Những chuyến tàu đêm
VNTN- Khi tôi lớn lên, ga Lưu Xá đã có từ rất lâu rồi. Hình ảnh nhà ga cùng những chuyến tàu chỉ hằn sâu trong ký ức khi tôi đã là một cô bé tám tuổi.
Khu tập thể Nhà máy Bê tông Lưu Xá, nơi gia đình tôi sinh sống nằm ngay gần Ga. Vào những năm cuối thập kỷ 70 thế kỷ trước cả nước sống trong đói nghèo. Gia đình nào cũng phải bươn chải kiếm ăn. Khu tập thể của chúng tôi coi việc bán hàng rong trên ga tàu là nghề phụ để mưu sinh. Tất cả những gì có thể ăn no bụng đều có thể nấu chín và mang ra ga để bán kiếm chút lời.
Khi đó tôi mới 8 tuổi, cũng lẽo đẽo xách một chiếc ấm, hai chiếc cốc cùng lũ bạn theo các anh chị, cô bác ra ga bán nước.
Cứ mỗi buổi chiều, sau khi nấu cơm xong là tôi đun một ấm nước, khi thì nước chè xanh, khi thì nước vối.
Chúng tôi thường lấy vỏ lon sữa, dùng một đoạn dây thép xiên hai bên, bỏ chiếc đèn dầu Hoa Kỳ vào trong, lấy một tờ giấy cuộn tròn phía trên để gió khỏi tắt. Đó là những ngọn đèn lũ trẻ chúng tôi mang đi bán đêm trên ga, trên mỗi chuyến tàu. Đêm sân ga dù quạnh hiu, tối tăm đến mấy nhưng nhờ những ngọn đèn tuổi thơ ấy của chúng tôi mà vẫn lấp lánh như những vì sao.
Cứ sau bữa cơm chiều, chẳng ai bảo ai, mọi người rồng rắn gọi nhau ra ga. Thường 7 giờ 30 tối đoàn tàu khách Hà Nội - Quan Triều lên tới ga Lưu Xá. Mỗi đoàn tàu có khoảng 7 đến 8 toa. Ngày ấy, mỗi toa bố trí hai dãy ghế gỗ dọc hai bên phía cửa sổ, chừa ở giữa một lối đi khá rộng nên rất thuận tiện cho việc bán hàng rong.
“Ai…nước chè xanh lóng đây ...! Ai…lước lụ vối lóng đây....! Ai sắn luộc khoai lang luộc lào...! Ai thuốc lào thuốc lá đ…ơi…ơi…!...”. Đó là những âm thanh mà tới mấy chục năm sau vẫn còn vang vọng trong tâm khảm lũ chúng tôi, những đứa trẻ gầy gò, nhếch nhác, một tay xách lệnh sườn ấm nước, một tay cầm mấy chiếc cốc đi dọc các đoàn tàu trên cái sân ga xép năm xưa.
Những chuyến tàu năm ấy đủ các loại hành khách. Cán bộ, công nhân, nông dân, sinh viên. Những người buôn chuyến thì đông vô kể. Gạo ngô, khoai, sắn, lợn, gà, vịt… chất đầy các toa đen, sặc sụa mùi phân, mùi mồ hôi. Khoang tàu ồn ào như một cái chợ, vì thế mà có cái tên là "tàu chợ".
Bao giờ cũng vậy, khi tàu vừa đỗ cũng là lúc những tiếng rao lảnh lót đồng loạt vang lên. Theo lệ thường, cứ tới ga Lưu Xá, tàu sẽ đỗ lại 45 phút để đầu máy tiếp nước, tiếp than nên chúng tôi bán hàng rất thoải mái.
Hồi ấy, người trong khu tập thể chung tôi có một quy ước bất thành văn là người bán hết hàng trước phải đứng ở cuối ga để đợi người bán hết hàng sau. Khi tàu rời ga cũng là lúc chúng tôi cùng nhau băng qua cánh đồng về nhà. Vừa đi vừa ríu ran hỏi chuyện hàng họ. Đấy là những hôm trời nắng đắt khách. Còn vào hôm mưa, rét, ế hàng thì ỉu xìu, cả ngày hôm sau, cả nhà phải ăn đồ ế thay cơm.
Lăn lóc, nhọc nhằn trong cuộc sống mưu sinh như vậy nhưng người ở khu tập thể chúng tôi vẫn vô ưu và vui như đi hội. Nhất là vào những đêm tàu lên chậm (những năm tháng ấy, tàu chậm xảy ra như cơm bữa) thì sân ga, nói không quá, chính là thiên đường của lũ trẻ chúng tôi.
Xếp ấm nước vào chân cột đèn cao áp nhờ người lớn trông hộ, chúng tôi chơi đủ thứ trò. Nào là cướp cờ, nhảy ngựa, chơi âm, nhảy dây.... và vui nhất là trò bịt mắt trốn tìm. Khoảng 9 giờ tối, nếu tàu vẫn chưa lên, đứa nào đứa ấy mệt phờ phạc, mồ hôi đẫm lưng, leo lên nóc căng - tin nhà ga tranh thủ đánh một giấc tới tận lúc có kẻng thông báo tàu lên.
Mùa đông thường không náo nhiệt như mùa hè. Chúng tôi gom những cành xà cừ khô, nhóm thành những đống lửa nhỏ rồi ngồi quây quần quanh đống lửa nghe người lớn kể chuyện.
Tôi nhớ nhất một câu chuyện do các bác kể lại. Đó là một sự kiện lịch sử về 60 đội viên thanh niên xung phong của Đại đội 915 đã hi sinh anh dũng khi làm nhiệm vụ bốc dỡ, vận chuyển hàng quân sự cho tiền tuyến và bị trúng bom B52 rải thảm đêm Noen năm 1972 chính tại khu vực ga Lưu Xá. Tôi vẫn chưa quên được cảnh tượng, khi ngồi nghe kể về chuyện này, đứa nào đứa ấy đờ đẫn, lặng người nhìn sang bãi gang phía bên kia ga, nơi những toa tàu hàng và những đường ray vẫn nằm cạnh vô vàn những hố bom nhấp nhô, mà tưởng tượng mà đau đớn, căm thù.
Ngày ấy, có một người có sức hút nhất với bọn trẻ con chúng tôi là chú Nam bán thuốc lá. Chú là thương binh cụt một chân. Chú có cả một kho truyện, đặc biệt là những trận đánh trên chiến trường Miền Nam mà chú đã trải qua. Thi thoảng chú đọc thơ hoặc ca vài câu vọng cổ. Vui lên, chú còn kể về mối tình của chú với cô thanh niên xung phong. Lũ trẻ chúng tôi cứ tròn mắt mà nuốt lấy từng lời. Hóa ra, chính trong những tháng ngày lăn lộn mưu sinh ấy, chúng tôi vô tình đã được trau dồi biết bao kiến thức ở đời, được mở rộng tầm mắt.
Với lũ trẻ chúng tôi còn có một ký ức không thể mờ phai, đó là những chuyến tàu dành riêng chở bộ đội đi chiến đấu khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Những chuyến tàu như vậy nhà ga gọi là “Tàu Quân Sự”.
Những hôm được thông báo "hôm nay có chuyến Tàu Quân Sự" thì bọn trẻ chúng tôi háo hức mong chờ từng giây từng phút. Vào những hôm đó, bán hàng không được trả bằng tiền mà bằng đủ mọi thứ, nhiều nhất là bánh mì và lương khô. Lũ trẻ con chúng tôi rất vui khi được các chú tân binh cho quà. Những hôm ấy, tôi ngơ ngác không hiểu tại sao nhiều cô, bác gói những củ sắn, những nắm xôi nóng hổi vào lá chuối khô vừa khóc vừa đưa cho các chú bộ đội và không lấy tiền.
Những hôm có Tàu Quân Sự, người lớn ở khu tập thể chúng tôi ai cũng mang nhiều đồ ăn hơn và không ai mang tiền về. Ngày ấy, trong tâm hồn con trẻ, chúng tôi đâu hình dung được chiến tranh tàn khốc như thế nào. Chúng tôi đâu biết, sau những chuyến đưa tiễn người ra trận, có biết bao bà mẹ, bao người vợ đơn côi, đêm đêm đứng lặng trên sân ga ngóng về phương trời xa lắc, mắt đăm đăm tìm trong từng đoàn người xuống tàu trong một tâm trạng buồn đau, thất vọng. Người ra đi, có người trở lại, có người vĩnh viễn chẳng bao giờ về.
Chao ôi! Còn nhiều lắm, nhiều lắm những kỷ niệm buồn vui về ga Lưu Xá của chúng tôi...
Mấy năm gần đây, do sự gấp gáp của kinh tế thị trường, và nhất là trong dịch bệnh, giao thông đường sắt gần như ngừng hoạt động. Nhưng giờ đây, vào những ngày không bận rộn, tôi vẫn thường trở về Lưu Xá, cái nhà ga mang màu huyền thoại tuổi thơ, đứng lặng nhìn và mường tượng thấy những chuyến tàu hơi nước hoen gỉ nhẹ nhàng lướt trên sân ga xưa trong một tâm trạng đầy bồi hồi, thương nhớ.
Với tôi, ga Lưu Xá cùng những chuyến tàu đã trở thành một miền tâm tưởng, một địa danh vĩnh viễn không thể phai nhòa trong ký ức tuổi hoa niên.
Võ Thị Thu Hằng (Phú Xá - Thái Nguyên)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...