Chủ nhật, ngày 10 tháng 11 năm 2024
14:23 (GMT +7)

Những tin yêu, mong mỏi và kỳ vọng

Kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên (1987 - 2017)

VNTN - Những kỷ niệm, niềm tự hào, nỗi trăn trở, sự mong mỏi... của các hội viên từ các Chi hội là những tiếng lòng gửi gắm sự tin yêu, kì vọng về Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên 30 năm ngày càng phát triển, mạnh bước trên chặng đường dài phía trước.


Những kỷ niệm đẹp, trong sáng, không thể nào quên!

Nguyễn Hữu Bài (Chi hội Thơ)

Năm 1987 tôi được kết nạp vào Hội VHNT Bắc Thái (nay là Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên), sinh hoạt trong Phân hội (nay là Chi hội) Âm nhạc. Cuối năm 1987, được sự hướng dẫn của anh Hà Đức Toàn, anh Hoàng Thể, những hạt nhân văn nghệ Định Hóa như các anh Ma Đình Thu, Hoàng Luận… chúng tôi đã thành lập Chi hội VHNT Định Hóa do tôi lúc đó là Phó chủ tịch UBND huyện làm Chi hội trưởng, tổ chức tiền thân của Hội VHNT Định Hóa ngày nay. Năm 1992 chuyển công tác về tỉnh tôi sang sinh hoạt ở Phân hội Thơ. Hơn 10 năm làm Phân hội trưởng, tham gia một khóa chấp hành, say sưa với sáng tác, với nhiệm vụ, công việc của Hội đã giúp tôi gắn bó với Hội, với các bạn viết bằng một tình cảm sâu nặng...

Với tôi, đó là những dấu ấn đẹp đẽ, trong sáng và không thể quên của cuộc đời.

Trẻ hóa và đổi mới trong hoạt động văn nghệ

PGS, TS. Nguyễn Huy Quát (Chi hội Nghiên cứu, lý luận -  phê bình)

Là hội viên cao tuổi, tôi vui mừng nhận thấy: trong 30 năm qua Hội ta đã xây dựng được một đội ngũ “lớp cha trước, lớp con sau” kế tiếp, không chỉ ở hội tỉnh mà còn lan tỏa đến các hội huyện-thị, tạo nên lực lượng đông đảo cho văn nghệ tỉnh ta hôm nay.

Chi hội Nghiên cứu, lý luận - phê bình khi mới hình thành đã là Chi hội “già”, tuổi bình quân lên tới 55 - 60. Mấy năm gần đây, hội viên trẻ sung sức, có trình độ chuyên môn sâu được bổ sung nên Chi hội đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ. Tôi mong có thêm hội viên trẻ tự nguyện vào Chi hội để hoạt động NC-LL-PB văn học, nghệ thuật được đẩy mạnh hơn.

Từ góc độ NC-LL-PB văn nghệ, tôi cho rằng, các nhà sáng tác ở thời hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay nếu thường xuyên và cần mẫn đi sâu vào thực tế đời sống để thu thập tư liệu, học hỏi lý luận tiên tiến thì sẽ sáng tạo được những tác phẩm tốt, có tính truyền thống và tính hiện đại, được cách tân ở cả nội dung và phương pháp sáng tác. Đổi mới là quy luật của cuộc sống. Tự đổi mới mình, vượt lên chính mình là nhu cầu và cũng là giá trị của mỗi cá nhân văn nghệ sĩ. Đương nhiên, công tác quản lý văn nghệ cũng không thể như cũ. Câu tục ngữ Ấn Độ gợi cho chúng ta một triết lý rất hay về sự sáng tạo: “Giá trị của một con người không phải ở chỗ mình hơn người khác, mà là ngày hôm nay mình hơn ngày hôm qua”.

Nơi cho tôi được sống với tình yêu nhiếp ảnh

Nguyễn An Sơn (Chi hội Nhiếp ảnh)

Tôi năm nay đã 82 tuổi, là một trong những hội viên cao tuổi nhất của Chi hội Nhiếp ảnh. Giờ mắt mờ, chân đau,… nói chung là bệnh tuổi già, chẳng còn như thủa nào “tay xách máy ảnh, chân bước lên đường” rong ruổi với niềm đam mê chụp ảnh. Thế nhưng tình cảm và sự gắn bó với Hội, đặc biệt là Chi hội Nhiếp ảnh trong tôi vẫn còn nhiều lắm. Không còn đủ sức “bấm máy”, chẳng còn làm nên được một tác phẩm nào nữa, nhưng tôi vẫn cố gắng tới dự những buổi sinh hoạt của Chi hội. Vì ở đây tôi được gặp gỡ những người anh em có cùng chung niềm đam mê, lắng nghe họ kể về những chuyến thực tế tác nghiệp mà giờ tuổi cao tôi chẳng còn đi được nữa. Truyện trò với họ, tôi như được nhìn thấy mình của những năm tháng xưa khi dẫu vất vả, “đói cũng phải đi, rét cũng phải bò” để ghi lại những khoảnh khắc cuộc đời, mà đến tận giờ tôi vẫn còn lưu giữ - chúng như những kỉ niệm đẹp, một thứ tài sản quý giá của tôi.

Mong mỹ thuật đến gần hơn với công chúng

Nguyễn Lộc (Chi hội Mỹ thuật)

Chi hội Mỹ thuật thuộc Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên từ lâu được biết đến như là đại diện cho ngành mỹ thuật tỉnh nhà. Trong quá trình hoạt động, Chi hội đã ít nhiều tạo được những thành tựu, có tác động định hướng tích cực cho giới mỹ thuật tỉnh, nhưng  tầm ảnh hưởng với đời sống mỹ thuật công chúng còn khiêm tốn, chưa thực sự phục vụ và nâng cao thị hiếu nhân dân.

Có thể thấy Thái Nguyên chưa có một không gian triển lãm mỹ thuật để các họa sỹ công bố tác phẩm, người dân không có điều kiện tiếp xúc với mỹ thuật đích thực để nâng cao nhu cầu thưởng thức, sự đồng cảm, đồng sáng tạo của công chúng để từ đó nâng cao nhu cầu và định hướng thẩm mỹ.

Là một hội viên Chi hội Mỹ thuật, tôi mong mỏi và hy vọng Hội quan tâm và tạo điều kiện để Chi hội mỹ thuật có nhiều hoạt động đến gần với công chúng, để mảnh đất Thái nguyên giàu truyền thống có được một đời sống mỹ thuật cao, sôi nổi và có bản sắc.

Hội là mái ấm thân yêu

Bùi Quang Vĩnh (Chi hội Âm nhạc)

Thấm thoắt thế mà đã 30 năm, từ những ngày sơ khai Hội chỉ có vài chục người mà nay đã lên tới vài trăm hội viên với hàng chục chi hội và hội địa phương. Thời gian qua nhiều hội viên cũng đã có những tác phẩm, công trình VHNT được giải thưởng trong nước và quốc tế. Là hội viên của Hội thì mới thấy được cái chất riêng của nghệ sĩ. Mỗi người một vẻ mơ mộng, tính khí khác nhau, chuyên môn riêng biệt mà gặp nhau sao thân thiết, đầm ấm như trong một nhà. Tôi yêu quý họ, đó là những con người rút ruột cống hiến hết mình cùng chung mục đích là sáng tạo những tác phẩm có giá trị về tư tưởng, giàu tính nhân văn, chứa đựng tinh hoa nghệ thuật trong nước và thế giới nhằm góp phần xây dựng quê hương Thái Nguyên. Đó cũng là niềm tự hào về Hội của mỗi hội viên.

Mong thu hút thêm số lượng hội viên Chi hội Múa

NSƯT. Nguyễn Thị Đông (Chi hội trưởng Chi hội Múa)

Chi hội Múa ra đời ngay sau khi Hội VHNT tỉnh thành lập. Những năm qua, nhiều hội viên của Chi hội là những nghệ sĩ thành danh, có tên tuổi, đóng góp không nhỏ trong các lĩnh vực biên đạo, biểu diễn, đào tạo của khu vực Việt Bắc cũng như nền nghệ thuật múa nước nhà, như NSND Lê Khình, Cố NSƯT Vương Thào, NSƯT Ngô Đình Thành, NSƯT Nguyễn Thúy Hồng…

Tuy nhiên, Chi hội Múa hiện nay số lượng hội viên rất khiêm tốn, phần lớn đã nhiều tuổi. Là Chi hội trưởng, tôi rất mong Hội quan tâm hơn nữa tới Chi hội, tạo những điều kiện thuận lợi để thu hút các nghệ sĩ múa Việt Nam tham gia sinh hoạt ở Chi hội, cống hiến công sức, tài năng, trí tuệ xây dựng Chi hội Múa nói riêng và Hội VHNT tỉnh ta nói chung ngày càng lớn mạnh.

Hội tụ và lan tỏa văn hóa văn nghệ các dân tộc

Lương Bèn (Chi hội Văn nghệ dân gian)

 

Hội đã là nơi hội tụ những thành tựu, những nét độc đáo của văn nghệ các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Nhờ sự giúp đỡ của Hội, nhiều tác phẩm văn học cổ truyền của dân tộc thiểu số lần đầu tiên được giới thiệu rộng rãi với độc giả cả nước.

Tuy nhiên, việc sưu tầm, giới thiệu tác phẩm văn học dân gian các dân tộc ở tỉnh ta vẫn còn hạn chế. Tuy Hội có giúp đỡ, hỗ trợ các hội viên sưu tầm, xuất bản tác phẩm, nhưng việc nghiên cứu, sưu tầm văn học dân gian các dân tộc còn mang tính tự phát. Nên chăng, Hội cần có chủ trương, đề án tập hợp các hội viên cùng nghiên cứu, sưu tầm, dịch… một mảng văn học dân gian nào đó của các dân tộc trong tỉnh. Vì văn học dân gian các dân tộc rất phong phú, mà hiện nay chưa sưu tầm được hết. Sưu tầm, khai thác văn học dân gian các dân tộc chẳng những giúp giao lưu hòa nhập văn hóa cộng đồng mà còn cung cấp chất liệu nghệ thuật cho các cây bút sáng tạo tác phẩm. Văn học dân gian cần được hội tụ để lan tỏa.

Đôi điều trăn trở

Trần Yên Bình (Chi hội Sân khấu)

 

Trải qua 30 năm, Hội VHNT tỉnh vẫn là nơi hội tụ những tinh hoa nghề nghiệp của nhiều lĩnh vực, như:  văn thơ, nhiếp ảnh, mỹ thuật, kiến trúc, sân khấu...

Tuy nhiên, để Hội ta phát triển hơn nữa, tôi thiết nghĩ Ban Chấp hành Hội nên có một bộ phận đặc trách giúp việc cho lãnh đạo Hội, trực tiếp bám sát giúp đỡ, tư vấn, định hướng cho các Chi hội hoạt động và tạo điều kiện cho các Chi hội hàng năm được giao lưu học tập ở trong và ngoài tỉnh. Vì hiện tại như Chi hội Sân khấu mọi hoạt động từ định hướng cho đến phương thức tổ chức hoạt động đều chủ yếu do lãnh đạo Chi hội. Vì vậy chúng tôi rất cần sự chỉ đạo sát sao, giúp đỡ, tư vấn của lãnh đạo Hội cũng như Ban Chấp hành Hội, đồng hành cùng chúng tôi trong tất cả các hoạt động. Có như vậy kết quả hoạt động của Chi hội Sân khấu và các Chi hội khác sẽ đạt được nhiều thành tích hơn nữa góp phần vào những thành công của Hội trong những năm tiếp theo.

Cần gắn kết các hội viên và các Chi hội

Mã Kiều Trâm (Chi hội Kiến trúc)

Gắn bó với Hội từ nhiều năm, cá nhân tôi nhận thấy công tác Hội đã đạt được nhiều thành tích đáng kể. Tuy nhiên, trong các hoạt động chung, việc gắn kết các hội viên và các Chi hội chưa được quan tâm nhiều. Các sinh hoạt chuyên đề, các cuộc triển lãm… mới chỉ dừng lại ở từng bộ môn chuyên ngành theo từng Chi hội.

Những năm tới, hy vọng sẽ được thấy nhiều hơn nữa sự góp mặt của các bạn trẻ thuộc các Chi hội trên Văn nghệ Thái Nguyên - tờ báo chính thống của Hội cũng như đóng góp cho các chương trình hoạt động của Hội. Có thể đó là những đóng góp chéo lĩnh vực, với những tác phẩm mới, bước đầu chưa mang nhiều giá trị, nhưng đó là những đóng góp đáng trân trọng, vừa để nâng cao kiến thức mỗi cá nhân, vừa làm phong phú thêm cho nội dung hoạt động, nhưng quan trọng hơn là góp phần đẩy mạnh sự phát triển của mỗi Chi hội nói riêng và đối với Hội VHNT tỉnh nói chung.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy