đó - trong truyện, tôi thì cao và đẹp trai, cậu sinh viên kể - và dùng mấy từ tôi phải nhanh chóng tìm trong quyển tự điển cũ của tôi - kiên cường là một trong mấy từ đó - bây giờ anh ta nhìn người chủ quán và phát ra một tiếng xịt đúng y âm thanh hồi đó tôi đã nghe, và nói “Anh ấy giống như một người đã phát ra một hơi thở và không thể lấy lại. Tất cả những gì người sinh viên ấy muốn là có được tách cà phê trung thực”.

Truyện ngắn. Gerald Fleming (Mỹ)

Võ Hoàng Minh (dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 2 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước