Những điểm đến
Có biết bao "điểm đến" trong cuộc đời này, và cũng có biết bao điều thần nhiệm hay thất vọng sẽ xảy ra, chúng ta không thể nói chắc chắn về cái bất biến. Truyện ngắn dưới đây kể về nỗi lo sợ của bà mẹ về những đứa con ra đời trong tưởng tượng. Chị đặt ra quá nhiều giả thiết và lo lắng, rằng những đứa trẻ liệu sẽ ra sao, chị phải sẵn sàng chuẩn bị đón lấy chúng như thế nào?... Cái kết đột ngột về sự biến mất của những đứa trẻ giống một hồi chuông thức tỉnh đầy sửng sốt. Những đứa trẻ sơ sinh đại diện cho những mầm hy vọng và mơ ước, có lẽ thông điệp lớn nhất mà Robert Sheppard muốn gửi tới bạn đọc qua câu chuyện giản dị và nhỏ nhắn này là: trong khi ta quá cầu toàn và hoài nghi về những cơ hội, có thể ta đã để vuột mất những cảm xúc tốt đẹp nhất; hãy trân trọng và hài lòng với mọi khoảnh khắc, bởi biết đâu khi nó mất đi, trong ta là những khoảng trống vô bờ của nuối tiếc.
Dịch giả
Robert Sheppard (Anh)
Những đứa nhỏ sẽ đến. Chúng tôi không biết chúng từ đâu đến. Chúng tôi cũng không biết chúng sẽ ở lại bao lâu.
Thật tệ, chúng tôi không biết bao nhiêu đứa sẽ đến.
Tệ hơn, chúng tôi không biết chúng muốn gì.
Để tự mình xoay xở chúng tôi phải tập trung cho những điều vụn vặt.
Chúng tôi nên kỳ vọng gì về những đứa trẻ ấy? Chúng sẽ là những đứa bé sơ sinh còn đỏ hỏn, chân tay bị liệt và máu khô đóng vầng tựa một miếng băng thấm chứ? Hoặc chúng là những đứa trẻ sinh non, được lấy ra bởi thủ thuật mở tử cung từ những bà mẹ chết não trên máy hô hấp nhân tạo, những cánh tay ếch dính chặt bé tí hon, những cái đầu cứng như quả hạch?
Hay đó là những đứa trẻ của Chúa phục sinh bụ bẫm và ngồi ngay ngắn đang chờ vòng tay dang rộng của đức Thánh Mẫu, chúng biết tiên tri và rất hiểu chuyện? Hay chúng là những đứa trẻ mới tập đi, chập chững bước quanh bữa tiệc Giáng Sinh tựa những ngôi sao trên bức hình quảng cáo tã lót, thủ thỉ nói điều gì đó khi chúng gõ vào cái đầu có những vết khâu do những vật sắc nhọn của nội thất trong nhà chúng tôi gây ra?
Chúng tôi chưa chuẩn bị gì cả.
Có lẽ sẽ có những đứa trẻ sinh đôi. Hoặc sinh ba, hoặc nhiều hơn nữa, những thế hệ phân chia tế bào từ những cuộc thí nghiệm sinh nở của những cá thể không thể tách rời, cùng cất tiếng khóc và mọc răng một cách kỳ lạ. Tôi và chồng sẽ bị kiệt sức, ở độ tuổi này. Tưởng tượng mà xem. Một đứa trẻ nằm trên cái lưng của nó, tự khám phá nó, tè một hình vòng cung lên đầu nó. Trong khi một đứa khác ị ra một bãi ngay lúc bạn vừa đặt nó lên một cái tã sạch. Hoặc một đứa khác, thở hổn hển, mặt đỏ gay với cơn đau bụng, liên tục dụi tay vào mắt và khóc rống lên. Vào lúc ba giờ đêm giá buốt.
Hoặc chúng đến từ rìa một cơn lốc, tựa đám mây đen mang theo những đứa trẻ đẹp đẽ trên cánh của chim sẻ dần sà xuống, báo trước cho bá tước của Essex cuối thế kỷ mười sáu, rồi liệng qua cửa biển Adur giữa những nhà thờ Saxon và Norman? Một điềm báo của hôn lễ sắp cử hành của nữ hoàng Elizabeth, tôi tin thế.
Chồng tôi khuyên đừng quá lo lắng, mọi chuyện sẽ ổn cả thôi. Nhưng điều đó đơn giản với một người đàn ông. Anh ta sẽ chẳng bao giờ phải lo lắng khi anh ta bị trễ. Anh ta chẳng bao giờ phải lấy tinh thần khi bộ đồ nghề được mở ra, có hay không. Chẳng thể biết được những cái bàn đạp kê chân và dụng cụ kẹp thai được dùng cho những đứa trẻ này thế nào, tất nhiên rồi.
Những đứa trẻ này thật khác, chúng sẽ tới bởi một hiệu lệnh theo cách riêng của chúng, tất cả câu hỏi sẽ không có câu trả lời. Ngay cả như chúng là trai hay gái.
Những đứa trẻ bị nén. Những đứa trẻ không xương. Những đứa trẻ lính tráng. Những đứa trẻ kim loại. Những đứa trẻ tóc rậm. Những đứa trẻ rau củ. Những đứa trẻ đã có tiếng nói. Những đứa trẻ trưởng thành. Những đứa trẻ piano. Những đứa trẻ mặt trời. Những đứa trẻ núi đồi. Những đứa trẻ hoang dã. Những đứa trẻ hợp xướng. Những đứa trẻ bốc cháy. Những đứa trẻ cao su. Những đứa trẻ trẻ con. Những đứa trẻ tê giác. Những đứa trẻ đầu nhỏ. Những đứa trẻ mang thai. Những đứa trẻ thần thoại. Những đứa trẻ người máy. Những đứa trẻ cá tính. Những đứa trẻ bụi rậm. Những đứa trẻ radio. Những đứa trẻ nữ thần. Những đứa trẻ Babylon. Những đứa trẻ không trọng lượng. Những đứa trẻ trần tục. Những đứa trẻ nhạc jazz. Những đứa trẻ trực quan. Những đứa trẻ màu xanh. Những đứa trẻ ẩn dụ. Những đứa trẻ vi mạch phẳng.
Trước khi bất kỳ đứa trẻ nào được phép xuất hiện, sứ giả của chúng sẽ tới để kiểm tra “sự sắp xếp thiết yếu”, họ nói. Họ hiện ra trong nhiều kiểu trang phục khác nhau, không ai trong số họ phấn khởi cả. Có những bộ xương ho khùng khục trong chiếc áo rách rưới quá rộng so với họ, những khuôn mặt dài nhẳng xám xịt có vẻ hợp với tấm vải liệm hoặc cỗ xe tang. Hay là những người đàn bà béo ịch trong bộ đồng phục chật ních, trông lố bịch tựa kẻ biển thủ công quỹ từ một nhà tế bần. Họ gắn liền với những gia đình đã được chọn. Phục vụ chúng tôi là một cô gái có khuôn mặt rỗ mụn với ánh mắt chẳng hề thiện chí và cực ít nói. Ả cử động những khẩu hình miệng phát ra những âm thanh kỳ quái - tôi nghĩ chúng là một trò cười.
Không thể tưởng tượng nổi họ sẽ chăm sóc cho những đứa trẻ thế nào.
Những đứa trẻ phải chăm sóc họ thì có, chồng tôi nói, vỗ tay khi tôi đưa ả ra cửa trước. Cuối cùng chồng tôi mở nắp hai lon bia. Ả hứa sẽ mang một đứa trẻ tới vào ngày mai, tôi nghĩ.
Đêm đó tôi mơ thấy một cái mũ rạ cũ đựng đầy quả trứng, giống những quả bóng xổ số đang đợi để nhặt lấy. Chúng chen lấn nhau từng cái một, cố len tới xếp hàng đầu. Một quả trứng nào đó đã nở thành công, cái vỏ của nó bị huých khuỷu tay và đánh vỡ từ bên trong. Nhưng lúc đó tôi choàng tỉnh.
Chồng tôi muốn ăn trứng vào bữa sáng và tôi đã bác ba quả. Tôi đánh trứng tới khi nó sệt quánh như bột nhào. Tôi cẩn thận đổ một chút sữa vào một góc.
Chúng tôi phải đứng đợi phía trước khu vườn xem ai sẽ là người nhận những đứa trẻ ngày hôm nay, những cái xe nôi mở ra trên bầu trời, những cái miệng hồng hồng của bầy chim non mới ra ràng. Chúng tôi đứng dưới bầu trời xanh lặng gió, không một tiếng thì thầm nào của hạt giống từ hạ giới.
Vào gần trưa, rõ ràng những đứa trẻ, như có thiên thần và ác quỷ đứng trước chúng, đã bỏ chúng tôi đi. Chồng tôi đứng bên tôi bắt đầu thở gấp và tôi lo sợ anh ấy bị chứng thở quá nhanh.
Những đứa trẻ của chúng tôi, những bé đã dám nghĩ chúng tôi là cha mẹ của chúng trong phút mong mỏi có lẽ không thể ngăn nổi đôi môi run rẩy của chúng tôi. Chúng tôi khóc tràn lên vai nhau, đã mất rồi, đúng vậy, nhưng vẫn có điều gì sâu kín ẩn nấp đâu đó mà chúng tôi không thể gọi tên
* Nằm trong tuyển tập “Những truyện ngắn hay nhất nước Anh”
Nguyễn Thị Thùy Linh dịch từ bản tiếng Anh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...