Say chè, say tình người miền đất Thái Nguyên
VNTN- Tôi sinh ra tại Thái Bình, lớn lên tại Tây Nguyên, như một cái duyên nếu ghép chữ đầu của quê nơi tôi sinh ra (chữ Thái trong Thái Bình) với chữ cuối của nơi lớn lên (Nguyên trong chữ Tây Nguyên) sẽ là: Thái Nguyên, nói vui vậy để thấy mọi sự đều có duyên, Thái Nguyên trong tôi ăm ắp bao kỷ niệm…
Đại diện Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và UBND xã Tân Thái khảo sát tại địa điểm khoanh vùng di tích lịch sử Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, ngày 01/3/2019
Say chè...
Mùa đông năm 2015, khi tôi đang học Cao học Báo chí tại Hà Nội, anh Hoàng Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Gia Lai gọi điện: Chú lên Thái Nguyên với anh không? Không chút chần chừ tôi đồng ý ngay. Thái Nguyên yên bình đến lạ, trời se lạnh, tôi có thói quen đi bộ buổi sáng, sau đó la cà quán ven đường hỏi thăm dân tình.
Ngồi xuống quán nước chè vỉa hè gần Đài Truyền thanh - Truyền hình thành phố Thái Nguyên lúc ấy, tôi xin chén chè nóng, hai tay vân vê ấm lòng bàn tay, hương chè mùi cốm phảng phất xua tan cái lạnh đầu đông. Tôi ngạc nhiên thì bà bán hàng bảo: Chè Tân Cương không chỉ phảng phất mùi cốm đâu, nó còn có vị ngọt bùi đậm đà và sâu lắng, chú uống đi cho nóng, nó còn có vị chát thanh tao. Thú thật tôi ít khi uống chè nhưng đến mỗi vùng miền tôi đều muốn thưởng thức đặc sản vùng đó. Ngụm một hớp nước chè, ngậm và nghe trong miệng tôi như bừng tỉnh, hương cốm non thuần khiết tựa như khí trời mát mẻ của vùng đất thấp gần sông Công thơ mộng. Nếu hương chè tượng trưng cho hương trời thì vị chè tượng trưng cho vị đất… Do hôm trước có được tiếp đón bằng rượu quê, sáng đi bộ khát nước tôi mân mê uống hết 2 cốc chè.
Về đến khách sạn, chị Giang Thị Kim Quy, khi đó là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên đã chờ sẵn mời mọi người đi ăn phở sáng. Lúc đó tôi thấy trong người nôn nao, và đến khi ngồi vào bàn ăn phở thì thấy rõ, phở thật ngon mà không sao nuốt nổi, nôn nao khó tả, chị Quy hỏi tôi vẫn còn say rượu à? Tôi nói sáng em có uống 2 cốc chè vỉa hè, chị bảo “thôi, em say chè rồi!”, lúc đó tôi mới biết. Tả thế nào nhỉ, người lâng lâng, nôn nao cồn cào rất khó chịu và tôi húp chút nước, đành để lại bát phở sáng thật ngon. Chị bảo tôi uống nhiều nước lọc vào, cố ăn vài miếng để lót dạ dày, và ngậm chiếc kẹo vào để bổ sung đường trong máu. Nói thật, cái cảm giác say chè ấy nó khó chịu hơn say rượu rất nhiều, đây là ấn tượng đầu tiên tôi đến với Thái Nguyên không bao giờ quên. Và nhiều người đều chung suy nghĩ dù bạn là người kỳ cựu hay người mới yêu chè, nếu uống chè không đúng cách bạn cũng sẽ bị say chè như người ta say rượu với những cảm giác khó chịu. Các triệu chứng có thể khác nhau ở mức độ: chóng mặt, ù tai, đánh trống ngực, run rẩy, đổ mồ hôi lạnh, run chân tay và đói cồn cào nhưng lại không ăn được. Và kinh nghiệm sau đợt đó là không uống chè với cái dạ dày trống rỗng.
Dọc đường vào thăm khu di tích lịch sử nơi thành lập Hội Nhà Báo Việt Nam tại thôn Roòng Khoa xã Điềm Mặc huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên, chị Quy luôn xoa nóng hai bàn tay lại và đặt lên thái dương và xoa lưng tôi để tôi đỡ nôn nao. Một kỷ niệm không thể quên của tôi lần đầu đến Thái Nguyên là say chè…
Say tình người…
Như một cái duyên sâu nặng với đất Thái Nguyên, tháng 11/2017, tôi chuyển công tác về Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam. Ngày đầu gặp Nhà báo Phan Hữu Minh, Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam (anh nguyên là Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên, nguyên Giám Đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên), anh vỗ vai tôi và bảo: “Vũ ạ, phải đặt được bia di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ở gần Hồ Núi Cốc Đại Từ, Thái Nguyên nữa thì mới yên tâm”. Sự yên tâm ở đây mà anh Minh nhắc đến, theo tôi nghĩ đó là sự yên tâm với lịch sử, với các vị tiền bối, với bề dày của việc đào tạo báo chí nước nhà, lớp học đầu tiên hơn 40 học viên ấy đã tỏa đi khắp các chiến trường, các nẻo đường đất nước đưa tin chiến sự, cổ vũ lòng dân đồng lòng đánh giặc. Anh Minh quê Hà Nam nhưng lên Thái Nguyên lập nghiệp người rất nặng lòng với miền đất này.
Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam quyết tâm thực hiện việc lập hồ sơ để ngành chức năng công nhận Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là Di tích lịch sử Quốc gia. Tôi được giao nhiệm vụ phối hợp với cán bộ nghiệp vụ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên bám sát việc lập hồ sơ khoanh vùng di tích. Ngày đầu tiên đến xã Tân Thái, tôi nhờ anh Thưởng, hồi đó là Giám đốc Đài Truyền thanh - Truyền hình thành phố cho xe chở đi. Khi nghe chúng tôi trình bày về công việc, anh Nghị, Chủ tịch UBND xã và anh Trương Văn Ngọc, Bí thư Đảng ủy xã đã nhiệt tình ủng hộ cử cán bộ địa chính đưa chúng tôi ra thực địa. Khu vực Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng xưa kia hiện nay phần lớn nằm dưới lòng Hồ Núi Cốc, một phần còn lại nằm trên địa phận của xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Sau khi đo đạc, xác định tọa độ khoanh vùng di tích, vẽ bản đồ… một việc rất quan trọng để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích Quốc gia.
Có lần đoàn công tác của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam đến làm việc nhưng chiều đoàn phải về Hà Nội có việc gấp, tôi đã tình nguyện ở lại để xin 8 con dấu trên bản đồ khoanh vùng. Từ xã đến huyện lên tỉnh đến đâu cũng được các cán bộ thực thi nhiệm vụ nhiệt tình phối hợp giúp đỡ để hoàn thành nhiệm vụ. Thời gian kỷ niệm 70 năm thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng càng đến gần, chúng tôi càng phải chạy nước rút bất kể ngày đêm.
Rồi ngày đó cũng đến, hồ sơ xong, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký quyết định công nhận Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là Di tích lịch sử Quốc gia, trong lòng chúng tôi ai cũng dâng trào niềm vui. Công việc lớn và khó, nhưng hoàn thành được là nhờ tâm huyết, nỗ lực rất cao của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, của các cán bộ Bảo tàng Báo chí Việt Nam, sự ra sức của các học viên, gia đình giảng viên và học viên. Đặc biệt, có sự quyết tâm và hỗ trợ đắc lực của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên. Hồi đó, anh Trịnh Việt Hùng còn là Phó Chủ tịch (hiện nay là Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên) đã chỉ đạo rốt ráo cán bộ, nhân dân, chính quyền huyện Đại Từ và xã Tân Thái cùng sự đồng thuận, tạo điều kiện của các bộ, ban, ngành trung ương.
Từ đây, bên cạnh Hồ Núi Cốc thơ mộng được vang danh thêm một khu di tích lịch sử cấp Quốc gia “Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng”, thêm một điểm tham quan hấp dẫn với du khách khi đến với Thái Nguyên. Chỉ tính riêng ATK Định Hóa Thái Nguyên đã có 182 di tích được kiểm đếm, trong đó đã được công nhận: 1 di tích Quốc gia đặc biệt, 17 di tích, danh thắng được xếp hạng cấp Quốc gia; 26 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Thái Nguyên trong tôi là sự nôn nao của cốc chè nóng, sự lan tỏa của tình người có trách nhiệm với chính vùng đất mà họ đang cống hiến, rồi đây miền đất ấy sẽ phát triển bền vững, tôi tin như thế!
Mai Chí Vũ (Hà Nội)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...