Nơi cảm xúc được dung dưỡng
KỶ NIỆM 30 NĂM VĂN NGHỆ THÁI NGUYÊN XUẤT BẢN SỐ ĐẦU TIÊN (6/1991 - 6/2021)
VNTN - Mỗi lần nghe hay nhắc chuyện về cơ quan cũ, nơi từng công tác hơn 8 năm, biết bao dấu ấn và kỷ niệm vui buồn của tuổi trẻ lại “ồn ào” trong trí nhớ. Lẽ thường, cái gì thuộc về lần đầu tiên cũng dễ dàng gây ấn tượng. Bởi thế mà sau gần 10 năm, trí não tôi dường như được mặc định ghi nhớ sâu sắc “lần đầu tiên” chạm ngõ với Văn nghệ Thái Nguyên (VNTN), về những tác phẩm đầu tay được đăng tải. Làm việc ở VNTN, nhiều khi tôi bất ngờ - về - chính - mình.
Bất ngờ vì tôi chưa từng nghĩ mình có thể làm/viết báo mà được trải lòng, được nuông theo dòng ý thức về những điều mình nhìn thấy và cảm nhận được. Dĩ nhiên VNTN không phải là nơi dễ dãi để có thể phô bày những suy nghĩ cá nhân, nhưng công tâm mà nói, thì đó là nơi cho người viết, bằng cách này hay cách khác, được dung dưỡng những xúc cảm. Cái cách mà VNTN tiếp nhận, chở che và nuôi dưỡng ấy, đã cho tôi một “mảnh đất” để gieo đậu và nương náu tâm tư, được sống thật là mình nhất.
Tôi còn nhớ, tác phẩm đầu tay gửi Văn nghệ Thái Nguyên và được sử dụng là một truyện ngắn. Tiếp đó là bài ký viết về một xóm người Dao nghèo và xa xôi nhất nhì huyện Võ Nhai. Vốn dĩ được đào tạo chuyên sâu về báo chí, tôi học tập, tiếp cận với môi trường làm báo khá năng động và có phần khô cứng. Nhưng tôi thích đi và viết như một cuộc trải nghiệm và khám phá, hơn là áp đặt nhiệm vụ tuyên truyền. Khi đến với VNTN, tôi được làm báo với tâm thế rất khác biệt như thế. Khi viết bài cho VNTN, tôi luôn tin rằng, khi ta viết bằng sự thành thật từ trái tim, thì sẽ dễ dàng chạm đến trái tim - người - đọc. Nói không phải để “ve vuốt” gì đâu, nhưng quả thật làm văn nghệ, tôi thực sự khám phá và phát tiết sự lãng mạn, lòng trắc ẩn và nhạy cảm của mình. Điều đó giúp ích cho công việc, để biết khai thác và thể hiện bài viết, từ cách tiếp cận vấn đề, giải quyết và kết luận sao cho đủ mềm mỏng, đủ chặt chẽ, đủ chân thật,… đủ chất văn nghệ nhất.
Kể ra thì có vẻ hơi… lười biếng và không chuyên nghiệp, nhưng tôi thích cách được nhẩn nha viết. Thật may là ở VNTN, ít nhiều tôi được thỏa nguyện làm điều đó. Thực ra thì làm Văn nghệ mà có 40% là báo chí, nhân lực ít, cũng chạy bài vở quắn quýt chứ không phải lúc nào cũng có thể nhẩn nha đâu. Nhưng nhìn chung vẫn sướng vì được thoải mái đi cơ sở, thu nhận vào mình thật đầy chặt thông tin, ý tứ của bài viết, và có cả thời gian để dưỡng nuôi cảm xúc nữa. Nói điều này chắc có người sẽ ngạc nhiên, là tôi từng có rất nhiều chuyến đi về cơ sở - những nơi xa xôi, khó khăn mà chẳng có “đề cương” sẽ viết gì ngay từ ban đầu cả. Nhưng đến đó, trò chuyện với cán bộ xóm xã, đi tới với người dân, bất ngờ thu về nhiều điều thú vị. Hẳn sẽ có ý kiến cho rằng, làm báo mà như thế là không chuyên nghiệp. Nhưng kỳ thực tôi chẳng nghĩ ngợi hay lo lắng gì về điều đó. Tôi nhìn nhận sự chuyên nghiệp bằng kết quả có được, thế là đủ.
Tôi từng nghe nhiều đồng nghiệp, các cộng tác viên nhận xét, rằng viết cho VNTN khó. Nhưng cũng có nhiều người sau khi viết “quen tay” thì lại khá thích thú bởi cách viết có phần “tung tẩy”, không bị bó buộc theo quy chuẩn báo chí thông tấn. Khó là vì đặc thù văn nghệ mà “cái tôi” dễ dàng được thổ lộ, nhưng cũng phải biết tiết chế để không làm người đọc mệt, không làm mình dễ dãi với câu từ và tư duy. Yêu cầu đó đã tạo thói quen cho tôi nói riêng, các đồng nghiệp trong tòa soạn nói chung sự tỉ mỉ, thấu hiểu khi nhìn nhận sự việc, con người ở các góc độ khác nhau. Hơn nữa, yêu cầu về cách diễn đạt, văn phong của VNTN cũng khác, cùng số liệu, thông tin ấy, nhưng thể hiện trên VNTN phải làm sao cho mềm mại, phát hiện ra cái riêng, cái đặc biệt của vấn đề, sự kiện… Chúng tôi thường nói vui với nhau, rằng đi vùng sâu vùng xa, nội việc diễn tả cái khó cái khổ trên đường cũng được… 500 chữ rồi. Vừa vui vừa thật, nói 500 chữ là “vống” thôi, song văn nghệ đáng yêu ở chỗ có thể cho người đọc cùng trải nghiệm và cảm nhận như vậy.
Kể chuyện làm VNTN, tôi nhớ chuyến công tác biển, đảo Tây Nam năm 2018. Tôi dường như là phóng viên duy nhất trong đoàn báo chí không bị áp lực chạy đua tin bài. Vì thế mà, thường sau khi hoàn thành phần việc thu thập thông tin ở điểm chính giống mọi người, tôi thoải mái đi khám phá thiên nhiên hoang sơ, kỳ thú quanh đảo; gặp gỡ, trò chuyện với người dân và nghe được nhiều chuyện đời sống khác. Tôi thấy mình may mắn vì được thảnh thơi trải nghiệm mọi thứ một cách trọn vẹn nhất. Những bài viết ra đời sau đó, tôi viết bằng sự thăng hoa của cảm xúc được dưỡng nuôi đầy đặn nhất, viết bằng sự tập trung cao độ nhất. Thành thật mà nói thì cho đến bây giờ, khi đọc lại những gì đã viết, tôi vẫn kiên định nghĩ rằng nếu được cho viết lại, tôi cũng không chắc mình có thể viết tốt hơn.
Quả thật có những “cú chạm” đầu tiên nhen cho người ta dấu ấn, mà có thể rất nhiều năm sau vẫn muốn nhắc. VNTN đã cho tôi cơ hội được làm báo theo một phong cách rất đặc biệt và riêng biệt. Với tôi, văn chương là một cuộc “du ngoạn” của cảm xúc, và cũng may mắn khi những cuộc du ngoạn ấy có chỗ để neo đậu. Tuy rằng công cuộc sáng tác không có gì nổi trội, nhưng mỗi lần được in truyện, tản văn, niềm vui vẫn luôn ngập tràn, lấp lánh.
VNTN đã trải qua 30 năm trưởng thành và phát triển, tôi vui mừng và tự hào vì mình đã góp sức đồng hành cùng sự lớn mạnh ấy một quãng thời gian, ngắn ngủi thôi, nhưng cũng đầy dư vị. Trước đây, bây giờ và sau này, VNTN vẫn sẽ là nơi tôi chọn làm chỗ nương náu cho những cảm xúc của mình. Chúc cho Tạp chí đã, đang và sẽ luôn tươi trẻ, đáng yêu trong lòng đồng nghiệp, hội viên và độc giả gần xa!
Lê Đình (Nguyên BTV Báo Văn nghệ Thái Nguyên)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...