Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:17 (GMT +7)

Niềm vui trong gói tro

Outhine Bounyavong (1942 - 2000) là nhà văn Lào nổi tiếng với các tác phẩm hiện đại. Ông sinh ra tại tỉnh Sayabouri ở vùng Tây Bắc nước Lào, trưởng thành và sống ở Thủ đô Vientiane. Một trong những thầy dạy của ông là nhà văn Somchine Nginn - tác giả tiểu thuyết đầu tiên của Lào.

 

 

 

Khi Nang Piew giặt đồ xong, mặt trời còn chưa lặn sau dãy núi. Những tia nắng vàng chiếu trên rừng cây bên dòng sông, lấp lánh trên dòng nước êm đềm chảy bên dưới. Nàng vắt quần áo đã vắt kỹ lên vai, sắp bước lên bờ. Chợt nàng thấy một vật lấp lánh trên đất. Nàng nhặt nó lên và nhìn kỹ hơn. Nó nặng… có giá trị… đó là một chiếc thắt lưng bằng bạc. Nàng nhìn quanh. Cách chỗ nàng vài bước chân, phía dưới sông, có hai ba người đang tắm. Họ không chú ý đến nàng. Nàng giấu vật nhặt được phía dưới quần áo ướt rồi tiếp tục bước lên con đường dốc để về nhà, tim nàng đập nhanh. Nàng vẫn chưa quyết định là nên đi tìm người chủ chiếc thắt lưng bạc để trả nó lại hay giữ cho riêng nàng. Tuy nhiên, phản ứng đầu tiên của nàng là tránh xa khu vực bờ sông càng nhanh càng tốt trước khi có người thấy nàng ở đó.

Ngay khi vừa rời khỏi bờ sông, nàng gặp Nang Oie tất tả đi tới với vẻ lo lắng.

Nang Oie hỏi, “Chị thấy chiếc thắt lưng bạc của em đâu không?”.

“Ô không!”, Nang Piew trả lời ngay, cố giữ cho giọng nói bình tĩnh.

Nang Oie tiếp tục đi về phía sông mà không hỏi thêm nữa, vì cô vội tìm lại món đồ đã mất.

Khi về đến nhà, Nang Piew ve vuốt sợi thắt lưng bạc, tay nàng run run. Nàng không quen lấy trộm hay cất giữ những món đồ giá trị bị thất lạc. Sau khi thắt dây lưng quanh eo, nàng quay phải quay trái để ngắm mình trước tấm gương. Nàng nhìn mình trong gương và thấy khuôn mặt đầy vẻ ưu tư…

 

Thoạt tiên nàng nghĩ, “Có thể người ta sẽ biết mình nhặt nó”.

“Họ không thể biết được, vì nhiều người đến chỗ đó để tắm. Đúng là mọi người trong làng đều đến tắm chỗ đó”, nàng tự tranh biện.

“Mình có nên nói cho ba mẹ biết không?” nàng tự hỏi.

“Nếu mình nói, có thể họ bắt mình trả lại. Nhưng mình đã nói với Nang Oie là không thấy nó. Bây giờ nói lại thì không ổn”.

Nang Piew nghĩ ngợi đến nhức đầu nhưng không tìm được câu trả lời thích hợp. Một mặt, nàng muốn trả lại sợi thắt lưng bạc, nhưng mặt khác, nàng rất muốn giữ nó cho mình. Nàng là con nhà nông cả đời chẳng hề ăn sung mặc sướng. Nếu nàng giữ sợi thắt lưng, nàng sẽ phải chờ khá lâu rồi mới có thể đeo nó, vì nàng sống trong một làng quê nơi mọi người đều biết nhau. Khi một người dùng đồ mượn của một người khác, mọi người trong làng biết ngay. Phải đợi một thời gian để mọi người quên đi vật đã mất. Và khi đeo sợi thắt lưng bạc, nàng sẽ giải thích với ba mẹ thế nào? “Con lấy đâu ra sợi thắt lưng vậy?”, họ sẽ hỏi thế. Vấn đề dường như càng lúc càng rắc rối. Nàng phải nói dối thế nào để thuyết phục được ba mẹ?

Nàng nghĩ về Nang Oie. Nang Oie sống ở phía đầu kia của làng. Oie vừa mới lớn và chỉ mới mang sợi thắt lưng bạc hơn một năm. Trước đó, Oie mang một sợi thắt lưng cũ bình thường. Nó không được phép đeo thắt lưng bạc vì sợ làm mất. Mẹ của Nang Oie chết khi nó mới mười tuổi. Bốn năm sau, ba nó tái hôn. Người vợ sau của ba nó về ở chung được hai năm rồi. Nang Piew nhớ rõ mẹ ruột của Nang Oie, bà Pa Soi. Bà chết vì xuất huyết trong khi sinh, để lại sáu đứa con nhỏ mồ côi mẹ. Hồi ấy cả làng đều buồn.

Khi nhớ lại khoảng thời gian buồn bã này, Nang Piew muốn trả lại sợi thắt lưng. Nhưng ý nghĩ không ai biết nàng nhặt nó đã ngăn nàng lại. Không ai thấy nàng có sợi thắt lưng, nên sẽ chẳng có chuyện gì nếu nàng giữ nó. Nếu sau này có chuyện gì, lúc nào nàng cũng có thể bán nó cho tiệm kim hoàn dưới phố. Tuy nhiên, lương tâm nàng tiếp tục nhắc nhở nàng không trả lại món đồ cho chủ của nó là không đúng. Đó là tội lỗi. Nàng giấu sợi thắt lưng vào một chỗ kín đáo rồi ra khỏi phòng. Nàng nhìn trái nhìn phải lo lắng nghĩ rằng Nang Oie có thể theo nàng về nhà.

Vào tối hôm ấy, ông kuan bahn (trưởng làng) mở một cuộc họp tại nhà ông. Những ai đi tắm sông trước khi mặt trời lặn ở khu vực đó được mời dự. Gia đình của Loong Pong, có nhà ở bên dòng sông, đã thấy một số người tắm vào thời gian đó. Trong số đó có Nang Piew và bốn, năm người già trong làng. Ông kuan bahn và thuộc cấp giải thích lý do triệu tập cuộc họp, rồi động viên ai nhặt được sợi thắt lưng bạc thì trả lại cho chủ của nó. Một cuộc bàn luận sôi nổi diễn ra. Khi cuộc họp kết thúc, không ai nhận mình nhặt sợi thắt lưng bạc.

Ông kuan bahn buộc phải tìm cách khác. Ông bảo mọi người có mặt hãy gói tro trong lá chuối. Mọi người sẽ đem gói tro đó đến nhà ông vào tối hôm sau. Việc này sẽ giúp cho người nào đã nhặt sợi thắt lưng bạc có thời gian suy nghĩ sửa lại sai lầm của mình.

Trên đường về nhà, Nang Piew cố giữ cho cử chỉ của mình bình thường như mọi người, nhưng nàng càng cố gắng thì càng khác thường. Đối với nàng dường như có nhiều cặp mắt theo dõi nàng bất kỳ chỗ nào nàng đi. Nếu nàng ho, tiếng ho nghe khác lạ. Khi nàng cười, cái cười có vẻ khô khan, lãng xẹt. Khi nàng nói, câu nói của nàng có vẻ thiếu chân thành. Tim nàng nặng nề. Nàng rất không vui. Nàng sợ người ta sẽ đến lục soát nhà nàng để tìm sợi thắt lưng. Ngày hôm sau, trong khi nàng ở nhà ngẫm ngợi về sợi thắt lưng bạc và tự hỏi cần phải làm gì với nó, nàng nghe tiếng của Nang Oie ngoài cổng.

“Xin chào! Có ai ở nhà không?” Nang Oie nói to.

Nang Piew giật mình. Nàng đến sát bên vách và nhìn qua khe hở, thấy Nang Oie đang vào sân nhà. Bỗng mẹ của Nang Piew đang nhuộm vải ở sân sau lên tiếng gọi Nang Oie, “Tôi ở đây này!”.

“Ô, cháu nghĩ không có ai ở nhà vì nhà vắng quá. Dì cháu bảo cháu đến mượn dì cái thang để hái lá trầu. Dì cháu định đi thăm bà con và đem trầu đi làm quà”.

“Cứ lấy đi. Cái thang để bên hông nhà kho. Nè Oie, cái thắt lưng của cháu đã tìm thấy chưa?”.

“Chưa, dì à. Cháu sợ là mất luôn rồi. Dì cháu la cháu quá. Bà cho là cháu vô tích sự”.

Ở nhà trên, Nang Piew im lặng lắng nghe. Khi nàng chắc chắn là Nang Oie không phải đến nói chuyện sợi thắt lưng bạc, nàng cảm thấy nhẹ nhõm và đi ra sân gặp Nang Oie.

“Dì em đi đâu, hả Oie?”, Nang Piew hỏi và cố giữ cho giọng nói thản nhiên và thân thiện hết mức.

“Bà nói bà sẽ đi Bahn Lak Sao để nhờ bà con tìm giúp cho một thầy bói có thể chỉ ra sợi thắt lưng bạc của em ở đâu. Ngày mai hay ngày kia thì bà đi”.

Nghe nói vậy, Nang Piew cảm thấy lo lắng hơn và vội vã đưa Nang Oie lại nhà kho. Nàng giúp Nang Oie khiêng một đầu thang và đi phía sau Nang Oie.

“Vậy là em chưa tìm ra cái thắt lưng hả?” Nang Piew hỏi.

“Chưa, Piew à. Em tìm khắp nơi. Ôi em nhớ nó quá”.

“Có thể là nó rơi xuống sông”. Nang Piew cố làm cho Nang Oie không nghĩ đến chuyện có người lấy sợi thắt lưng.

“Em không nghĩ vậy đâu. Em lặn tìm khắp cả chỗ sông đó mà không thấy nó”.

Cả hai về đến cổng nhà Oie. Nang Piew thả đầu thang của nàng xuống và để một mình Nang Oie mang thang vào nhà vì thang cũng không nặng lắm.

Sau bữa cơm chiều, lại có một cuộc họp khác ở nhà ông kuan bahn. Đám người dự họp lần này đông khác thường. Người ta đến xem, đến chứng kiến vụ việc. Số người mang gói tro được bảo đem gói tro của họ để trong một cái rổ được đậy lại đưa vào một gian phòng trống. Như vậy, không ai biết gói tro nào là của người nào. Từng người để gói tro của họ trong phòng, rồi ra ngoài ngồi chờ những người còn lại. Nang Piew để gói tro của nàng lẫn trong các gói của những người khác. Mỗi gói tro đều được gói trong lá chuối, bên trong có tro và ớt, là vật tượng trưng cho sự đau đớn khốc liệt của kẻ trộm. Sau khi gói tro cuối cùng đã được đem vào trong phòng, ông kuan bahn lấy chúng ra ngoài bày trước mặt đám đông. Đây là lúc mọi người chờ đợi: mở các gói tro. Một người già được mời mở những gói tro. Ông cẩn thận và thản nhiên mở từng gói một. Trước tiên ông rút cái chốt gài bọc lá, rồi mở gói lá chuối, và chầm chậm đảo tro trong lá bằng một cái que. Đám đông nín thở lo lắng và chờ đợi.

Gói đầu tiên chỉ có tro và ớt, gói thứ hai cũng vậy. Từ gói thứ ba trở đi, ông già khuấy trộn tro chỉ hai, ba lần. Ông không cần chọc que vào tro nhiều vì sợi thắt lưng bạc là một vật lớn. Ngay khi gói tro được mở ra, người ta dễ dàng thấy có sợi thắt lưng trong đó hay không, vì nó lớn chứ không giống như một chiếc bông tai hay một chiếc nhẫn mà cần phải tìm nhiều. Việc mở các gói tro làm đám đông chăm chú theo dõi. Mọi người chăm chú nhìn. Không ai nói, thậm chí không nháy mắt nữa. Sự việc giống như đang mở một cái nồi đựng vàng vừa được đào lên từ dưới đất. Ông già cứ đều đều mở đến gói tro thứ mười lăm, nhưng vật cần tìm vẫn không xuất hiện. Nhiều người nghĩ tất cả những việc này chỉ làm mất thời gian. Gói thứ mười sáu, mười bảy và mười tám vẫn như trước. Ông già cảm thấy hơi chán, những vẫn ráng tiếp tục công việc. Khi ông rút cái chốt của gói thứ mười chín và mở lá chuối ra, một mớ tro tuột khỏi một vật lấp lánh. Mọi người reo mừng. Có những tiếng la vì sung sướng từ những người đến xem sự kiện này cũng như từ những người đã mang gói tro đến, trong số đó có cả người đã trả lại sợi thắt lưng bạc, mà không ai biết là ai. Tiếng reo to sung sướng hơn tất cả là từ Nang Oie, chủ của sợi thắt lưng bạc. Đó là sự ồn ào biểu tượng cho tình thương yêu, sự đoàn kết, tính trung hậu, và tình cảm anh chị em đã được chia sẻ trong ngôi làng này qua nhiều thế hệ.

Việc mở những gói tro kết thúc với gói thứ mười chín. Mặc dù còn lại năm gói tro nữa, nhưng không ai nghĩ cần phải tiếp tục.

Võ Hoàng Minh (dịch)

Truyện ngắn. Outhine Bounyavong

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xổ số

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm truyện cực ngắn Murakami Haruki

Văn học nước ngoài 4 tuần trước

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ngày mà Alfred tự tìm kiếm mình trên Google

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Ông bà nội tôi

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Bertha

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Truyện kể trong ngày của mẹ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước