Những ngôi sao sáng của văn học nghệ thuật Thái Nguyên
Kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên (1987 - 2017)
VNTN - Trên bầu trời văn học nghệ thuật Thái Nguyên họ là những ngôi sao sáng nhất. Suốt một đời hoạt động nghệ thuật không mệt mỏi, họ đã để lại cho đời nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, trong đó có những tác phẩm nằm lòng bao thế hệ người Việt Nam. Từ những đóng góp đó, họ đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng giải thưởng cao quý nhất - Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Người làm đẹp thêm những điệu múa dân tộc
Đã ngoài 80 tuổi, nhưng Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Lê Khình vẫn khỏe mạnh, vài năm gần đây ông có thêm thú vui câu cá để an hưởng tuổi già. Nhắc tới múa dân gian, ông lộ rõ nỗi buồn vì những năm gần đây múa dân gian thưa vắng người xem và khan hiếm những tác phẩm đỉnh cao.
NSND Lê Khình
Ông tâm sự: “Làm múa dân gian khó lắm, không hiểu sâu văn hóa, không quan sát kỹ thì không thể làm được. Khi dàn dựng một tác phẩm múa dân tộc, người biên đạo đầu tiên phải dựa vào luật động, động tác múa của dân tộc đó mà sáng tạo nhưng đừng để nó mất đi mà chỉ làm nó đẹp thêm”. NSND Lê Khình kể, hồi nhỏ chẳng bao giờ nghĩ lớn lên mình sẽ làm diễn viên hay biên đạo múa. Năm 1952 ông may mắn được ông Nông Viết Toại tuyển về đoàn Văn công Liên khu Việt Bắc (nay là Đoàn Ca múa dân gian Việt Bắc) để hát, múa. Thấy múa hợp với mình ông theo nghề múa. Năm 1961 ông được Bộ Văn hóa cho đi học lớp biên đạo múa do Tổng cục Chính trị mở. Sau 2 năm được đào tạo, ông thấy yêu nghề và muốn gắn bó mãi với nó. Những năm còn công tác, không giống như nhiều biên đạo khác, khi nhận dàn dựng một tác phẩm múa dân gian ít nhất Lê Khình cũng phải dàn dựng trong vòng một tuần thậm chí thời gian đó vẫn còn chưa đủ. Nhiều biên đạo, diễn viên trẻ chê ông làm chậm, ông chỉ cười im lặng. Là một NSND nhưng trong cuộc trò chuyện chưa bao giờ thấy Lê Khình nhận mình tài năng. Ông khẳng định, sở dĩ có được thành quả đó là vì thời ông sống mọi người đều làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và nghiêm túc. Nhiều tác phẩm ông phải về địa phương tìm hiểu đến lần thứ 3 mới làm được bởi có những dân tộc có thể động tác múa khá nghèo và đơn giản nhưng về sinh hoạt, đời sống, văn hóa lại phong phú, người biên đạo khi dàn dựng phải biết chọn lọc và đưa những điều đó lên sân khấu qua ngôn ngữ múa. Chẳng hạn như tiết mục “Những bông đỏ của rừng”, dân tộc Pà Thẻn. Qua nghiên cứu, Lê Khình thấy nghề dệt, thêu thổ cẩm và trang phục dân tộc này rất đẹp nhưng dân tộc này không có múa dệt… Vậy là qua động tác múa ông đã đưa những đặc trưng của nghề dệt và trang phục Pà Thẻn lên sân khấu.
Luôn tâm niệm làm múa truyền thống dân tộc mà không sống với bà con dân tộc, không đi tìm hiểu họ thì không làm được, vì vậy suốt một đời làm nghề Lê Khình không quản ngại khó khăn trèo đèo lội suối đến tận các vùng núi cao, vùng dân tộc thiểu số để tìm hiểu, khai thác văn hóa dân gian, dân tộc. Với kiến thức về văn hóa và múa dân gian cùng tài năng sáng tạo, NSND Lê Khình đã dàn dựng trên 200 tác phẩm múa của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu… trong đó có những tác phẩm đỉnh cao của múa truyền thống được Huy chương Vàng, Bạc, Bằng khen… tại các kỳ hội diễn. Và vinh dự nhất hai tác phẩm múa Tày “Múa hội Kỳ yên” và “Tổ khúc múa then” được nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2001.
Hứa Tử Hoài: những sôi nổi dồn hết cho nghệ thuật
Nhà điêu khắc Hứa Tử Hoài Nhà điêu khắc Hứa Tử Hoài (1942 - 2008) là người dân tộc Nùng, sinh ở xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Tốt nghiệp khoa Điêu khắc trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (1961 - 1971), ông trở về công tác tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Và là một trong số những hội viên sáng lập Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên. Năm 1980 ông được kết nạp vào Hội Mĩ thuật Việt Nam. Năm 2001 ông là tác giả dân tộc thiểu số đầu tiên đạt được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, với các tác phẩm: “Bác Hồ với thiếu nhi vùng cao”, “Bên bếp lửa”, “Tuổi thơ”, “Bi hùng”, “Sloong sli”, “ác mộng”. Với Hứa Tử Hoài, điêu khắc là niềm đam mê cháy bỏng theo ông suốt cuộc đời. Thời niên thiếu, Hứa Tử Hoài sống ở một vùng quê xa xôi, nghèo khó. Có đoàn họa sĩ đi thực tế sáng tác qua, lúc ấy cậu bé Hoài đang tỉ mỉ đắp tượng đất để chơi, các bức tượng rất đẹp và có sức hút. Thấy đây là một tài năng nhí thực sự, mọi người đã động viên và giới thiệu để ông đi học điêu khắc.
Họa sĩ Nguyễn Gia Bảy kể, Hứa Tử Hoài có giọng nói nhỏ nhẹ, khuôn mặt phúc hậu, phong cách giản dị và đặc biệt ông rất trầm tính, hình như tất cả những gì nhanh nhạy, sôi nổi ông dồn hết vào công việc. Ông có thể ngồi cả ngày tại xưởng điêu khắc để làm việc. Có lẽ chính tính cách đó khiến ông đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật riêng biệt. Chất liệu ông thể hiện chủ yếu trên gỗ mít. Những tác phẩm điêu khắc của ông không xòe xoẹt mà đa phần đều thu khép lại là một khối, như tác phẩm “Bác Hồ về bản”, những kẽ hở ở tay, chân trong pho tượng không bao giờ rộng, lúc nào cũng thu lại gọn ghẽ.
Trong sáng tác, đề tài dân tộc và Bác Hồ là 2 đề tài chính được Hứa Tử Hoài tập trung thể hiện. Ở những đề tài này ông đã có hàng trăm bức tượng và phù điêu có giá trị. Trước khi mất, ông còn đang ấp ủ một công trình dang dở, đó là tượng đài Hồ Chí Minh. Tượng đài miêu tả Bác Hồ đang cưỡi ngựa và bay trong không trung. Dự kiến tác phẩm này sẽ được đặt ở Quảng trường Võ Nguyên Giáp. Tuy nhiên, tác phẩm mới chỉ được làm phác thảo thì năm 2008 ông mắc bệnh ung thư máu và qua đời, để lại niềm đam mê còn dang dở của mình. Là một nhà điêu khắc hàng đầu cả nước, sự ra đi của Hứa Tử Hoài là một mất mát khó có thể bù đắp cho nền mĩ thuật Việt Nam.
Một đời say mê âm nhạc vùng Việt Bắc
Nhạc sĩ Đỗ Minh (1926 - 2008), sinh tại Hải Hậu (Nam Định). Vốn là dân công giáo toàn tòng, thời niên thiếu ông tham gia đội kèn trong nhà thờ. Năm 17 tuổi Đỗ Minh đã làm liên lạc cho cách mạng. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông lên chiến khu Việt Bắc trong đội ngũ Sư đoàn 308. Năm 1951 ông sáng tác bài hát "Chào mừng Đảng Lao động Việt Nam" (sau đổi tên thành "Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam") tại nơi đóng quân của đơn vị ông, gần xã Quân Chu huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Bài hát ông viết chào mừng Đảng trong dịp Đại hội lần thứ II. Năm 1953, ông về phụ trách Đoàn Ca múa dân gian Việt Bắc. Đến năm 1964, Đỗ Minh được cử đi học tại Nhạc viện Hà Nội. Năm 1977, ông chuyển về công tác tại Trường Trung học Văn hoá nghệ thuật Việt Bắc làm Phó Hiệu trưởng của trường. Năm 2001 nhạc sĩ Đỗ Minh được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Âm nhạc.
Nhạc sĩ Đỗ Minh
Nhạc sĩ Đỗ Minh ban đầu chơi kèn clarinets trong nhà thờ, sau này được đào tạo ông chơi được nhiều loại nhạc cụ như: đàn accordéon, đàn piano, đàn guitar và cả đàn tính. Ai cũng biết nhạc sĩ Đỗ Minh là tác giả của bài hát ca ngợi Đảng bất hủ, nằm lòng các thế hệ người Việt Nam, nhưng điều đó dường như làm mờ đi một nhạc sĩ Đỗ Minh say mê âm nhạc dân gian vùng Việt Bắc. Vì cách mạng, Đỗ Minh đã bỏ quê hương lên vùng Việt Bắc, và chẳng biết tự bao giờ những điệu hát dân gian của vùng Việt Bắc đã cuốn hút ông. Người ta thường thấy ông với những chuyến đi dài vào các bản, làng dân tộc heo hút xa xôi, trên vai là chiếc ba lô với lỉnh kỉnh giấy, bút, băng cối, để ghi chép, sưu tầm sáng tác. Và những chuyến đi đó nhạc sĩ Đỗ Minh thường dẫn các con đi cùng. Ngoài ca khúc “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam", những sáng tác sau này của nhạc sĩ Đỗ Minh dù là chủ đề nào đều mang đậm chất dân ca của các dân tộc Việt Bắc, nhất là điệu Then của người Tày. Những bài hát như: "Về bản", "Về bản mới”, "Hội xuân", "Ghi nhớ công ơn Người", "Rừng chiều xuân", "Chiều biên giới"... Không chỉ sáng tác nhạc, nhạc sĩ Đỗ Minh còn viết sách nghiên cứu về âm nhạc vùng Việt Bắc như: "Tìm hiểu âm nhạc của các dân tộc Việt Bắc", "Cây đàn tính và hát then"… Là một người cha hiền hậu, mẫu mực, nhạc sĩ Đỗ Minh chưa khi nào hướng hoặc ép các con lựa chọn nghề nghiệp nhưng có lẽ những đam mê cháy bỏng của ông với nghệ thuật đã truyền cho các thế hệ con, cháu. Các con, các cháu ông sau này phần lớn là theo âm nhạc và đều đam mê khai thác, nghiên cứu âm nhạc truyền thống vùng Việt Bắc.
NSƯT Vương Thào: vũ điệu dân tộc còn mãi
Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Vương Thào (1934 - 2012), sinh tại huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Năm 1949 ông tham gia kháng chiến tại đội thiếu sinh quân. Năm 1956 ông chuyển công tác về làm diễn viên múa tại đoàn Văn công Liên khu Việt Bắc. Năm 1961 ông được điều đi học biên đạo múa tại Triều Tiên, khi trở về ông tham gia vào Ban lãnh đạo Đoàn và là một biên đạo múa xuất sắc. Ông về hưu năm 1999.
NSƯT Vương Thào
Là người dân tộc Nùng nên vốn dân vũ, dân ca vùng Việt Bắc như đã ngấm sâu vào con người Vương Thào. Tâm huyết và có bản năng sáng tác mạnh mẽ, ông sáng tác rất nhanh. Cảm xúc từ chuyện Bác Hồ về Pác Bó - Cao Bằng cúi xuống hôn nắm đất, Vương Thào đã nảy sinh ý tưởng dựng lên được điệu múa “Bác Hồ về nước”- một trong những tác phẩm múa xuất sắc của ông.
Đam mê với nghề, kỹ lưỡng trong công việc nhưng trong sinh hoạt ông lại hết sức giản dị, Vương Thào thường mặc chiếc áo vest màu ghi đã cũ kĩ. Nhiều lần đi biểu diễn ở vùng sâu vùng xa chỗ ăn chỗ ở còn thiếu thốn, có những lúc phải ăn, ngủ cạnh chuồng trâu cả một tuần ông cũng không hề kêu ca, phàn nàn gì. Không hút nhiều thuốc, nhưng túi quần ông lúc nào cũng thủ sẵn bao thuốc lá để phòng khi làm việc, nghĩ đề tài ông mới nhấp nhả vài khói cho đỡ căng thẳng.
Cả cuộc đời làm nghệ thuật, NSƯT Vương Thào đã nghiên cứu sâu về các điệu múa dân gian dân tộc như: Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Sán Chí..., và đã sáng tác thành công rất nhiều tác phẩm có chất lượng mang đậm bản sắc dân tộc. Những tác phẩm múa đó luôn giành được Huy chương Vàng, Bạc tại các hội diễn chuyên nghiệp, nhiều tiết mục còn được chọn đi biểu diễn nước ngoài. Những điệu múa như: Múa lên nương, Múa Trống Dao, Múa Cầu Mưa, Múa Gậy Tiền đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001. Hiện nay nhiều đoàn vẫn biểu diễn các điệu múa do Vương Thào sáng tác, tác phẩm của ông vẫn tỏa sáng trong đời sống nghệ thuật và trong lòng đồng nghiệp.
Nhà văn của núi rừng Việt Bắc
Nhà văn Vi Hồng (1936 - 1997), dân tộc Tày, huyện Hòa An (Cao Bằng). Ông đã cho xuất bản 15 cuốn tiểu thuyết, 8 truyện ngắn, và rất nhiều sách về sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian.
Nhà văn Vi Hồng
Ông viết văn từ rất sớm. Năm 1959 truyện ngắn “Ngôi sao đỏ trên đỉnh núi Phja Hoàng” của ông đoạt giải nhì cuộc thi của Tổng Hội Sinh viên Việt Nam; truyện ngắn: “Cọn nước Eng Nhàn” đoạt giải ba cuộc thi báo Văn nghệ năm 1971... Ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980. Năm 2012, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với 2 tác phẩm: Tiểu thuyết “Đất bằng”; Truyện dài “Đường về với mẹ chữ”.
Với Vi Hồng, ngoài tài năng bẩm sinh về văn chương thì viết văn vừa giúp ông kiếm sống vừa để ông giải tỏa những bi kịch và những nỗi buồn. Điều này người đọc có thể nhận ra có tiểu thuyết tới 70% là chuyện thật của cuộc đời ông. Qua những trang viết, ông được tự do sống và trải lòng vào trong thế giới nghệ thuật của riêng mình, và văn chương cũng giúp ông gặp được nhiều điều may mắn.
Vì yêu thích và đồng cảm những trang văn về miền núi của Vi Hồng, bà Hà Thúy Đèm (người vợ sau, gắn bó với ông khoảng gần 20 năm cuối đời) đã chấp nhận gắn bó với nhà văn Vi Hồng dù ông hơn bà tới 20 tuổi và cuộc sống của ông hết sức nghèo khổ (dù là giảng viên khoa Văn, trường Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên nhưng lương giáo viên chẳng đủ sống, nhiều khi để cầm cự viết văn dạy học Vi Hồng phải ăn cháo cầm hơi cả tuần).
Và khi nhà văn Vi Hồng đã ra đi, bà Đèm luôn day dứt: “Ông ấy là một tài năng lớn. Giá được sống tốt hơn thì ông có những tác phẩm lớn lao hơn”. Bà Đèm kể, lúc còn sống, Vi Hồng luôn ấp ủ sẽ viết được một tác phẩm đỉnh cao thế nhưng bệnh tật hành hạ cùng với nỗi lo về cơm, áo, gạo, tiền cứ níu ông xuống. Vừa điều trị bệnh ông vừa viết tiểu thuyết, truyện ngắn để lấy tiền. Vi Hồng sáng tác thật “tài tử”. Khi viết một cuốn tiểu thuyết ông chỉ cần vạch ra các ý chính, các chương… sau đó cứ tự đọc ra và bà Đèm đánh máy ghi chép lại. “Năng xuất làm việc” tùy thuộc vào sức khỏe của ông. Ngày yếu viết được khoảng chục trang, ngày khỏe có khi được cả vài chục trang.
Thế giới trong những sáng tác của Vi Hồng phần lớn là miền núi. Và dù xây dựng hệ thống nhân vật thế nào, cốt truyện ra sao thì lời ăn tiếng nói, nếp nghĩ đều mang những nét tiêu biểu của con người quê hương ông.
Qua những trang viết của Vi Hồng người đọc dễ thấy vùng núi rừng Việt Bắc lãng mạn, tươi đẹp nhưng cũng lạc hậu, nghèo nàn với đầy khó khăn thử thách. Mấy chục năm đã qua nhưng những tác phẩm của Vi Hồng vẫn hấp dẫn và lôi cuốn bạn đọc, nhất là bạn đọc miền núi. Và điều làm nên sự hấp dẫn đó là bởi Vi Hồng thực sự là nhà văn của núi rừng Việt Bắc
Quang Khải - Văn Công
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...