Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
21:58 (GMT +7)

Tác phẩm nghệ thuật – Antôn Paplôvich Sêkhốp (Nga)

VNTN - Kẹp nách một đồ vật được gói trong tờ “Bản tin thị trường chứng khoán” số 223, Sasa Sơmianốp bước vào phòng khám bệnh của bác sĩ Côsêlicốp với bộ mặt nửa vui nửa buồn.

“Ôi, chàng trai trẻ thân mến!” bác sỹ Côsêlicốp vui vẻ đón tiếp anh. “Nào, anh thấy trong người thế nào? Anh có điều gì muốn nói với tôi nào?”.

“Mẹ cháu, bà Ivan Nikôlaiêvich, gửi lời chào thân thiết đến bác và rất biết ơn bác… Cháu là con trai duy nhất của mẹ cháu, bác đã cứu sống cháu… Bác đã chữa khỏi căn bệnh nguy hiểm cho cháu… cả hai mẹ con cháu đều không biết cám ơn bác thế nào.”

“Anh bạn trẻ, anh không cần phải cám ơn!”, bác sĩ Côsêlicốp ngắt lời anh, giọng hồ hởi, “tôi đã chỉ làm công việc mà bất cứ ai là bác sỹ như tôi cũng sẽ làm.”

“Cháu là con trai duy nhất của mẹ cháu… Mẹ con cháu là những kẻ nghèo khổ và dĩ nhiên là không thể trả tiền chữa bệnh cho bác… Mẹ con cháu rất xấu hổ, thưa bác sỹ, tuy nhiên mẹ cháu và cháu… con trai duy nhất của mẹ cháu tha thiết mong bác nhận lấy đồ vật này như là tấm lòng biết ơn của mẹ con cháu đối với bác. Đây là món đồ quý giá, là đồ cổ bằng đồng đỏ… một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.”

“Mẹ con cháu chẳng cần phải làm thế đâu!” bác sĩ Côsêlicốp nói và nhăn mặt. “Cái này để làm gì thế?”

“Xin bác đừng từ chối món quà này của mẹ con cháu”, Sasa nói lắp bắp, giở món đồ ra. “Nếu không thì bác sẽ làm tổn thương cháu và mẹ cháu… Món đồ này rất đẹp... là đồ cổ bằng đồng đỏ… Mẹ con cháu đã được thừa kế nó từ người cha quá cố của cháu và luôn giữ gìn như là vật kỷ niệm quý giá nhất… Cha cháu thường mua đồ cổ và lại bán cho những người đam mê đồ cổ… Hiện nay mẹ cháu và cháu đang có một cửa hàng bán đồ cổ…”

Sasa giở món đồ ra và trịnh trọng đặt nó lên bàn. Đó là một cái đài nến cổ, thấp, bằng đồng đỏ được làm một cách vô cùng sáng tạo. Sự độc đáo của nó là ở nghệ thuật tạo hình: trên chân đế có hai hình người đàn bà khỏa thân mà tôi không dám mô tả kỹ. Cả hai mỉm cười đưa tình và trông như thể nếu không phải đỡ cái đài nến thì họ sẽ nhảy xuống khỏi chân đế và sẽ gây ra một vụ tai tiếng tại phòng khám bệnh này mà sự mô tả trần trụi về nó đương nhiên là một sự tục tĩu, thưa các bạn đọc yêu quý!

Bác sĩ Côsêlicốp ngắm món quà tặng, gãi tai và lúng túng hỉ mũi.

“Anh nói đúng, món đồ thực sự là đẹp”, bác sĩ Côsêlicốp nói ấp úng, “nhưng… tôi nên nói như thế nào nhỉ… nó quá lộ liễu… Đây không còn là cách ăn mặc hở hang của đàn bà nữa mà chỉ có quỷ sứ mới biết được là gì…”

“Vì sao ạ?”.

“Bản thân quỷ sứ cũng không thể tạo ra thứ gì xấu xa hơn… Đặt một món đồ như thế này lên trên bàn có nghĩa là làm ô uế căn phòng để chiếc bàn.”

“Thưa bác sĩ! Bác có những quan điểm lạ lùng về nghệ thuật”, Sasa cảm thấy bị xúc phạm, nói. “Đây rõ ràng là một tác phẩm nghệ thuật, bác cứ ngắm kỹ nó mà xem! Bao nhiêu là vẻ đẹp và sự duyên dáng, thể nào tâm hồn bác cũng được lấp đầy bởi sự thánh thiện và bác sẽ xúc động đến phát khóc! Khi người ta ngắm một thứ đẹp như thế này, người ta sẽ quên hết mọi thứ trên đời… Bác cứ ngắm kỹ mà xem, bao nhiêu là cảm xúc, bao nhiêu là sự thanh thoát ẩn chứa trong tác phẩm nghệ thuật này!”

“Tôi nhìn ra rồi, anh bạn trẻ”, bác sĩ Côsêlicốp ngắt lời anh ta, “nhưng tôi còn có gia đình, các con tôi hay vào đây, và tôi cũng thường xuyên có bệnh nhân nữ đến khám…”

“Tất nhiên, nếu người ta nhìn nhận điều đó theo quan điểm của số đông”, Sasa nói, “vì thế mà tác phẩm nghệ thuật cao siêu này hấp dẫn người ta theo một cách khác… Thưa bác sĩ, bác hãy đứng cao hơn đám đông, để bác không phải làm tổn thương sâu sắc đến cháu và mẹ cháu khi bác từ chối nhận món quà. Cháu là con trai duy nhất của mẹ cháu… Bác đã cứu sống cháu… Mẹ con cháu tặng bác một đồ vật là tài sản quý giá nhất của mẹ con cháu, và… và cháu chỉ lấy làm tiếc là mẹ con cháu không có cái nữa để cho nó có đôi…”

“Anh bạn trẻ, tôi cám ơn anh, tôi cám ơn anh từ tận đáy lòng… Cho tôi gửi lời chào đến mẹ anh, nhưng anh hãy hiểu: các con tôi vào đây, tôi thường xuyên có bệnh nhân nữ đến khám bệnh… Thôi được, anh cứ để nó ở đây! Đúng là tôi hoàn toàn không thể giải thích cho anh điều đó được…”

“Bác hoàn toàn không cần phải giải thích cho cháu đâu ạ”, Sasa vui mừng đáp lại. “Bác hãy đặt cái đài nến ngay tại đây vào bên cạnh lọ hoa. Thật tiếc là mẹ con cháu không có cái nữa để cho nó có đôi! Đúng là rất đáng tiếc! Thưa bác sĩ, bây giờ cháu xin phép bác cháu về ạ, tạm biệt bác!”

Khi Sasa đi khỏi, bác sĩ Côsêlicốp ngắm nghía một lúc lâu cái đài nến, gãi tai và ngẫm nghĩ. Món đồ rất đẹp, hiển nhiên là thế - ông ta nghĩ ở trong đầu: Thật tiếc nếu phải vứt nó đi… Nhưng giữ lại thì mình cũng không thể… Hừm… Một quyết định khó khăn! Mình có thể tặng hoặc hiến tặng nó cho ai đây?

Sau khi ngẫm nghĩ một hồi lâu ông ta nhớ đến một người bạn thân, luật sư Atvôkhátthen Ukhốp, người ông còn mắc nợ chút ít vì một vụ kiện.

Tuyệt vời! Bác sĩ Côsêlicốp tự nói với mình. Là bạn thân ông ấy sẽ ngại nhận tiền cảm ơn của mình; vậy nên sẽ thật là hợp lý nếu mình đem tặng ông ấy một món đồ. Mình cứ mang đến tặng ông ấy món đồ của quỷ sứ này! Hơn nữa ông ấy là người không có vợ và phóng đãng…

Không chần chừ, bác sĩ Côsêlicốp thay quần áo, cầm lấy chiếc đài nến và mang nó đến nhà ông Ukhốp.

“Chào ông bạn!” Bác sĩ Côsêlicốp nói với ông Ukhốp. “Tôi đến gặp bạn để cám ơn về việc bạn đã giúp tôi… Bạn không muốn nhận tiền của tôi, vậy thì bạn hãy nhận lấy món đồ này… mong bạn nhận cho… Đây là một món đồ rất tuyệt vời!”

Ông Ukhốp mê mẩn ngắm nhìn chiếc đài nến.

“Món đồ mới tuyệt vời làm sao!” ông Ukhốp cười, reo lên. Tôi không thể tin vào mắt mình được nữa! Tuyệt vời! Trên cả tuyệt vời! Cậu kiếm đâu ra món đồ đẹp đẽ này vậy?”

Sau khi bày tỏ sự thích thú ông Ukhốp nhìn ra cửa và nói:

“Bạn yêu quý, bạn hãy cầm món quà tặng này về đi. Tôi không thể nhận nó được…”

“Tại sao?” Bác sĩ Côsêlicốp sợ hãi thốt lên.

“Vì… vì mẹ tôi hay đến thăm tôi, tôi tiếp các thân chủ của mình ở đây… Tôi cũng sẽ xấu hổ với bọn gia nhân.”

“Không được, không được, không được… cậu không được phép từ chối món quà tặng này!” Bác sĩ Côsêlicốp xua tay nói. “Cậu không nên coi thường thiện ý của tôi! Món đồ này ẩn chứa nhiều giá trị nghệ thuật… bao nhiêu là cảm xúc… bao nhiêu là sự thanh thoát… Tôi… tôi hoàn toàn không muốn nghĩ khác về cậu! Đó là một sự xỉ nhục đối với tôi!”

“Nếu như hai hình người đàn bà có mặc thứ gì đó trên người hoặc nếu như họ cầm thứ gì đó che bớt…”

Nhưng bác sĩ Côsêlicốp càng xua tay đây đẩy, nhanh chóng rời khỏi nhà ông Ukhốp, đi về nhà, vui như mở cờ trong bụng vì đã cho đi được món đồ…

Khi bác sĩ Côsêlicốp đi khỏi ông Ukhốp ngắm nghía cái đài nến, sờ tay vào nó từ mọi phía, vắt óc suy nghĩ một hồi lâu, như ông Côsêlicốp, nên làm gì với món đồ này.

Nó là một đồ vật tuyệt vời - ông Ukhốp tự nói với mình - thật tiếc nếu phải vứt nó đi, nhưng mình cũng không thể giữ lại nó… tốt nhất là tặng nó cho ai đó… Xem nào! Tối nay mình sẽ tặng cái đài nến này cho Nghệ sĩ hài Sasơkhin. Cậu ta thích những đồ vật như thế này, hơn nữa hôm nay cậu ấy có buổi biểu diễn gây quỹ từ thiện…

Nói là làm. Vào buổi tối ông Ukhốp trao chiếc đài nến được gói ghém cẩn thận cho nghệ sĩ hài Sasơkhin. Cả buổi tối những người đàn ông muốn ngắm nhìn món quà tặng chen chúc trong phòng trang điểm của Sasơkhin; trong đó luôn có tiếng thì thầm và tiếng cười hô hố. Nếu một trong những nữ diễn viên cùng biểu diễn với Sasơkhin gõ cửa phòng trang điểm và hỏi: “Tôi được phép vào chứ?” thì ngay lập tức giọng khàn khàn của Sasơkhin vang lên: “Đừng, đừng vào! Tôi đang thay đồ!”

Sau buổi biểu diễn Sasơkhin nhún vai, xòe hai bàn tay ra và nói:

“Tôi nên để món đồ chết tiệt này ở đâu đây? Đúng là tôi sống riêng! Các nữ diễn viên cũng đến chơi với tôi! Nhưng đó không phải là bức ảnh mà người ta có thể đút vào ngăn kéo bàn!”

“Thế thì anh hãy bán nó đi”, người tạo mẫu tóc của nhà hát khuyên Sasơkhin khi giúp anh ta cởi đồ hóa trang. “Ở ngoại thành có một bà già mua đồ cổ bằng đồng đỏ, anh hãy đi ra đó và hỏi người có tên là Sơmianôva(*)… Ở đó ai cũng biết bà ấy.”

Sasơkhin làm theo lời khuyên… Hai ngày sau bác sĩ Côsêlicốp đang ngồi ở phòng khám bệnh của mình và dí dí ngón tay vào trán suy nghĩ mông lung. Đột nhiên cửa mở, và Sasa Sơmianốp chạy vào. Anh ta mỉm cười, gương mặt anh ánh lên niềm hạnh phúc. Hai tay anh đang bê thứ gì đó được bọc trong một tờ báo.

“Thưa bác sĩ!” Sasa thở hổn hển, nói. “Bác biết không, bác đã gặp may! Mẹ con cháu đã mua được một cái đài nến nữa để cho cái đài nến mà mẹ con cháu đã tặng bác có đôi!... Mẹ cháu rất may mắn… Cháu là con trai duy nhất của mẹ cháu… Bác đã cứu sống cháu.”

Và Sasa, run lên vì lòng biết ơn, đặt chiếc đài nến trước mặt bác sĩ Côsêlicốp. Ông ta mở miệng để nói gì đó, nhưng chẳng nói được gì: ông ta đã cấm khẩu!

Phạm Đức Hùng dịch từ bản tiếng Đức của Alexander Eliasberg

(*) Tên mẹ của Sasa Sơmianốp được gọi theo tên họ của chồng - cha của Sasa Sơmianốp.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 2 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước