Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
03:40 (GMT +7)

Quả đồi của bố

Ngày ấy ở k­hu Gang thép Thái Nguyên còn rất nhiều quả đồi cao thấp nhấp nhô như bát úp chứ không bằng phẳng cùng những dãy nhà sừng sững như bây giờ. Ai muốn trồng trọt cứ việc tìm lấy một quả mà khai phá. Nhà tôi cũng có một quả đồi như thế. Nghe mẹ nói bố là một trong những người đến xây dựng khu Gang thép đầu tiên và được đơn vị cấp đất làm nhà ở tiểu khu Tân Thành này.

Ngày còn bé tôi hay theo bố lên đồi chơi. Bố thì mải miết làm, còn tôi nhởn nhơ đi hái quả sim hay mua đất để ăn.

Cách khu đồi bố làm chừng vài chục mét có ba gò đất nhỏ cây cối mọc tốt um tùm, người lớn gọi đó là Mả Tây. Cái tên khiến bọn trẻ con chúng tôi không dám bén mảng đến gần, mặc dù những quả mua đất ở đó rất to và chín mọng trông rất hấp dẫn...

Sau giờ làm ở nhà máy là bố lên đồi cuốc đất. Còn tôi, từ lớp học về việc đầu tiên là ngó lên đồi xem bố còn ở đó không để chạy sang. Tôi đứng cạnh nhìn bố cặm cụi làm việc, chỉ mong bố mệt để giải lao chơi với mình một lát. Nhưng bố chỉ dừng tay ít phút hỏi thăm việc học hành của tôi rồi lại mải miết làm. Vào những lúc hiếm hoi bố ngồi giải lao, tôi lúc thì lấy mấy cành sắn khô đố bố xếp được hình ngôi sao, khi lại lấy cái dây nịt ngoắc vào những ngón tay tạo ra nhiều hình khác nhau rồi bảo bố làm theo. Nhưng bàn tay không đủ ngón của bố đành chịu thua. Cũng có lúc tôi véo von hát...

Nhờ bàn tay lao động cần cù, những đồi sim, mua giờ đây đã thành ruộng vườn trù phú. Ảnh minh họa, nguồn: vannghethainguyen.vn.

Qua năm tháng, quả đồi trọc trở thành vườn hoa màu xanh tốt. Cũng nhờ vào khu vườn mà cuộc sống gia đình tôi đỡ vất vả hơn. Mùa thì đầy sắn, khoai, mùa thì thả sức ăn vừng, lạc…

Mùa hè năm 1977, anh cả tôi xung phong đi bộ đội. Sau đó một năm thì gia đình tôi nhận tin anh hy sinh. Mẹ tôi suy sụp và bố tôi rất đau buồn. Những ngày ấy bố lên đồi nhiều hơn. Chắc vì bố muốn làm để quên đi nỗi mất mát đau thương. Nhiều buổi tôi thấy mồ hôi bố hòa trong nước mắt. Những lúc ngồi nghỉ, bố cũng ít trò chuyện với tôi. Bố lặng lẽ ngước cặp mắt đỏ hoe nhìn về cõi vô định xa xăm. Người ta thường bảo: "Nước mắt đàn ông chảy vào trong", khiến tôi không dám nhõng nhẽo bố như trước nữa. Tôi lên đồi giúp bố vun cỏ vào một chỗ, hoặc cùng bố mang sắn về nhà…

Tôi lớn dần lên đã biết theo mấy đứa cùng xóm đi bắt cua, bắt cá, mót đỗ, mót lạc... Có hôm đi tận vào rừng Bần hay lên khu Nam. Thỉnh thoảng chúng tôi lại hỏi nhau:

- Nếu được ước một điều thì các cậu ước gì?

Các bạn tôi nhao nhao:

- Tớ ước nhà tớ thật nhiều tầng, cao nhất cả thế giới.

- Tớ ước nhà tớ thật nhiều tiền, muốn mua gì cũng được hết.

Có đứa còn ước cả ô tô và máy bay...

Tôi thì nói:

- Tớ ước cho anh tớ sống lại để mẹ tớ khỏi khóc và bố tớ mỗi lần lên đồi cuốc đất lại kể chuyện cho tớ nghe.

Năm ấy, tôi được nhà trường cử đi thi vẽ ở Nhà Văn hóa công nhân Gang thép.

Buổi sáng hôm tôi đi thi, bố dậy sớm luộc sắn cho cả nhà điểm tâm. Bố nhìn tôi âu yếm và động viên:

- Con gái cố lên nhé!

Đường từ nhà tôi lên chỗ thi chừng ba cây số. Chị cả đèo tôi đi. Vừa đi chị vừa nói:

- Em biết không, bố chặt cây xoan ở trên đồi nhà mình làm giá vẽ cho em đấy.

Thằng Bình cùng lớp thấy cái giá vẽ thô kệch của tôi thì phá lên cười. Nhìn giá vẽ của nó mua ở cửa hiệu mỹ thuật, tôi rơm rớm nước mắt. Nhưng không ngờ, chú họa sĩ ban giám khảo chỉ vào cái giá vẽ của tôi nói rất to:

- Thầy rất trân trọng bố Quỳnh Châu đã tự tay làm cho em cái giá vẽ này.

Đề thi năm ấy thật hấp dẫn: "Năm hai nghìn em ước mơ gì? Em hãy vẽ ước mơ của mình".

Hình ảnh gương mặt bố nhòa mồ hôi và nước mắt trong những ngày anh cả hy sinh bỗng hiện lên trong tâm trí tôi. Tôi thương bố và nhớ anh trai vô cùng. Trái tim tôi như mách bảo điều gì. Tôi vội cầm bút vẽ một chú bộ đội chĩa súng vào đầu thằng giặc và một con chim bồ câu đậu trên quả cầu cùng mấy bạn thiếu nhi múa xung quanh. Con chim bồ câu qua nét vẽ vụng về của tôi giống như con gà, hình ảnh các bạn thiếu nhi cũng thô mộc đơn sơ.

Vậy mà chú hoạ sĩ và một người nữa đứng trước mặt tôi nói với nhau:

- Bức tranh ý nghĩa quá!

Tôi không hiểu hết ý nghĩa sâu xa của bức tranh chính mình vẽ ra, chỉ là vì quá ghét thằng giặc đã gây chiến tranh làm anh tôi hy sinh thì tôi muốn trả thù chúng thôi. Còn quả cầu và thiếu nhi là tôi nhớ đến một lần cô giáo giảng "Trái đất này là của chúng mình".

Không thể ngờ, bức tranh của tôi được trao giải Nhất. Chú họa sĩ phân tích bức tranh của tôi thể hiện ước mơ hòa bình, một ước mơ lớn nhất của nhân loại.

Chiều hôm đó tôi cầm quyển truyện dầy cộp được thưởng chạy lên đồi khoe bố.

Bố vui lắm, xoa đầu tôi:

- Con gái bố thông minh quá!

Tôi tít mắt cười, nói để bố vui:

- Vì con được ăn sắn bố trồng và vì cái giá vẽ bố lấy cây xoan trên mảnh đồi này để làm ra nên con mới được giải đấy bố ạ.

Bố cười vang cả khu đồi. Đã lâu lắm rồi tôi mới thấy bố cười to như vậy.

Học xong cấp ba, rồi học lên chuyên nghiệp, tôi vẫn giữ thói quen cứ về đến nhà là lại nhìn lên đồi xem bố có trên đó không. Thỉnh thoảng tôi lại dẫn bạn về ăn sắn rồi còn mang đi.

Sau này bố tôi già yếu, không lên đồi cuốc đất nữa. Bố thường ra sân ngồi, mắt nhìn sang khu đồi trước nhà như nhớ nhung, nuối tiếc một điều gì đó. Còn với tôi khu đồi ấy cũng ăm ắp kỷ niệm của tuổi thơ cùng màu tím hoa mua, những trái sim ngọt lịm, cái giá vẽ thô kệch làm từ cây xoan đồi nhà...

Nhiều năm qua, quả đồi cũ của nhà tôi đã được san phẳng để phục vụ cho phát triển đô thị. Với bao người khác, quả đồi có thể trở thành hư vô, hoàn toàn mất hút. Nhưng với tôi lại khác. Quả đồi ấy là dấu ấn mãi đậm đà, khắc khoải trong tâm hồn tôi. Mỗi lần đứng bên sân nhà ngó sang khu đồi cũ nay đã trở thành một khu đô thị sầm uất, tôi vẫn như nhìn thấy bóng bố lom khom cuốc đất. Vẫn thấy gương mặt bố nhòa mồ hôi và nước mắt. Dáng hình người cha yêu kính lại sừng sững hiện về trong trái tim tôi.

Hồ Quỳnh Châu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đồi Dung

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chã - nơi ấy có mẹ chồng tôi

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

“Người Gang Thép!”

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Một miền quê yêu dấu

Tôi và Thái Nguyên 9 tháng trước

Tiếng gọi điều công

Tôi và Thái Nguyên 9 tháng trước

Lũng Luông kỉ niệm

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước

Phúc Lộc – làng quê êm đềm tuổi thơ tôi

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước