Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
03:54 (GMT +7)

Nữ trang

Truyện ngắn. Guy de Maupassant (Pháp)

Dịch giả: Trần Ngọc Hồ Trường

Có những phụ nữ đẹp, quyến rũ nhưng do sự nhầm lẫn của số phận, bị sinh ra trong các gia đình viên chức. Nàng không có của hồi môn, không có hy vọng, không được biết đến hay được yêu, được kết hôn với một người đàn ông giàu có, nổi tiếng. Nàng đành làm vợ một viên chức quèn ở Bộ Giáo dục.

Nàng phải chịu giản đơn vì không có khả năng để được phục sức. Nhưng thật bất hạnh, nàng xem mình như một kẻ bị đánh tụt hạng. Phụ nữ không chỉ quan tâm đến đẳng cấp, loại hạng, nhan sắc, sự thanh nhã, quyến rũ và dòng dõi. Nàng thanh tao, dịu dàng, mềm mại một cách bản năng, thấy mình ngang hàng với các quí bà, quí cô.

Nàng không thôi đau khổ vì nghĩ mình sinh ra là để được sống sang trọng, thanh nhàn. Nàng đau vì sự nghèo nàn của mái nhà nàng đang ở, vì sự dơ bẩn của các bức tường, vì các chiếc ghế cũ mòn, vì quần áo thô lậu. Phụ nữ thuộc đẳng cấp nàng không thấy đau đớn, giận hờn như nàng. Nhìn cô hầu nhỏ người vùng Bretagne khiêm tốn làm công việc nội trợ, nàng mơ ước không nguôi. Nàng nghĩ về căn phòng tiền sảnh lặng câm, có treo màn phương Đông, có ánh nến vàng rực sáng, có những người hầu mặc quần ngắn nằm mơ màng trên ghế bành rộng trong hơi ấm của máy sưởi. Nàng mơ về những phòng tiền sảnh rộng, có trải thảm cổ, có bàn ghế thanh nhã, bên trên đặt các món lặt vặt vô giá và về những phòng khách nhỏ xinh xắn, thơm tho để vào 5 giờ chiều đón các bạn thân là những người nổi tiếng đến chơi. Các căn phòng này sẽ làm cho các bà vợ của khách phải ganh tỵ, thèm muốn.

Khi nàng ngồi ăn tối bên chiếc bàn tròn được trải bằng khăn cũ mèm, đối diện với người chồng đang mở nắp liễn đựng súp và vui tươi nói vang: “A, món súp rau hầm thịt bò tuyệt quá! Anh chưa bao giờ được ăn ngon như thế này!”, nàng mơ tới những bữa tối cực ngon, với chén bát được dát bạc, trên các bức tường phòng ăn có các bức thảm thêu các nhân vật cổ đại, có chim lạ bay giữa rừng cổ tích. Cũng khi đó, nàng mơ tới những món ăn thượng hạng, ăn bằng những thứ bát đĩa sáng hơn, có những lời thì thầm tình tứ còn nàng thì lắng nghe một cách ý nhị khi đang ăn các món cá hồi đỏ và cánh gà rừng.

Nàng không có trang phục đẹp, không có nữ trang. Nàng mong muốn có chúng để thể hiện các giá trị của mình. Nàng khát khao được ganh tỵ, được quyến rũ, được yêu chuộng, được theo đuổi.

Nàng có một cô bạn giàu có, là bạn từ khi còn học ở tu viện, đã lâu nàng chưa gặp. Nàng ao ước được gặp lại cô ấy. Nàng khóc trong những ngày dài, thấy buồn bã, nuối tiếc, thất vọng và đau khổ.

***

Minh họa: Đào Tuấn

Một tối nọ, chồng nàng trở về nhà, vẻ hớn hở, tay cầm một phong bì.

“Em lại đây! Anh có cái này cho em!”

Nàng xé ngay phong bì và rút ra một tấm thiệp có ghi: “Ngài Bộ trưởng Bộ Giáo dục hân hạnh mời ông bà Loisel đến dự buổi dạ hội tại tòa nhà của Bộ trưởng vào tối thứ Hai, 18 tháng Giêng”.

Thay vì phấn chấn như chồng trông đợi, nàng vứt tấm thiệp mời xuống bàn, miệng lầm bầm:

“Anh muốn em làm gì đây?”

“Em yêu, anh nghĩ em hài lòng. Em ít đi ra ngoài, đây là một dịp tốt. Anh vất vả lắm mới có thiệp. Ai cũng muốn đi. Người ta mời có chọn lựa và không mời nhiều viên chức. Em sẽ thấy ở đó đều là các viên chức quan trọng”.

Nàng nhìn anh ta bằng một con mắt và nói toạc ra:

“Anh muốn em che thân bằng gì khi đi đến đó?”

Anh ta không biết làm gì, đành ấp úng:

“Em có thể mặc quần áo em thường mặc khi đi xem hát. Chúng rất đẹp...”

Anh ta luống cuống, thẫn thờ khi thấy vợ khóc. Những giọt nước mắt chầm chậm lăn dài xuống hai khóe miệng nàng. Anh ta lắp bắp:

“Em sao thế? Em sao thế?”

Nhưng nàng mạnh mẽ kiềm chế nỗi đau và nói bằng giọng trầm tĩnh pha chút mỉa mai: “Không sao cả. Em không có trang phục, do đó, em không đến đó. Đưa thiệp mời cho đồng nghiệp anh, là người mà vợ anh ta có trang phục đẹp đẽ hơn em”.

Anh ta mệt mỏi nói:

“Này Mathilde. Một bộ trang phục phù hợp, dùng được cho các dịp khác nữa, loại rẻ nhất trị giá bao nhiêu tiền?”

Nàng suy tư trong chốc lát, nhẩm tính và nghĩ tới thứ trang phục nếu mua thì sẽ không bị từ chối và hợp túi tiền của một viên chức keo kiệt.

Cuối cùng, nàng ấp úng nói:

“Em không biết chính xác nhưng nó có giá khoảng 400 franc”.

Anh ta thoáng tái mặt đi vì anh ta để dành số tiền này để mua một khẩu súng săn và sẽ đi săn vào mùa hè năm sau ở thảo nguyên Nanterre với vài người bạn. Họ sẽ săn bắn chim sơn ca ở đó vào các ngày Chủ nhật.

Thế nhưng anh ta nói:

“Được em. Anh sẽ cho em 400 franc. Nhưng nhớ mua đồ đẹp đó”.

***

Ngày dạ hội đã đến, nàng Loisel có vẻ buồn bã và bồn chồn. Trang phục của nàng đã được mua. Một buổi chiều, chồng nàng nói:

“Em sao vậy? Em có vẻ lóng ngóng mấy ngày nay”.

Nàng đáp: “Em không có đồ trang sức để đeo. Em đau khổ là vì vậy. Tốt hơn là em không nên đến buổi dạ hội đó”.

Anh chồng nói: “Em nên mang theo hoa tự nhiên. Mùa này hoa rất đẹp. Chỉ cần bỏ ra 10 franc, em đã có 2, 3 đóa hồng rực rỡ”.

Nàng nói dứt khoát: “Không... Không có gì bẽ mặt hơn nếu phải chịu nghèo khổ ở nơi mà các quí bà đều giàu có!”.

Chồng nàng nói to: “Em ngốc quá! Sao không đến bạn Forestier và hỏi mượn nữ trang. Em thân với bà ấy nên sẽ mượn được thôi”.

Nàng vui sướng thở phào.

“Đúng đó anh! Em quên bẵng đi!”

Ngày hôm sau, nàng đi đến chỗ cô bạn và kể cho cô ấy nghe nỗi khổ tâm của mình.

Bà Forestier đến tủ kính, lấy một cái rương lớn, mở nắp ra và nói với bạn mình.

“Bạn yêu! Cứ chọn đi nhé!”.

Nàng sờ nắn vòng đeo tay, sau đó là dây chuyền bằng ngọc, dây chuyền có tượng chữ thập và các món châu ngọc được chế tác rất công phu. Nàng thử đeo các món nữ trang trước gương, lưỡng lự không biết nên mượn món nào. Nàng luôn miệng nói:

“Bạn còn món gì khác không?”

“Có chứ. Cứ chọn đi. Mình không biết bạn thích món nào”.

Bỗng nàng mở một cái hộp nhỏ làm bằng vải satanh đen và thấy trong đó có một chuỗi hạt kim cương. Tim nàng đập thình thịch, tay run run khi cầm nó lên. Nàng ướm nó vào cổ, thấy thích thú vô cùng.

Sau đó, nàng hồi hộp và ngập ngừng nói:

“Bạn cho mình mượn món này được không?”

“Chắc chắn là được chứ!”

Cô bạn đeo tràng hạt vào cổ nàng, nàng đưa hai bàn tay áp vào nó, thấy sung sướng vô cùng.

***

Buổi dạ hội đã đến. Nàng Loisel thấy mỹ mãn. Nàng vui tươi hơn hết và thanh nhã, cười luôn miệng. Tất cả các quí ông đều nhìn ngắm nàng, hỏi tên, muốn được tự giới thiệu. Tất cả các tùy viên của nội các đều muốn được nhảy điệu valse với nàng. Ngài Bộ trưởng cũng vậy.

Nàng say sưa, ngất ngây nhảy, không còn nghĩ gì khác. Nàng nhảy trong sự đắc thắng vì nhan sắc, trong khúc khải hoàn vì mãn nguyện, trong mây hạnh phúc vì được ngưỡng mộ, được tôn vinh, trong sự trỗi dậy của các khao khát và trong vinh quang hoàn hảo và ngọt ngào.

Nàng bước ra khỏi đại sảnh vào khoảng 4 giờ sáng. Chồng nàng đợi nàng từ lúc nửa đêm trong một căn phòng nhỏ vắng vẻ cùng với ba quí ông khác cũng đang chờ vợ.

Anh ta khoác nhanh lên vai nàng chiếc áo của ngày thường mà anh ta mang theo để nàng mặc khi kết thúc dạ hội. Nó trông nghèo khổ so với trang phục dạ hội. Nàng biết điều này và muốn trốn tránh để không bị các quí bà có trang phục đắt tiền đàm tiếu.

Ông Loisel níu nàng lại:

“Em cẩn thận kẻo bị lạnh. Anh sẽ gọi xe ngựa”.

Nhưng nàng không muốn nghe và bước nhanh xuống cầu thang. Khi ra ngoài đường, họ không thấy có chiếc xe ngựa nào. Họ lóng ngóng tìm, gọi xà ích khi thấy họ ở phía xa.

Họ đi về hướng sông Seine, thất vọng và run cầm cập. Cuối cùng, họ thấy trên bến cảng có 1 chiếc xe ngựa 2 chỗ ngồi cũ kỹ, chuyên chạy đêm, chỉ thấy ở Paris vào buổi tối, vì người ta xấu hổ bởi bộ dạng của xe, nếu chạy ban ngày.

Xe ngựa đưa họ đến đường Martyrs và họ buồn bã đi ngược lại để trở về nhà. Với nàng, thế là hết. Anh chồng cũng vậy, cần phải đến sở vào lúc 10 giờ sáng.

Nàng cởi áo khoác, đến đứng trước gương để nhìn vẻ rực rỡ của mình lần cuối. Bỗng nàng la lên. Tràng hạt kim cương đã không còn ở cổ!

Chồng nàng hỏi khi đang cởi quần áo:

“Có chuyện gì vậy hả em?”

Nàng quay về phía anh ta, hoảng hốt nói:

“Tràng hạt của bà Forestier đã... đã mất rồi!”

Anh chồng đứng phắt dậy, luống cuống nói:

“Sao? Em nói sao? Không thể như vậy được!”

Họ tìm kiếm trong các nếp gấp của áo váy, của áo khoác, tìm trong túi, tìm khắp nơi nhưng không thấy.

Người chồng hỏi:

“Em có chắc là nó vẫn còn khi em rời dạ hội?”

“Có. Em sờ vào nó ở hành lang nhà ngài Bộ trưởng”.

“Nhưng nếu em đánh mất nó trên đường, chúng ta đã nghe được tiếng nó rơi. Có thể em đã làm rớt trên xe ngựa”.

“Vâng. Có thể vậy. Anh nhớ số xe không?”

“Không. Em nhớ không?”

“Không”.

Họ bàng hoàng. Cuối cùng, ông Loisel mặc lại quần áo. “Anh sẽ đi tìm khắp các ngã mà chúng ta đã đi bộ để xem thử nó có rớt ở đó không”.

Anh ta đi. Nàng thẫn thờ trong bộ trang phục dạ hội, không muốn đi ngủ, sau đó đờ đẫn ngồi phịch xuống ghế.

Chồng nàng trở về lúc 7 giờ. Anh ta không tìm thấy gì.

Họ báo cho cảnh sát tỉnh, đăng thông tin trên các báo, hứa hậu tạ và báo cho các công ty xe dịch vụ, cho khắp các nơi họ hy vọng có thể tìm được.

Nàng đợi tin cả ngày, trong tâm trạng hoảng loạn do tai họa khủng khiếp này gây ra.

Loisel trở về nhà vào buổi tối, khuôn mặt tái nhợt và nhàu nhĩ. Anh ta không tìm ra được tràng hạt. Anh ta nói:

“Cần phải nói với bạn em là em đã làm gẫy móc khóa của tràng hạt và đang cho sửa lại. Nói vậy để chúng ta có thời gian hoàn trả”.

Anh ta đọc cho vợ viết thư cho bạn nàng.

***

Sau một tuần, họ mất hết hy vọng.

Loisel già đi 5 tuổi. Anh ta tuyên bố: “Cần phải nghĩ đến việc thay thế món nữ trang này”.

Hôm sau, họ lấy cái hộp đựng tràng hạt ra và thấy có tên thợ kim hoàn trong đó. Họ đến tiệm của ông này để được tư vấn nhưng ông này nói: “Tôi không bán tràng hạt này. Tôi chỉ cung cấp hộp đựng thôi”.

Vậy là họ đi hết thợ kim hoàn này đến thợ kim hoàn khác để tìm một tràng hạt giống như cái đã mất, cố nhớ lại hình dáng của nó, phát bệnh vì lo âu, buồn bã.

Họ tìm thấy trong một tiệm ở Palais - Royal một tràng hạt giống y như cái đã mất. Nó trị giá 40 ngàn franc. Người ta giảm cho còn 36 ngàn. Họ xin người thợ kim hoàn đừng bán nó trong 3 ngày. Họ ra điều kiện là ông thợ kim hoàn sẽ mua lại nó với giá 34 ngàn franc, nếu họ tìm được tràng hạt đã mất vào cuối tháng Hai.

Loisel có 18 ngàn franc là tiền bố anh ta để lại cho anh ta. Anh ta vay mượn số còn lại.

Anh ta mượn chỗ này 5 ngàn franc, chỗ kia 5 trăm, chỗ nọ 5 louis. Anh ta ký ngân phiếu, cầm cố đồ đạc với lãi cao, đi vay nặng lãi ở tất cả những ai cho vay. Anh ta không sợ mang tai mang tiếng, liều ký giấy mượn mà không nghĩ đến danh dự. Trong sự hãi hùng trước một tương lai nhiều âu lo khắc khoải, trước sự khốn cùng sẽ tấn công anh ta và trước viễn cảnh sẽ bị tước đoạt, đau đớn về tinh thần và thể xác, anh ta đi mua tràng hạt mới, đặt 36 ngàn franc lên quầy hàng của ông thợ kim hoàn.

Khi bà Loisel đến trả lại tràng hạt cho bà Forestier, bà này bất bình nói: “Bạn nên trả tôi sớm hơn vì tôi cần nó”.

Nàng không mở hộp ra vì sợ bạn. Bà ấy sẽ nói gì nếu biết tràng hạt đã bị thay thế? Bà ấy có xem nàng là kẻ cắp hay không?

***

Bà Loisel đã biết cuộc sống nghèo khổ là như thế nào. Tuy nhiên, nàng chấp nhận nó một cách can đảm. Nàng phải trả các món nợ khủng khiếp này. Nàng sẽ trả. Nàng sa thải người giúp việc, thay đổi chỗ ở, thuê gác xếp sát mái.

Nàng phải làm công việc nội trợ và bếp núc cực nhọc. Nàng rửa chén bát. Lấy các ngón tay hồng chà xát đồ sứ và đáy của xoong nồi. Nàng giặt quần áo bẩn, áo sơmi, giẻ lau bằng xà bông, phơi chúng trên dây. Nàng ra đường đổ rác vào mỗi buổi sáng, xách nước lên gác xép, đứng lại ở đầu cầu thang để thở. Ăn vận như một phụ nữ nghèo, nàng đến quầy bán trái cây, đến quầy thực phẩm khô, đến hàng thịt, giỏ xách trong tay. Nàng mặc cả để bị chửi và dè xẻn từng xu một vì đồng tiền là khó lắm mới kiếm được.

Ông chồng mỗi tháng phải trả cho ngân phiếu, ký lại hợp đồng vay mượn, luôn phải chạy đua với thời gian. Anh ta mỗi đêm ngồi viết lại cho sạch sổ sách của một nhà buôn, mỗi trang có giá 5 xu.

Cuộc sống như thế diễn ra trong 10 năm.

Vào cuối năm thứ 10, họ trả được hết nợ, kể cả lãi suất cao chồng chất.

Bà Loisel giờ có vẻ già hơn. Nàng trở thành một bà nội trợ nghèo thô kệch, rắn chắc, đỏ kè. Đầu tóc nàng rối bời, váy xác xơ, hai tay sần sùi. Nàng ăn to nói lớn, ào ào lau rửa sàn căn phòng. Nhưng thi thoảng, khi chồng đi làm, nàng đến đứng bên cửa sổ, mơ màng về buổi dạ hội năm xưa, nơi nàng thật xinh đẹp, thật quyến rũ.

***

Một ngày Chủ nhật nọ, khi đang đi quanh khu vực Champs - Elysée để thư giãn cuối tuần, nàng bỗng nhận ra một phụ nữ quen quen đang đi dạo với một đứa bé. Đó là bà Forestier. Bà vẫn trẻ đẹp, quyến rũ. Bà Loisel thấy mặc cảm. Có nên nói chuyện với bà ấy không? - Có, nên nói. Giờ đã trả hết các thứ nợ, kể cả tràng hạt, thì tại sao không được nói? Nàng dừng lại.

“Chào Jeane!”

Người được chào ngạc nhiên vì không biết người phụ nữ nghèo chào mình là ai. Bà lúng túng nói:

“Nhưng, bà là... Tôi không biết... Bà chắc nhầm rồi đó”.

“Không nhầm đâu. Mình là Mathilde Loisel”.

Bạn nàng ngạc nhiên thốt lên:

“Ô, Mathilde tội nghiệp! Bạn thay đổi nhiều quá!”

“Vâng, từ ngày gặp bạn lần cuối, cuộc đời mình gian nan, khổ cực. Bạn là lý do để...!”

“Mình à? Sao vậy?”

“Bạn có nhớ tràng hạt kim cương bạn cho mình mượn để đi dự dạ hội tại tòa nhà ông Bộ trưởng không?”

“Nhớ chứ! Mà sao?”

“Mình đã... đánh mất nó”.

“Thật sao? Nhưng bạn đã trả cho mình rồi mà?”

“Mình trả bạn một chiếc tương tự. Và thế là mình mất 10 năm để trả nợ.

Bạn biết đó, mọi chuyện không dễ cho bọn mình khi bọn mình không có gì...

Nhưng cuối cùng, mọi việc đều kết thúc và mình rất an lòng”.

Bà Forestier chưng hửng.

“Bạn nói bạn mua một tràng hạt tương tự để trả lại cho mình à?”

“Đúng vậy. Bạn không nhận ra ư? Chúng giống nhau quá”.

Nàng cười kiêu hãnh và vô tư.

Bà Forestier giật bắn người, nắm lấy hai tay bạn mình.

“Ô, Mathilde khốn khổ ơi! Tràng hạt của mình là hàng dởm. Nó có giá chỉ hơn 5 trăm franc thôi!”.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 21 giờ trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước