Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
22:11 (GMT +7)

Nhớ mãi thời sinh viên

VNTN- “Kỷ niệm chẳng là gì/ Nếu thời gian vội xóa/ Nhưng sẽ là tất cả/ Nếu lòng người còn ghi”. Tôi không nhớ câu thơ trên do ai viết nhưng từ hồi còn là sinh viên, tôi đã được nghe và cẩn thận ghi vào cuốn nhật ký của mình. Mở trang nhật ký nhuốm màu thời gian, bao ký ức tươi vui thời sinh viên lại chầm chậm ùa về.

Tác giả (thứ 4, hàng sau từ phải qua) và những người bạn trong lớp

thời sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên (năm 2004)

Tốt nghiệp THPT năm 2003, tôi đăng ký nguyện vọng và trúng tuyển vào Khoa Cao đẳng trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên (khóa chúng tôi học K38 là khóa cuối cùng Khoa mang tên Cao đẳng, khóa sau, khoa mang tên Giáo dục Trung học cơ sở). Thật ra, lúc đó, mặc dù là người Thái Nguyên nhưng trong tôi, thành phố Thái Nguyên hoa lệ vẫn là cái gì đó xa xôi lắm. Vì tôi là tân sinh viên đến từ huyện thuần nông Phú Bình, ít có dịp được lên thành phố. Mặc dù vậy, ngày đầu nhập học, tôi vẫn mạnh dạn đạp xe đạp Thống Nhất lên trường. Nhập học xong khá muộn nên khi đăng ký trọ thì ký túc không còn phòng trống nào. Tôi và một người bạn trong lớp đã rủ nhau ra ngoài trọ.

Hồi đấy, các nhà trọ đông vui, nhộn nhịp lắm không như bây giờ. Đi lòng vòng quanh các khu nhà trọ, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được phòng ở phường Hoàng Văn Thụ. Dãy nhà trọ khá đơn sơ, với 7 phòng. Chúng tôi ở phòng ngoài cùng, giáp với đường đi. Từ khu trọ ra trường khoảng 200m nên chúng tôi thường đi bộ đi học. Những tháng ngày sinh viên bắt đầu với chúng tôi êm đềm như thế. Những dãy nhà mọc sát nhau. Nhà nào cũng tận dụng xây phòng trọ. Sinh viên đông, hàng quán theo đó cũng chen chúc nhau mở ra.

Khu nhà trọ nơi tôi thuê mọi người đến từ nhiều quê khác nhau, học các lớp khác nhau. Tôi vẫn nhớ như in có chị Trang người Quảng Ninh lúc ấy đã lấy chồng học khoa Giáo dục Chính trị; chị Yến, Ngọc Anh quê Bắc Ninh học khoa Ngoại Ngữ; chị Chi người Phú Thọ học khoa Giáo dục Tiểu học... Mọi người sống chan hòa, đầm ấm như anh em trong nhà vậy.

Chúng tôi trọ dãy ngoài cùng nên hứng trọn cái nắng gắt mùa hè, đón trọn những luồng gió rét mùa đông. Có những chiều ngày hè, đi học về, chúng tôi ra sức lấy nước dội vào bờ tường cho phòng bớt nóng. Mùa đông thì tìm mọi cách để bịt kín cửa cho ấm.  

Quãng thời sinh viên cứ bình lặng trôi đi qua như thế. Những kỷ niệm cứ ăm ắp ùa về mỗi khi tôi có dịp đi qua khu trọ ngày xưa. Không hiểu sao mỗi khi thời tiết giao mùa, chuyển từ mùa thu sang đông, cái không khí se se lạnh, với hình ảnh lá vàng rơi rụng xào xạc trên đường là tôi lại nhớ về tháng ngày sinh viên đến thế. Con ngõ 51 đường Lương Ngọc Quyến nhỏ hẹp tôi đi lại không biết bao nhiêu lần thời sinh viên, để bây giờ bước chân qua lại bồi hồi biết bao. Những kỷ niệm thời sinh viên của tôi gói trọn trong những nỗi nhớ…

Nhớ những đêm mùa đông, ngồi học trong phòng đến nửa đêm chợt choàng tỉnh bởi tiếng rao bánh khúc, bánh mỳ nóng, khoai lang nướng… cả bọn lại xúm xụm vào ngồi ăn mà thấy thơm ngon đến tận bây giờ mỗi khi nghĩ lại…

Nhớ những buổi chiều muộn, mấy thằng trong xóm trọ lại lấy bóng ra chuyền cho nhau. Một lần, không may, chúng tôi sút bóng vào chị hàng xóm đang sắp đến ngày sinh đẻ. Mấy thằng sợ xanh mắt, gọi ô tô đưa chị vào viện sinh em bé. Bây giờ em bé ấy chắc cũng đã vào lớp 10 rồi.

Tôi nhớ những tháng ngày cùng nhau sang trường Bưu điện Miền núi chơi (Trường giáp khu chúng tôi trọ). Đó là một ngôi trường xanh sạch đẹp, hiện đại bậc nhất tỉnh Thái Nguyên hồi bấy giờ. Chúng tôi vẫn hay xin bác bảo vệ cho vào bên trong trường đi bộ, ngắm cảnh và thả mình bên những hàng cây, khuôn viên sạch bóng. Bây giờ thì ngôi trường ấy đã là trụ sở một cơ quan khác.

Nhớ cả những lần xóm trọ bên cạnh có bạn đốt nến để học rồi ngủ quên khiến lửa bén bàn gỗ cháy lên mái nhà. Cả khu phố nửa đêm lục tục dậy dập lửa.

Tôi nhớ đến những người thầy, người cô nhiệt huyết truyền dạy tri thức cho chúng tôi. Đó là các thầy Nguyễn Đức Hạnh, thầy Trần Văn Loa, cô Tích, cô En, cô Khuyên, cô My, cô Vân,… Các thầy, các cô giờ hầu như đều đã nghỉ hưu nhưng mỗi lần gặp lại chúng tôi lại như được trở về thời sinh viên sôi nổi ngày xưa.

Nhớ bạn bè tôi trong lớp Văn Sử B K38 thân yêu. Lớp chúng tôi các bạn đến từ rất nhiều tỉnh khác nhau. Từ Thanh Hóa, Nghệ An đến các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc đủ cả… đếm sơ sơ cũng phải gần 20 tỉnh thành. Cả lớp chỉ có 9 bạn nam và gần 60 bạn nữ. Bây giờ mỗi người một nơi, một công việc, muốn gặp nhau cũng thật khó.

Tôi nhớ, mỗi buổi trưa thứ Năm hàng tuần lại đạp chiếc xe Thống Nhất ra bưu điện Mỏ Bạch để đọc báo Thái Nguyên Cuối tuần. Để rồi mừng rỡ khi thấy một truyện ngắn hay bài thơ nho nhỏ được đăng trên báo. Không hiểu sao niềm vui có bài đăng trên báo hồi đó lại có tác động mạnh đến cảm xúc đến thế. Có những buổi ra bưu điện muộn, họ đóng cửa, một mình lại đạp xe đến tận tòa soạn Báo Thái Nguyên tại số 10 đường Nha Trang. Hồi ấy, tôi không dám vào bên trong tòa soạn vì ngại mà chỉ xem báo qua tấm lưới sắt ở bản tin ngoài cổng. Ngày nào bác bảo vệ cũng dán số báo mới nhất trên đó. Những buổi có bài thì vui hết nấc, còn những buổi không có lại lặng lẽ đi về phòng trọ. Và khi biết đến báo Văn nghệ Thái Nguyên (nay là Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên), tôi lại có thêm địa chỉ gửi bài. Tôi nhớ mãi bài thơ được đăng báo Văn Nghệ thái Nguyên, nhuận bút được 70 nghìn đồng. Hồi đó, 70 nghìn đồng với sinh viên chúng tôi to lắm, về khao cả xóm trọ. Từ đó, xóm trọ đặt cho tôi biệt danh nhà thơ Mèo… 

Tác giả (ngoài cùng bên trái) trở lại trường sau gần 20 năm xa cách

Cuộc sống ngoài kia vẫn trôi qua vội vã, nhưng quả thực khi quay lại ngôi trường gắn bó 3 năm học (từ 2003 đến 2006) mới thấy mình đã trưởng thành và cuộc sống đã khác. Tôi ghé vào một quán ăn, chị Lệ, chủ quán ăn vẫn nhận ra tôi dù gần 20 năm không gặp. Trò chuyện vài câu, chị bảo: Cả khu này còn mỗi chị giữ lại quán ăn, phục vụ công nhân là chủ yếu, sinh viên giờ ít lắm, các khu nhà trọ đóng cửa cả.

Chia tay chị Lệ và xóm trọ, tôi có một cảm giác buồn man mác. Quả thực cuộc sống muôn màu, hôm nay thế nhưng mai kia đã có thể khác xa rồi. Chỉ những ký ức trong veo ngày xưa là vẫn cựa quậy trong lòng ta và như một ngọn lửa chỉ khơi nhẹ là bùng cháy. Tôi lang thang đi tìm tôi của ngày xưa, những người bạn, tìm lại mối tình đầu để rơi nơi đây, không biết giờ người ấy ở nơi nào?

Mỗi lần nhớ về thời sinh viên là một lần tôi trở về với tuổi thanh xuân của mình để thêm quý, thêm yêu con người và mảnh đất thành phố Thái Nguyên tươi đẹp ấy.

Dương Văn Mưu

Phú Bình, Thái Nguyên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xóm Đồi yêu dấu

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Vó Ngựa, mảnh đất tôi yêu

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Cầu Huy Ngạc trong tôi

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Đồi Dung

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Chã - nơi ấy có mẹ chồng tôi

Xem tin nổi bật 8 tháng trước

“Người Gang Thép!”

Xem tin nổi bật 9 tháng trước