Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
04:07 (GMT +7)

Quê tôi

VNTN- Quê tôi dọc ven con sông, quanh năm nước lững lờ trôi. Con sông có dòng chính là sông Cầu, với chiều dài 290 km, bắt nguồn từ núi Văn Ôn thuộc địa phận xã Phương Ôn, huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn ở độ cao 1.170 m và đổ vào sông Thái Bình qua các tỉnh: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Nội và Bắc Ninh.

Chùa Úc Kỳ quê tôi - Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia

Chớm đông, trời se se lạnh, sau chuỗi ngày oi óc của mùa hè, những ngày thu như ngắn lại. Theo các bậc cao niên, thời tiết mấy năm gần đây có khác xưa đôi chút, mùa hè như dài ra, mùa thu ngắn lại, thấm thoắt đã sang đông. Được một đêm, trời nhiều gió như đêm nay quả là điều mong đợi.

Tiếng sáo diều réo rắt như khứa vào lòng tôi. Bao kỷ niệm vui buồn của 65 tuổi đời gom lại, cứ trỗi dậy trong tôi. Chập chờn trong giấc ngủ và rồi tôi bỗng thức hẳn. Bây giờ mới là một giờ ba mươi tư phút đêm.

Tiếng diều ư? Gió đông ư? Cuộc đời như một trang sách mở ra trước mắt tôi. Làng tôi bám theo ven sông, từ trung tâm tỉnh Thái Nguyên xuôi về, bên trái là sông Cầu, bên phải là cánh đồng màu mỡ, một năm hai mùa lúa tốt bời bời. Hàng năm, con sông Cầu đã cung cấp biết bao phù sa cho cánh đồng, bù lại, cánh đồng như tấm lưới đủ sắc màu, trải rộng, hớt những mẻ nước mưa trong vắt đổ xuống, làm mát cho dòng sông.

Những ngày chớm đông, lúa đang kỳ ngậm sữa, đi qua cánh đồng, hương lúa ngạt ngào, ngất ngây. Ai chưa được thưởng thức mùi hương  của lúa, chắc chắn người đó sẽ thiếu đi một phần hương vị của cuộc đời. Ai đã được một lần bắt gặp mùi hương lúa, nhất là lúc lúa đang vào sữa như bây giờ, sẽ không thể nào quên được mùi thơm của lúa. Những năm còn cắp sách tới trường, mỗi khi đi học về trên đồng lúa, mùi thơm phả vào mặt, luồn sâu vào lồng ngực, tôi hít thật lâu mùi thơm của lúa, thấy lòng mình lâng lâng.

Đêm đêm tiếng sáo diều vi vu làm xao động một miền quê yên tĩnh. Trước kia điện không có, đêm đêm ngoài tiếng chó sủa, cả vùng quê im lìm sau những giờ làm việc mệt nhọc, một số người có tâm hồn bay bổng, đã nghĩ ra chuyện làm những con diều, gắn thêm sáo, mong thả những ưu tư của mình, bay đi đến miền xa thắm và lấy về những chộn rộn ước mơ, cho cuộc sống đỡ buồn.

Làng tôi có mấy gia đình luôn làm diều và thả diều như vậy. Thú vui thả diều cũng đến lạ. Diều không có men, nhưng đã làm say lòng người. Làng tôi có cụ Thoa Đường. Ngày ấy cụ Thoa Đường mới ở tuổi 60, cụ say thả diều đến mức, cụ khiến được cả nhà phải giúp cụ việc thả diều. Cụ thả suốt đêm này đến đêm khác. Cứ chiều muộn, cơm nước xong là cụ xách diều ra giữa đồng, vợ và con đi theo sau, người thì giúp cụ xách diều, người thì ôm cuộn dây. Ra đến vị trí ấn định, cụ bảo con trai "đâm diều" tức là đẩy cho diều bay lên, cụ thì vừa dứ, vừa kéo cho dây thật căng, khiến con diều dần lên cao theo ý của mình, cụ bà vội gỡ dây ra khỏi cuộn. Cả ba người phải phối hợp nhịp nhàng thì diều mới bay lên được và dây diều không bị rối, cũng không bị hụt.

Khi diều đã lên đỉnh độ cao, tiếng sáo đã đều, là lúc diều no gió, cụ ghìm dây cho diều đứng vững và vít  buộc thật chắc vào cọc, tránh khi gió mạnh, diều lôi cả cọc mà bay đi. Cụ ngẩng nhìn con diều cho đã mắt rồi mới bảo vợ, con cùng ra về. Đến nhà, rửa chân tay sạch sẽ, chao vội hớp nước vối, bắn vài điếu thuốc lào rồi lên chõng ngả lưng, giờ là lúc cả gia đình cụ và dân làng được thảnh thơi nghe tiếng sáo diều. Mỗi người một cảm xúc, mỗi người một ước mơ, gửi gắm tâm tư của mình vào cánh diều và tiếng sáo vi vu.

Có đêm diều đứt dây, đang miên man trong giấc ngủ say nồng, cụ bật dậy và xới xáo cả nhà cùng dậy theo, tá hỏa đi cứu diều, nhà chỉ có một chiếc đèn pin mà pin phải mua phân phối nên không đủ dùng, đành phải thắp đèn bão, thậm chí đi mò trong đêm, nhờ vào ánh trăng non lờ mờ, mỗi người một hướng, bước thấp, bước cao đi tìm diều. Có lúc hụt chân ngã lăn tõm xuống chuôm. Mặc, cụ lại lóp ngóp bò dậy, leo lên bờ đi tiếp. Dân làng ái ngại bảo cụ, sáng ra đi tìm cũng được. Cụ dứt khoát không nghe. Vợ, con nói cụ cũng bỏ ngoài tai. Cụ bảo, bà bỏ tôi thì được, chứ bỏ con diều của tôi ngoài đồng là không được. Không có tiếng diều, đời buồn như rận cắn. Vậy là cụ bà đành xách đèn, lọ mọ theo cụ ông đi tìm diều.

Ở thập kỷ 70, dân làng tôi rất nghèo. Chín mươi chín phần trăm các gia đình sống trong căn nhà lợp rạ. Đến mùa gặt, các nhà luân phiên nhau nhận những sào rạ do HTX chia cho,  mang về lợp nhà, chị em phụ nữ làm nhiệm vụ gánh rạ về, phơi khô rồi rũ rối cho những sợi rạ so le, kết thành mớ, đan vào nhau để khi lợp lên mái nhà, rạ vừa dài hơn lúc ban đầu, lại vừa kết vào nhau thật chặt chẽ. Khi rũ đủ số lượng cho một căn nhà thì các bác nam leo lên mái, dàn thành hàng ngang và bắt đầu lợp. Lợp từ dưới mái hiên lợp lên, lợp hai đầu hồi lợp vào, cho đến khi gặp nhau trên đỉnh nóc và cuối cùng là đánh cây nóc là kết thúc mọi công đoạn. Một ngôi nhà lợp rạ xinh xinh đã hoàn thành, rất chắc chắn, sức chịu đựng nắng mưa, tầm ba đến bốn năm mới phải lợp lại. Xong việc, mọi người rửa chân tay, ngồi vào mâm vui vẻ ăn với nhà chủ bữa cơm canh. Tiếng nói, tiếng cười hể hả, quyện vào mùi rạ mới trên mái nhà phả xuống, thật ấm cúng tình làng, nghĩa xóm.

Quê tôi nghèo nhưng cuộc sống thật thanh bình. Những năm chiến tranh chống Mỹ, quê tôi là điểm xanh để các nơi sơ tán về tập trung rất đông đúc. Có thời điểm vừa có bộ đội đóng quân, có công nhân khu Gang thép về sơ tán lại có học sinh, con em của công nhân nhà máy và một lớp học lái xe sơ tán về ở làng tôi. Dân làng vui như tết, tuy có khó khăn, về chỗ ăn, chỗ nghỉ, chỗ tắm giặt và phơi phóng, nhưng ai cũng vui và chia sẻ với nhau như chung một gia đình. Đời sống văn hóa được nâng lên rõ rệt. Bộ đội và công nhân giúp dân gặt mùa, thậm chí cả xay thóc, giã gạo. Đêm đêm bộ đội và công nhân dạy thanh thiếu niên múa hát, biểu diễn văn nghệ. Lời ca tiếng hát vang lên từ sân các sân đình, sân kho HTX. Ai cũng thấy mình vui  và hạnh phúc hơn. Điều mà trước đấy ở quê tôi chưa bao giờ có. Mỗi khi có đợt thuyên chuyển là cả làng, cả xóm lại xôn xao, bịn rịn. Những giọt nước mắt chia tay lại mặn chát trên môi, trên khóe mắt mỗi người, nhất là các cô gái.

Tôi sinh ra và lớn lên ở đất Thái Nguyên, niềm vui và những thăng trầm không kể xiết, tôi yêu mảnh đất quê tôi đến cháy lòng. Mảnh đất hiền hòa và anh dũng, biết bao sóng gió cuộc đời, ảnh hưởng qua bao cuộc chiến tranh, chống Pháp rồi chống Mỹ, nhưng đất vẫn thủy chung với người. Đất luôn ôm tôi vào lòng mỗi khi tôi trở về. Đất vẫn hôn lên mái tóc tôi, vẫn thì thầm tâm sự với tôi về bác lái đò, về cụ thả diều, về các bác lợp mái nhà bằng rạ, về con sông, bên lở, bên bồi, luôn trải vàng những bông hoa cải. 

Ngọc Thị Lan Thái

(Ba Hàng, Phổ Yên, Thái Nguyên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Cầu Huy Ngạc trong tôi

Xem tin nổi bật 4 ngày trước

Đồi Dung

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Chã - nơi ấy có mẹ chồng tôi

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

“Người Gang Thép!”

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Một miền quê yêu dấu

Tôi và Thái Nguyên 9 tháng trước

Tiếng gọi điều công

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước

Lũng Luông kỉ niệm

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước