Clip: Chia sẻ của ông Phạm Văn Quang, nguyên Tiểu đoàn trưởng thuộc Trung đoàn 197

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Thái Nguyên (1947 – 2017), khi biên giới phía Bắc căng thẳng, “thực hiện sự điều chỉnh của Bộ Tư lệnh Quân khu 1 nhằm tăng cường lực lượng cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu tại biên giới phía Bắc, ngày 15/7/1978, trên cơ sở Trung đoàn 852 do Bộ Tư lệnh Quân khu 1 điều về, Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức thành lập Trung đoàn bộ binh 197 gồm hai tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn huấn luyện và tám đại đội trực thuộc”.

Lúc này, trung úy Phạm Văn Quang được điều động từ mặt trận Cam pu chia về, tham gia thành lập Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 197, với chức vụ Trợ lý tham mưu tác chiến. Đây là tiểu đoàn được thành lập đầu tiên, nên đa phần là lính đã từng trải, hầu hết thuộc Tiểu đoàn Tự vệ Gang thép (Tiểu đoàn 15). Tỉnh đội đã lấy toàn bộ Tiểu đoàn này, bổ sung thêm số còn lại từ các địa phương, đơn vị khác trong tỉnh cho đủ biên chế. Hôm nhận quân và tập trung lên đường cũng tại Sân vận động Gang thép, và mọi người vẫn quen gọi đó là Tiểu đoàn 15 Gang thép.

Từ tháng 8/1978 đến giữa tháng 2/1979, Tiểu đoàn 1 đóng quân huấn luyện tại khu vực xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai.

Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đưa 60 vạn quân xâm lược lãnh thổ Việt Nam. Những ai sống ở thời ấy chắc còn nhớ rõ những ca từ, giai diệu hừng hực khí thế trong bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên được phát liên tục trên Đài Tiếng nói Việt Nam: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới/ Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới…”. Nó như một lời hiệu triệu, thúc giục triệu triệu trái tim hướng ra mặt trận, quyết tâm chống quân xâm lược, giữ gìn biên cương, bảo vệ Tổ quốc.

Nhận lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu I, hàng trăm xe zinkhơ và xe ca cấp tốc đưa bộ đội lên tăng cường cho mặt trận. Trung đoàn 197 được lệnh lên đường ngay trưa 17/2 và tiến thẳng lên hướng Lạng Sơn để cản bước tiến của quân xâm lược. Tiểu đoàn 1 được bố trí đóng ở phía bắc cầu Khánh Khê.

 

“Trong cuộc đời cầm quân, tôi chưa bao giờ gặp các chiến sĩ dũng cảm như chiến sĩ của Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 197). Đến 80 - 90 % quân số là công nhân Gang thép nên tinh thần giai cấp, tính kỷ luật của các đồng chí rất cao. Trong chiến đấu, các đồng chí rất dũng cảm, lanh lợi và có thể nói để mang được đến chiến thắng là do bản chất của giai cấp công nhân được phát huy” – ông Quang cho biết.

Sinh năm 1947, vào bộ đội từ 1966, từng chiến đấu ở chiến trường Miền Nam 10 năm, rồi sang Cam pu chia. Chiến tranh Biên giới phía Bắc nổ ra, ông Quang lại xông pha ra chiến trường. Khi ấy, tinh thần quả cảm của người lính là trên hết, và chỉ có một mục tiêu: vào trận, đối đầu với địch để giữ vững biên cương Tổ quốc.

Phải nói, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 cực kỳ “rắn”, không  hề nao núng trước số lượng áp đảo của quân thù. Rất nhiều trong số đó là những chiến sĩ đã được tôi luyện qua chiến tranh chống Mỹ ở chiến trường Miền Nam, hoặc trong các đơn vị bảo vệ Gang thép, bảo vệ các mục tiêu trọng điểm của TP. Thái Nguyên thời kỳ 1972. Bản lĩnh của những người lính “Gang thép” được thể hiện rất rõ.

Ông Quang kể lại: Hôm 18/2 chúng tôi đến đèo Lũng Bảng (xã Bình Trung, huyện Văn Lãng – sau này đổi thành huyện Cao Lộc – tỉnh Lạng Sơn). Địch ở bên Khuôn Làng, cách đó 3km, nhìn thấy nhau nhưng chưa bên nào nổ súng. Sau đó C2 cùng Đại đội ĐKZ, Đại đội 12 ly 7 và Đại đội cối 82 cơ động lên điểm cao 455 để chặn địch tiến theo quốc lộ 1B. Chúng tôi cách địch 300m và cách cột mốc số 0 (Hữu Nghị Quan) chừng 5 km. C1 thì vây địch ở đồi Khuôn Làng, không cho chúng phát triển. C3 phòng ngự trên cao điểm 607 (cánh trái) chặn địch không cho vu hồi vào đội hình phòng ngự của Tiểu đoàn. Bên phải của đội hình là dãy núi đá dựng đứng.

Sáng 20/2, lực lượng bắn tỉa của ta và địch bắt đầu nổ súng. Khi xem vết đạn bắn vào chiến sĩ ta hy sinh, tôi phát hiện hướng bắn của địch từ trên cao xuyên xuống. Tôi ra lệnh quan sát thì thấy địch mặc áo sơn cước ngồi trên cây để bắn tỉa, tôi liền ra lệnh tiêu diệt ngay.

Sáng 21/2, địch bắt đầu nã pháo, rồi bộ binh có xe tăng yểm trợ, mở 10 đợt tấn công. Bên ta cũng có pháo binh (Sư đoàn 3 – Sao Vàng) yểm trợ, và trận này ta thắng lớn, có thể nói là trận thắng giòn giã nhất. Bên ta hy sinh rất ít, trong khi bên địch, xác nằm ngổn ngang. Có lẽ, do chúng chủ quan, ỷ vào thế đông người, cứ tưởng ào lên là được.

Hôm đó, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin: Tiểu đoàn M1, Trung đoàn 197 Bắc Thái đã bẻ gãy hàng chục đợt tấn công của quân xâm lược.

Xét về khả năng tác chiến bộ binh, lính ta tinh nhuệ hơn, nhưng ngược lại, phía địch cậy đông, lại có lực lượng xe tăng, pháo binh hùng hậu yểm trợ. Trong khi các vũ khí hạng nặng của ta chủ yếu vẫn đang trên đường điều chuyển từ chiến trường Miền Nam và Cam pu chia ra, còn chưa đến nơi. Bởi vậy, dù đã kiên cường, anh dũng, song phía ta cũng bị tiêu hao lực lượng. Tuy vậy, trận địa vẫn được giữ vững...

Những ngày sau đó, hai bên vẫn quần nhau ác liệt. Ngày 26/2, địch dùng súng cối và pháo binh tấn công vào chốt của ta, nhưng không chọc thủng được. Chúng vòng sang hướng con đường ở phía xã Hoàng Văn Thụ. Tại đây, Đại đội 3 (Tiểu đoàn 1) đã phục kích, tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn địch. Xác giặc chết ngổn ngang, sau đếm được hơn 300 xác.

Hai bên tiếp tục giao chiến, giằng co nhau. Địch tấn công vào trận địa của Tiểu đoàn 1 và luồn sâu, tập kích vào Sở chỉ huy Tiểu đoàn 2 cách phía sau Tiểu đoàn 1 đến 3 - 4 km.

Tiểu đoàn 2 bị đánh bất ngờ phải lùi về phía nam cầu Khánh Khê. Lúc này, Tiểu đoàn 1 ở vào thế bị bao vây, thậm chí mất liên lạc, bị cô lập hoàn toàn. Tiểu đoàn phó, Chính trị viên phó Tiểu đoàn, Chính trị viên Đại đội 1, Đại đội 2 đều bị thương. Đại đội trưởng Đại đội 2 và Đại đội trưởng ĐKZ bị hy sinh. Lực lượng chiến đấu còn rất mỏng, vũ khí hỏa lực bị hư hỏng, đạn dược cũng đã cạn. Nhưng chính khi đó, nhiều tấm gương anh dũng đã xuất hiện.

Tổ đồng chí Phúc rời khỏi giao thông hào vận động xuống chân đồi tiêu diệt xe tăng địch, bị hỏa lực địch bắn bị thương đưa về phía sau, nhưng băng bó xong anh lại quay lại để xin chiến đấu.

Địch vây đánh rát quá, chúng tôi liên hệ với Trung đoàn 12 gần đó xin giúp đỡ, được 1 tiểu đội bộ binh và 1 tiểu đội công binh sang chi viện. Đồng chí Đặng, Đại đội trưởng Đại đội 4 dẫn khẩu đội cối 82 lên đỉnh núi đá cạnh điểm cao 445 bắn yểm trợ. Nhưng mỗi khi nổ súng thì pháo địch lại bắn bao trùm cả ngọn núi.

Đến chiều 1/3 thì Tiểu đoàn 1 bị mất chốt. Cán bộ, chiến sĩ còn lại của Tiểu đoàn mang theo cả thương binh rút vào núi đá tử thủ.

Mặc dù ém trong núi, nhưng chúng tôi không ẩn mình. Thấy quân địch đắc thắng nghênh ngang hành quân trên đường, chúng tôi liền phối hợp với quân của Sư đoàn 3 – Sao Vàng vận động từ trong núi đá ra, tiêu diệt gọn tốp địch, gần 30 tên bỏ xác tại trận, 1 tên bị bắt sống, địa điểm tại xã Bình Trung, huyện Văn Lãng.

Đến ngày 4/3 thì pháo binh Quân đoàn 3 từ trong Nam ra đã tới nơi, đồng loạt nhả đạn. Từ trên núi cao, chúng tôi chứng kiến Sư 337 bộ đội ta hành quân, tràn qua cầu Khánh Khê và sông Kỳ Cùng lên đánh địch ở điểm cao Pa Pách (thuộc xã Bình Trung, huyện Cao Lộc). Quân địch chết nhiều, số còn lại bỏ vũ khí chạy. Ngày hôm sau (5/3), pháo binh tầm xa của Quân đoàn 3 từ Tu Đồn nã vào các cao điểm mà địch chiếm đóng. Chúng bỏ chạy rút về bên kia biên giới.

Hôm 25/2, địch mở rộng tấn công vào trận địa của Đại đội 1 ở “dông” (sườn) điểm cao 607, giáp Khuôn Làng. Đây là tiểu đội cảnh giới tiền tiêu do Vi Văn Thắng làm Tiểu đội trưởng. Giao tranh rất quyết liệt, Tiểu đội đã dũng cảm chiến đấu, tiêu diệt nhiều tên địch, bẻ gãy mũi tiến công của chúng. Sau đó hết đạn, các anh đánh giáp lá cà và hy sinh đến người cuối cùng. Khi ta yểm trợ và đến được trận địa, anh Thắng bị trọng thương, vẫn đang ôm chặt xác tên địch bị anh đâm chết ngay trên bờ công sự. Đồng đội gỡ anh ra, đưa về phía sau, được một đoạn, thấy anh quá mệt nên để anh nằm xuống. Anh bảo: “Kê đầu tôi lên cao chút nữa để tôi nhìn rõ trận địa của ta”. Đồng đội vừa kê đầu cho anh xong thì anh nấc lên và trút hơi thở cuối cùng… Tấm gương hy sinh của Vi Văn Thắng được lan truyền khắp đơn vị, tiếp thêm sức mạnh chiến đấu của toàn Trung đoàn.

Trong lúc bị bao vây, cô lập, đạn dược dần cạn, chúng tôi bắn được 1 cái xe tăng ở dưới chân đồi. Đồng chí Thể, Trung đội trưởng 12 ly 7 cùng anh em leo lên “đập”, gỡ lấy 2 khẩu đại liên và 1 khẩu 12 ly 7 cùng đạn dược mang về trận địa. Hôm sau, địch tấn công, chúng tôi dùng 2 khẩu đại liên đó quạt xuống, hất chúng trở lại. Nhưng có điều, khi bắn, đại liên cứ nhảy chồm chồm trên bờ chiến hào…!

Bản thân tôi cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Một lần, tôi đang bò ở thông hào để sang một đoạn hào khác thì bất ngờ bị một tên địch dùng súng CKC bắn vào đầu. Viên đạn xuyên thủng vành mũ và sượt ra ngoài. Tôi giật mình bóp cò khẩu súng ngắn đã lên đạn sẵn làm tên địch chết ngay chỉ cách độ 2 - 3m.

Một lần khác cũng đang bò ở dưới giao thông hào, phía sau là một đồng chí liên lạc. Bỗng nhiên nghe tiếng “đọp” một phát, thấy ướt ở đùi. Tôi hướng súng về phía trước và hô: “Tôi bị thương rồi!”. Đồng chí liên lạc ở phía sau bò lên định vạch quần ra để băng bó cho tôi, nhưng không thấy vết thương. Đồng chí liên lạc bảo “chỉ có nước, không thấy máu thủ trưởng ạ!”. Hóa ra chiếc bình tông tôi đeo ở trên lưng nhô cao nên bị địch bắn thủng, nước chảy ướt quần, tôi lại tưởng là máu!

----------

Nội dung & Clip: Trần Thép

Tư liệu: Trần Yên Bình – Phạm Văn Quang

Ảnh & đồ họa: Lê Tú.

Phần 2: Những ngày sau chiến trận

 

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Sân khấu độc lập: Những thách thức

Sân khấu - Múa 3 giờ trước

Ẩm thực Thái Nguyên - tinh hoa phong vị xứ Trà

Cuộc sống quanh ta 22 giờ trước

Ơi những ngày thu

Văn xuôi 1 ngày trước

Vị giác

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Tháng chín...

Văn xuôi 2 ngày trước

Dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Xem tin nổi bật 2 ngày trước