Nơi chắp cánh “Dự hội bản em”
Kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên (1987 - 2017)
VNTN - Hơn ba tháng trước, chúng tôi lên Nhà tưởng niệm Bác Hồ đón đoàn bạn hữu Lai Châu - Điện Biên tốt nghiệp cấp III thị xã (1976 - 1977). Khi đến nơi, tôi được giới thiệu với đoàn của Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Lai Châu. Cảm giác như gặp người nhà, tôi khoe luôn: năm 1993 tôi có chụp ảnh cô Tẩn La Mỹ, người Dao, huyện Sìn Hồ tại Ngày hội các trường dân tộc nội trú toàn quốc và bức ảnh “Dự hội bản em” của tôi được giải Ảnh xuất sắc quốc gia năm 1994. Có ai biết Tẩn La Mỹ không?
Mọi người ồ lên mừng rỡ chỉ vào cô gái nom rất quen: Tẩn La Mỹ đây! Tôi ngỡ ngàng, không thể ngờ mình và nhân vật lại có duyên với nhau đến thế. Và, một cái duyên nữa chính là giữa tôi và Hội Văn nghệ - nơi chắp cánh cho tác phẩm “Dự hội bản em”.
NSNA Đồng Khắc Thọ, hiện là Trưởng Ban quản lý Khu di tích Lịch sử - sinh thái ATK
Định Hóa và nhân vật trong bức ảnh.
Sau khi rời quân ngũ về Đại học văn hóa Hà Nội theo giấy gọi cũ, tôi được anh Phùng Toàn Thắng, bộ đội phục viên học lớp Văn hóa quần chúng 5 dạy chụp ảnh, sau đó nghệ sĩ nhiếp ảnh Khắc Hường, Báo Nhân Dân lại giới thiệu học lớp Nhiếp ảnh khoá I của Hội Văn nghệ Hà Nội ở 19 Hàng Buồm. Đầu năm 1987, về Sở Văn hoá Thông tin Bắc Thái, tôi đã nỗ lực vừa làm việc vừa làm ảnh kiếm sống. Tôi thường “tót” qua rào, sang căn nhà cấp 4 văn phòng Hội Văn nghệ Bắc Thái phía sau nhà 2 tầng của Sở, gặp anh Hồ Thủy Giang, anh Hoàng Thể, anh Nông Phúc Tước, anh Hoàng Sinh họa sỹ trò chuyện về văn nghệ, nhiếp ảnh. Lúc đó, ông Hà Đức Toàn, Phó Chủ tịch huyện Đại Từ được điều về làm Chủ tịch Hội. Chi hội Nhiếp ảnh có bác Chu Thi, Trần Thông (đã mất), bác An Sơn và tôi, các bác đã trên dưới 60 tuổi nên thỉnh thoảng mới đến Hội gặp gỡ, hầu như không có hoạt động gì, chưa tổ chức đi thực tế sáng tác, chưa có Câu lạc bộ Nhiếp ảnh, chưa có một triển lãm ảnh nghệ thuật nào...
Được Chủ tịch Hà Đức Toàn, anh Hồ Thuỷ Giang động viên giúp đỡ, cả nhà văn Ma Trường Nguyên và anh Nguyễn Thành Luận, Phó Giám đố Sở Văn hóa ủng hộ, tôi đi “con” xe đạp Liên Xô xuống khung tìm gặp Kim Khoa, làm ở Nhà máy Luyện cán thép 650, vận động anh chụp ảnh thời sự - nghệ thuật, gửi cho tôi trước là sử dụng cho báo chí và sau là chuẩn bị triển lãm. Sau này, gặp và rủ thêm anh Đỗ Anh Tuấn ở Liên đoàn Lao động tỉnh, anh Phan Bảo chủ cửa hiệu chụp ảnh ở Phổ Yên, anh Hoàng Đức Hoan, Trưởng phòng Giáo dục huyện Na Rì (sau là Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bắc Kạn) cùng chơi ảnh…
Khi đã được một số anh em nhiếp ảnh ủng hộ, với tư cách là Giám đốc Bảo tàng tỉnh, tôi đề nghị UBND tỉnh cho Sở Văn hoá Thông tin và Thể thao phối hợp Hội Văn nghệ Bắc Thái mở triển lãm ảnh “Bắc Thái trên đường đổi mới”, khai mạc vào dịp 19/5/1992, tại Bảo tàng tỉnh, với trên 120 bức ảnh đen trắng và ảnh màu do Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam bảo trợ. Nghệ sĩ Văn Bảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và Nhà lý luận phê bình ảnh Nguyễn Long lên chấm. Thông cảm với Hội địa phương lúc đó còn khó khăn, tôi nhường phòng Giám đốc cho các nghệ sĩ Trung ương nghỉ. Hội cử anh Khút lái chiếc com măng ca đít tròn sang phục vụ các giám khảo. Hôm khai mạc, rất đông khách, đây là triển lãm ảnh đầu tiên do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam bảo trợ, xóa được vùng trắng ở 6 tỉnh Việt Bắc, vì vậy nên nghệ sĩ Hoàng Tư Trai, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã lên dự. Thế là sau có 5 năm thành lập, Hội Văn nghệ tỉnh Bắc Thái đã tạo dấu ấn mở màn để kích hoạt phong trào hoạt động của nhiếp ảnh sau này. Năm 1993, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt được Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hóa Thông tin cho mở Liên hoan ảnh các tỉnh Việt Bắc lần thứ Nhất tại thành phố Thái Nguyên, nay trở thành cuộc thi ảnh nghệ thuật Việt Bắc và Tây Bắc với sự tham gia của hàng chục Hội Văn nghệ các tỉnh, thành.
Chi hội Nhiếp ảnh nay đã có 40 mười, ngoài Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Gang Thép Thái Nguyên, có Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Phổ Yên, Câu lạc bộ Nhiếp ảnh ATK... Tôi trở thành Hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh đầu tiên của tỉnh Bắc Thái (1994), và được tín nhiệm bầu Phó Chủ tịch (kiêm nhiệm) Hội Văn nghệ Bắc Thái khóa II, cùng với nhà văn Hồ Thuỷ Giang (1992 -1998).
Trở lại câu chuyện đoạt giải năm 1994 của tôi Giải Ảnh xuất sắc quốc gia, được Thứ trưởng Bộ Tài chính Tào Hữu Phùng trao 15 triệu đồng tiền thưởng, UBND tỉnh tặng Bằng khen với phần thưởng vượt khung 1 triệu đồng. Bức ảnh “Dự hội bản em” được in trên nhiều báo chí, Bộ Văn hóa Thông tin đưa đi triển lãm ở Đức, Hungari, Trung Quốc, liên hoan ảnh Asian... và in trang bìa tập ảnh du lịch Việt Nam...Tôi vẫn nghĩ rằng, là do Hội chắp cánh mà nên. Nếu như tôi không tham gia Hội, không được các anh, chị động viên, thì chắc chắn không có thành công ấy.
Nhớ về mái nhà xưa, cơ sở vật chất của Hội rất tuềnh toàng với bộ bàn ghế cũ trong dãy nhà cấp bốn. Được cái nhà văn Hà Đức Toàn tốt tính, xởi lởi, vừa say mê sáng tác vừa hết lòng vì Hội nên quy tụ được anh em.
Những buổi họp Ban Chấp hành từ Nhạc sĩ Đỗ Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, biên đạo múa Vương Thào - Trưởng Đoàn Ca múa dân gian Việt Bắc, nhà văn Nông Viết Toại, nhà thơ Triệu Kim Văn, nhạc sĩ Nông Văn Nhủng... từ thị xã Bắc Kạn về đầy đủ. Họp xong, tôi lại dùng xe máy chở các anh lên trạm công an ở Dốc Võng, nhờ anh em công an bắt xe khách về quê. Từ nhà thơ Trần Thị Vân Trung, nhà thơ Khánh Kiểm, nhà giáo nhân dân Trịnh Trúc Lâm thường qua lại đàm đạo văn chương, thời sự cả chuyện miếng cơm manh áo và nghiệp viết.... Nhà thơ Đặng Vương Hưng khi dời Cục Chính trị Quân khu I về Hà Nội, gặp tôi liền gửi gắm động viên giúp đỡ chú em Đặng Vương Hạnh mới ra quân về Báo Văn nghệ Bắc Thái. Còn binh nhì Nguyễn Bình Phương người dong dỏng, gương mặt rám nắng (nay là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội) đôi ba lần đến văn phòng Hội chốc lát rồi đi. Tôi nhớ có lần, trong cuộc họp Ban chấp hành, nhà thơ Hà Đức Toàn cho biết, Hội phải “cầu cứu” đồng chí Nông Đức Mạnh, lúc đó là ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, có ý kiến với Cục Chính trị Quân khu I, Phương mới được đi học theo giấy gọi của trường Đại học Viết văn Nguyễn Du… Và nhiều, nhiều lắm những kỉ niệm với những người bạn văn…
Ở tuổi 30 đầy phong độ, mong rằng Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên sẽ phát huy truyền thống, phát triển hơn nữa, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp văn học, nghệ thuật nước nhà.
Đồng Khắc Thọ
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...