Ông lão tốt bụng
VNTN - Mới sáng sớm đồn cảnh sát đã nhận được tin báo ở cửa hàng tạp hóa trên phố Baluxi xảy ra án mạng. Đồn trưởng Smit vội cùng hai cảnh sát nữa đến ngay hiện trường.
Một người phụ nữ béo phị nằm trên vũng máu, chồng của bà ta là một ông già nhỏ bé đang run rẩy sợ hãi ngồi bên cạnh. Viên đồn trưởng cúi người xuống kiểm tra thấy bà ta bị đạn bắn vào tim và đã chết.
Ông lão nói: “Sáng nay khi cửa hàng vừa mở cửa thì đột nhiên một tên cướp cầm súng xông vào bắt tôi đưa toàn bộ tiền bạc cho nó. Lúc đó vợ tôi vừa từ bên ngoài đi về tên cướp chĩa súng bắn ngay bà ấy rồi bỏ chạy…”.
Viên đồn trưởng hỏi: “Ông có nhớ được hình dáng và cách ăn mặc của tên cướp không?”.
Ông lão nghĩ một lúc rồi khẳng định: “Tên cướp khoảng 40 tuổi, người cao gầy, đuôi mắt trái có một một vết sẹo nhỏ kéo dài đến tận tai, trên trán có một nốt ruồi, tóc đen bóng, mũi to trông giống như người Digan, nếu gặp lại nó ở bất kỳ đâu tôi cũng nhận ra ngay.”.
Viên đồn trưởng lại hỏi: “Ông còn nhớ tên cướp mặc quần áo gì không?”.
Ông lão chẳng cần suy nghĩ nói ngay: “Nó mặc quần màu nước chè, áo da cũng màu nước chè, à phải trên mu bàn tay cầm súng của nó còn xăm một con rắn quấn quanh trái tim.”.
Viên đồn trưởng nói: “Chúng tôi có thể vẽ lại chân dung tên cướp để phát lệnh truy nã.”. Sau đó viên đồn trưởng đến các nhà bên cạnh hỏi về tình hình vụ án.
Người nhà bên cạnh nói: “Tôi và nhà ông ấy là hàng xóm với nhau đã nhiều năm. Nói thực lòng tôi không ưa bà ấy, bà ấy là người đáo để có tiếng ở khu này, ông lão lại là người thật thà, tốt bụng nên thường bị bà vợ bắt nạt, ức hiếp đôi khi bà ấy còn đánh cả ông lão nữa.”.
Viên đồn trưởng gật gật đầu: “Họ có con không?”.
Người nhà bên cạnh nói: “Họ không có con đẻ nhưng mấy năm trước nhận nuôi một bé gái. Mới đầu bà ấy rất yêu đứa con nuôi nhưng sau đó phát hiện nó có vấn đề thiểu năng trí tuệ bẩm sinh và bắt đầu đối xử tệ bạc với nó, bà ấy đánh đứa trẻ rất tàn nhẫn, vì điểm này mà hai vợ chồng thường xuyên cãi nhau.”.
Viên đồn trưởng về đồn, theo sự miêu tả của ông lão cho người vẽ một bức chân dung tên cướp và phát lệnh truy nã. Có điều không ngờ là ngay sau đó viên đồn trưởng lại ra lệnh bắt ông lão.
Những người hàng xóm rất ngạc nhiên vì họ không tin ông lão là người giết vợ mình. Ở đồn cảnh sát ông lão một mực phủ nhận việc giết vợ. Viên đồn trưởng nói: “Tôi cũng không nghi ngờ gì ông nhưng do ông miêu tả tên cướp quá tỷ mỉ, chi tiết, điều này không đúng với lẽ thường bởi vì nói chung người ở trong vụ án lúc đó đều rất sợ hãi không thể tập trung tư tưởng để nhớ được như thế.”.
Trong khi hỏi cung, viên đồn trưởng yêu cầu ông lão tả lại hình dáng tên cướp, chỉ cần ông lão nói trước sau bất nhất thì có thể kết luận là ông ta bịa ra nhưng hình như ông lão lại sớm biết được “thủ đoạn” của viên đồn trưởng nên cứ như cháo chảy mô tả những nét đặc trưng của tên cướp đến nỗi không sai một chữ. Không có chứng cứ để định tội, cuối cùng viên đồn trưởng phải thả ông lão về.
Sáng sớm hôm sau, viên đồn trưởng gọi điện thoại cho ông lão: “Xin thứ lỗi, đúng là tôi đã nhầm, tối hôm qua chúng tôi đã bắt được hung thủ giết vợ ông.”.
Phía đầu dây bên kia ông lão tỏ vẻ ngạc nhiên: “Thật thế à? Các ông đã bắt được hung thủ đã giết vợ tôi rồi à?”.
Viên đồn trưởng trả lời: “Đúng như vậy, tuy rằng hung thủ vẫn chưa nhận tội nhưng chúng tôi khẳng định chính là hắn, xin mời ông đến đồn giúp chúng tôi nhận diện hắn.”.
Ông lão đến đồn cảnh sát. Viên cảnh sát dẫn ông lão đến phòng tạm giam nghi phạm. Qua tấm cửa kính ông lão nhìn thấy có 5 người đứng thành một hàng, họ đều mặc quần và áo da màu nước chè. Người đứng đầu có mái tóc đen bóng, mũi to, ở đuôi mắt trái có vết sẹo nhỏ dài đến tận tai, trên trán có một nốt ruồi nhỏ. Anh ta để hai tay buông xuôi, trên mu bàn tay phải có xăm hình con rắn quấn quanh trái tim. Ông lão căng mắt ra nhìn và hình như không tin có một người như thế đang đứng trước mặt mình. Viên đồn trưởng dùng micrô hỏi người đó mấy vấn đề, người đó nói mình là công nhân kiến trúc, có vợ và 5 con, đứa lớn nhất 13 tuổi, đứa nhỏ nhất mới một tuổi.
Viên đồn trưởng nói xong vẻ tự mãn nhìn ông lão hỏi: “Ông nhìn kỹ chưa, hắn có phải là tên cướp đã giết vợ ông không?”.
Ông lão do dự rất lâu rồi nói: “Không, không phải anh ta, đúng là rất giống với tên cướp đã giết vợ tôi, nhưng không phải là anh ta.”.
Viên đồn trưởng nói: “Hàng xóm của ông đều nói ông là người hiền lành, tốt bụng, nhưng sự việc này không thể mềm lòng. Hình dáng của anh ta đúng như ông đã miêu tả nhất là trên mu bàn tay có xăm hình con rắn quấn quanh trái tim, trên đời này không có sự trùng hợp khéo như thế đâu.”.
Trên trán ông lão lấm tấm mồ hôi, ông lão không nói gì nữa.
Viên đồn trưởng lại nói: “Ông đừng nên thương hại vì anh ta có 5 đứa con, anh ta là người Tây Ban Nha di dân không có văn hóa nên đến luật sư cũng không mời được. Chỉ cần ông nhận đúng anh ta là hung thủ chúng tôi sẽ bắt anh ta phải khai ra sự thật và đưa anh ta lên ghế điện.”. Viên đồn trưởng vừa nói vừa nhìn chằm chằm vào ông lão.
Mặt ông lão trắng bệch, cuối cùng do không chịu nổi ông lão ngồi phịch xuống ghế ôm đầu kêu lên: “Không, ông đồn trưởng, anh ta không có tội! Là tôi, chính tôi đã giết vợ tôi…”.
Ông lão vẻ đau khổ kể lại quá trình mình gây án như thế nào, vì không thể để cho đứa con nuôi bị bà vợ độc ác hành hạ nên ông đã dựng ra vụ cướp để giết bà ta. Ông lão nghĩ rằng việc bịa ra hình dáng tên cướp như vậy thì cảnh sát sẽ không bao giờ tìm đựợc thủ phạm. Ông không ngờ cảnh sát lại bắt được nghi phạm có hình dáng giống hệt như ông đã miêu tả. Bây giờ nếu ông không tự thú thì người công nhân kiến trúc đáng thương sẽ bị oan uổng.
Sự việc đã rõ ràng, ông lão bị dẫn đi. Viên đồn trưởng ngồi trong phòng trầm ngâm nhớ lại tình tiết vụ án. Đúng lúc đó có người đẩy cửa bước vào phòng, đây chính là người “công nhân kiến trúc”, tác phẩm do viên đồn trưởng đạo diễn ra. Anh ta vừa lấy khăn lau vết xăm giả ở tay vừa cười hỏi viên đồn trưởng: “Ông lão đã nhận tội rồi mà sao anh lại buồn như vậy?”. Viên đồn trưởng cười gượng: “Ông lão đã nhận tội nhưng trong lòng tôi lại không nhẹ nhõm chút nào. Trước đây chúng ta đều lợi dụng tâm lý tham lam, báo thù và sợ hãi để bắt tội phạm nhưng lần này là lợi dụng vào sự lương thiện và lòng tốt của người ta! Ông lão, đúng ông lão là một người tốt...”.
Nói đến đây, viên đồn trưởng cúi đầu thở dài.
Truyện ngắn. Chember (Mỹ)
Nguyễn Thiêm (dịch)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...