Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
08:27 (GMT +7)

Ông già làm gì cũng đúng

Truyện ngắn. H.C.Andersen (Đan Mạch)

Tôi sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện mà tôi đã được nghe khi còn nhỏ. Mỗi lần nghĩ đến câu chuyện này, tôi cảm thấy dường như nó ngày càng hấp dẫn hơn bởi vì các câu chuyện cũng giống như con người ta - càng nhiều tuổi thì càng trở nên hiểu biết hơn.

Hãy mường tượng bạn đang ở trên đất nước này, và đã nhìn thấy một ngôi nhà tranh cũ kỹ trên mái đầy những cụm rêu và những cây nhỏ li ti. Những bức tường của ngôi nhà khá dốc còn những ô cửa sổ thì thấp lè tè, và chỉ có duy nhất một ô cửa có thể mở được. Lò nướng bánh được đắp thò ra ngoài bức tường giống như một người có cái bụng phệ. Một cây cơm cháy vươn lên khỏi hàng rào tỏa bóng xuống một cái ao nhỏ nơi có một đàn vịt con đang bơi bên dưới cây liễu khẳng khiu. Và ngôi nhà đó còn có một con chó thường cất tiếng sủa khi thấy có bóng người.

Ngôi nhà đơn sơ ấy ở vùng nông thôn, và trong nhà có một cặp vợ chồng già. Họ vốn đã nghèo, ấy thế mà trong nhà lại nuôi một con vật mà chẳng có cũng không sao - một con ngựa sống nhờ những ngọn cỏ mà nó tìm thấy ở vệ đường. Người nông dân già vào thị trấn bằng con ngựa đó, và hàng xóm thường mượn ngựa của ông để dùng rồi trả cho ông một chút tiền gọi là. Nhưng cặp vợ chồng già nghĩ nên bán con ngựa đi, hoặc đổi nó lấy thứ gì đó hữu ích đối với họ hơn. Nhưng đổi lấy thứ gì mới được chứ?

“Đổi lấy thứ gì thì chính ông là người biết rõ nhất, ông ạ,” bà vợ nói. “Hôm nay có hội chợ đấy, vậy ông hãy cưỡi ngựa vào thị trấn bán lấy tiền, hoặc đổi lấy thứ gì đó: bất cứ việc gì ông làm tôi đều thấy đúng cả. Hãy đến hội chợ đi.”

Và bà giúp ông thắt khăn quàng cổ. Bà thắt nó theo kiểu tạo nơ đúp, bởi vì bà thắt khăn kiểu đó rất khéo. Sau đó bà chải mũ cho ông bằng chiếc chổi cọ, rồi hôn tạm biệt ông. Vậy là ông cưỡi ngựa đến hội chợ để bán hoặc đổi lấy thứ gì đó. Ông biết mình phải làm gì.

Trời nắng chang chang: bầu trời trong vắt, không có một gợn mây. Đường bụi mù bởi nhiều người đổ về hội chợ bằng xe kéo, bằng ngựa hoặc đi bộ. Không có một chỗ nào để tránh nắng cả.

Trong số những người đi đường có một người đàn ông đang dắt một con bò cái đến hội chợ. Con bò thuộc loại bò cái đẹp nhất.

Con bò kia tốt sữa lắm, mình dám chắc như vậy, người nông dân nghĩ. Sẽ rất tốt nếu đổi con bò cái kia lấy con ngựa này.

“Xin chào anh bạn dắt bò!”, ông nói. “Chúng ta có thể nói chuyện một lát không? Tôi muốn nói với anh rằng con ngựa này có giá hơn con bò ấy nhưng tôi không quan tâm đến điều đó đâu: một con bò cái hữu ích với tôi hơn. Nếu anh thích, chúng ta sẽ đổi.”

“Đồng ý,” người đàn ông nói, và họ đổi bò và ngựa cho nhau.

Người nông dân đáng lẽ quay trở về nhà bởi vì ông đã thực hiện xong việc mà ông định làm, nhưng bởi vì ông đã quyết định đi đến hội chợ, ông sẽ đi đến tận nơi, dù chỉ để ngắm thôi. Vậy nên ông dắt cả con bò đến hội chợ.

Ông dắt bò bước về phía trước đầy quả quyết. Một lúc sau ông gặp một người đàn ông đang dắt một con cừu. Đó là một con cừu béo tốt với lớp lông thật mượt.

Mình muốn có con cừu đó, người nông dân tự nhủ. Dưới chân hàng rào nhà mình đầy cỏ và mùa đông mình sẽ cho nó vào trong nhà với vợ chồng mình. Có lẽ nuôi một con cừu thiết thực hơn nuôi một con bò. “Đổi nhé?”

Người đàn ông sở hữu con cừu đồng ý, và cuộc trao đổi được thực hiện. Người nông dân dắt cừu đến hội chợ. Đi đến gần một cái bục trèo ông nhìn thấy một người đàn ông khác ôm một con ngỗng cái rất to.

Con ngỗng đó chắc lắm đấy. Nó vừa béo vừa có nhiều lông, và sẽ rất hay nếu buộc dây cho nó để nó bơi trong ao nhà mình. Bà vợ của mình sẽ có được một số thứ. Bà ấy thường nói: “Ước gì chúng ta có một con ngỗng!” Bây giờ thì nó sẽ thuộc về bà ấy. “Chúng ta đổi nhé? Tôi sẽ đổi con cừu lấy con ngỗng, và cảm ơn ông nếu ông đồng ý.”

Người đàn ông kia bằng lòng, và họ thực hiện vụ trao đổi.

Ông già đã đi đến rất gần thị trấn. Càng đến gần thị trấn đường càng đông, người và gia súc chen nhau đi. Họ đi đến đoạn có cái rãnh ở bên đường, và ở chỗ có thanh chắn họ thậm chí phải bước xuống ruộng khoai tây nơi con gà của người thu phí qua đường đang khệnh khạng đi lại với cái dây buộc ở chân để giữ cho nó khỏi chạy mất vì sợ đám đông. Con gà có cái đuôi ngắn cũn cỡn ấy nheo mắt trông rất ngộ. Con gà kêu cục cục. Tôi chịu không thể nói cho các bạn biết nó đang nghĩ gì, nhưng vừa mới nhìn thấy nó, ông già chợt nghĩ: Đó là con gà đẹp nhất mà mình từng nhìn thấy trong đời! Nó đẹp hơn cả con gà mái đẻ của cha xứ. Thực tình, mình muốn có con gà đó. Một con gà luôn luôn tự bới để tìm thức ăn và chẳng cần phải trông nom gì cả. Mình nghĩ sẽ rất tốt nếu mình đổi con ngỗng này lấy con gà kia.

“Chúng ta đổi nhé?”, ông hỏi người thu phí.

“Đổi thì đổi!”, người đó đáp, “đổi như vậy cũng không thiệt.”

Vậy là họ đổi. Người thu phí qua đường ôm con ngỗng, còn ông già cắp con gà đi.

Gần đến hội chợ, ông cảm thấy nóng và mệt. Ông muốn có thứ gì đó để ăn, muốn uống một ly rượu branđi. Lát sau ông đứng trước một quán trọ. Ông sắp sửa bước vào quán thì người coi ngựa từ trong quán bước ra. Người coi ngựa xách một chiếc bao tải.

“Anh có gì trong bao thế?”, người nông dân hỏi.

“Táo chín,” người coi ngựa trả lời, “đầy một bao táo chín nẫu để cho lợn ăn.”

“Nhiều thế cơ à! Tôi ước gì bà vợ tôi ở nhà được thấy cả bao táo này. Năm ngoái cây táo già của nhà tôi chỉ ra được mỗi một quả và chúng tôi cứ để trong tủ cho đến khi nó chín nẫu và hỏng mất. Tài sản quý đấy, bà vợ tôi nói, nhưng ở đây có cả một khối tài sản lớn còn gì. Đúng vậy, tôi sẽ rất vui được khoe cả khối tài sản này với bà nhà tôi.”

“Ông sẽ cho tôi thứ gì để đổi lấy bao táo này?”, người coi ngựa hỏi.

“Tôi sẽ đổi con gà của tôi lấy bao táo.”

Nói rồi ông đưa con gà cho anh ta, và nhận bao táo đem vào quán trọ. Ông để bao táo dựa vào bếp lò và đi đến bàn tiếp khách. Bếp đang nóng nhưng ông không để ý. Phòng có nhiều khách - những người buôn ngựa, những lái buôn gia cầm, và hai quý ông người Anh - họ giàu đến nỗi túi quần túi áo của họ phát ra những tiếng lẻng xẻng của những đồng tiền vàng, và họ có thể chơi đánh cược, rồi các bạn sẽ thấy.

Xèo! Xèo! Cái gì ở gần bếp thế nhỉ? Táo nướng đấy!

“Cái gì cơ?”

Và họ mau chóng biết được toàn bộ câu chuyện, từ chi tiết đổi ngựa lấy bò cho đến những quả táo.

“Bà vợ ông sẽ không để ông yên đâu!”, một trong hai người Anh nói. “Ông sẽ bị rầy la đấy!”

“Tôi sẽ nhận được một cái hôn và không bị rầy la đâu,” người nông dân nói. “Vợ tôi sẽ nói, những gì ông làm luôn luôn đúng.”

“Chúng ta đánh cược nhé?”, quý ông người Anh nói. “Chúng ta sẽ đem vàng và thóc ra đánh cược nhé - một trăm đồng vàng ăn mười giạ lúa nhé!”

“Một giạ* thôi”, người nông dân đáp. “Tôi chỉ có thể đánh cược bằng một giạ táo thôi; và tôi đem cả tôi và bà vợ già của tôi ra đánh cược đấy - tôi cho rằng như thế là tương đương rồi.”

“Đồng ý - xong!”

Và điều kiện cá cược được thỏa thuận. Xe kéo chạy tới và hai người Anh bước lên xe, người nông dân cũng lên xe. Họ rời khỏi quán trọ và chẳng bao lâu xe đã dừng trước căn nhà tranh của người nông dân.

“Chào bà!”

“Chào ông!”

“Tôi đã đem ngựa đi đổi rồi.”

“Vâng, tôi biết,” bà vợ nói.

Và bà ôm ông, quên cả chiếc bao tải cùng hai vị khách.

“Tôi đã đổi con ngựa nhà mình lấy một con bò cái,” ông nói.

“Tạ ơn Chúa đã cho sữa!”, bà nói. “Bây giờ chúng ta sẽ có sữa, bơ và pho mát bày trên bàn ăn! Ông đổi như thế là lời nhất rồi!”

“Đúng vậy, nhưng sau đó tôi lại đổi con bò lấy một con cừu.”

“Ồ, vậy thì còn tốt hơn!”, bà vợ reo lên. “Ông luôn tính toán chu toàn. Chúng ta có đủ cỏ cho một con cừu. Sữa của cừu cái, pho mát, áo len và tất lông cừu. Một con bò sữa không thể cho những thứ đó, mà lông bò thì chẳng có ích gì. Ông tính giỏi đấy!”

“Nhưng tôi lại đem con cừu đổi lấy một con ngỗng.”

“Vậy thì năm nay vào Lễ thánh Mác-tin chúng ta sẽ có một con ngỗng thật để ăn rồi! Ông luôn nghĩ đến những gì làm tôi vui. Thật hấp dẫn! Chúng ta có thể buộc dây vào chân ngỗng để nó đi loanh quanh cho đến Lễ thánh Mác-tin.”

“Nhưng tôi lại đổi con ngỗng lấy một con gà mái rồi, bà nó ạ”, ông già nói.

“Một con gà ư? Đổi như vậy tốt quá!”, bà vợ nói. “Con gà mái sẽ đẻ trứng rồi ấp trứng, và chúng ta sẽ có gà con, sẽ có đầy một sân gà! Ôi đó đúng là điều tôi ao ước đấy ông ạ.”

“Nhưng tôi lại đổi con gà lấy một bao táo chín rồi.”

“Gì cơ! Tôi phải hôn ông mới được,” bà vợ reo lên. “Ông chồng yêu quý của tôi! Tôi sẽ nói cho ông nghe điều này. Ông có biết khi ông rời khỏi nhà sáng nay tôi cứ nghĩ làm thế nào tối nay tôi có thể nấu cho ông món gì đó thật ngon. Tôi đã nghĩ có thể tôi sẽ làm bánh bột nhào sữa trứng với rau thơm. Tôi có trứng rồi, nhưng chưa có rau thơm, tôi biết - nhưng bà hiệu trưởng là một người keo kiệt. Tôi sang vay bà ấy một nắm rau thơm. Vay ư!, bà ấy trả lời tôi, vườn nhà chúng tôi chẳng có rau quả gì sất, một quả táo thối cũng không. Nhưng bây giờ tôi có thể cho bà ta vay mười quả, hoặc cả một bao táo; ôi, chuyện này làm tôi cười đấy!”. Nói xong bà hôn ông một cái thật kêu.

“Tôi thích chuyện này!”, hai người Anh đồng thanh nói. “Hễ đi về vùng nông thôn thì tôi luôn gặp những chuyện vui: bỏ tiền ra cũng đáng.”

Vậy là họ trả một trăm đồng tiền vàng cho người nông dân không những không bị mắng mà còn được hôn.

Đúng vậy, khi người vợ tin rằng chồng mình luôn làm điều tốt nhất, rằng điều gì chồng mình làm cũng đúng thì phần thưởng luôn đến.

Các bạn ạ, câu chuyện của tôi là như vậy đấy. Tôi đã nghe câu chuyện này từ khi tôi còn nhỏ, và bây giờ các bạn đã được nghe chuyện đó rồi đấy và đã biết nó có tên là “Ông già làm gì cũng đúng”

* Giạ là đơn vị đo lường: 1 giạ =20 kg.

Nguyễn Bích Lan (Dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xổ số

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm truyện cực ngắn Murakami Haruki

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ngày mà Alfred tự tìm kiếm mình trên Google

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Ông bà nội tôi

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Bertha

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Truyện kể trong ngày của mẹ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước