Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
21:38 (GMT +7)

Quê hương và khúc hát

VNTN- Giai điệu mới, tôi nghe say sưa và nhập vào tâm hồn lúc nào cũng không hay. Trước đây chỉ nghe những bài hát, bài múa giai điệu quen thuộc, đơn giản. Khi nghe bài hát này, dù mới còn ít tuổi nhưng tôi đã thấy đây là bài hát mà mình thích.

Phổ Yên quê tôi

Tôi sinh ra tại làng Đông Hạ, xã Đông Cao, huyện (nay là thị xã) Phổ Yên, miền đất cuối của Thái Nguyên giáp ranh với huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Là một miền quê lúa và đồng màu, theo triền hạ lưu con sông Cầu thơ mộng và đầy ắp phù sa. Từ thuở được sinh ra rồi trưởng thành, tôi chỉ sống với quê hương, cha mẹ mười mấy năm. Bến đỗ cuối cuộc đời của tôi hiện nay là thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Làng tôi được hình thành từ lâu lắm rồi. Lớn lên, tôi chỉ biết quê mình có đình thờ Thành hoàng làng là Đức Thánh Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát). Làng trên có đền Giá thờ tướng quân Vu Điền, một vị tướng của Phù Đổng Thiên Vương - Thánh Gióng. Nghe các cụ truyền lại, cụ Vu Điền là người Đông Cao quê tôi, lập ấp ở Sóc Sơn và theo Thánh Phù Đổng đánh giặc Ân. Hàng năm cứ mồng 6 Tết Nguyên đán là ngày mở hội đền Sóc, làng tôi các cụ làm lễ rất lớn, rước xuống Đền. Đền Giá xuống đền Sóc cỡ chừng 13 km.

Trên xã tôi là xã Tiên Phong, nơi đã được các nhà sử học xác minh là quê hương của Lý Nam Đế - Lý Bí hay Lý Bôn - vị Hoàng đế tự xưng Vương đánh tan quân nhà Lương, lập quốc và đặt tên nước là Vạn Xuân (542 - 548). Cụ Nguyễn Hữu Khánh - sinh năm 1934, ở gần nhà tôi là nhà giáo ưu tú đã có hơn 30 năm dạy sử (cụ mới mất) - là người đã dành hàng chục năm dày công nghiên cứu về anh hùng dân tộc Lý Bí. Và cụ có nhiều bài khảo cứu viết về đề tài này, được nhiều nhà sử học nổi tiếng quốc gia thống nhất ý kiến khẳng định, ấp Thái Bình, làng Cổ Pháp, xã Tiên Phong huyện Phổ Yên là quê hương của Lý Bí. Vùng đất ấy hiện nay là nơi đứng chân của Tập đoàn công nghiệp lớn SamSung (Hàn Quốc), quốc gia rất thân thiện hợp tác phát triển với Việt Nam, cách đây gần 8 thế kỷ họ từng cưu mang vương tộc hậu Lý với đoàn tôn thất do hoàng tử Lý Long Tường lánh nạn truy sát của nhà Trần. Hình như đây cũng là một duyên cơ của ngàn năm lịch sử…

Nhà tôi ở sát chợ Chã. Ngày xưa nghe bố tôi kể lại, con đường từ Thanh Xuyên nối Quốc lộ 3 vào Chã là do chủ Chã tên là Ghison Pie xây dựng, dân mình hay gọi hắn là ông chủ Be. Hai anh em hắn làm hai chủ đồn điền, chiếm hết sạch đất đai của nhân dân. Phố Chã nằm sát sông Cầu, trên bến, dưới thuyền, buôn bán khá sầm uất. Gần 40 năm vơ vét trên mảnh đất này, đến ngày 3/6/1945 quân dân tổng Tiểu Lễ (tên gọi của địa phương tôi trước Cách mạng Tháng Tám) đã nổi dậy tiến công, phá kho thóc chia cho dân nghèo. Chủ Chã phải bỏ của chạy lấy người về Hà Nội, đám bảo an của chúng bị một phân đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân kết hợp với du kích địa phương tiêu diệt và bắt sống…

Cha mẹ tôi sinh được bảy chị em, tôi là út. Khi tôi lớn lên thì các anh chị đã đi thoát ly gia đình. Các anh trai tôi đều học giỏi văn, nhất là anh thứ tư và thứ năm, các anh đều có cái gen của ông nội tôi là một nhà nho, văn hay và chữ đẹp, chuyên viết văn tự cho ông em họ làm nghị viên của phủ huyện (gọi là cụ Hội). Anh thứ tư tôi lúc đang học lớp 9 trường cấp 3 Lê Hồng Phong (Phổ Yên) đã là cộng tác viên của Báo Thái Nguyên thời bấy giờ (1963). Tôi còn nhớ hàng tháng anh đều có tiền nhuận bút của các bài viết và được phát báo miễn phí. Dù còn nhỏ nhưng tôi đã thấy anh rất “siêu” rồi.

Các anh chị tôi cũng là những người có năng khiếu về âm nhạc, điêu khắc và hội họa. Quê tôi bên bờ sông Cầu, bên kia là Hiệp Hòa, Bắc Giang - nối liền với đất Quan họ Bắc Ninh nên quanh năm cứ vào tuần trăng, nam nữ hai bên đều có màn hát đối qua  sông. Từ đó những cuộc hát đó, có nhiều cặp đã đến với nhau và nên vợ thành chồng. Các anh chị tôi hay nghe hát và chương trình dạy hát của đài phát thanh, chỉ nghe vài lần là thẩm âm được liền, hát rất đúng.

Ngày anh thứ tư tôi chuẩn bị lên đường nhập ngũ (tháng 10/1964), năm đó anh đang học lớp 9, anh hay hát bài “Những ánh sao đêm’’ của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, bài hát mới được sáng tác. Giai điệu mới, tôi nghe say sưa và nhập vào tâm hồn lúc nào cũng không hay. Trước đây chỉ nghe những bài hát, bài múa giai điệu quen thuộc, đơn giản. Khi nghe bài hát này, dù mới còn ít tuổi nhưng tôi đã thấy đây là bài hát mà mình thích. Tôi xin anh chép vào sổ cho mình. Rồi anh tôi nhập ngũ, vào trường đào tạo sĩ quan tình báo và về công tác tại Cục 2 Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Bao nhiêu năm trôi qua nhưng bài hát anh dạy và chỉnh cho tôi những nốt để đúng cao độ, trường độ, chỉ cho tôi những chỗ ngân, sự tự hào, mơ ước… vẫn lấp lánh như ánh sao đêm. Tôi còn nhớ mãi dù hôm nay hai anh em đã cùng ở cái tuổi thất, bát tuần rồi.

Âm hưởng “Những ánh sao đêm” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ngày ấy hình như đã đi theo suốt cuộc đời tôi. Sau này học, ra trường và làm việc trong ngành xây dựng, tôi mới thấy nó như là định mệnh! Vì rất yêu âm nhạc nên tôi đã tìm thầy, tự học, tự mầy mò trong thế giới âm nhạc bao la. Từ học độc tấu guitar theo trường phái cổ điển châu Âu, tôi say mê học sáng tác các ca khúc, đầu tiên là sáng tác cho riêng mình, cách luyện thanh, xướng âm, phát âm cho tròn vành rõ nghĩa…

Dù không thành công trong mơ ước trở thành nghệ sĩ nhưng tôi thấy cũng thỏa nguyện. Ngành xây dựng luyện kim của tôi phải liên tục di chuyển khắp nơi trên cả nước. Từ Gang thép Thái Nguyên tới miền Trung và Nam bộ. Sau này âm nhạc phương Tây đã tràn ngập trong thế giới âm nhạc, nhưng mỗi lần tới những công trình xây dựng và hoàn thành công trình, giai điệu “Những ánh sao đêm” lại tuôn chảy về như muôn nghìn âm thanh lấp lánh. Hình ảnh người anh đã tập cho tôi hát những “mô đuya” đầu của bài hát vẫn còn đó. Mỗi lần bài hát ấy, giai điệu ấy được cất lên là tôi thấy quê hương Phổ Yên - Thái Nguyên yêu dấu của tôi như được điểm tô thêm, huy hoàng thêm trên nền móng truyền thống lịch sử hào hùng. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã viết bài này bằng cả nhiệt huyết của trái tim ông lúc sinh thời. Giai điệu và ca từ bài hát như hòa quyện với nhau, lãng mạn một cách tinh khiết, nâng tâm hồn cùng với tình yêu quê hương đất nước mãi mãi thăng hoa… Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã ra đi về bên kia thế giới, nhưng những ca khúc trữ tình của ông còn sống mãi với thời gian, sống mãi với những người xây dựng như chúng tôi…

Hoàng Bảy

(Biên Hòa, Đồng Nai)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xóm Đồi yêu dấu

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Vó Ngựa, mảnh đất tôi yêu

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Cầu Huy Ngạc trong tôi

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Đồi Dung

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Chã - nơi ấy có mẹ chồng tôi

Xem tin nổi bật 8 tháng trước

“Người Gang Thép!”

Xem tin nổi bật 9 tháng trước