Clip: Ông Trần Yên Bình, Đội phó Đội xung kích Đoàn Cải lương Bắc Thái lên biểu diễn phục vụ bộ đội biên giới tháng 3/1979

Sau khi đã chặn đứng và bẻ gẫy các cuộc tấn công của quân xâm lược, ở hậu phương, rất nhiều cơ quan ban ngành đơn vị, nhất là tỉnh Bắc Thái đã gửi điện, thư thăm hỏi động viên các chiến sĩ ngoài mặt trận.

Ngày 12/3/1979 Đoàn Cải lương Bắc Thái nhận lệnh cấp trên thành lập đội xung kích gồm 12 đồng chí diễn viên và nhạc công lên đường phục vụ tuyến biên giới Lạng Sơn, chia lửa với chiến trường. Đội xung kích gồm 7 nam 5 nữ. Nghệ sĩ Phạm Văn Khải làm Đội trưởng (nay anh đã mất), hai Đội phó gồm nghệ sĩ An Ngọc Xuân (nay đã mất) và nghệ sĩ Trần Yên Bình. Trong số 9 người còn lại thì nay 6 người đã mất (gồm các nghệ sĩ: Lê Đình Cử, Vũ Văn Sự, Nguyễn Ngọc Thanh, Kim Oanh, Phan Mai Phương, Nguyễn Kim Huệ), chỉ còn lại anh Trần Văn Trầm, chị Nguyễn Thị Nụ và chị Trương Thị Đường (hậu cần).

Nghệ sĩ Trần Yên Bình kể lại: Trong số nam giới tôi là người trẻ nhất, năm ấy tôi 25 tuổi. Tuy nhiên, bản thân tôi đã trải qua binh nghiệp, từng là bộ đội Pháo phòng không hồi năm 1973, nên khá rắn rỏi. Tôi mang vác nhiều hơn mọi người, gồm ba lô, súng đạn, tư trang, loa nén, pin cối…

Người dẫn chúng tôi đi từ TP Thái Nguyên là Thiếu úy Ngô Văn Học, cán bộ Ban Tuyên huấn Trung đoàn 197 (nay anh Học sống ở Hà  Nội). Đồng chí Ngô Văn Học phổ biến và hướng dẫn chúng tôi những quy định trên đường đi và khi lên chốt. Ngày hôm sau chúng tôi được xe đưa lên Lạng Sơn, qua cầu Khánh Khê.

Những hình ảnh chiến tranh cửa nhà cây cối tan hoang những vệt máu loang đã khô trên mặt ghềnh đá, mặt cầu Khánh Khê, rất nhiều súc vật trúng mìn bị thương, bị chết… nhưng tất cả qua đi rất nhanh.

Với khí thế sục sôi, nườm nượp các đoàn xe quân sự kéo pháo, chở súng đạn vũ khí, các binh chủng lực lượng bộ đội chính quy, dân quân, tự vệ, các đơn vị thanh niên xung phong, các chiến sĩ áo trắng ngành y, các cơ quan ban ngành đoàn thể đều được lệnh tham gia chiến dịch. Và các nghệ sĩ chúng tôi cũng trở thành chiến sĩ.

Điểm xuất phát đầu tiên của chúng tôi là từ bản Cỏn Coóc, xã Bình Trung (huyện Cao Lộc). Từ đó lên cao điểm 559 chừng hơn 1km thôi nhưng gian nan lắm. Tổ công binh đã đi trước đánh dấu những chỗ quân Trung Quốc gài mìn bằng những chiếc cờ trắng nhỏ. Trời âm u mù mịt. Đường dốc cao trơn trượt. Một chiến sĩ dẫn đường đi trước, tiếp là anh Ngô Văn Học và tôi cùng mọi người đi sau. Bám từng cây cỏ, đi theo đúng vết chân người đi trước. Nếu sơ sẩy trượt chân là ngã xô cả những người đi sau vào chỗ có mìn. Sự sống và cái chết chỉ cách nhau có thế thôi!

Leo núi hơn một tiếng, chiến sĩ của đơn vị trên chốt đưa chúng tôi đến một bãi bằng nho nhỏ lưng chừng núi. Đồng chí Đại đội trưởng Nguyễn Văn Hợi đón và hướng dẫn chúng tôi tránh mìn, sau đó mắc loa nén lên cành cây gãy do pháo địch bắn, còn máy tăng âm đặt lên hai cái ba lô và chạy bằng pin cối. Lúc đó độ 10 giờ sáng.

Các chiến sĩ trên chốt điểm cao 559 được xuống xem văn công, có những người còn băng vết thương nhẹ, quần áo cháy xém do pháo địch bắn. Mọi người đều nghĩ chắc là đoàn ca múa nào đó, nhưng khi chúng tôi giới thiệu trên loa là bộ môn nghệ thuật cải lương truyền thống dân tộc, cả đại đội ồ lên cổ vũ rất nhiệt tình.

Đang biểu diễn thì nghe thấy một tiếng nổ to, cột khói bốc lên cách đó chừng 300m. Chương trình tạm dừng đề phòng Trung Quốc tấn công.

Sau đó chừng 15 phút, thấy hai chiến sỹ dìu một đồng chí tạm băng bó do bị mìn nát bàn chân. Mặc dù rất đau nhưng anh vẫn tỉnh táo, với gương mặt tự tin. Chúng tôi lặng đi. Nghệ sĩ Kim Oanh, Mai Phương, Thúy Nụ và Kim Huệ khóc nức nở. Hai chiến sĩ đưa anh về lán quân y để y tế chữa trị, rồi sau đó chúng tôi được lệnh tiếp tục biểu diễn. Biểu diễn xong được nghe các anh kể lại: chiến sĩ bị thương là Nguyễn Văn Khuê. Anh làm nhiệm vụ ở vòng ngoài và vướng phải mìn do địch cài lại. Anh nói với đồng đội rằng: anh còn rất muốn tìm chiếc kèn đồng của tên Trung Quốc xâm lược bị bắn chết cách đó 3 hôm để tặng cho đoàn văn công, vì tiếng kèn phải dành cho những con người chiến thắng!

Câu chuyện cảm động đó đã khiến anh em nghệ sĩ chúng tôi ai cũng nghẹn ngào, mắt đỏ hoe. Chúng tôi hát một cách thăng hoa nhất, bằng cả tâm hồn và trái tim của người nghệ sĩ. Cứ như thế, tiếng hát chúng tôi vang vọng khắp các trận địa biên giới Lạng Sơn để phục vụ bộ đội.

Những ngày đó, chúng tôi ăn ở ngay gần các cứ điểm tiền tiêu. Có lúc cùng ăn mỳ tôm và lương khô với bộ đội, có lúc thì nấu tự túc. Hàng chục ngày thiếu rau nhưng không dám đi hái vì sợ vướng mìn, nên gần như toàn đội chúng tôi đều bị kiết lị. Chúng tôi đào củ chuối và hái những ngọn rau thật an toàn để ăn tạm và vượt qua mọi khó khăn, đồng cam cộng khổ, chia sẻ cùng bộ đội tại chiến trường.

Sau hơn hai mươi ngày phục vụ chúng tôi được lệnh rút về. Chúng tôi hành quân đến điểm Cỏn Coóc nơi xuất phát ban đầu để đón xe. Đại đội trưởng Nguyễn Xuân Hợi đưa chúng tôi đến một góc rẽ ngã ba có tấm bạt đậy rồi anh nói đây là xác những tên thám báo Trung Quốc tà trộn vào dân đã bị quân và dân ta phát hiện và trừ khử. Kỷ luật chiến trường nên chúng tôi chỉ dám đứng từ đằng xa nhìn lại.

Sau khi phục vụ cán bộ, chiến sĩ ở khu vực điểm cao 559, chúng tôi ngược theo quốc lộ 1B về phía thị trấn Đồng Đăng để phục vụ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 197 ở chốt 455 và chốt 607. Chính tại đây, tôi đã gặp người cán bộ chỉ huy Tiểu đoàn Phạm Văn Quang (sau này anh Quang mới chuyển sang Tiểu đoàn 2 và làm Tiểu đoàn trưởng).

Có một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi. Lúc đó là buổi chiều, chúng tôi cứ nấn ná chờ anh em đến xem rồi mới diễn, vì Tiểu đoàn mà sao lại ít thế này. Đồng chí Phạm Văn Quang hiểu ý chúng tôi và nói: Các đồng chí cứ biểu diễn đi thôi vì một số anh em vẫn còn phải giữ chốt. Cuộc chiến khốc liệt lắm, Tiểu đoàn chỉ còn bằng này người thôi. Nói rồi anh khóc nấc, nghẹn ngào ôm lấy nghệ sỹ An Ngọc Xuân. Tất cả chúng tôi lặng đi không khóc nổi nữa, phải mười phút sau mới trấn tĩnh và động viên nhau tiếp tục biểu diễn. Khi ấy chúng tôi hát trong nước mắt, hát bằng cả trái tim của người nghệ sĩ. Tiếng hát chúng tôi vang vọng núi đồi biên cương, cho cả những người đang chiến đấu và cả những người đã ngã xuống cùng nghe.

Giấy khen của Tỉnh đội Bắc Thái cho ông Trần Yên Bình về tinh thần sáng tác biểu diễn phục vụ chiến dịch biên giới.

Anh Bình cho biết: Năm 1999, qua nghệ sĩ An Ngọc Xuân, tôi mới có manh mối về người cán bộ chỉ huy Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 197 năm xưa, anh Phạm Văn Quang. Sau chiến tranh Biên giới, anh chuyển về làm Phó Chỉ huy trưởng Thành đội Thái Nguyên rồi về hưu với quân hàm Trung tá. Nay anh là chủ doanh nghiệp Điện tử Quang Thái ở thành phố Thái Nguyên. Hiện nay anh đang là Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Thái Nguyên. Và cũng nhờ anh Quang, tôi tìm được Thiếu úy Ngô Văn Học năm xưa, chúng tôi liên lạc qua điện thoại và anh Học đã đến nhà tôi chơi.

Anh Học cho biết: sau lần gặp chúng tôi, anh trải qua nhiều chức vụ khác nhau. Cuối năm 1979, anh là Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 337, Quân đoàn 14. Đến năm 1990 được trên điều động về làm Chủ nhiệm Nhà văn hóa Quân khu 1. Đến năm 1994 giữ chức Tổng biên tập Báo Quân khu 1 và nghỉ hưu năm 2006 với quân hàm Đại tá. Hiện giờ anh đang là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng điều hành CLB trái tim người lính Việt Nam.

Đối với ông Quang, không chỉ phát huy bản lĩnh của người lính chiến năm xưa trong thương trường ngày nay để gặt hái những thành công nhất định, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, ông còn làm tốt công việc xã hội mà các tổ chức hội giao phó. Cũng như bao người lính khác, nỗi niềm của ông là phải làm tất cả những gì có thể để tri ân với những người đã ngã xuống. Hằng năm ông vẫn trở lại thăm trận địa năm xưa, đến bên “cánh cửa thép bắc cầu Khánh Khê” để tưởng niệm và thắp hương cho đồng đội.

Ông Phạm Văn Quang chia sẻ với chúng tôi: Ngay sau thời điểm Sư đoàn 337 (Quân đoàn 14) và lực lượng pháo binh của Quân đoàn 3 tiếp cận chiến trường, phối hợp tác chiến đẩy địch về bên kia biên giới, chúng tôi được lệnh của Quân khu 1 sáp nhập lực lượng còn lại của Trung đoàn 197 vào Sư đoàn 337. Từ đó, chúng tôi tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ ở khu vực biên giới đó cho đến tận năm 1989.

Việc ghi công cho các tập thể, cá nhân trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc năm 1979 chắc chắn còn nhiều việc phải làm. Đã có một số lần, các cán bộ phụ trách công tác chế độ chính sách của Sư đoàn 337, Quân đoàn 14 liên hệ với ông Quang để nắm bắt thông tin, nhằm phối hợp lập hồ sơ đề nghị cấp trên xem xét. Tuy nhiên đây là công việc không hề đơn giản, việc tìm kiếm các nguồn tài liệu, nhân chứng sẽ phải mất nhiều thời gian, công sức.

Ông Quang cho biết: Chúng tôi “nhập” vào Sư 337 ở giai đoạn đã cơ bản ngưng tiếng súng, nên quá trình chiến đấu kiên cường, anh dũng của chúng tôi thì chỉ Trung đoàn 197, Tỉnh đội Bắc Thái (nay là Thái Nguyên) và Quân khu 1 mới nắm rõ. Lãnh đạo Sư đoàn 337 cũng đã triển khai thu thập tài liệu làm hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Tiểu đội Vi Văn Thắng và cá nhân đồng chí Vi Văn Thắng nhưng đến nay hồ sơ vẫn chưa đảm bảo đủ căn cứ.

“Do vậy, việc ghi công xứng đáng cho các tập thể, cá nhân thuộc Trung đoàn 197 cần phải có sự nỗ lực từ nhiều phía, và bản thân tôi cũng sẽ phải cố gắng để làm tròn trách nhiệm, như một lời tri ân với đồng đội” - ông Quang chia sẻ.

Để có thêm tư liệu hình ảnh cho bài viết, chúng tôi đã liên hệ và được sự giúp đỡ của Bảo tàng Lực lượng Vũ trang Việt Bắc – Quân khu 1 (phường Tân Thịnh, thành phố Thái Nguyên).

Ký ức chiến tranh biên giới năm 1979 vẫn vẹn nguyên trên những bức ảnh, hiện vật được trưng bày ở tầng 2 của Nhà Trưng bày.

Vẫn biết rằng, chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỉ, ngày nay quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đang bước vào giai đoạn mới, kỳ vọng về một “định vị mới”, “tầm mức mới” của quan hệ song phương giữa hai nước.

Nhưng lịch sử không được phép bẻ cong hay lãng quên.

Chúng tôi hoàn toàn đồng cảm với những điều mà ông Bình, ông Quang và nhiều người lính năm xưa trăn trở: Xương máu của những người chiến sĩ đã đổ xuống vì sự bình yên, phát triển của đất nước hôm nay cần được nhắc nhớ và tri ân cho thật xứng đáng.

Nội dung & Clip: Trần Thép

Tư liệu: Trần Yên Bình – Phạm Văn Quang

Ảnh & đồ họa: Lê Tú.

-----------

Phần 1: Những ngày máu lửa

 

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục