Thứ hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024
11:53 (GMT +7)

Những ngọn đồi sau lưng chúng ta

Mya Guarnieri là một nhà văn và nhà báo thường trú ở Tel Aviv, người thường xuyên đóng góp cho ngành xuất bản ở Abu Dhabi, Bethlehem, Ấn Độ và công ty truyền thông Al Jazeera. Truyện ngắn “Những ngọn đồi sau lưng chúng ta” được gợi cảm hứng từ những cuộc phỏng vấn được chỉ đạo bởi các cựu thành viên của quân đội miền Nam Li-băng sống ở Israel. Guarnieri đã nhận được bằng thạc sĩ trong chương trình viết văn sáng tạo ở Đại học bang Floria.

Những ngọn đồi sau lưng chúng ta

Truyện ngắn. Mya Guarnieri

Yossi tới nhà để tỏ lòng biết ơn chồng tôi đã chiến đấu kề vai sát cánh với họ trong một thời gian dài đến vậy. Anh ta nói muốn chúng tôi có cơ hội sắp xếp mọi chuyện trước khi rút đi.

“Hai người có một tháng,” anh ta nói bằng tiếng Do Thái.

“Còn bố mẹ tôi thì sao? Các chị em gái và gia đình họ nữa?” tôi hỏi anh ta.

Yossi lắc đầu. “Tôi rất tiếc nhưng chúng ta không thể mang theo tất cả mọi người.”

Tôi nhìn anh ta ngồi đó trên đi-văng cứ như anh ta có được hàng trăm cơ hội vậy. Bộ đồng phục màu xanh ô-liu của anh ta, quần nhét vào trong đôi bốt đen bóng loáng. Tách cà phê tôi đang đưa - tôi muốn quẳng nó vào mặt anh ta. Anh không phải là một người lính, tôi nghĩ. Anh là một con chó bỏ chạy với cái đuôi cụp giữa hai chân.

Anh ta nhấp một ngụm cà phê và châm thuốc. “Hãy cẩn thận với cái cách hai người làm. Không được nói lời tạm biệt. Chúng tôi không muốn người ta nói ra nói vào.” Lúc nào Yossi cũng giỡn là ở Li-băng tiếng đồn đi còn nhanh hơn đạn. Lúc này anh ta nói vậy bằng thứ tiếng Ả-rập vụng về của mình và cười to. Thằng khốn.

Xe của chúng tôi sẽ phải ở lại, anh ta nói. Điều này có nghĩa là chúng tôi không thể mang nhiều đồ mà chỉ những gì có thể mang trong tay.

“Thế cho chúng tôi biết để làm gì chứ?” tôi hỏi Yossi. “Chúng tôi không thể đóng gói hành lí, không thể nói cho gia đình biết. Chúng tôi làm gì được đây?”

Tôi không đợi câu trả lời nào hết. Tôi đi vào phòng Maryam và để cửa mở. Tôi đứng một chút ở đó nhìn con bé ngủ, cái lưng nhỏ của nó nhấp nhô, một cánh tay phủ lên con mèo Mishmish. Tôi trèo lên giường nó rồi nằm đó bất động. Nếu tôi không di chuyển chắc đêm sẽ không bao giờ kết thúc. Tất cả chúng tôi đều có thể ở đây, trốn trong bóng tối.

Chúng tôi không nói lời nào về nó với Maryam. Nhưng chúng tôi nghĩ về việc nói cho Sabine biết. Nó đã 15 tuổi, đủ lớn để giữ được bí mật. George vuốt ria mép bằng ngón tay cái như anh vẫn luôn làm khi lo lắng cho các con. “Có phải tốt hơn nên chặt béng một cái cây bằng một nhát cắt không?” anh hỏi. “Hay khoét sâu vào nó ngay lập tức?”

Chúng tôi quyết định không gây gánh nặng cho con bé. Chúng tôi cố hết sức giả vờ như chẳng có gì đang xảy ra. Ngày ngày Goerge mặc đồng phục của mình vào dù điều đó là vô ích. 20 năm đã trôi qua, em trai tôi đã mất, chúng tôi sắp rời đi, và George vẫn cứ cài nút chiếc áo xanh đó. Vô ích thôi! Tôi không thể thay đồ vào buổi sáng nữa rồi. Tôi làm bữa sáng trong bộ đồ ngủ.

Mấy đứa trẻ đi học còn tôi dành cả ngày ở nhà một mình, đi từ phòng này sang phòng kia. Tôi nhìn những cái giường trống rỗng và tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với chúng khi chúng tôi đã đi rồi.

Chúng tôi mang được bao nhiêu? Tôi quyết định mỗi người xếp một va-li đồ, trừ Maryam ra. Nó còn quá nhỏ nên sẽ sợ hãi lắm. George và tôi sẽ cầm tay nó lúc băng qua biên giới.

Tôi tưởng tượng chúng tôi ở đó, hàng rào mở toang, những ngọn đồi của Li-băng đằng sau chúng tôi còn Israel đằng trước. Chúng tôi đang đi đâu đây? Chúng tôi sẽ phải đi bộ bao xa? Lúc đó sẽ là tháng năm, cái nóng với Maryam sẽ khó chịu lắm. Sẽ ra sao nếu George phải bế nó? Mỗi người sẽ phải mang một va-li và một bình nước.

Tôi xếp hành lí cho các con trước. Tôi bỏ áo len của Sabine vào, cái màu xanh lá gợi tôi nhớ đến cây tuyết tùng. Tôi gấp chiếc váy xanh nước biển món quà từ chị cả tôi, người dì yêu quý của nó. Họ có cùng sở thích. Tôi mong chị ấy sẽ không quên điều đó.

Tôi đi tới phòng Maryam và lấy bức tượng Đức Mẹ bằng sứ khỏi giá. Tôi lau bụi cho nó bằng áo của mình. Bố mẹ tôi cho nó hồi Maryam được rửa tội.

Tôi không bận tâm đến quần áo cho George hay cho tôi. Tôi xếp cuốn từ điển tiếng Pháp tôi từng dùng hồi đi học và một cuốn Kinh thánh bằng tiếng Ả-rập có từ ngày còn nhỏ. Tôi lấy ảnh lồng khung xuống khỏi tường và tủ quần áo. Tôi lau chúng bằng áo ngủ và chất chúng thành đống, một chồng những khuôn mặt nhìn tôi chằm chằm. Tôi đóng va-li lại và mang nó vào phòng mình đẩy xuống dưới giường. Tôi cảm thấy như người hộ tang bên quan tài.

“Có chuyện gì ở đây thế?” tối đó George hỏi tôi và chỉ vào vết bẩn trên áo ngủ tôi. Tôi thì thầm rằng mình đang xếp hành lí. Tôi cho anh biết mọi thứ tôi đã bỏ vào va-li.

George nói chúng tôi không thể mang nó. Chúng tôi cần rảnh tay để mang Mishmish. Nếu để nó lại thì ai sẽ chăm sóc nó đây? Tất cả hàng xóm đều cùng phe với người Israel. Cả nửa làng sẽ chạy nạn cùng mình.

“Mình không thể cứ để nó chết đói được,” George nói.

Tôi nhìn con mèo màu cam y hệt loại trái cây nó được đặt tên theo. Maryam tìm thấy nó trong nông trại khi đang chơi trong lùm cây với các anh chị em họ. Con bé chạy vào nhà, siết con mèo chặt tới nỗi chắc sẽ giết nó mất. “Cẩn thận đấy,” tôi nói. “Đưa nó cho mẹ.” Tôi chìa tay ra và con bé thả nó vào tay tôi rồi cười to, “Mishmish,” quả mơ.

Mishmish đang đi vào phòng Maryam. Nó đi chậm rãi trên ngón chân, lưng nó võng xuống, đuôi cong lại thành dấu hỏi. Nó dừng lại để đánh hơi quanh một cái chân bàn. Nó dừng lại bên một cái ghế. Cứ như nó đang bảo tôi rằng nó không muốn đi.

George nói chúng tôi không thể tới Beirut để mua một cái giỏ hàng được. Và sẽ ra sao nếu hàng xóm thấy? Họ sẽ hỏi thăm, sẽ bắt đầu bàn tán. Chúng tôi sẽ phải làm cái gì đó cho Mishmish, một thứ chắc chắn.

“Một cái sọt hoa quả,” tôi nói. Tôi kêu George lấy hai cái từ nông trại. Tôi sẽ đặt Mishmish vào trong một cái rồi phá cái kia ra lấy mấy mảnh đó làm nắp. Tôi sẽ lấy búa đóng nó lại thật chặt.

Sau khi lũ trẻ đã đi học, tôi kéo cái va-li ra. Tôi tưởng tượng cảnh nhà chúng tôi trống trải. Đám người cướp phá sẽ đến. Chúng sẽ nhìn thấy ảnh chúng tôi, những khuôn mặt chẳng có ý nghĩa gì với chúng hết. Chúng sẽ mang ảnh ra và thả xuống sàn, sẽ lấy đi khung ảnh, lột sạch giường và mang đệm giường ra, lấy đi bàn bếp, ghế, những cái đĩa. Mọi thứ.

Người phụ nữ nào đó sẽ đi loanh quanh trong áo len của Sabine không hề nhận ra rằng nó trùng màu với loài cây tuyết tùng. Một cô gái chưa từng gặp chị gái tôi sẽ mặc chiếc váy xanh da trời. Và còn bức tượng của Maryam thì sao? Đứa trẻ nào đó sẽ dùng nó làm đồ chơi. Nó sẽ bị vỡ.

Tôi mang cái va-li ra ngoài. Tôi chưa hề rời khỏi nhà từ lúc Yossi báo tin cách đây một tuần. Tôi cảm giác được ánh nắng trên tay mình ấm hơn lần cuối cùng tôi ở ngoài trời. Tháng Năm đang đến. Tôi ngước nhìn lên. Mây đang di chuyển nhanh quá. Tôi cầu cho chúng đứng yên.

Tôi để va-li xuống đất và nghĩ tới chuyện đốt nó, nhưng tôi không muốn hủy hoại mọi thứ.

Tôi sẽ chôn nó.

Tôi đi tới cái kho nhỏ dựa vào ngôi nhà. George không hề đụng vào nó kể từ hồi chiến tranh nổ ra. Anh ấy khăng khăng giữ lại mọi thứ, tất cả dụng cụ làm vườn. Hòa bình sẽ đến, anh ấy nói.

Hồi chúng tôi mới cưới, anh ấy muốn trồng mận trong sân bằng cây con lấy từ nông trại của bố mẹ anh ấy. “Dựng lên một cây cầu nối cuộc sống xưa kia của mình với cuộc sống mới của chúng ta,” anh ấy nói. Lúc cây mới bén rễ thì Haddad nói chúng ta cần phải đấu tranh để bảo vệ nhà cửa và đất đai của chúng ta.

Cánh cửa rung lắc lúc tôi kéo mở ra. Tôi cầm xẻng trong tay, nó nặng hơn tôi nghĩ.

Lúc làm xong tôi nhìn vào cái hố. Tôi nghĩ về em trai, về những cây mận. Tôi muốn nhảy vào trong cái hố đất đen dày, muốn mọc rễ vào lòng đất.

Cứ tối đến tôi lại nằm trên giường lắng nghe tiếng xe tăng chạy ầm ầm, tiếng người Israel rời đi. Khi giọt nắng đầu tiên tràn vào phòng, tôi dậy đi vào nhà bếp. Tôi châm một điếu thuốc và đứng bên cửa sổ tìm Yossi. Anh ta đâu rồi? Đã một tháng rồi. Có thể họ đã đổi ý - họ sẽ ở lại chiến đấu và George cũng vậy. George vào bếp, người mặc đồng phục. Anh nấu bữa sáng và chúng tôi ăn trong im lặng. Sabine chằm chằm nhìn đĩa thức ăn, Maryam giữ Mishmish trong lòng.

Bên ngoài có tiếng bước chân, rồi là tiếng gõ cửa. Mishmish nhảy xuống và lẩn xuống gầm bàn. Lúc tôi mở cửa, nó cố chạy ra nhưng có Yossi ở đó. Anh ta đứng chắn hết cả lối vào, cản hết ánh sáng.

Tôi đứng đó trong bộ đồ ngủ dính mấy vệt bụi đất. Yossi liếc nhìn tôi và quay mặt đi thật nhanh như tôi làm hại mắt anh ta vậy. Anh ta vào nhà và chào lũ trẻ bằng tiếng Ả-rập. Anh ta đi vào bếp. “Ngày mai,” anh ta vừa nói bằng tiếng Do Thái vừa bắt tay George.

Mishmish kêu meo meo và cào cửa. Yossi nhìn nó. “Con mèo tiếc thật,” anh ta nói.

“Anh đang nói gì thế?”

“Mọi người không mang nó theo được.”

Yossi nói có những quy định. Ngày mai chúng tôi có thể thử vận may ở biên giới nhưng nó sẽ tùy thuộc vào việc ai ở bên hàng rào khi chúng tôi đi qua. Một người lính nào đó có thể lờ đi, còn người khác có khi lại muốn làm theo luật.

Tôi không nói tiếng Do Thái được nhiều nhưng vẫn tìm ra từ ngữ. Chúng vang lên chậm chạp, giọng tôi run run. “Các người gây chiến tranh còn chồng tôi đã phục vụ các người 20 năm. Các người gây chiến tranh còn tôi chôn cất em trai mình. Giờ các người muốn rời đi mà còn nói chuyện về quy định. Các người muốn các con tôi bỏ con mèo của chúng lại sao? Để nó lại Li-băng này một mình cho đói tới chết hả?”

Lũ trẻ ngồi ở bàn nhìn chúng tôi chăm chú. Chúng không hiểu tiếng Do Thái nhưng chúng biết có gì đó không đúng. Maryam khóc. Sabine đứng dậy.

“Mẹ,” nó nói.

Nó đặt tay lên người tôi và George cũng vậy. Rồi tôi lại ở trên giường. Bức mành và cửa được đóng lại, căn phòng yên ắng.

Lúc tôi thức dậy thì trời đã tối. George đang nằm cạnh tôi. Anh ấy mặc đồng phục, vuốt ria mép bằng ngón trỏ.

“Mình làm gì với Mishmish đây?” anh hỏi. “Mình không để nó ở lại cho chết được.” Anh nói việc ra đi cũng làm Maryam đủ buồn rồi. Nó sẽ kinh hãi khi phải bỏ Mishmish lại.

“Có khi nào mình sẽ có thời gian đưa nó tới nông trại không?” tôi nói.

Không đâu. Cuộc rút đi vẫn còn ở đâu đâu và quân Hezbollah đang di chuyển rồi. Chúng sẽ chen nhau tiến về nam thật nhanh khi quân Israel tỉnh dậy. Chúng sẽ chiếm đường sá rồi chặn lại. Các ngôi làng sẽ bị siết chặt như thòng lọng vậy. “Mình phải đi với quân Israel,” anh nói. “Mình phải tới được cái hàng rào đó.”

Chúng tôi nằm đó trong yên lặng. Tôi để ý thấy George đã để một bộ đồ sạch lên ghế cho tôi. Nó làm tôi nhớ đến cái ngày tôi chôn cất em trai mình. Sáng hôm đó tôi thức dậy thì thấy bộ váy và đôi giày của mình đang đợi đó để đưa tôi đến đám tang rồi. “Cái thùng thưa,” tôi nói. “Em đã chôn nó rồi.” Tôi ngồi dậy và đặt chân xuống sàn nhà. Gạch nền mát lạnh. Tôi ngửi thấy mùi không khí buổi đêm, nồng nặc mùi hoa nhài và đất.

Tôi đứng lên nhưng không đi ngay. Tôi cứ nấn ná bên tủ quần áo, ngón tay lần theo những đường gờ, đợi George kêu mình ở lại. Chắc chắn anh biết tôi định làm gì và tôi muốn anh ngăn tôi lại. Nhưng anh không làm y như tôi bao năm qua vậy.

Tôi cảm thấy như một bóng ma lúc lướt xuống phòng khách trong bộ đồ ngủ. Tôi nín thở lúc vào phòng Maryam. Tôi nhìn nó ngủ trên giường lần cuối. Tôi đẩy cánh tay nó ra, cẩn thận không làm nó thức và bế Mishmish lên.

Tôi mang nó vào phòng khách, siết nó vào ngực chặt tới mức gần như Maryam làm khi con bé mới tìm thấy nó. Nó ấm nóng và bộ lông mềm mại như cánh hoa mận. Tôi dí sát mũi mình vào mặt nó. Tôi hôn đỉnh đầu nó giữa hai tai. Nó kêu rừ… ừ… ừ.

Tôi cảm thấy như có nước mắt trong lồng ngực. Bụng tôi nhộn nhạo lúc tôi bỏ Mishmish vào trong cái thùng thưa.

Tôi vừa đậy nắp lại vừa cầu nguyện. Tôi vừa thì thầm với Chúa vừa cầm cái nắp bỏ xuống bằng một tay còn tay kia luồn dưới cái thùng.

Lúc ra ngoài, tôi đặt cái thùng xuống. Tôi nghĩ mình không làm chuyện này được. Tôi mở nắp ra. “Đi đi Mishmish. Chạy đi. Ngày mai Maryam không thể nhìn thấy mày ở đây được. Mày phải đi thôi.”

Nó ngước lên nhìn tôi.

Tôi nhấc nó lên khỏi cái thùng và đặt xuống đất. “Đi đi. Tìm ai khác chăm sóc mày ấy.”

Không khí mát lạnh. Mishmish lẩn quẩn quanh mắt cá chân tôi thành một vòng quanh chân tôi. Tôi bước đi và rít lên với nó, “Đi đi, đi mau.” Tôi nhìn về phía ngôi nhà. Tôi đứng với Mishmish dưới chân đợi George đến. Nhưng anh ấy không đến. Chỗ tôi chôn cái va-li có một cái gò đất, cái xẻng vẫn ở đó. Tôi tiến về phía đó, Mishmish đi theo sau. Tôi nắm chặt cái xẻng và thọc lưỡi xẻng xuống đất. Tôi đào đất và tay tôi bỏng rát. Lúc làm xong, tôi xoa đầu ngón tay lên chỗ da lòng bàn tay bị rộp. Tôi đi lấy cái thùng. Tôi bắt Mishmish bỏ vào trong. Tôi hạ cái thùng vào hố.

Thế này sẽ tốt hơn. Nó sẽ không bị đói. Nó sẽ được ở với mấy cái cây. Nó sẽ chia sẻ mảnh đất với em trai tôi. Nó sẽ ở lại, khuất trong bóng tối. Nó sẽ không bao giờ phải rời đi.

Tôi quỳ xuống và dùng cả hai cánh tay đẩy đất lên Mishmish ngay lập tức. Nó kêu meo meo. Tôi lèn chặt đất xuống bằng nắm tay. Tôi có thể nghe tiếng nó rít lên bên dưới. Tay tôi run rẩy, ngực tôi run bần bật.

Tôi túm gấu váy lại và nhét vào miệng. Tôi sẽ không hét lên, tôi sẽ không khóc. Chiếc váy ngủ có vị đất Li-băng.

Dịch giả: Trương Thị Mai Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đêm Giao thừa

Văn học nước ngoài 3 ngày trước

Cuộc sống hào hoa

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Bánh quy gừng

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Một ngàn năm ở Tokyo

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Bí quyết mua xe cũ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Những vì sao

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Khi trúng số độc đắc

Xem tin nổi bật 3 tháng trước