Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
12:09 (GMT +7)

Những con sói trở về

Truyện ngắn. Hans Bender (Đức)

Từ cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, ngôi làng có tên là Krasno Scheri. Nó nằm cách thành phố gần nhất trong những khu rừng rộng lớn bị một con đường cắt ngang qua từ Tây sang Đông năm mươi dặm Nga (1).

Già làng Krasno Scheri đón bảy tù binh ra khỏi nhà kho của thành phố. Ông ấy đi trong một cái xe ngựa hai bánh với một con ngựa đầm đìa mồ hôi kéo chiếc xe. Bao lương thực đựng đầy bánh mỳ, muối, bột ngô, hành và cá khô của các tù binh nằm ở trong thùng xe đằng sau ghế ngồi. Các tù binh đi bên phải và bên trái trên dải giữa hai bánh xe và rìa của cánh đồng ở hai bên đường. Khi con đường chạy vào khu rừng đầu tiên thì già làng xuống xe. Ông buộc dây cương vào lưng ghế và đi đằng sau các tù binh. Họ đi theo tốc độ bước đi của con ngựa. Tất cả các tù binh đi thong thả. Họ cúi đầu, chỉ một người ngẩng cao đầu, quay đầu nhìn chỗ này chỗ khác một cách hiếu kỳ, ngờ vực. Ta có một khẩu súng, già làng nghĩ. Họ không có súng. Tuy rằng khẩu súng của ta không… Người tù binh ngẩng cao đầu đứng lại. Anh ta để cho ba người đi sau mình đi lên trước, cho đến khi già làng đi ngang hàng với anh ta. "Chào ông", người tù binh nói. Từ Chiến tranh thế giới lần thứ nhất già làng đã không còn gặp người Đức nữa. Những người Đức này khác so với những người Đức thủa ấy. Ông thấy người tù binh này còn trẻ. Anh ta có đôi mắt màu xanh nước biển. "Có chó sói trong rừng không, thưa ông?" người tù binh hỏi. "Chó sói ư?" già làng ngẫm nghĩ câu hỏi. Vâng, đó là một câu hỏi bình thường. "Chó sói ư? Nơi đây đã có chó sói, bây giờ tại vùng chúng tôi sống không còn chó sói nữa. Các anh đã đuổi chúng đi bằng cuộc chiến của mình. Những con sói đã chạy sang Xibêri. Trước đây khu rừng vang vọng tiếng chó sói tru lên, và không ai dám đi đường này một mình vào mùa đông. Tôi đã nhìn thấy những con sói cuối cùng trong mùa đông đầu tiên của cuộc chiến khi những tiếng đại bác từ thành phố Wyschni Wolotschok (2) vọng tới". "Chiến tranh đã trôi qua năm tháng”, người tù binh nói, "Những con sói đã có thể trở về từ lâu rồi". "Chúng nên ở lại nơi chúng đang ở", già làng nói, "Tại Xibêri. Xibêri, chúng thuộc về nơi đó.".

Các tù binh và già làng đi qua những cánh rừng đến chiều tối. Thỉnh thoảng những cánh rừng bị đứt quãng, một đồng cỏ nằm ở khoảng giữa đó, một dải đất bỏ hoang với những bụi rậm khô héo, sau đó rừng lại bắt đầu, một cánh rừng lộn xộn, hỗn độn với những cây thấp, cằn cỗi và tầng cây thấp mọc um tùm.

Ở làng Krasno Scheri mọi người bước ra khỏi những ngôi nhà và đứng ra trước cửa nhà trong bóng tối. Già làng phân chia các tù binh. Ông đưa đến mỗi nhà một tù binh, và ông mang theo người tù binh trẻ đã hỏi về những con sói và có thể nói được tiếng Nga về nhà mình. Một cái đèn dầu ở trên bàn. Ngồi trong ánh sáng của nó là một cậu thiếu niên và một cô bé, những người đang mở to mắt nhìn ra cửa, nơi người tù binh đang đợi ở ngưỡng cửa.

Một người phụ nữ đi ra khỏi cửa buồng, bà ấy là vợ của già làng. "Cậu ta tên là Maxim", già làng nói trong khi cởi áo khoác lông thú. Người tù binh đi đến chỗ bọn trẻ đang ngồi ở bàn. Những quyển sách đã được mở ra đang nằm trước mặt chúng với những chữ cái được viết bằng tay và những bức tranh in lõm. "Hai em tên là gì vậy?" người tù binh hỏi. Cậu thiếu niên đứng phắt dậy và phẩy tay vào quyển sách lướt trên mặt bàn để nó rơi xuống đất. Cậu đi vào góc phòng và đứng quay lưng vào người tù binh. Cô bé ngước nhìn lên và mỉm cười.

"Em tên là gì?". "Julia", cô bé nói. "Julia, một cái tên đẹp", người tù binh nói. "Anh ấy tên là Nikolaj", cô bé tiếp chuyện. Vợ già làng đặt bánh mỳ lên bàn và để hai bát tô đầy súp vào bên cạnh. Già làng ngồi vào bàn, sau đó đến lượt người tù binh. Họ múc súp bằng thìa, thổi cho bớt nóng và ăn. Vợ già làng đứng yên ở trước lò nấu và thỉnh thoảng nói chút ít về công việc, về món ăn, về những người hàng xóm và về thời tiết. Cậu thiếu niên trở lại bàn. Cậu nhặt quyển sách lên, ngồi vào góc bàn và bắt đầu đọc khe khẽ thành tiếng: "Vladimir Ilyich Lenin, người cha kính yêu của tất cả trẻ em, muôn năm! Iosif Vissarionovich Stalin, người cha thân yêu của những thiếu niên, muôn năm!" Dải giấy bạc màu vàng bao quanh Chúa Ba Ngôi chiếu sáng trên đầu cậu.

Vào buổi sáng các tù binh, các nông trang viên và các cô gái đi ra đồng. Già làng dùng cày và ngựa cày lên những tảng đất cứng như thủy tinh. Nước ở trong những khe nứt đã đóng băng. Mặt ngoài của băng bị vỡ vụn. Những củ khoai tây đông cứng. Các cô gái và các tù binh vỗ tay vào nách, và hơi thở của họ bốc khói. Mặt trời lên cao bên trên những cánh rừng, lững lờ di chuyển trên bầu trời xanh lơ trong vắt uốn mình lại thành vòm từ phía chân trời xa tít. Những con quạ bay qua trên đó thành hình dòng chữ rời rạc, ngoằn ngoèo. Ngôi làng nằm ở giữa những cánh đồng rộng lớn được những cánh rừng bao quanh. Con đường chạy sang phía Đông cắt ngang qua một tuyến đường sắt nhỏ. Bọn trẻ đi trên đường, bé nhỏ và ở tận đằng xa, nhưng giọng nói của chúng đã vang lên gần gặn như tiếng của những chiếc tách được đặt lên một cái khay.

"Bọn trẻ đi học", vợ già làng nói với người tù binh trẻ, "Ngôi làng Rossno nằm ở đằng sau cánh rừng kia, làng Rossno lớn hơn làng Krasno Scheri". "Cả Julia và Nikolaj cũng đang đi học đấy chứ?", người tù binh hỏi. "Đúng thế, chúng cũng đang đi học", vợ già làng trả lời. Người tù binh vẫy tay. Bọn trẻ vẫy lại. Chúng vung vẩy những bọc sách. Chúng đội mũ lông và mặc áo bông, trong số chúng không nhận ra ai là Julia và ai là Nikolaj. Tất cả bọn chúng đều vẫy tay.

Khi bọn trẻ trở lại trên đường từ phía bên kia làng thì mặt trời đã khuất sau những cánh rừng của phía Tây. Một cánh đồng lớn khoai tây đã được thu hoạch, những bao và những sọt khoai được chở đi, và tất cả những người đã đi thu hoạch khoai đều đang mệt mỏi đi về với cái lưng đau nhức và khuôn mặt lạnh ngắt, họ cần được nghỉ ngơi, sưởi ấm và ăn súp nóng.

Ở nhà già làng, hai đứa trẻ lại ngồi ở bàn và trước mặt chúng là những quyển sách đã được mở ra. Julia nói: "Anh Maxim, chúng em đã nhìn thấy dấu chân sói!". "Các con đã nhìn thấy gì?", già làng hỏi. "Chúng con đã nhìn thấy dấu chân sói", Julia đáp. "Những đứa nào đã nhìn thấy dấu chân sói?". "Spridion đã nhìn thấy trước tiên, sau đó đến Katarina, sau đó đến con, rồi đến anh Nikolaj". "Tao nhìn thấy trước mày", Nikolaj nói. "Các con đã nhìn thấy dấu chân thỏ", già làng gạt đi. "Không phải đâu, những dấu chân đó to hơn", Julia khẳng định, "Những dấu chân rất sâu, to như những quả táo, và những cái móng trước bám xuống đất". "Những dấu chân đó thế nào, Nikolaj?". "Như Julia tả. To như những trái táo. Và những vết móng trên đất rất rõ". "Vô lý", già làng nói, "Lũ sói đang ở Xibêri. Chúng ta ăn tối thôi".

Trước khi cánh đồng khoai tây cuối cùng được thu hoạch thì tuyết rơi. Nếu đi thu hoạch khoai tây lưỡi cày sẽ bị kẹt cứng trong lớp đất đã bị đóng băng, và những tù binh ngồi ở nhà cùng với người nhà nhận nuôi và suy nghĩ miên man. Bọn trẻ đang ở trường. Già làng và vợ ông ngồi ở bàn. Người tù binh trẻ đứng cạnh cửa sổ và nhìn ra cánh đồng. Già làng nói: "Nếu trời cứ lạnh như thế này thì ngày mai chúng ta sẽ nấu rượu Samagonka. Cậu thấy thế nào, Maxim?". "Thế thì tuyệt". "Được rồi, ngày mai chúng ta sẽ nấu rượu Samagonka", già làng nói. "Tôi không thích uống rượu", vợ già làng bày tỏ. "Bà cũng không nên uống rượu", già làng chốt lại, "Tốt hơn hết là để cho tôi và Maxim uống".

Bỗng nhiên có một con thú gầy nhom với cái đầu to và đôi mắt xếch, giống như một con chó nhưng rõ ràng là không phải chó, đứng ở trên gò đất đằng trước cửa sổ. "Chó sói!", người tù binh hốt hoảng kêu lên. Già làng và vợ ông nhanh chóng đi lại cửa sổ. Họ còn kịp nhìn thấy con thú trước khi nó quay đi và biến mất sau những bông tuyết đang rơi xoay tròn, dày đặc.

"Đúng vậy, đó là một con sói. Chó sói trông như thế. Bọn trẻ đã nói đúng", già làng lên tiếng. "Và bọn trẻ đang trên đường từ trường về nhà!", vợ già làng thốt lên. "Chó sói đang ở đây. Và bọn trẻ sắp về đến đây rồi", già làng nói, nhưng còn hoài nghi. "Ông có súng! Tại sao chúng ta không ra ngoài xem sao?", người tù binh gợi ý. "Súng của tôi…". "Súng của ông ấy không có đạn", vợ già làng chen vào dù khiến chồng bực mình. "Một con sói không bao giờ đi một mình", vợ già làng tiếp tục lo lắng.

"Maxim, tôi không có đạn", già làng nói, "Ở thành phố người ta đã không đưa đạn cho tôi, ở kho vũ khí cũng không và ở nhà kho tôi đến đón các cậu cũng không. Tôi đã không muốn để các cậu, những tù binh, biết điều đó". "Thế thì chúng ta dùng rìu, búa, lưỡi hái hoặc gậy vậy". "Maxim, cậu không biết lũ sói. Nhưng nếu cậu muốn cùng đi ra ngoài…"

Già làng và người tù binh đi theo con đường chạy sang phía Đông, và khi họ đi đến chỗ đất cao họ nhận ra rằng họ đã không mặc áo khoác.

Già làng khó thở. Những bông tuyết bám trên lông mày, trên râu của ông. Ông đã già. "Bọn trẻ đã phải đi đến đây từ lâu", già làng lên tiếng. Ông và người tù binh đi tiếp. Bốn bề im lặng như tờ, chỉ có tiếng tuyết rơi rào rào. Từ đằng xa họ nghe thấy tiếng bọn trẻ. Già làng cất tiếng gọi: "Julia!... Nikolaj!". Người tù binh cũng gọi: "Julia!... Nikolaj!". Sau đó có tiếng bọn trẻ thưa.

Già làng và người tù binh đi nhanh hơn, ở chiều ngược lại bọn trẻ cũng đi nhanh hơn. Như những con gà bị chó sủa đuổi bọn trẻ chạy ùa vào giữa hai người đàn ông. Bọn chúng gồm mười đứa: Julia, Nikolaj, Katarina, Ludmilla, Sina, Stepan, Anlexander, Ivan, Nikata và Spridion, đội mũ lông và mặc áo bông, tay lạnh cóng xách những bọc sách. Bọn trẻ thi nhau nói về những con sói chúng đã nhìn thấy ở trong rừng, về những cành cây bị gãy do tuyết rơi dày, về tiếng tru của chó sói và rất nhiều dấu chân sói trên tuyết mới rơi.

Trong khi già làng, người tù binh và bọn trẻ đứng trên đường nói chuyện thì những con sói đi đến gần chỗ họ. Trước tiên họ nhìn thấy những đôi mắt của chúng, những ánh mắt nguy hiểm, lờ mờ trong màn tuyết rơi. Chúng nghển cổ, dỏng tai lên nghe ngóng, lông chúng dựng đứng thành vành quanh cổ, trên mình chúng là những bộ lông bờm xờm màu xám cùng với những cái đuôi lông xù. Chúng phóng vút ra từ tầng cây thấp băng qua các cánh đồng về phía Bắc của con đường. Bọn trẻ kêu thất thanh và ôm chặt lấy lưng của hai người đàn ông. Già làng giơ rìu lên và người tù binh cũng giơ lưỡi hái lên. Thần kinh họ căng như dây đàn, trong đầu họ chỉ còn một ý nghĩ là phải bảo vệ lũ trẻ.

Những con sói chạy dọc theo con đường, ngang qua chỗ mọi người đứng, chúng chạy thành đàn im lặng, nhấp nhô, hàng nọ sau hàng kia, san sát bên nhau, trên những cái chân cao. Chắc chắn đằng sau bầy sói kia còn có những bầy sói khác, những bầy sói không nhìn thấy được trong cơn lốc tuyết, hàng trăm bầy, hàng ngàn bầy. Nhiều con sói chạy ngang qua rất gần nên mọi người có thể nhìn thấy những cái xương sườn, những khúc xương, những bó cơ, những gân dây chằng bên dưới lớp da ghẻ lở và những cái lưỡi đỏ của chúng thè dài ra khỏi mõm. Nếu lũ sói có gầm gừ hoặc sủa thì cũng không khủng khiếp như sự di chuyển ngang qua lặng lẽ tựa những bóng ma của những con sói này. Cái đói đang thúc ép chúng di chuyển, làm chúng hoa mắt không nhận ra con mồi mặc dù chúng đã loáng thoáng đánh hơi thấy.

Những toán lính Đức đã rút về các thành phố của người Nga cũng như thế, họ đi xuyên qua bức tường của sự im lặng, của sự khinh bỉ, của sự căm thù. Những người dân thành phố lẩn tránh họ, tắt đèn, nín thở, nhắm mắt lại và cảm thấy tim mình đập thình thịch, còn những người lính Đức thì có thể nhận ra điều đó qua việc phá cửa và bắn vu vơ vào nhà.

Bóng tối dày đặc lên, bầy sói vẫn không dừng lại. Chúng đã chạy ngang qua đây bao lâu? Mấy tiếng đồng hồ. Tất cả các con sói của vùng Xibêri. Sau đó những con sói cuối cùng chạy qua. Chúng chạy nước kiệu theo sau những bầy sói ở đằng trước, chúng là những con ốm yếu, gầy nhom và những con sói con, chúng phải cố gắng lắm mới nhấc nổi chân.

Màn đêm đã bao trùm già làng, người tù binh và bọn trẻ. Mấy tiếng đồng hồ họ gần như đứng im, họ không dám rời nhau ra, không dám cử động, không dám nói. Già làng là người đầu tiên lên tiếng. Ông nói: "Những con sói đang trở về. Chúng đánh hơi thấy hòa bình".

1. Một dặm Nga bằng 1, 0668 km.

2. Một thành phố của Nga.

Phạm Đức Hùng  (Dịch từ nguyên bản tiếng Đức)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 2 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước