Ở xứ lạ mà ngỡ quê nhà…
VNTN- Tôi đến Thái Nguyên chỉ đúng một lần, đó là một chuyến đi công tác dài ngày. Sau dịp đó, có một điều mà tôi luôn khắc sâu trong tâm khảm và thật sự ấn tượng mãi, đó chính là cái tình của người Thái Nguyên, sự chu đáo, mến khách, thương người trong tâm tính của người dân nơi đây.
Bến thuyền du lịch Hồ Núi Cốc. Ảnh minh họa, nguồn: vannghethainguyen.vn
Cuối tháng 8 năm 2018, Thái Nguyên đón tôi với sự ưu thương, tĩnh mịch. Không gian vắng lặng khi đồng hồ đã điểm 1 giờ sáng. Hình như có cả những màn sương giăng phủ. Tôi cảm giác như nơi này thật dung dị, thật bình yên.
Nơi tôi cần đến là huyện Đồng Hỷ, cách chỗ vừa xuống xe hơn 6 km về phía Đông Bắc. Thấy tôi một thân một mình lê từng bước nặng nhọc với ba lô lỉnh kỉnh, chị chủ quán nước mở thâu đêm trên đường Nha Trang vẫy tay gọi lại, cười hiền.
Tâm tình vài phút, chị bảo trời đã khuya, xe ôm cũng chẳng còn hoạt động. Thôi thì hãy về nhà chị ở gần đó để ngủ tạm với đứa con trai trạc tuổi tôi, rồi chờ đến sáng di chuyển cho đỡ mệt người.
Tôi còn nhớ như in, khuya đấy, đoán biết tôi đói sau chuyến xe khách đường dài, chị đã chiêu đãi tôi món mì vừa lạ lạ, vừa thơm thơm, lại dẻo dẻo và ngon ngon mà chị gọi bằng cái tên mì gạo Hùng Sơn. Mãi về sau tôi mới biết đó là một đặc sản của miền đất này. Cũng khuya đấy, vợ chồng chị nhường cả gối, mền cho vị khách xa lạ đến từ thành phố phương Nam.
Trong khoảnh khắc ấy, tôi nhớ đến những ngày khi tôi còn nhỏ. Quê tôi là nơi giao thương giữa nhiều xã của một huyện phía Đông tỉnh Quảng Ngãi. Rất nhiều lần, những người bán muối, buôn dưa... ở những nơi khác lỡ đường xin dừng chân nghỉ tạm trước sân nhà. Ba má tôi cũng vội vàng hỏi họ đã ăn uống gì chưa. Ba đem võng, đem quạt ra mời họ nghỉ ngơi. Má sốt sắng nấu cơm nấu mì mời họ dùng bữa cho đỡ đói...
Những ký ức xưa cũ ùa về, tự nhiên tôi thấy dù đang ở một nơi xa lơ xa lắc, ở xứ lạ mà tôi cứ ngỡ như đang sống ở quê nhà. Tôi chợt thấy trong lòng rung lên một niềm hạnh phúc khó tả. Tôi nhận ra, rằng con người ở miền đất này thật sự hiền hòa, hiếu khách, thật sự chân chất, chân tình.
Những ngày sau đó, từ huyện Đồng Hỷ tôi băng qua các huyện Võ Nhai, rồi đến huyện Phú Bình và cả Phú Lương để thực hiện chuyến công tác. Và người dân ở chốn nào của miền đất Thái Nguyên này, cũng khiến tim tôi bồi hồi, thổn thức.
Tôi nhớ ngày công tác ở huyện Phú Bình, chú chủ nhà không những cho tôi ở miễn phí, hỗ trợ tôi rất nhiều trong việc tìm kiếm tư liệu thực hiện phóng sự điều tra, mà còn cho tôi có cơ hội thưởng thức những đặc sản ngon bậc nhất ở vùng đất "Đệ nhất danh trà". Đó là bánh chưng Bờ Đậu. Đó là cơm lam Định Hóa. Đó là tương nếp Úc Kỳ... Những món mà ngay giây phút này đây, khi nhớ lại, tôi như có cảm giác thòm thèm nơi đầu lưỡi.
Trước đêm tôi rời đi để sang huyện Phú Lương, chú bảo tôi để tới sáng chú chở chứ khỏi thuê xe, vừa tốn kém cho tôi, vừa không an tâm trong lòng chú. 4 giờ sáng, chú đã dậy, lục tục lấy từng đôi giày, nón, sạc điện thoại, sạc laptop, mắt kiếng, đồ đạc của tôi... để sẵn một góc. Chú cười: "Vì sợ cháu vội sẽ để quên nên chú dọn giúp". Vợ chú còn gói sẵn một hộp xôi trám đen (cũng là đặc sản Thái Nguyên), ân cần nói: "Đi làm như cháu rất mệt, bỏ vào ba lô, khi đói lấy ra ăn tạm". Vợ chú còn bỏ một hộp dầu gió vào tay tôi, bảo giữ, để lỡ đêm khuya trái gió trở trời, lỡ đau bụng nhức đầu thì có mà dùng...
Sự ân cần và chu đáo chẳng dừng lại ở đó. Tôi nhớ phút giây tôi tìm được nhà ở tạm trên huyện Phú Lương cho mấy ngày công tác tiếp theo, chú vẫn cứ dặn dò, mà tôi những tưởng đang được nghe ba tôi dặn chứ không phải từ một người vừa có duyên gặp gỡ chỉ mấy ngày qua. Chú dặn tôi: "Công việc của cháu rất nguy hiểm. Cháu phải giữ sức khỏe. Có gì cần cháu gọi điện thoại cho chú, chú sẽ có mặt". Khi tôi "dạ" rõ to, chú mới tạm yên tâm ra về. Nhưng chỉ đi một đoạn ngắn, chú đã ngoảnh lại vẫy tay, tiếp tục bịn rịn, tiếp tục quyến luyến...
Tháng trước, trong những ngày dịch giã bùng phát, nơi tôi làm việc là Thành phố Hồ Chí Minh siết chặt giãn cách. Một ngày, khi đang chông chênh mệt nhoài với những nỗi âu lo, tôi đã nhận được cuộc gọi của chị chủ quán nước mở thâu đêm ngày nào. Là những lời hỏi thăm xởi lởi: "Có còn lưu số chị không đấy? Em có khỏe không em? Sao lâu quá không ra ngoài này công tác? Chị thấy dịch giã trong đấy nguy hiểm, nhớ giữ sức khỏe đấy, nhớ chưa. Hết dịch, có ra đây công tác, bắt buộc phải ghé nhà chị. Chồng chị với thằng con trai thỉnh thoảng lại nhắc em. Em ra đây, chị lại mời ăn mì gạo Hùng Sơn"...
Còn mới hôm sinh nhật vào đầu tháng 9, tôi xúc động khi nhận được tin nhắn trên Zalo: "Chúc cháu tuổi mới nhiều sức khỏe, nhiều thành công" của vợ chồng chú ở huyện Phú Bình. Sở dĩ tôi vui chứ không bất ngờ, bởi đây đã là năm thứ 3 tôi nhận được lời chúc ý nghĩa từ vợ chồng chú.
Chú nói, khi nào dịch giã không còn, hãy thu xếp thời gian đến Thái Nguyên du lịch. Khi đó, nếu chẳng còn cập rập với hàng đống công việc thường xuyên và liên tục, chú sẽ dành nhiều thời gian dẫn tôi đi khắp nơi để nhìn kỹ vùng đất của cội nguồn và danh thắng ấy.
Chú hứa sẽ dẫn tôi đến Hồ Núi Cốc để được nghe câu chuyện tình nàng Công và chàng Cốc nơi vùng sơn cước. Chú cam đoan, rằng chắc chắn tôi sẽ phải choáng ngợp, bất ngờ và bị mê hoặc bởi thắng cảnh “sơn thủy hữu tình”.
Chú hứa sẽ dẫn tôi đến thác Mưa Rơi. Và khi đó, tôi sẽ như bị thôi miên, bị hút hồn khi chiêm ngưỡng sự kỳ ảo của những dòng thác nhỏ, lớn đan xen vào nhau liên tục.
Vợ chú "chiêm" vào, sẽ dẫn tôi đến cả đồi chè Tân Cương để lưu lại những khoảnh khắc bình yên trên những đồi chè xanh mướt...
Tôi cảm nhận rõ trong từng câu từng chữ mà vợ chồng chú nhắn, dấy lên sự tự hào và tình yêu vô bờ về quê hương thân thương. Qua những lời kể, tôi mường tượng ra Thái Nguyên đẹp và mộng mơ như bức tranh mặc thuỷ với cảnh sắc, với mây trời lững lờ hòa quyện cùng nhau...
Tôi cười và hứa, rồi một ngày không lâu nữa đâu, tôi sẽ tìm về Thái Nguyên. Không phải bởi vì tim tôi loạn nhịp khi nghe vợ chồng chú tả về những cảnh đẹp quyến rũ. Càng không phải để thêm một lần được thưởng thức những: Tôm cuốn Thùa Lâm, Chè Tân Cương, Đậu phụ Bình Long, Bánh Coóc Mò, Nem chua Đại Từ... Mà là vì, tim tôi xuyến xao bởi cái tình của người Thái Nguyên, tim tôi xốn xang bởi cái nếp chu đáo, dễ thương, mến khách, thương người trong tâm tính của người dân nơi miền trung du vùng Đông Bắc Bộ ấy.
Nên chắc chắn, tôi sẽ lại về thăm!
Nguyễn Thanh Nam (Thành phố Hồ Chí Minh)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...