Sẽ lại về Thái
VNTN- Thái Nguyên gắn bó và thân thương đến mức như nhà với họ hàng bên ngoại khiến tôi tự nhiên cũng thấy gần gũi lạ lùng. Và mấy lần đến với Thái Nguyên của tôi, thật tình cờ đều để lại những dấu ấn khó quên.
Tác giả (bên phải) trong một dịp đến với Khu du lịch Hồ Núi Cốc
Thực ra, tôi không có nhiều kỉ niệm và kí ức với Thái Nguyên, nhưng người thân của tôi thì lạị rất nhiều. Ngày nhỏ, tôi được mẹ nhắc nhiều về địa danh này vì bác gái - chị ruột mẹ công tác trong ngành thương nghiệp trên đó nhiều năm. Bác trai cũng gắn bó hơn nửa cuộc đời trong ngành lâm nghiệp. Rồi cậu tôi cũng lập nghiệp trên đất ấy. Cậu có nhà và một mảnh đất rộng mấy mẫu trên những quả đồi mênh mông. Và trong lời mẹ nhắc, khi cậu không ở quê là cậu đang “ở Thái, đang về Thái”. Thái Nguyên gắn bó và thân thương đến mức như nhà với họ hàng bên ngoại khiến tôi tự nhiên cũng thấy gần gũi lạ lùng. Và mấy lần đến với Thái Nguyên của tôi, thật tình cờ đều để lại những dấu ấn khó quên.
Đó là ngày sinh viên năm nhất, tôi và hai cô bạn cùng phòng lên chơi với chị gái của bạn đang học trên đó. Chị học Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Chuyến tàu Hà Nội - Thái Nguyên chở theo những háo hức, nhiệt tình tuổi trẻ. Mấy tiếng ngồi tàu, không đứa nào chợp mắt dù cơn váng vất luẩn quẩn. Cảm giác được lơ đãng ngó ra ngoài theo những vệt xanh trôi dần theo nhịp mắt thật thú vị. Cứ nhẩm những cái tên ga lẻ ngồ ngộ mà rồi quên biến.
Thái Nguyên đón chúng tôi bằng cơn mưa chiều đông dịu dàng và màu đất đồi trung du đặc trưng. Chị Liên - chị của bạn dẫn mấy đứa băng qua những con đường đông đúc, nườm nượp sinh viên, rồi sang một con đường nhỏ lô xô cây để về xóm trọ. Cảm giác đầu tiên là ngạc nhiên vì thấy nơi đây yên bình, xanh mát hơn cả quê mình. Chị bảo, chỗ trọ này bọn chị mới chuyển đến được một tháng cho yên tĩnh để ôn thi. Chứ đợt trước, ở khu trên, lúc nào cũng như hội. Chúng tôi đã được chứng kiến cảnh hội hè đó khi buổi tối, chị dẫn sang khu ở của bạn. Khu này tập trung sinh viên cả mấy trường Sư phạm, Nông Lâm, Công nghiệp… nên đông đúc, nhộn nhịp vô cùng. Đông hơn những khu sinh viên ở Thủ đô từng bắt gặp. Cô bạn cười, đây cũng là “Thủ đô gió ngàn” chứ bộ!
Về chỗ trọ của chị, đêm đầu tiên nằm ngủ, nghe tiếng gió xạc xào như đang giãi bày, tỉ tê. Cái rét đầu mùa không đến nỗi cắt da, cắt thịt nhưng se sắt nỗi gì khác cái rét đồng bằng làm tôi thốt nhiên nhớ câu thơ của nhà thơ Tố Hữu “Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế”.
Ngày hôm sau, các chị bận nên 3 đứa tự do khám phá Thái Nguyên. Loanh quanh chỗ cột đồng hồ - dấu hiệu đặc trưng thành phố rồi ghé vào Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Lần đầu tiên chúng tôi được tận mắt, tận tay chạm vào, chiêm ngưỡng nền văn hóa các dân tộc ít người. Điều ấn tượng nhất là mỗi khi đi đến góc nào đó, đang mải mê đọc những dòng chữ chú thích thì lại giật bắn khi lù lù một dáng người ngay trước mặt. Những mô hình người với trang phục truyền thống của mỗi dân tộc, những nếp nhà độc đáo, những phong tục tập quán sống động trong một không gian âm xâm gợi nét trầm mặc, “rất miền núi phía Bắc” làm nên một buổi sáng thật ý nghĩa và quý báu! Sau này tôi có nhiều dịp lang thang ở Bảo tàng Dân tộc học dưới Hà Nội nhưng cảm giác không đã, không ấn tượng như gặp ở Bảo tàng tại Thái Nguyên - dù quy mô lớn hơn, mô hình đa dạng và hoạt động phong phú hơn.
Chiều về, tham dự bữa liên hoan ở nhà trọ, có mấy phòng thôi. Ngoài phòng các chị có mấy phòng của các anh học bên Nông Lâm và Công nghiệp. Các anh đến từ nhiều tỉnh: Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên… nhưng điểm chung là đều hài hước, vui tính. Đặc biệt, khi thấy có một hội các em “quê chị hai” thì nằng nặc đòi được nghe Quan họ. May quá, cô bạn đi cùng là ca sĩ vườn nhà nên mấy chị em không làm hổ danh con gái Bắc Ninh. Ăn uống xong còn giao lưu đến tận khuya với màn hát hò, trò chuyện mà tiếng cười không ngớt. Có anh dẻo miệng hẹn rằng sau này nhất định phải về Bắc Ninh tìm các em. Không biết chỉ là câu nói buột miệng hay là tiếng hát chân tình vang lên trong một buổi tối se se đã sưởi ấm một góc trời Thái Nguyên và làm rung lên những thiện cảm trong lòng những người trẻ trung, nhạy cảm? Nhưng quả thật, mấy ngày ở Thái Nguyên, dù không đi thật nhiều nơi, gặp thật nhiều người nhưng đã để lại cho tôi thật nhiều nhớ nhung, thương mến. Để rồi trên chuyến tàu xuôi về, có những câu thơ bật lên không hẹn trước.
Sẽ có một ngày em trở lại nơi đây
Thăm Sư phạm, Nông Lâm và những người đã gặp
Con tàu mến thương, những chặng đường tít tắp
Tiếng giục mời tha thiết - Thái Nguyên ơi!
Sẽ có một ngày em lại về chơi
Để được ngắm sóng hồ Núi Cốc
Huyền thoại ngàn đời lặn vào chân tóc
Và bây giờ ánh mắt nở bừng sao.
Sẽ có một ngày, một ngày không xa
Em hát “người ơi” trong câu quan họ
Núi rừng nhỉ - một người nào lạ
Nhắn tiếp “người ở đừng về”!
Có một dòng sông ở một miền quê
Có những cô gái của vùng Quan họ
Đến với núi bằng nhiệt tình tuổi trẻ
Và hẹn hò bằng xao xuyến 20!
Sau chuyến đi, anh nhà bác trách sao lên Thái Nguyên mà không vào chỗ anh, chỗ bác chơi. Cười xòa, bảo tại đi vội quá, lần sau chắc chắn tới ăn vạ anh, bắt anh dẫn đi khắp Thái Nguyên. Nhưng mấy lần sau, có dịp đến Thái Nguyên lại đều cùng đoàn nên vẫn lỗi hẹn. Có điều đã đến được những nơi mong đến nhất và lại nhận về những rung rinh. Là cảm giác rưng rưng khi hòa cùng các cô chú cựu chiến binh suốt dọc hành trình về nguồn mà ATK Định Hóa là điểm bắt đầu. Là sự hứng khởi, vỡ òa khi cùng 11 chiếc xe khách chở học sinh toàn trường lên hồ Núi Cốc. Năm nào trường cũng tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh đến các điểm tham quan, nhưng hơn 10 năm tham gia, thấy chuyến đi hồ Núi Cốc là học sinh vui và thú vị nhất. Đặc biệt là khi được hòa vào các giai điệu nhạc nước trữ tình, hùng tráng hay ngồi thuyền trôi theo dòng suối trong động nghe kể về câu chuyện chàng Cốc, nàng Công.
Bỗng thấy mình có duyên với mảnh đất này. Khi đôi lần được góp mặt trên Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên của xứ chè và đạt giải nho nhỏ trong một cuộc thi. Được tiếp xúc để cảm mến và ngưỡng mộ những người Thái Nguyên trong trẻo mà mạnh mẽ, ấm áp mà tinh tế. Như vị của những búp chè ngon: mát, lành và đậm vị - càng uống lại càng mê!
Bây giờ, bác tôi đã về hưu, nhà cậu cũng bán để chuyển về quê thành một mối, anh tôi ra trường đi làm từ lâu… nhưng chắc chắn khi có dịp, tôi sẽ “lên Thái” một chuyến dài. Để hiểu hơn về đất và người xứ ấy, để gặp lại những yêu thương tôi gửi lại một thời.
Chờ nhé - Thái Nguyên ơi!
Nhất Mạt Hương (Yên Phong, Bắc Ninh)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...