Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
08:21 (GMT +7)

Sau hai mươi năm

Viên cảnh sát tuần tra tiến vào đại lộ với vẻ hùng dũng. Vẻ hùng dũng thuộc về thói quen chứ không phải để thể hiện, bởi vì trên đường phố lúc đó vắng tanh. Mới gần mười giờ đêm, nhưng những cơn gió lạnh buốt phảng phất vị của mưa đã đẩy người ta khỏi đường phố.

Viên cảnh sát đi kiểm tra từng ô cửa ra vào, quay tít chiếc dùi cui bằng những động tác phức tạp và điệu nghệ, thỉnh thoảng lại quay người để rải ánh mắt cảnh giác dọc đại lộ yên bình. Với thân hình vạm vỡ và vẻ hiên ngang, viên sĩ quan cảnh sát tạo ra một hình ảnh đẹp về người canh gác sự bình yên. Khu phố này ngừng hoạt động khá sớm. Thỉnh thoảng ta có thể nhìn thấy ánh đèn của một cửa hiệu bán xì-gà hoặc một quầy bán đồ ăn khuya, nhưng phần lớn các tiệm buôn đã đóng cửa từ lâu.

 

Đến quãng giữa của một dãy nhà viên cảnh sát bỗng đi chậm lại. Một người đàn ông đang đứng dựa người vào bức tường bên lối vào một cửa hàng bán đồ gia dụng với điếu thuốc chưa châm lửa trên môi. Khi viên cảnh sát bước tới chỗ mình, ông ta vội lên tiếng.

“Không có chuyện gì đâu, ông sĩ quan,” ông ta nói bằng giọng quả quyết. “Tôi chỉ đang đợi một người bạn thôi mà. Chúng tôi đã hẹn với nhau từ hai mươi năm trước. Nghe có vẻ buồn cười đối với ông, phải không nhỉ? À, tôi sẽ giải thích nếu ông muốn chắc chắn không có gì mờ ám ở đây cả. Chỗ mà bây giờ là cái nhà kho này ngày trước vốn là một tiệm ăn - Nhà hàng Big Joe'Brady.”

“Cho tới năm năm trước,” viên cảnh sát nói. “Nó đã bị phá đi.”

Người đàn ông đứng ở lối ra vào cửa hàng đánh một que diêm và châm thuốc. Ánh lửa làm lộ một khuôn mặt nhợt nhạt có cái cằm vuông vức, đôi mắt sắc và một vết sẹo trắng gần lông mày bên phải. Chiếc kẹp cà-vạt của ông ta có đính một viên kim cương lớn, một sự kết hợp hơi kỳ quặc.

“Vào đúng đêm nay hai mươi năm trước,” người đàn ông nói, “tôi đã ăn tối ở đây, tại nhà hàng Big Joe'Brady với Jimmy Wells, anh bạn thân nhất của tôi, và là người bạn tuyệt nhất trên thế gian này. Anh ấy và tôi cùng lớn lên ở New York, chẳng khác gì hai anh em. Tôi mười tám, còn anh ấy hai mươi. Sáng hôm sau tôi phải đi miền Tây làm ăn. Ông không thể lôi Jimmy ra khỏi New York; anh ấy nghĩ đó là nơi duy nhất trên thế giới. Đêm hôm đó chúng tôi đã hẹn với nhau rằng hai mươi năm sau sẽ gặp lại vào đúng ngày này, giờ này, dù điều kiện hoàn cảnh của chúng tôi như thế nào và dù chúng tôi phải đi bao xa để tới đây. Chúng tôi tính rằng, dù gì chăng nữa hai mươi năm sau mỗi người chúng tôi chắc chắn đã có số phận an bài và có tiền đồ rồi.

“Nghe có vẻ khá thú vị đấy,” viên cảnh sát nói. “Mặc dầu đối với tôi dường như đó là một khoảng thời gian khá dài giữa các cuộc gặp. Từ khi ra đi anh có tin tức gì của bạn anh không?”

“Có chứ, chúng tôi có viết thư cho nhau một thời gian,” người kia nói. “Nhưng sau một hoặc hai năm gì đó chúng tôi bị mất liên lạc. Ông thấy đấy, miền Tây là một mục tiêu lớn, và tôi cứ hối hả ngược xuôi khắp miền. Nhưng tôi biết Jimmy sẽ gặp tôi ở đây nếu anh ấy còn sống, bởi vì anh ấy luôn là người bạn cũ biết giữ lời hứa và trung thành nhất trên đời. Anh ấy sẽ không bao giờ quên lời hẹn. Tôi đã vượt cả nghìn dặm để đứng ở đây đêm nay, và tôi làm như vậy cũng đáng, nếu như người bạn cũ của tôi đến.”

Người đàn ông đang chờ đợi lấy ra một chiếc đồng hồ đẹp, nắp đồng hồ được dát những viên kim cương nhỏ.

“Mười giờ kém ba phút,” ông ta thông báo. “Năm ấy đúng mười giờ chúng tôi chia tay tại cửa nhà hàng.”

“Ở miền Tây ông làm ăn phát đạt đúng không?” Viên cảnh sát hỏi.

“Đúng vậy! Tôi hy vọng Jimmy thành công được bằng nửa chừng ấy thôi. Anh ấy hơi chậm chạp nhưng là người tốt. Tôi đã phải cạnh tranh với một số đối thủ thông minh sắc sảo nhất để tạo dựng cơ đồ. Ở New York thì con người ta cứ theo lối mòn thôi. Cứ phải ở miền Tây con người ta mới được rèn giũa cho nhạy bén lên.”

Viên cảnh sát xoay tít chiếc dùi cui và bước đi một hai bước.

“Tôi đi tuần tra tiếp đây. Hy vọng bạn của ông sẽ đến đúng hẹn. Mà bạn của ông cứ nhất thiết phải đến đúng giờ ư?"

“Không phải thế!” người đàn ông nói. “Tôi sẽ cho anh ấy ít nhất một nửa giờ. Nếu Jimmy còn sống trên trái đất này thì anh ấy sẽ có mặt ở đây trong khoảng thời gian đó. Lâu lắm rồi, ông sĩ quan ạ.”

“Tạm biệt ông.” Viên cảnh sát nói, tiếp tục cuộc tuần tra.

Lúc này mưa phùn lạnh giá đang rơi, và gió ào ào thổi từng cơn đều đặn. Vài khách bộ hành hoạt động trong khu đó bước vội trong ủ rũ và im lặng với cổ áo khoác dựng đứng và đôi tay xỏ trong túi áo. Và trước cửa của kho hàng đó, người đàn ông đã vượt qua cả nghìn dặm để thực hiện cuộc hẹn gặp - một cuộc hẹn không chắc chắn đến mức gần như vô lý - với người bạn thời trẻ của mình, đang hút thuốc và đợi.

Ông ta đợi khoảng hai mươi phút, thì một người đàn ông cao ráo mặc chiếc áo khoác dài với cổ áo dựng lên đến tận tai, vội vã đi từ bên kia đường sang. Ông ta đi thẳng tới chỗ người đàn ông đang chờ đợi.

“Cậu đó phải không, Bob?” Ông ta hỏi, giọng hoài nghi.

“Anh đấy ư, Jimmy Wells?” Người đàn ông đứng trước cửa hàng reo lên.

“Bạn thân mến!” Người mới đến thốt lên, nắm chặt cả hai tay người kia. “Bob đây, hẳn rồi. Tôi tin chắc mình sẽ tìm thấy cậu ở đây nếu cậu còn sống. Chao ôi! - hai mươi năm là một quãng thời gian dài. Nhà hàng ngày trước không còn nữa, Bob ạ; tôi ước gì nó vẫn còn để chúng ta có thể ăn tối với nhau. Miền Tây đối xử với cậu như thế nào, ông già?”.

“Nó đã cho tôi tất cả những gì tôi cần ở nó. Anh đã thay đổi nhiều, Jimmy ạ. Tôi không nghĩ anh lại cao thế, cao thêm đến dăm, bảy phân cơ đấy.”

“Ồ, sau tuổi hai mươi tôi lớn thêm một chút nữa.”

“Anh làm ăn ở New York khá chứ, Jimmy?

“Cũng tàm tạm. Tôi có vị trí trong một văn phòng công ty. Đi nào, Bob; chúng ta sẽ đến một chỗ mà tôi biết, và tha hồ hàn huyên.”

Tay trong tay hai người đàn ông bắt đầu rảo bước trên đường phố. Người đàn ông từ miền Tây, với vẻ tự cao được nhân lên bởi sự thành đạt, bắt đầu kể sơ lược về lịch sử sự nghiệp của mình. Người kia, được phủ kín bởi chiếc áo bành tô, lắng nghe với sự quan tâm.

Ở góc đường có một cửa hàng dược lấp lánh ánh đèn. Khi họ đi qua vùng ánh sáng đó hai người bất giác nhìn vào nhau.

Người đàn ông từ miền Tây đứng khựng lại, đang khoác tay người kia vội rút tay ra. “Anh không phải là Jimmy Wells,” ông ta nói bằng giọng gay gắt. “Hai mươi năm là một quãng thời gian dài, nhưng không đủ dài để thay đổi cái mũi của một người từ mũi lõ thành mũi tẹt.”

“Đôi khi nó làm thay đổi một con người, từ một người tốt trở thành người xấu,” người đàn ông có dáng người cao nói. “Anh đã bị bắt được mười phút rồi, Silky Bob ạ. Chicago nghĩ anh đang lảng vảng ở địa bàn của chúng tôi và điện cho chúng tôi thông báo rằng Chicago muốn tán chuyện với anh. Im lặng mà đi, được chứ? Như thế là biết điều đấy. Trước khi chúng ta tới đồn cảnh sát, tôi được nhờ đưa cho anh mảnh giấy này. Anh có thể đọc nó ở đây, trước cửa hiệu này. Đây là thư của Patrolman Wells.

Người đàn ông từ miền Tây mở mảnh giấy được gấp nhỏ vừa được đưa cho mình. Bàn tay ông ta hoàn toàn bình thường khi bắt đầu đọc, nhưng trước khi đọc hết bức thư bàn tay ấy run run. Bức thư khá ngắn.

“Bob: Tôi đã đến chỗ hẹn đúng giờ. Khi cậu bật diêm để châm thuốc tôi đã nhìn thấy khuôn mặt người đàn ông bị truy nã ở Chicago. Dù gì tôi cũng không thể tự mình bắt cậu, vậy nên tôi đi và để cho một người mặc thường phục làm việc đó.

Jimmy.”

Truyện ngắn. O. Henry (Mỹ)

Nguyễn Bích Lan (Dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xổ số

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm truyện cực ngắn Murakami Haruki

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ngày mà Alfred tự tìm kiếm mình trên Google

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Ông bà nội tôi

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Bertha

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Truyện kể trong ngày của mẹ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước