Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
03:49 (GMT +7)

Phúc Lộc – làng quê êm đềm tuổi thơ tôi

VNTN- Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thuần nông hiền hậu. Nơi đó có một ngôi làng nhỏ mang tên Phúc Lộc, thuộc xã Cao Ngạn, huyện Đồng Hỷ (nay là xóm Phúc Lộc, xã Cao Ngạn, thành phố Thái Nguyên), tỉnh Thái Nguyên.

Cánh đồng làng, nơi gắn bó với tuổi thơ tôi

Gia đình tôi gồm có sáu người: Ông bà nội, bố, mẹ, tôi và em trai tôi. Giai đoạn tôi mười tuổi đổ về trước, cả nhà sống chủ yếu bằng hai nghề là nghề nông và nghề phụ xây. Bố và mẹ là hai lao động chính luôn hăng say trong công việc. Cứ phủ xanh 6 sào ruộng bằng lúa hoặc hoa màu xong là bố mẹ lại vội vã theo đoàn, theo đội ra những công trường, phơi sương dãi nắng. Tôi thường đứng ở cổng nhà, nơi có bụi tre già kẽo cà kẽo kẹt nhìn bố và mẹ đi về phía mặt trời.

Như bao đứa trẻ khác trong làng, cả tuổi thơ tôi làm bạn với cánh đồng, với con suối nhỏ ba mùa róc rách, với con đường đất sỏi mùa gặt trải đầy rạ rơm và với những trò chơi rộn rã tiếng cười. Cánh đồng làng Phúc Lộc chẳng mênh mông vô tận nhưng đủ động rãi để những đứa trẻ của làng chùn chân mỏi gối. Vào vụ đông xuân, gần nửa cánh đồng phía bắc bỏ không, tôi và đám trẻ kéo nhau ra đó bày vẽ đủ trò: trò đá “bóng bòng”, chơi khăng, chơi âm, cá sấu lên bờ... thậm chí mang cả vỏ chăn con công ra khoác lên người để chơi trò hộ giá công chúa.

Sang hè, con suối nhỏ trong veo bỗng nhiều nước hơn một chút, trò chơi tuyệt vời nhất lúc này chính là tắm suối. Trong dòng chảy liên hồi của nước chúng tôi học “đằm” giống mấy con trâu ở khúc suối bên dưới rồi khanh khách cười. Học “đằm” chán chúng tôi lại học lặn, học bơi, cuối cùng chia phe rồi chơi trò té nước. Chơi đã đời xong lên bờ mặc lại quần áo, thể nào cũng có đứa hét toáng lên hoặc mặt mũi méo xệch vì quần áo không cánh mà bay. Kẻ chơi trò “ác như quỷ” này chẳng bao giờ bị bắt quả tang nhưng đứa nào cũng ngầm hiểu là người trong nhóm.

Mùa hè còn có hai thú vui khác nữa là đợi xe kem mút và đi sinh hoạt hè ở nhà văn hóa xóm. Người bán kem rong duy nhất chịu vào trong xóm tôi chính là cô Chuyên – người phụ nữ đẫy đà lúc nào cũng mặc đồ kín mít, cong người chở thùng kem cũng kín y chang trên chiếc xe phượng hoàng máu lửa. Cái còi tự chế mới kêu pe pép pe pép ở tít đằng xa, đám trẻ con đã vội vã xin tiền người lớn rồi hớn hở ùa ra cổng đợi sẵn. Xe đỗ cái xịch, thùng kem diệu kỳ mở ra, đứa nào nứa nấy kiễng chân, thò đầu vào xem rồi nuốt nước bọt ừng ực.

Trong thùng có cả kem chanh, kem dâu, kem cam, kem đóng túi rất xịn nhưng tôi và người làng chỉ thích những que kem trắng thơm thơm mùi sữa, beo béo mùi dừa. Giá kem 200 đồng một que, vừa rẻ lại vừa ngon, ăn kèm với bánh mì ngọt thì “Chao ôi cuộc đời chẳng còn gì phải tiếc nuối nữa!”. Tuy kem rẻ là thế nhưng mà cũng có đợt bí quá, chẳng có tiền cho con mua kem, bố mẹ tôi không còn cách nào khác mới nói vu vơ rằng, nhà cô Chuyên ở cạnh bãi tha ma và cái giếng nước thì nằm gần mấy ngôi mả. Tôi bán tín bán nghi nhìn bố mẹ rồi nghĩ về những que kem mình đã ăn, tự dưng thấy ghê ghê.

Cái sự ghê ghê ấy nhanh chóng tan biến vào buổi tối, khi các “chiến hữu” í ới gọi tôi đi sinh hoạt hè. Cố và nốt bát cơm đang ăn dở, tôi cầm theo cái đèn ắc quy nặng cân rưỡi rồi chạy ù ra cổng. Con đường đất không có đèn tối đen như mực bỗng trở nên sinh động hẳn nhờ ánh đèn của tôi và tiếng cãi nhau chí chóe của đám bạn. Thường thì chúng tôi đến rất sớm nên nhà văn hóa chưa mở cửa và trong lúc chờ đợi chúng tôi sẽ chơi trò ném lon hoặc trèo lên tường bao ngăn cách nhà văn hóa xóm với nhà thằng Quốc Anh để ngồi kể chuyện ma. Có lần kể đến đoạn gay cấn cái Phương bất thình lình hù to một tiếng làm tôi giật mình ngã lộn cổ xuống vườn nhà thằng Quốc Anh. Sau tiếng “uỵch” rất kêu là tiếng chó sủa dồn dập inh ỏi. Mấy em chó xồ ra, định nhảy vào vườn làm tôi sợ mất mật. Tôi cuống cuồng nắm lấy cánh tay đang chìa ra trước mặt, cố sức leo lên mặc kệ bức tường bao nhem nhuốc làm quần áo tôi đổi cả màu.

Chị phụ trách sinh hoạt hè đến, mang theo một tập giấy in lời bài hát. Chúng tôi lại cùng nhau tập tành các tiết mục chuẩn bị cho ngày 1/6 và dịp Tết Trung thu. Cái cảm giác hồi hộp, tim đập rộn ràng và những lần dành cả buổi chiều để chỉnh trang tóc tai, áo váy trước mỗi buổi biểu diễn đã khắc sâu vào ký ức non nớt của tôi những kỷ niệm đẹp đẽ vô ngần.

Kết thúc buổi sinh hoạt bao giờ cũng là trò “dọa ma” của lũ giặc quỷ và tôi lúc nào cũng là đứa bị dọa đầu tiên vì nhà tôi gần nhất trên quãng đường về. Dẫu tay vẫn cầm khư khư cái đèn sáng quắc nhưng mười lần thì có đến mười một lần tôi xanh mặt, xách đèn chạy thục mạng. Bụi tre kẽo kà kẽo kẹt buổi sáng yên bình bao nhiêu thì đến tối lại khiến tôi kinh hãi bấy nhiêu. Về đến nhà, bao giờ tôi cũng đứng trên đôi chân run rẩy mà lầm bầm hứa chắc nịch rằng sẽ không đi sinh hoạt hè thêm một lần nào nữa. Nhưng lần nào tôi cũng tự phá vỡ lời hứa của mình.

Lớn hơn một chút, tôi được “nữ vương bệ hạ” phong cho chức quan “mục đồng”. Mỗi thứ Bảy, Chủ nhật tôi đều làm bạn với con trâu. Mới đầu tôi còn hậm hực vì mình đang “tuổi ăn tuổi chơi” mà lại bị bắt đi làm, nhưng sau đó thấy hội bạn cũng cùng chung “cảnh ngộ” thì bấy nhiêu hậm hực đều theo cái vẫy tay tan biến hết. Mùa hè chúng tôi vừa chăn trâu vừa rủ nhau tắm suối, có lúc người ùm ùm tắm khúc trên, trâu khoan khoái đằm ngay khúc dưới. Mùa đông thì thả chạc cho trâu mặc sức thong dong khắp đồng, còn lũ nhóc chúng tôi, khi thì ngồi túm tụm nghe các “bậc lão làng” kể chuyện xa xưa; khi thì xúm lại thành vòng tròn nướng sắn, nướng khoai; lúc lại tản ra, mỗi đứa một cái xô, tỉ mẩn đào lũ ốc bươu ngủ đông dưới ruộng.

 Song song với việc chăn trâu là học làm đồng. Cô “nông dân tập sự” bé bỏng là tôi được mẹ mang theo khắp các mùa vụ. Vụ cấy nước bì bõm, bùn thụt đến tận bắp chân, tôi không chịu mang ủng, cứ chân trần, chổng mông, hí hửng cắm những đon mạ đầu tiên trong đời, xung quanh đỉa dập dờn bơi như trẩy hội. Vụ ngô, tôi “còng lưng” thả hạt, cả bàn tay nhuộm hồng màu thuốc ướp. Mùa gặt tôi thoăn thoắt khua liềm, thảng hoặc mới “cắt nhầm vào tay”…

Tác giả (ngoài cùng bên trái) cùng gia đình bên ngôi nhà nhỏ tại xóm Phúc Lộc

Lớn thêm chút nữa, khi đã thành một thiếu nữ bắt đầu biết mơ mộng, tôi không còn vui chơi bạt mạng với đám bạn nữa. Mà cũng ít có cơ hội, bởi, mỗi nhà mỗi khác và mỗi đứa có những mối quan tâm không còn giống nhau. Lúc này chỉ còn tôi, em trai và cô bạn thân tên Ly dính nhau như hình với bóng. Ba chúng tôi nhỏ bé, lọt thỏm giữa cánh đồng. Hầu hết thời gian, ba đứa vừa chăn trâu vừa tranh thủ hái rau má, rau dền, rau ngải cứu để đem ra chợ bán. Cánh đồng chính là nơi giúp tôi kiếm được những đồng tiền đầu tiên bằng sức lao động. Hái vãn rau rồi tôi sẽ lượn lờ quanh bãi táo nhà bà Sán vào mùa táo, hay gốc cây khế ngọt nhà bác Mai vào mùa khế chín vàng.

Hết táo, hết khế tôi lại kéo hai đứa kia rong ruổi khắp các bờ bãi để kiếm tìm quả dại. Không hồng tiên thì duối, không tu hú thì canh trâu, không mây thì dưa hấu dại. Cánh đồng luôn biết cách làm chúng tôi mê tít bằng thứ quà quê ngọt lành như thế. Thường thì tôi và cô bạn thân sẽ trò chuyện rôm rả suốt buổi, nhưng cũng có lúc chúng tôi lặng yên. Đó là lúc chiều buông, khi tôi tung cánh diều lên cao còn em trai thả dây và mải miết chạy. Cánh đồng nâng bước chân nó mềm mại, êm ru, còn gió nâng cánh diều vút bay, thổi vào tầng không lanh lảnh tiếng sáo.

Ôi nhớ lắm những đêm hè, vài ngày sau khi cày vỡ ruộng, cánh đồng no mưa đầy ăm ắp nước. Hôm nào cũng vậy, cứ tám, chín giờ tối là tôi, em trai và các anh chị lại rủ nhau xách giỏ ra đồng. Cánh đồng bấy giờ biến thành sân khấu lấp lánh ánh đèn. Đèn sao đèn trăng dìu dịu trên cao. Đèn lồng đom đóm lập loè bên dưới. Đèn pin cầm tay sáng trắng, đèn đeo đầu sáng vàng rọi tới rọi lui. Những nghệ sĩ của làng, già trẻ, gái trai đủ mặt, bắt đầu say sưa biểu diễn tiết mục của mình. Đoàn tôi chia ra mỗi người một ngả. Tôi hí hửng nhặt những con ốc đồng phủ rêu béo mầm, nhanh tay vồ lấy con cua, tham lam rượt đuổi theo con cá. Mặt nước in bóng tôi hớn hở. Thi thoảng dừng chân, nghe tiếng lội nước lõm bõm hoà vào tiếng côn trùng rả rích thật vui tai.

Mới đó mà đã mười mấy năm trôi qua, lớp trẻ thơ ngày nào giờ đã trưởng thành và con đường, con suối, cánh đồng, bụi tre thân thương ngập tràn ký ức giờ cũng không còn nữa nhưng những cảnh vật thân thuộc ấy, cái tên thiêng liêng ấy, những khoảnh khắc quý giá tạo nên tuổi thơ tươi đẹp ấy, sẽ luôn nằm sâu trong trái tim tôi và những đứa trẻ làng Phúc Lộc, dù có đi đâu về đâu...

Hồ Điệp

1 đã tặng

1

0

0

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đồi Dung

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Chã - nơi ấy có mẹ chồng tôi

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

“Người Gang Thép!”

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Một miền quê yêu dấu

Tôi và Thái Nguyên 9 tháng trước

Tiếng gọi điều công

Tôi và Thái Nguyên 9 tháng trước

Lũng Luông kỉ niệm

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước

Mảnh đất cuộc đời tôi

Tôi và Thái Nguyên 11 tháng trước