Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
13:39 (GMT +7)

Rời xa Thượng Hải – Truyện ngắn. Diana Louise Kwok

Má mì đã nấu súp măng tươi cho bữa ăn khuya của chúng tôi và những khách làng chơi thì đã rời khỏi “lầu xanh”. Ngoài trời mưa đang rơi, loại mưa chỉ có ở Thượng Hải - sầm sập, ào ạt tuôn xuống. Ở thị trấn cổ này chúng tôi mất điện, ánh sáng duy nhất đến từ ngọn đèn dầu đặt trên bàn ăn gỗ không sơn phết. Những con côn trùng màu xanh lá cây bay quanh ngọn đèn thành đàn, mắt tôi nhìn chúng trong khi tôi nhẩm tính trong đầu tôi đã có được bao nhiêu tiền. Đêm nay tôi kiếm được mười hai đô la, cộng với hai mươi đô la của tuần trước, thêm chín mươi đô la tôi đã có sẵn, tổng cộng tất cả là một trăm hai mươi đô la.

“Sao tối nay mày có vẻ vui thế, Mei Lin?” Qi Qi nhấm nhẳn với tôi.

Ở tuổi mười chín, Qi Qi là một trong những cô gái già nhất ở đây. Cô ta cũng là người được bọn đàn ông thích nhất, vì thế cô ta coi bọn tôi coi như con ở.

“Vì món súp ngon”, tôi nói.

Tôi cảm thấy ánh nhìn của cô ta lóe sáng, nhưng tôi không chạm mắt cô. Cả hai chúng tôi đều biết món súp nước lõng le dở ẹc với vài cọng măng nấu quá chín nổi lềnh bềnh trên lớp mỡ gà.

“Tối nay mày đã tiếp mấy thằng Nga trắng?”, cô ta nói.

Tôi nhún vai đưa bát lên miệng húp hết chỗ súp nóng còn lại.

Một cô gái khác, dựa vào tôi nói, “Đừng bận tâm Qi Qi. Chị ấy đã có Fat Wang yêu dấu của chị ấy suốt buổi tối”.

Mọi người cười khúc khích và Qi Qi dằn bát xuống bàn. “Cha nội đó là con heo lở loét hôi rình”, cô ta nói. “Tao ước gì hắn chết vì một ngàn nhát dao”. Cô ta đứng dậy rời khỏi bàn bỏ ra khỏi phòng mà không ăn hết bát súp.

Nhưng mà Qi Qi nói đúng. Tôi đã tiếp mấy người Nga. Hơn nữa, tôi đã chơi đánh bài với họ. Chúng tôi không được phép đánh bạc với khách, má mì sẽ tịch thu tiền của tôi nếu biết được chuyện này. Nhưng Qi Qi biết những gã ngoại quốc này là như thế nào. Họ thích đánh bài với bọn con gái chúng tôi, và không như những người đàn ông Trung Quốc, họ chẳng hề bận tâm khi tôi thắng. Họ chỉ cười rồi uống thêm rượu và nói tôi quá thông minh, giỏi hơn họ.

Một trăm hai mươi đô la, tôi lập lại số tiền trong đầu trong khi đi lên lầu. Trong vài tháng nữa tôi sẽ có đủ tiền để thoát khỏi địa ngục này và rời bỏ Thượng Hải vĩnh viễn. Nên chẳng có gì ngạc nhiên khi Qi Qi nhìn thấy nụ cười trên mặt tôi. Chỉ có một mình trong phòng, tôi lật nệm lên và luồn tay vào chỗ nệm rách nơi tôi giấu chiếc ví lụa thêu hoa. Tôi không thấy ví, tôi thọc tay sâu hơn và mò lung tung. Rồi tôi buộc lòng xé toang chỗ rách và lôi ruột nệm ra. Chẳng có gì cả. Cái ví của tôi với toàn bộ số tiền đã mất.

Đêm đó tôi nằm thức, nghĩ về những cô gái lớn tuổi hơn tôi vẫn đang sống chung với chúng tôi. Một số họ mới vừa hai mươi tuổi, nhưng da đã vàng vì nghiện thuốc phiện và cơ thể họ hư hao vì những vụ phá thai. Họ được giao làm việc nhà hay chỉ được cho tiếp những khách rẻ tiền. Khi họ không còn hữu dụng thì ngay cả má mì cũng đá họ ra khỏi nhà. Đó cũng sẽ là định mệnh của tôi nếu tôi không thoát khỏi nơi này sớm. Tôi đã tiến gần đến tự do rồi, nhưng bây giờ thì tự do của tôi đã bị đánh cắp. Tôi sợ rằng có thể là quá trễ để bắt đầu dành dụm trở lại.

Tôi biết Qi Qi đã lấy tiền của tôi, chứ còn ai nữa? Nhưng tôi không dám báo với má mì, vì bà sẽ bênh Qi Qi, bất chấp đạo lý.

Nếu có chút nghi ngờ còn lại trong đầu tôi, thì bằng chứng cần thiết đã sớm có ngay. Mấy đêm sau đó khi Qi Qi xuống lầu để ăn, mũi hinh hỉnh lên trời và cái khăn choàng cổ đỏ lông chồn vắt quanh cổ. Mấy cô gái kia ùa đến bên cô ta sờ soạng cái khăn và khen họ chưa hề thấy cái khăn choàng cổ nào đẹp như thế. Tối hôm sau thì cô ta lại đeo đôi hoa tai ngọc nhỏ, lấp lánh hai bên khuôn mặt ửng màu vàng của cô ta, và vài ngày sau nữa là một chiếc vòng bạc lấp lánh trên cổ tay.

Tôi thề với mình rằng tôi sẽ lấy lại tiền của mình, nhưng tôi phải vận dụng trí óc và chờ thời cơ.

Cơ hội của tôi đã sớm đến.

Đó là đêm trăng rằm và má mì cho dọn bữa tiệc thịnh soạn nhất của bà. Bà đã lệnh cho nhà bếp làm món cua hấp, thịt heo ninh với rau củ, ốc sông, chả cá xắt lát, bánh bao nhân thịt heo-trứng, một nồi mù tạc rau thơm và đậu. Ở giữa bàn là một chai rượu nhãn Pháp.

Người khách đầu tiên đến dự tiệc là Fat Wang, hớn hở đi vào, khuôn mặt tròn của ông ta đã đỏ lên vì rượu và tay ông có mang một giỏ xoài.

Ông ta tuyên bố, “Tôi đã quyết định lấy thêm vợ bốn. Ai trong số những bông hoa đẹp này sẽ là con số may mắn đó?”.

Ông ta nhìn quanh phòng để đánh giá từng người chúng tôi. Mắt ông dừng lại ở Qi Qi, nhưng cô ta không nhìn ông, mà có vẻ chê bai không che giấu cái đầu to hói của ông với đôi tai vểnh ra như quai bình.

“Ôi, mời ngồi và ăn trước đã,” má mì nói. Bà lấy bát đơm cơm cho ông, khéo léo vun cơm thành ngọn, rồi bà lấy một bát khác và lấy các phần ăn trong các món đã bày biện cho vào bát đó. Bà đặt cả hai bát trước mặt ông ta với một ly rượu.

Fat Wang kéo hai tay áo lụa xanh rộng của ông và lật lớp lụa trắng bên trong lên trên cổ tay áo. “Ngon!” ông ta nói khi bỏ cả hai con ốc vào miệng một lần.

Tôi đi vào nhà bếp, đổ nước đầy vào cái chậu gỗ sơn đỏ và mang ra phòng ăn.

“Xin chào anh Wang,” tôi nói trong khi quì xuống bên cạnh ông. “Hy vọng là đêm nay anh khỏe. Để em rửa và mát xa chân trong khi anh ăn, anh sẽ thấy đã lắm”.

Tôi tháo giày ông ta và đặt đôi bàn chân lớn của ông vào chậu ngâm chúng và nhẹ nhàng xoa dầu cho chúng. Sau khi mát xa xong, tôi thấm khô chân ông ta bằng một cái khăn lụa.

Khi tôi đứng dậy để rời đi ông kéo tôi ngồi vào lòng ông. “Em này biết cách ứng xử với đàn ông đây”, ông ta nói to. “Em này là loại vợ mà tôi cần!”. Ông cầm tay tôi và dẫn tôi lên lầu. “Đem thêm rượu lên đây!”, ông gọi vọng xuống với má mì.

Lên phòng, trong khi ông nằm trên giường thì tôi ngồi ở bàn trang điểm nhồi tẩu thuốc phiện.

“À, sự thực là mặt của em khá mộc mạc đấy Mei Lin”, ông ta nói. “Nhưng em là người tử tế nhất ở nhà này. Anh sẽ cho xe đến đón em sáng mai và ngày mai em có thể lấy anh”.

“Lời cầu hôn của anh quá tốt đẹp”, tôi nói trong khi đốt tẩu thuốc và kê dọc tẩu vào miệng ông, “nhưng em không phải là người anh nên lấy, vì em không phải là người yêu anh, mà người yêu anh là một trong những người chị yêu dấu của em”. Tôi nới lỏng áo và nằm xuống bên cạnh ông. “Bây giờ anh nằm yên nghe em, vì em có một chuyện kể cho anh nghe và chuyện đó sẽ làm anh thay đổi ý kiến”.

Tòa nhà yên tĩnh vào lúc Fat Wang ra về, nhưng tôi đã thực hiện xong kế hoạch của mình. Tôi ngồi một mình trong phòng tôi, chờ đợi.

Không lâu sau đó, tôi nghe tiếng chân của Qi Qi thình thịch lên lầu. Cô ta ào vào phòng tôi mà không gõ cửa. Cô ta đã tháo búi tóc và cuộn tóc đen nhánh của cô thả trên vai như một con lươn.

“Mày đứng sau chuyện này!” cô ta riết róng.

“Chị nói chuyện gì thế?”.

“Fat Wang!”, cô ta phun ra cái tên. “Tao phải lấy ổng. Má mì nói bả bán tao cho ổng để làm vợ bốn”.

“Chúc mừng chị”, tôi nói.

Qi Qi chụp cái lược trên bàn trang điểm ném tôi. “Hồi đầu tối hôm nay ông ấy ở với mày. Mày đã xúi ổng chuyện này, tao biết”.

“Sao chị lại bực bội vậy Qi Qi?”, tôi nói. “Ông ấy giàu mà.”

“Cóc cần, ông ấy đã có ba vợ.”

“Một số người còn nhiều vợ hơn”, tôi nói.

“Tao biết vợ đầu của ông ấy là một bà già khú, vợ hai mập như một con bò, vợ ba của ổng thì hôi như một con chồn. Mày muốn tao làm nô lệ cho ba con quỉ đó mãi mãi hả?”

“Ổng sẽ đối xử tốt với người vợ mới nếu làm ổng vui lòng.”

“Vậy mày lấy ổng đi. Ổng cũng ưa mày đó.”

Tôi nhìn vào mắt cô ta. “À” , tôi nói, “chúng tôi cũng đã nói về chuyện hôn nhân, bây giờ chị lại nhắc đến. Tôi có thể thuyết phục má mì nói cho ổng lấy tôi thay vì chị, nếu chị đền đáp cho tôi xứng đáng.”.

“Mày muốn nói gì hả Mei Lin?”, cô ta lại gần tôi hơn.

“Mới đây tôi quá xui xẻo bị mất một số tiền lớn” , tôi nói. “Nếu tôi có lại được số tiền đó, có thể tôi sẽ rộng lượng hơn.”

“Đến đây”, cô ta giật giọng, và kéo tôi qua phòng cô ta.

Phòng cô ta lớn hơn phòng của bất kỳ ai khác và đây là lần đầu tiên tôi vào phòng đó. Những tấm rèm voan lấm bụi treo che các cửa sổ và một tấm chăn nhung đỏ trải trên giường. Mùi dầu cây muồng tỏa ra từ tủ áo của cô ta.

Cô ta kéo một ngăn tủ lấy ra cái khăn choàng lông. “Tao không còn tiền”, cô ta nói. “Cầm cái khăn này đi. Chỉ cần mày làm cho ổng để tao yên.”

Tôi mơn man cái khăn. “Khăn đẹp”, tôi nói, “nhưng bỏ ra cả cuộc đời với con heo hôi ấy thì tôi cần thêm nữa.”

Cô ta lấy đôi bông tai ngọc đưa cho tôi.

Tôi nâng nâng chúng trong lòng tay. “Đẹp”, tôi nói. “Mà tuần trước tôi có thấy chị đeo một chiếc vòng bạc.”

Cô ta lục trong ngăn tủ lấy ra chiếc vòng, cùng lúc đó chiếc ví thêu của tôi rơi ra trên nền phòng. Cô ta nhìn tôi và tôi cúi xuống nhặt ví lên.

“Tôi nghĩ chiếc ví này cũng thuộc về tôi,” tôi lầm bầm.

“Cứ lấy đi”, cô ta nói nhỏ.

“Rất tốt”, tôi nói. “Giờ thì mình đợi tới sáng mai sẽ biết định mệnh nào dành cho chúng ta.”

Tôi khép cửa phòng cô ta lại, đi về phòng mình.

Ngay khi đêm trở nên tịch lặng, tôi cột tấm khăn choàng quanh eo, cất đôi bông tai và chiếc vòng vào túi. Tôi gói ghém một vài món khác của tôi vào trong một tấm vải, khoác tấm khăn san lên vai và leo qua cửa sổ, còn một chặng đường từ tầng bốn xuống đất. Trời còn đang mưa và nhiều lần tôi suýt trượt chân sém chết. Một trong những tên tay sai của má mì thấy tôi khi tôi xuống tới đất, gã réo tên tôi nhưng tôi chạy nhanh vào con đường hẻm tối và gã không rượt theo. Tôi không biết mình đang chạy đến đâu, nhưng tôi cứ chạy, chạy trốn má mì, chạy trốn Qi Qi, chạy trốn mọi thứ, mọi việc tôi đã biết. Khi tôi kiệt sức, tôi khuỵu chân trước một lối đi vắng vẻ, dựa đầu vào một bức tường loang lổ và ngủ thiếp suốt mấy giờ còn lại của đêm.

Mùi hạt cà phê rang làm tôi thức giấc. Trời vẫn còn tối nhưng đường đã có nhiều người bán hàng rong đi bán cháo và gừng hấp. Tôi hỏi một người đường ra bến cảng và anh ta bảo tôi đi về phía đông của thành phố, đi theo những tiếng còi tàu. Tôi cảm ơn anh, kéo cái khăn san trùm đầu và vội vã đi qua những con đường.

Hôm ấy mặt trời không ló dạng, nhưng khi bầu trời chuyển từ màn đêm đen sang xám rồi trắng, và mưa rơi lộp độp trên đầu tôi, tôi biết rằng một lần nữa tự do đã ở trong tay tôi, và lần này tôi sẽ không để cho ai cướp lấy nó.

Nhà văn Diana Louise Kwok  Diana Louise Kwok sinh năm 1967 tại Scotland và sống ở Hong Kong từ năm 1992. Bà từng là biên tập viên tạp chí Far Eastern Economic Review, The Economist Group và Orient Overseas Container Line.

Võ Hoàng Minh dịch (Từ “Leaving Shangai”) 

Nguồn:http://www.asiancha.com/index.php?option=com_content&task=view&id=53&Itemid=53

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xổ số

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm truyện cực ngắn Murakami Haruki

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ngày mà Alfred tự tìm kiếm mình trên Google

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Ông bà nội tôi

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Bertha

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Truyện kể trong ngày của mẹ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước