Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
21:50 (GMT +7)

Sợi dây chuyền lồng ảnh

1.

Một đêm mùa thu có mấy người đàn ông tụ tập quanh bếp lửa trên một triền đồi. Họ là một chi đội thuộc lực lượng liên bang đang chờ lệnh hành quân. Những bộ quân phục xám của họ đã sờn trước thời hạn. Một trong mấy người đàn ông đang hơ cái gì đó trong chiếc ca thiếc trên những cục than hồng của bếp lửa đang tàn. Hai người khác đang nằm dài gần đó trong khi người thứ tư đang xích lại gần phía sáng để cố đọc một lá thư. Anh nới lỏng cổ áo và mấy khuy chiếc áo sơ mi vải.

“Mày đeo cái gì trên cổ vậy, Ned?” một trong hai người nằm phía tối hỏi.

Ned - hay còn gọi là Edmond - bất giác gài một nút áo sơ mi và không trả lời. Anh tiếp tục đọc lá thư của mình.

“Đó là ảnh người yêu của mày hả?”.

“Chả phải là ảnh cô nào,” người đàn ông ngồi gần bếp lửa trả lời. Anh ta đã thôi hơ cái ca thiếc và đang bận khuấy chất lỏng trong ca cáu bẩn bằng một cái que nhỏ. “Đó là cái bùa mà một linh mục đã cho nó để tránh rắc rối. Tao hiểu những người công giáo lắm. Vì vậy mà gã người Pháp này không bị một vết xước nào từ khi nhập ngũ. Ê, thằng Pháp, tao nói đúng không?” Edmond lơ đãng rời mắt khỏi lá thư nhìn lên.

“Gì thế?” chàng hỏi.

“Vật mày đeo trên cổ có phải là bùa không?”

“Chắc chắn là bùa rồi, Nick,” Edmond đáp với một nụ cười. “Tôi không biết làm sao có thể sống qua một năm rưỡi nay nếu không có nó.”

Lá thư làm Edmond nhớ người yêu và nhớ nhà. Chàng duỗi người nằm ngửa nhìn lên những vì sao lấp lánh. Nhưng chàng không nghĩ về chúng hay về điều gì khác mà đang nhớ về một ngày mùa xuân khi những con ong bay vo ve trong những bụi cây ông lão và một người con gái nói lời từ biệt với chàng. Chàng có thể thấy nàng cởi khỏi cổ mình sợi dây chuyền lồng ảnh để đeo lên cổ chàng. Đó là một sợi dây chuyền vàng có mặt mề đay lồng ảnh kiểu cũ có tấm ảnh nhỏ của cha mẹ nàng cùng tên và ngày tháng kết hôn của họ. Đó là tài sản quý giá nhất của nàng. Edmond một lần nữa có thể cảm thấy những nếp gấp của chiếc áo dài màu trắng mềm mại, những nếp rũ của đôi tay áo thiên thần khi nàng choàng đôi tay thanh tân trên cổ chàng. Gương mặt thuần khiết quyến rũ, có vẻ đau khổ vì nỗi đau chia lìa của nàng như đang hiện trước mặt chàng sống động. Chàng trở mình, vùi mặt vào cánh tay và nằm yên bất động.

Đêm thăm thẳm với vẻ ngoài yên tĩnh bình lặng ngự trị trên trại của mấy người lính. Chàng mơ thấy nàng Octavie xinh đẹp mang lại cho chàng một lá thư. Chàng không có ghế để mời nàng ngồi và đau khổ, ngượng ngùng vì trang phục của mình. Chàng xấu hổ vì thức ăn đạm bạc của bữa ăn tối mà chàng mời nàng cùng ăn với họ.

Chàng mơ thấy một con rắn quấn quanh cổ, và khi chàng gắng bắt lấy nó thì con vật nhầy nhụa trượt khỏi tay chàng. Lúc ấy giấc mơ của chàng tắt ngấm bởi những tiếng la hét.

“Dậy đi, mấy đứa vô dụng! Mày, thằng Pháp!” Nick đang quát vào mặt chàng. Hình như có sự dịch chuyển dồn dập khác thường. Triền đồi bừng lên tiếng ồn ào, những nguồn sáng đột ngột lóe lên giữa những cây thông. Ở phía đông bình minh vừa lên từ bóng tối. Tuy vậy ánh sáng của nó vẫn còn mờ nhạt trên đồng bằng phía dưới.

“Có chuyện gì vậy nhỉ?”, một con chim đen lớn đậu trên đỉnh ngọn cây cao nhất thắc mắc tự hỏi. Nó là một con chim già thông minh và cô đơn, tuy nhiên nó lại không đủ thông minh để đoán chuyện gì xảy ra. Vậy là suốt ngày nó cứ hấp háy mắt và thắc mắc.

Tiếng động vang xa trên cánh đồng, vượt qua những ngọn đồi và đánh thức những em bé đang ngủ trong nôi. Khói cuộn lên về hướng mặt trời và phủ mờ đồng bằng vì thế những con chim ngu ngốc nghĩ rằng trời sẽ mưa, nhưng con chim thông minh thì biết tốt hơn. “Chúng là những đứa bé đang chơi trò chơi,” nó nghĩ. “Mình sẽ biết nhiều hơn về trò này nếu mình nhìn đủ lâu.”

Khi đêm xuống tất cả đoàn quân biến mất cùng với tiếng náo động và khói. Lúc ấy con chim già rỉa lông. Cuối cùng nó đã hiểu! Vỗ đôi cánh đen lớn, nó lao xuống, lượn vòng về phía đồng bằng.

Một người đàn ông đang len lỏi đi trên bình nguyên. Ông ta mặc quần áo tu sĩ. Nhiệm vụ của ông là thuyết giáo động viên những người đang hấp hối. Một người da đen đi cùng ông, xách theo một xô nước và một bình rượu.

Ở đây không còn những người bị thương, họ đã được đưa đi trong cuộc rút lui vội vàng. Những con kền kền và những người cứu giúp sẽ phải nhìn những người chết còn lại.

Có một người lính - chỉ là một cậu trai -  đang nằm ngửa mặt lên trời. Hai bàn tay với những móng tay dính đất vẫn nắm chặt cụm cỏ mà cậu ta đã cào cấu trong cơn hấp hối. Khẩu súng của cậu đã mất; cậu ta không có mũ, mặt và quần áo thì nhọ nhem. Quanh cổ cậu là một sợi dây chuyền có chiếc mề đay đựng ảnh. Vị linh mục khom mình xuống, cởi sợi dây chuyền tháo nó khỏi cổ người lính đã chết. Ông đã quen với những nỗi kinh hoàng của chiến tranh và có thể không ngần ngại đối diện chúng nhưng tính chất bi ai của nó, cách nào đó, luôn luôn mang lại những giọt lệ cho đôi mắt già, mờ của ông.

Hồi chuông cầu kinh đang vang lên cách đó nửa dặm. Vị linh mục và người da đen quỳ xuống cùng thì thầm bài kinh buổi tối và cầu nguyện cho người chết.

2.

Sự bình yên và vẻ đẹp của một ngày mùa xuân đã về trên trái đất như một lời chúc phúc. Dọc theo con đường đầy lá men theo một dòng suối hẹp uốn khúc ở miền trung Louisiana, vang lên tiếng lộc cộc của một chiếc xe ngựa kiểu cũ, trông rất xấu vì đã sử dụng trên những con đường quê gồ ghề khúc khuỷu. Những con ngựa đen, béo mập đi chậm rãi, bất chấp sự thúc giục của người đánh xe đen, mập. Ngồi trong xe là nàng Octavie xinh đẹp và người bạn láng giềng của nàng, thẩm phán Pillier, người đã đến để đưa nàng đi dạo buổi sáng.

Octavie mặc chiếc áo dài đen mộc mạc. Một chiếc thắt lưng hẹp bản thắt nơi eo và những ống tay áo được thu lại bằng hai chiếc băng vòng cổ tay. Nàng đã thôi mặc chiếc váy phồng và trông giống như một nữ tu. Bên dưới những nếp gấp phía trên vạt áo là chiếc mề đay cũ. Bây giờ nàng không hề để lộ nó ra. Trong mắt nàng nó đã trở thành thiêng liêng, quý giá như những vật kỷ niệm đồng nhất với khoảnh khắc đầy ý nghĩa về sự tồn tại của một con người.

Nàng đã đọc cả trăm lần lá thư kèm theo chiếc mề đay gửi về trả cho nàng. Nàng lại mới vừa nghiền ngẫm nó. Khi nàng ngồi bên cửa sổ, vuốt lá thư đặt trên đầu gối, mùi cây cỏ hăng hăng thoảng qua cùng tiếng hót véo von của những con chim và tiếng râm ran của côn trùng trong không khí.

Nàng quá trẻ và thế giới thì quá đẹp đến nỗi nàng có cảm giác phi thực tế khi đọc đi đọc lại lá thư của vị linh mục. Ông kể ngày mùa thu hôm đó đang sắp hết, với ánh sáng vàng đỏ mờ dần ở phía tây, và đêm đang phủ bóng tối lên những khuôn mặt người chết. Ôi! Nàng không thể tin nổi một trong những người chết đó là người yêu của mình! Với khuôn mặt ngẩng lên bầu trời xám trong vẻ khổ đau. Một sự phản kháng phát sinh trong lòng nàng. Mùa xuân hiện diện làm gì với những bông hoa và hương trời quyến rũ nếu chàng đã chết! Nàng ở đây làm gì! Nàng phải làm gì đây với cuộc đời và sự sống!

Octavie đã trải qua nhiều thời điểm tuyệt vọng, nhưng nàng luôn có sự nhẫn nhục thiêng liêng, và sự nhẫn nhục bao bọc nàng như một chiếc áo choàng.

“Mình sẽ già đi, buồn và lặng lẽ như dì Tavie tội nghiệp,” nàng thì thầm với mình khi gấp lá thư cất lại trong quyển sổ. Nàng đã khoác cho mình chút dáng vẻ nghiêm trang như dì Tavie của nàng. Nàng bắt chước vô thức dì Tavie, người mà nỗi buồn đau thời trẻ đã lấy đi những niềm vui và luôn sống trong những ám ảnh của ảo giác tuổi trẻ.

Khi ngồi trong cỗ xe cũ kỹ bên cạnh cha của người yêu đã chết, một lần nữa cảm giác kinh khủng về sự mất mát vẫn thường ám ảnh nàng trước đây lại đến với Octavie. Nàng dựa lưng về phía sau và kéo mạng che mặt lại kỹ hơn. Đó là một chiếc mạng che mặt cũ màu đen của dì Tavie. Một luồng bụi từ đường tạt vào mặt, nàng lau gò má và mắt bằng chiếc khăn tay trắng, mềm, một chiếc khăn tay tự may từ một trong những chiếc váy vải mút xơ lin mềm mại cũ của nàng.

“Cháu giúp bác một việc nhé, Octavie,” ông thẩm phán yêu cầu bằng giọng hòa nhã cố hữu, “là gỡ tấm mạng che mặt cháu đang mang. Có vẻ nó không hợp với vẻ đẹp và sự hứa hẹn của ngày hôm nay.”

Cô gái trẻ làm theo yêu cầu của người đồng hành lớn tuổi và nới lỏng tấm mạng buồn bã, vướng víu khỏi cái mũ, gấp lại gọn gàng và để nó lên chiếc ghế trước mặt.

“A! Như thế thì tốt hơn, tốt hơn nhiều!” giọng ông thẩm phán diễn tả một sự nhẹ nhõm vô tận không kềm chế. “Đừng bao giờ đeo lại nó nữa, con nhé.” Octavie cảm thấy một chút đau; như thể ông muốn ngăn cản nàng chia sẻ gánh nặng ưu phiền đã đè trên họ. Một lần nữa nàng đưa chiếc khăn tay mút xơ lin cũ lên lau mắt.

Họ đã rời đường lớn và rẽ vào một khoảng đất bằng vốn là một đồng cỏ cũ. Đây đó có những cụm cây gai tuyệt đẹp trong ánh sáng mùa xuân. Xa xa vài con bò đang gặm những búi cỏ cao và ngọt. Ở phía cuối cánh đồng cỏ là hàng rào hoa tử đinh hương, viền theo con đường dẫn đến nhà của thẩm phán Pillier, mùi hoa nồng nàn như một vòng ôm chào đón họ dịu dàng êm ả.

Khi đến gần ngôi nhà ông già đặt một tay quàng vai cô gái quay mặt nàng lại phía ông và nói: “Con không nghĩ rằng vào một ngày như thế này, phép lạ có thể xảy ra phải không? Khi mà cả trái đất sôi động cùng cuộc sống, thì con có nghĩ, Octavie, rằng trời có thể động lòng thương và trả lại cho chúng ta người đã chết?”. Ông nói rất chậm, giọng run run không như thói quen và nét bối rối hiện trên trên gương mặt ông. Nàng nhìn ông với đôi mắt đầy vẻ khẩn khoản và một niềm vui vô bờ.

Họ đánh xe qua con đường có hàng rào cao ở một bên và cánh đồng cỏ rộng ở phía bên kia. Những con ngựa chợt chạy nhanh hơn. Khi họ rẽ vào con đường dẫn vào nhà, từ vòm lá tiếng chim hót râm ran đột ngột vang lên thành một giai điệu chào mừng.

Octavie cảm thấy như thể nàng đang bước vào một giấc mơ, nhiều thương cảm và thực hơn cả cuộc đời. Kia là ngôi nhà xám cũ với mái hiên dốc. Giữa vùng lá xanh mờ, nàng thấy những khuôn mặt quen thuộc và nghe những giọng nói như thể chúng đến từ xa vượt qua các cánh đồng, và Edmond đang ôm nàng. Edmond đã chết của nàng; Edmond đang sống của nàng, nàng cảm thấy nhịp đập của tim chàng, những nụ hôn của chàng gắng đánh thức nàng. Cứ như thể cuộc sống và mùa xuân đang thức dậy đã trả lại linh hồn cho nàng và bắt nàng phải hân hoan.

Nhiều giờ sau đó Octavie kéo cái mề đay ra khỏi ngực mình và nhìn Edmond với vẻ thắc mắc.

“Đó là đêm trước trận đánh,” chàng nói, “trong sự ác liệt của cuộc chạm trán, và vội vã rút lui vào ngày hôm sau, anh không hề nhớ tới nó cho tới khi trận đánh kết thúc. Anh nghĩ anh đã làm mất nó trong cuộc chiến đấu ác liệt, nhưng thật ra nó đã bị đánh cắp.”

“Bị đánh cắp,” nàng rùng mình, và nghĩ đến người lính chết với khuôn mặt ngửa lên trời trong nỗi thống khổ hấp hối.

Edmond không nói gì, nhưng chàng nghĩ về người đồng đội của mình, người đã nằm phía xa trong bóng tối, người đã không nói gì hết

  Nhà văn Kate Chopin, tên đầy đủ là Katherine O'Flaherty, sinh ngày 8 tháng 2 năm 1850 tại St Louis, Missouri, Hoa Kỳ, có cha là người Ái Nhĩ Lan nhập cư nước Mỹ, mẹ là người Pháp. Bà đặc biệt thích khám phá những phức tạp trong quan hệ nam nữ và đời sống gia đình… Sáng tác của bà thường gây ra tranh luận nên có nhiều truyện ngắn không được in lúc bà còn sống. Bà mất ngày 22 tháng 8 năm 1904, tại quê nhà.

Truyện ngắn của Kate Chopin

Võ Hoàng Minh    dịch từ “The Locket”

Nguồn: Http://www.pagebypagebooks.com/Kate_Chopin/The_Awakening_and_Selected_Short_Stories/The_Locket_Chapter_I_p2.html

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xổ số

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm truyện cực ngắn Murakami Haruki

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ngày mà Alfred tự tìm kiếm mình trên Google

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Ông bà nội tôi

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Bertha

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Truyện kể trong ngày của mẹ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước