Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
04:40 (GMT +7)

Niềm vui ta ngỏ cùng nhau

VNTN - Ba mươi năm, thời gian đủ để bớt xén, khoả lấp mơ ước của con người. Nhưng ngần đó cũng đủ thời gian để bươn trải, để kê chỉnh, để khẳng định sự thành công. Với Văn nghệ Thái Nguyên, tôi khẳng định các đồng nghiệp đã thành công.

Tôi được Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh và Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên (VNTN) nhà báo Trần Văn Thép mời về dự kỷ niệm 30 năm phát hành tờ báo của giới văn nghệ tỉnh nhà. Thật vinh hạnh. Có lẽ vì tôi luôn là độc giả gần gũi và thuỷ chung của tờ báo này. Lại nữa, anh chị em làm việc tại Toà soạn hầu hết là Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Vinh hạnh hơn khi được biết các đồng chí thực hiện cuộc gặp mặt trong tình hình thực hiện phòng chống dịch, với số lượng chỉ khoảng 20 người…

 

Nhà báo Phan Hữu Minh (thứ 2 bên phải), Ủy viên BTV Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam và nhà báo Nguyễn Bảo Lâm (ngoài cùng bên phải) tặng hoa chúc mừng 30 năm Văn nghệ Thái Nguyên ra số báo đầu tiên (6/1991 – 6/2021).

 

Ba mươi năm, thời gian đủ để bớt xén, khoả lấp mơ ước của con người. Nhưng ngần đó cũng đủ thời gian để bươn trải, để kê chỉnh, để khẳng định sự thành công. Với VNTN, tôi khẳng định các đồng nghiệp đã thành công.

Đi dự nhiều kỷ niệm, nhiều cuộc gặp mặt, họp hành, chứng kiến những chao chát, đong đanh cùng những áp lực của nghề nghiệp, về đây gặp gỡ những con người làm báo hình dong nhân hậu, cư xử chân thành và tình cảm, tôi như thấy còn phải làm tiếp nhưng ở mức độ cao hơn trách nhiệm bạn đọc của mình…

 

Giao lưu với các thế hệ làm báo của VNTN tại buổi gặp mặt.

 

Ba mươi năm ấy, không chỉ đơn thuần là việc ra đời một tờ báo văn nghệ địa phương mà hơn thế, tờ báo gánh trên vai cả sự kế thừa di sản diễn đàn văn nghệ của một trung tâm vùng Việt Bắc, rất đa dạng về bản sắc, thậm chí có tầm vóc của quốc gia. Những tên tuổi: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Xuân Cang, Vi Hồng, Hứa Tử Hoài, Ma Trường Nguyên… Tờ Văn nghệ Bắc Thái, sau là Thái Nguyên đã làm được cái việc cần thiết là tôn vinh tiền nhân, khơi nguồn cảm hứng cho những cây viết sau này. Tự nguyện coi tờ báo là một “Xưởng thực hành”, ba mươi năm ấy không ít văn nghệ sĩ ít nhiều được rèn nghề từ đó. Nhà văn Hà Đức Toàn, Hồ Thuỷ Giang, Nhà thơ Thuý Quỳnh, các cây bút đáng nể trọng Lê Thế Thành, Đàm Thế Du… Rồi nhà văn Trần Thị Vân Trung, Nguyễn Đức Hạnh, Bạch Liễu… các cây viết đầy vốn sống Phan Thái, Phạm Đức, Nguyễn Đình Tân… Mới đây, một tờ báo có phỏng vấn tôi về chuyển đổi số với báo chí. Tôi trả lời rằng thực tế báo chí đã chuyển đổi số nhiều năm qua. Đó là khi báo in đã ra thêm trang Thông tin điện tử, truyền hình truyền dẫn phát sóng bằng vệ tinh… Là lúc cụm từ “Tỉnh ta” không còn xuất hiện trên báo điện tử, trên sóng phát thanh, truyền hình vì báo chí không còn biên giới. Thế hệ lãnh đạo tờ báo ở thế kỷ mới đã làm được việc tăng cường các nội dung trong và ngoài nước cũng như mời được những nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa, văn học lớn của đất nước tham gia, làm cho chất lượng và đẳng cấp tờ tạp chí ngaỳ càng được nâng cao. Các thế hệ lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm giúp đỡ để tờ VNTN có mặt ngày càng nhiều ở cơ sở, nhiều người được đọc, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Văn hoá đọc, thời nào cũng được trân quý.

Cổ nhân có câu: “Khởi nghiệp dị, thụ nghiệp nan”. Thưa đúng thế. Lập nghiệp thật khó, giữ nghiệp còn khó hơn. Báo chí sau quy hoạch đang phát triển, cạnh tranh thông tin trên nền tảng intenet ngày càng khốc liệt. Với loại hình văn học nghệ thuật, tạp chí VNTN, tờ in thuộc loại hình “văn bia” chắc chắn vẫn được tỉnh ưu tiên in ấn và phát hành. Tạp chí Văn nghệ điện tử tiếp tục làm cho VNTN vươn xa, quảng bá về quê hương Thái Nguyên đậm đà hơn nữa.

Nhân 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin chúc đồng nghiệp -những hội viên, cộng tác viên thành công!

Hữu Minh

(Hội Nhà báo Việt Nam)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy