Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:11 (GMT +7)

Những đêm giường kẽo kẹt

1. Mẹ tôi là một người đàn bà được bao bọc. Đó là chuyện chúng tôi biết. Chúng tôi - tức là thằng em họ Meze và tôi. Chúng tôi biết chứ không phải được nghe kể, đó là loại chuyện bất chợt đến với người ta không hề báo trước.

Chúng tôi biết và dù chúng tôi không phủ nhận, thì đó cũng không phải là chuyện có thể nói vung vít. Chúng tôi rút ra kết luận là những ai biết loại chuyện này thì phải tự mình giữ kín.

Tôi bị bầm mắt lần đầu tiên vào cái ngày Damian “bật mí” bí mật của tôi ở trường.

“Mẹ mày ngủ với chồng người ta!”.

Chỉ thế là đủ để tôi lộn gan, sôi máu và nắm đấm của tôi dộng vào mồm nó. Khi nó thấy cái răng cửa rụng cùng với máu phun ra, nó thét lên và biến mắt trái của tôi thành một cái ống kính máy ảnh. Tôi đau thấy bà cố.

Tất cả là do lỗi của tôi: điều bí mật đã bị phơi trần; cái răng nằm trong cát, mắt tóe ngàn vì sao.

Đó là lỗi của tôi. Tôi mới xem quyển “Điềm báo” và trong nhiều ngày tôi đã châm chọc Damian, gọi nó là kẻ chống Chúa. Nó đã cố gắng để ngăn chặn tôi, bắt tôi phải dừng. Nhưng tôi như một chiếc máy bay quần đảo. Tôi không dừng. Và khi đã hết nhịn nổi, nó trút toàn bộ sự tức giận vào một câu chắc chắn làm tôi không còn nhìn thẳng vào mắt bạn bè được nữa.

“Mẹ mày ngủ với chồng người ta!”

Và đó là do lỗi của tôi!

***

Đối với Meze và tôi, “Chồng người ta” là chú John. Cao, đen, bụng bự và râu rậm, chú giống với hình ảnh một kẻ trộm. Nhưng chú John là một người hiền lành. Với cử chỉ hòa nhã và lịch sự chú tạo ra ấn tượng rằng có vẻ như việc chú to lớn là đáng tiếc. Chú không bao giờ quát và không bao giờ sai bạn chạy việc vặt mà thiếu tiếng nhờ.

Chú đến thăm mẹ tôi hai lần một tuần. Vào những ngày thứ Tư và thứ Sáu. Chú sẽ đến tầm 6 giờ rưỡi tối. Chú đậu xe trong nhà xe mà nhà tôi không hề dùng tới vì mẹ tôi không có xe. Rồi chú nhấc thân hình to lớn của chú ra khỏi xe đi vào nhà, từ chối không để tôi mang cái cặp to của chú.

Tôi lấy nước mời chú và chú hỏi tôi các việc ở trường nếu như trường đang hoạt động hay về kỳ nghỉ hè nếu như tôi ở nhà.

“Chào đại úy”, chú chào Meze. Chú gọi thằng em họ của tôi là đại úy vì chú đã phục vụ dưới quyền một đại úy tên Meze hồi chiến tranh.

“Chào chú John”, Meze chào lại.

“Tôi vẫn trung thành”, chú John nói thế rồi đi vào gặp mẹ tôi trong nhà bếp, ở đó bà đang làm một món ngon để đãi chú.

Có chú John ở gần mẹ tôi bỗng thành một người khác. Mặt đỏ lên vì vui bà sẽ hát những bài hát cũ được làm mới lại bởi niềm đam mê mà với nó bà đã hát. Tiếng cười của bà nghe như tiếng nhạc ngay cả với những ai chẳng hiểu tiếng cười có ý nghĩa gì và dáng đi của bà thay đổi làm bà trẻ hơn nhiều tuổi.

Với những khoảnh khắc đầy niềm vui rộn ràng có vẻ kỳ diệu đó họ đã trải qua hai đêm mỗi tuần. Người ta có thể cảm thấy sự thất vọng của bà khi nhìn thấy bà vào ngày hôm sau khi mà chú John sẽ ra về. Bà sẽ cáu kỉnh, bẳn nhẳn, cằn nhằn chẳng vì chuyện gì cả và thậm chí bà còn nói một mình khi nhìn ra ngoài trời.

Lúc ấy tôi sẽ ngồi nhìn bà và thắc mắc sao một việc có thể đem lại cho bà nhiều niềm vui như thế lại có thể hóa thành khốn khổ và chán nản ngay sau đó.

Khi họ chạy những đĩa nhạc và nhảy theo mọi bài hát, họ sẽ hưng phấn và rút vào phòng của mẹ tôi. Ngay khi chiếc chìa khóa vặn trong ổ khóa, chiếc giường sẽ bắt đầu kẽo kẹt.

2. Tôi chưa bao giờ gặp cha tôi. Vào lúc tôi đủ lớn để nhận ra và phân biệt mặt người thì cha tôi đã biến mất để đến nơi nào đó dành cho những người chồng lêu lổng và những người cha phiêu bạt. Ông đã bỏ đi và mẹ tôi đã quét sạch ông ra khỏi đầu bà.

Bà không bao giờ nói về ông. Bà không giữ hình, không giữ gì hết để khỏi nhớ tới ông. Tôi là vật nhắc nhở duy nhất rằng đã từng có một người đàn ông như thế trong đời bà. Những người nói rằng sự xa vắng làm cho trái tim yêu thương hơn là vì họ không bao giờ biết đến loại xa vắng mà tôi đã biết. Đó là sự xa vắng tuyệt đối. Tôi không biết gì về cha tôi. Tôi không biết được là cái giường có kêu kẽo kẹt khi ông vào với mẹ tôi không.

***

Chúng tôi sống ở khu nhà số 56 trong khá nhiều năm đến nỗi tôi đã xem đó là nhà ngay cả sau khi chúng tôi dọn đi, vì mẹ tôi không chịu đựng nổi những kỷ niệm tấn công bà, tôi đã xem những nơi khác mà chúng tôi đã sống là những chỗ ở lạ. Tôi cảm thấy và tiếp tục cảm thấy mình giống như một người nước ngoài ở một nước ngoài: tôi là cái rễ con tìm kiếm khối đất cội rễ của chính mình.

Số 56 thì lớn và giống mọi khu nhà khác có khá nhiều chuyện để rỉ tai truyền miệng. Chúng tôi sống ở phía trước, trong một căn hộ hai phòng. Một dãy những căn hộ nối sau hộ chúng tôi như một cái đuôi.

Mọi người xem chúng tôi; Meze, mẹ tôi và tôi là những người giàu. Chúng tôi có một cái nhà xe để đậu xe nếu chúng tôi mua xe. Chúng tôi là những người không hề bỏ học vì không trả được học phí và là những người luôn có đèn trong khi nhiều người khác thì không vì họ không trả nổi hóa đơn tiền điện đúng hạn.

Hàng xóm của chúng tôi cho rằng chúng tôi có cuộc sống hoàn hảo chẳng thiếu thốn gì. Họ biết sự thật có một bộ mặt khác nhưng cuộc sống cực khổ quá sức chịu đựng của họ làm họ mờ mắt trước sự thật khác đó. Thế là để giải thích và chịu đựng gánh nặng thiếu thốn của họ, họ đã bịa ra câu chuyện như một cách làm họ khuây khỏa những gì làm khổ họ.

Nhưng đó là một thực tế mong manh. Thực tế đó sẽ vỡ ngay khi chúng tôi sống xa rời họ hay bắt chước sống như những người thuộc cái thế giới mà họ nói chúng tôi thuộc về nó.

Lưỡi họ như những thanh kiếm khi tuốt ra khỏi vỏ sẽ trừng trị chúng tôi bằng những lời nói độc địa để lại những vết sẹo bền. Sự tức giận của họ, giống như sự tức giận của Jehovah dành cho kẻ thù của người Do thái, cháy lên chống lại chúng tôi theo từng giai đoạn thời gian bởi vì ngay trong sự tôn trọng của họ là nỗi sợ hãi đặc biệt của tất cả những người nghèo, cái cảm giác sợ hãi làm cho người ta cảm thấy như trần truồng vì không có gì cả.

Một hôm vợ một người hàng xóm đã rút thanh gươm lưỡi ra khỏi vỏ và nói với mẹ tôi những chuyện làm bà hoảng sợ. Con của bà ấy đã bị bệnh vào một thời điểm xấu (có thời điểm nào tốt để mắc bệnh đâu). Đó là lúc các bác sĩ đình công, nghĩa là các bệnh viện công đóng cửa.

Phòng xét nghiệm y khoa cho biết đó là bệnh thương hàn và các bác sĩ ở bệnh viện tư đòi ứng trước hai ngàn naira(2). Lúc ấy là buổi tối, bà ấy lao từ bệnh viện về và cánh cửa đầu tiên bà gõ là cửa nhà tôi.

“Mẹ cháu có nhà không?”, bà hỏi.

“Mẹ cháu ở cửa hàng chưa về”, tôi nói và thấy bà thở dài, một làn hơi hắt ra như thể trút hết sức sống từ nơi bà.

“Bà sao vậy?”, tôi hỏi khi thấy dòng nước mắt của bà trào ra chảy xuống mặt. “Đừng lo lắng”, bà nói và quay đi.

Vào lúc mẹ tôi về nhà, chuyến đi quanh khu nhà mười bốn hộ của bà hàng xóm chỉ vét được năm trăm hai mươi bốn naira. Bà còn cần thêm nữa để con bà có thể sống.

Lúc ấy mẹ tôi về nhà với các thứ hàng hóa và thức ăn. Lời khẩn khoản của bà ấy hết sức thống thiết và khi mẹ tôi nói bà không có tiền, đôi mắt bà ấy đã đỏ ngầu như hai cục than hồng trong lò thợ rèn.

“Con tôi nằm chờ bệnh viện. Nếu tôi không có tiền thì nó sẽ chết. Xin làm ơn giúp tôi”.

“Bà Chisco à, tôi giờ không có tiền, tôi vừa mua hàng hết cả. Tôi chỉ còn hai trăm naira”. Mẹ tôi giải thích nhưng lời nói của bà chỉ như quạt bừng lò than tuyệt vọng của người hàng xóm.

“Làm ơn giúp tôi mà, bà Andrew. Ơn Chúa lòng lành xin bà giúp cho con tôi”. Người đàn bà khóc.

“Tôi không thể. Tôi không còn tiền, thật đấy”.

Lúc ấy bà Chisco thay đổi thái độ. Bà bước lùi lại. Bà trố mắt rồi uốn lưỡi nói những lời như những mũi tên bắn vào tim tôi và gần như giết chết mẹ tôi. Đó là những lời của Damian ở sân trường. Đó là những lời khinh miệt cô đọng đáng ghét. Nhưng những lời cuối cùng của bà đã đem lại cả cục tiền.

“Được rồi, cho tôi hỏi bà một câu, bà sẽ làm gì với người đàn ông mà bà đã ngủ, nếu vợ ổng đến đây đánh ghen, hả bà Andy? Con tôi sẽ chết mà bà không muốn giúp tôi, hả. Sao vậy chớ?”. Người đàn bà rên rĩ và ngồi sụp xuống nền đất.

Mẹ tôi nhìn tôi. Mắt chúng tôi nhìn nhau và tôi thấy được nỗi sợ hãi, thất vọng và xấu hổ trong mắt bà. Rồi không nói một lời bà bỏ đi ra khỏi khu nhà. Bà đi không đầy mười phút và khi trở về bà đưa cho người đàn bà một tập tiền, năm ngàn naira tất cả.

Con trai của bà ấy sống nhưng bà ấy đã không bao giờ tha thứ cho chính mình. Họ mất sáu tháng để kiếm tiền nhưng mẹ tôi từ chối nhận lại và trong nhiều năm cho tới khi chúng tôi rời đi họ đã cho tôi tiền, những khoản tiền lẻ nhỏ, vào những thời điểm thích hợp. Không phải họ trở nên giàu, họ chỉ muốn chuộc lỗi.

Và chính là từ họ mà tôi biết điều đó, đôi khi, những lời nói cay nghiệt mà chúng ta giáng cho người khác có thể làm chúng ta mang sẹo suốt đời.

3. Mẹ tôi hẳn đã sẽ vui hơn nếu bà là quả phụ. Nhưng là một người đàn bà có chồng, người chồng không có mặt, bà có vẻ giống với một con dơi chói lòa vì ánh nắng hơn.

Khi người ta mười lăm tuổi đang ở độ mạnh mẽ nhất của tuổi dậy thì, thì hình ảnh người mẹ lõa lồ không phải là điều tốt nhất để lưu giữ. Vì vậy, khi mẹ tôi lõa lồ chạy ra khỏi phòng và dùng hết sức lực hét to lên tôi đã cảm thấy một sự khó chịu làm tôi mắc cỡ khi tôi nhớ lại.

Tôi tìm cho bà một tấm chăn quấn mình rồi Meze và tôi nhón chân vào phòng bà. Chú John nằm phơi tấm thân đồ sộ của ông trên giường. Ông trần truồng và vẫn còn cái condom bọc lấy con giống như một tấm vải liệm. Meze đã đắp chăn che cho ông trong khi tôi đứng đó và khóc.

Và hôm nay, nhiều năm đã trôi qua khi tôi nhớ lại cảnh đó tôi chỉ nhớ hai điều - cái giống vẫn còn trong condom của ông và ý nghĩ đến với tôi trước cả nỗi buồn là cái giống của ông trông thật sự nhỏ.

***

Chúng tôi rời khu nhà số 56 chẳng bao lâu sau đó.

Có quá nhiều nụ cười thầm khoái trá khi chúng tôi đi ngang qua và nhiều đôi mắt đột ngột làm ngơ ngoảnh nhìn đi nơi khác. Và rồi vợ chú John đến gặp người đàn bà đã ngủ với chồng của bà ấy tới chết. “Mẹ mày đâu?”, bà ấy hỏi.

“Mẹ không có nhà”.

“Nè, mẹ mày là con điếm đã giết chết chồng tao phải không?” bà ta hỏi trước khi tôi đóng cửa nhà và hàng xóm tụ tập lại.

Chúng tôi đã rời khỏi khu 56 chẳng bao lâu sau đó.

***

Ngày nay, Meze đã lập gia đình và mẹ tôi đã chết. Khi cái giường của bà thôi kẽo kẹt, trái tim của bà cũng đập chậm dần.

Tôi không lập gia đình nhưng mỗi tuần một lần tôi đến thăm một bà quả phụ và cư xử như một người cha đối với đứa con trai duy nhất của bà.

Tôi để râu rậm, tôi nuôi bụng lớn và xách một cái cặp to, cũ để tưởng nhớ người cha duy nhất mà tôi đã biết

(1) Toni Kan Onwordi có bằng Cử nhân và Thạc sĩ Văn chương của Trường Đại học Jos và Lagos (Nigeria). Tác phẩm của ông đã in nhiều trên các báo nổi tiếng ở Nigeria, nhiều bài thơ có trong tuyển tập “25 nhà thơ mới người Nigeria”; và nhiều truyện ngắn của ông được đăng trong các tuyển tập “We-Men/ Đàn ông chúng tôi”, “Little drops/ Những giọt nhỏ” và “Diamond and Ashes/ Kim cương và tro”. Toni Kan Onwordi cũng đã đạt các giải thưởng về thơ và truyện ngắn.

(2) Naira: tiền tệ Nigeria.

Võ Hoàng Minh (dịch)

Truyện ngắn. Toni Kan Onwordi(1) (Nigeria)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xổ số

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm truyện cực ngắn Murakami Haruki

Văn học nước ngoài 4 tuần trước

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ngày mà Alfred tự tìm kiếm mình trên Google

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Ông bà nội tôi

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Bertha

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Truyện kể trong ngày của mẹ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước