VNTN - Một ông già đeo mắt kính gọng thép, quần áo rất bẩn ngồi bên đường. Có một cầu phao bắc qua sông, các loại xe thô sơ, xe ba gác, đàn ông, đàn bà và trẻ con đi qua cầu. Những chiếc xe do la kéo loạng choạng từ cầu lên bờ sông dốc được những người lính giúp đẩy và chèn bánh xe. Những chiếc xe thô sơ qua khỏi cầu đi thẳng, những người nông dân mệt mỏi bước theo, đất dưới chân lún tới mắt cá. Nhưng ông già thì ngồi đó bất động. Ông quá mệt nên không thể đi xa hơn được nữa.
Công việc của tôi là qua bên này cầu, trinh sát và tìm hiểu xem quân địch đã tiến đến đâu. Tôi làm xong việc và quay lại cây cầu. Lúc này không còn nhiều xe thô sơ và rất ít người đi bộ, nhưng ông già thì vẫn còn đó.
“Ông từ đâu đến?”, tôi hỏi.
“Từ San Carlos”, ông già nói, và cười.
Đó là thành phố nơi ông sinh ra, vì thế ông rất vui khi nhắc đến nó, và cười.
“Tôi đang chăm sóc thú vật”, ông giải thích. “Ồ”, tôi nói, không hiểu rõ lắm.
“Phải”, ông nói. “Tôi ở lại chăm sóc thú vật. Tôi là người cuối cùng rời thành phố San Carlos”.
Ông không có vẻ giống một người chăn cừu hay chăn gia súc. Tôi nhìn bộ quần áo đen lấm bụi, khuôn mặt bụi bậm già nua và đôi mắt kính gọng thép của ông và nói, “Chúng là những con vật gì?”. “Nhiều con vật khác nhau”, ông nói, và lắc đầu. “Tôi phải lìa xa chúng”. Tôi đang quan sát cây cầu và khu châu thổ Ebro có cái vẻ quê mùa của châu Phi, tự hỏi còn bao lâu nữa thì sẽ thấy quân địch, và ông già thì vẫn ngồi đó.
“Chúng là những con vật gì?”, tôi lại hỏi.
“Có tất cả ba con vật”, ông giải thích. “Có hai con dê, một con mèo và còn có bốn cặp chim bồ câu”.
“Và ông phải lìa xa chúng?”, tôi nói.
“Phải, vì pháo kích. Ông đại úy bảo tôi đi để tránh pháo”.
“Ông không có gia đình?”, tôi hỏi, nhìn về phía xa bên kia cầu, ở đó mấy chiếc xe thô sơ cuối cùng đang vội vàng đổ dốc bờ sông.
“Không”, ông nói, “chỉ có mấy con thú mà tôi đã nói. Con mèo, dĩ nhiên, sẽ ổn. Một con mèo có thể tự lo cho nó, nhưng tôi không nghĩ được những gì sẽ xảy ra cho những con thú kia”.
“Ông có khuynh hướng chính trị gì?”, tôi hỏi.
“Tôi không có khuynh hướng chính trị”, ông nói. “Tôi bảy mươi sáu tuổi. Tôi đã đi mười hai ki lô mét và tôi nghĩ, bây giờ tôi không thể đi xa hơn được nữa”.
“Chỗ này không phải là nơi để dừng lại đâu”, tôi nói. “Nếu ông muốn đi, có mấy chiếc xe thô sơ trên đường chỗ ngã ba đi Tortosa”.
“Tôi sẽ đợi một lúc”, ông nói, “và rồi tôi sẽ đi. Những chiếc xe đi tới đâu?”.
“Hướng về Barcelona”, tôi bảo ông.
“Tôi không quen ai ở hướng đó”, ông nói, “nhưng cám ơn anh rất nhiều. Một lần nữa cám ơn anh rất nhiều”.
Ông nhìn tôi với vẻ vô hồn và mệt mỏi, rồi nói, để chia sẻ lo lắng của ông với một người khác. “Con mèo sẽ ổn, tôi chắc vậy. Không cần phải lo lắng về con mèo. Nhưng còn những con kia. Bây giờ anh nghĩ gì về những con vật kia?”
“Làm sao chúng sẽ có thể an toàn ra khỏi cuộc chiến được”.
“Anh nghĩ thế?”.
“Tại sao lại không”, tôi nói, nhìn về phía bờ bên kia, ở đó bây giờ không còn chiếc xe thô sơ nào.
“Nhưng chúng sẽ làm gì được dưới làn đạn pháo trong khi tôi thì được ra đi để tránh đạn pháo?”
“Ông có mở lồng chim câu không?”.
“Có”.
“Vậy thì chúng sẽ bay đi”.
“Phải, nhất định là chúng sẽ bay. Nhưng còn những con dê. Tốt hơn là không nên nghĩ về chúng”, ông nói.
“Nếu ông còn nghỉ thì tôi đi đây”, tôi giục. “Thôi đứng dậy và cố bước đi”.
“Cám ơn anh”, ông nói, loạng choạng đứng dậy rồi lại ngồi xuống đất.
“Tôi đang chăm sóc những con vật”, ông ngù ngờ nói, nhưng không còn là nói với tôi nữa.
Không còn gì để làm với ông nữa. Hôm đó là ngày chủ nhật Phục sinh và bọn phát xít thì đang tiến về Ebro. Đó là một ngày trời thấp và u ám vì thế máy bay của chúng không cất cánh. Sự kiện đó và sự kiện bọn mèo biết cách tự lo cho chúng là tất cả những gì may mắn mà ông già sẽ có.
Truyện ngắn.Ernest Hemingway
Võ Hoàng Minh dịch
(Dịch từ “The old man at the bridge”)Nguồn:
http://biblioklept.org/2012/07/06/read-the-old-man-at-the-bridge-a-short-story-by-ernest-hemingway/
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...