Nhớ mãi khôn nguôi
VNTN- Tôi dậy sớm, vươn vai hít thở không khí trong lành, nhìn con cún và cái ngọn cây tre cao vút mà tự bật cười...
Vùng chè La Bằng (Đại Từ) theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: V.T
Sáu năm về trước, ông trưởng họ đến nhà tôi chơi và động viên: Họ ta có cụ Vũ Thế Nhân năm nay được 85 tuổi, thọ nhất trong các cụ ông trong họ. Bố mẹ cụ mất sớm, nhà có hai anh em trai, cả hai khỏe đẹp và tiến bộ. Cụ anh là du kích chống Pháp sau là công nhân giao thông, lấy vợ ở quê, buồn một nỗi là hai cụ không sinh nở lần nào. Cụ em Vũ Thế Nhân làm công nhân Gang thép, lấy vợ công nhân, họ có hai con trai nhưng hãn hữu về quê vì vợ chồng người anh đều đã qua đời. Theo quy chế, cụ được họ Vũ - Võ trung ương tặng bằng thượng thọ, chi họ Vũ làng tặng quà, dù rất nhỏ nhưng đó là lộc của tổ tiên cho những ai là con trai con dâu của dòng họ.
Lẽ thường, trưa hai mươi bảy Tết những ai được chúc thọ 60, 65, 70, 75, 80, 85, 90… sẽ tập trung ở nhà thờ cùng trưởng họ làm lễ chúc mừng thọ sau nhấm nháp cùng con cháu. Song cụ Nhân không về được, bị bệnh mấy năm rồi nên họ phải cử đoàn lên thăm cụ, trao bằng mừng thọ của dòng họ Vũ Việt Nam và quà của chi họ, chúc vợ chồng con cháu cụ ăn Tết vui vẻ, sống vui khỏe hạnh phúc và nhớ đến cội nguồn. Từ nhà đến đó chỉ non 100 km, đường đẹp không khó đi như xưa. Việc này chú giúp tôi cùng bà Lành là con cô, con cậu với cụ Nhân, bà ấy thuộc đường và đệ tử Hoan có ô tô riêng, thứ Bảy tuần này đi và Chủ nhật về, ý chú thế nào?
Tôi nhất trí ngay. Thời bộ đội, tôi đóng ở thượng Lào làm y tá ở đơn vị. Trong đơn vị toàn người Tây Bắc trong đó có người ở Định Hóa, Đại Từ, Đồng Hỷ - Thái Nguyên, nên chuyến đi này với tôi rất hào hứng và hy vọng. Chuyến đi thuận lợi vì cô Lành hoa tiêu rất chuẩn. Điều đầu tiên tôi có cảm giác so với Bắc Ninh, Thái Nguyên rất có lợi thế về đất đai. Thái Nguyên cách Hà Nội không xa và là một trong sáu tỉnh vành đai quanh Thủ đô.
Gia đình cụ Nhân sống ở thị trấn nhưng sâu trong ngõ có khuôn viên khá rộng và đẹp, ô tô có thể vào tận sân. Dẫu có điện báo trước nhưng người thân gặp nhau vô cùng cảm động. Cụ Nhân run rẩy ôm chúng tôi khóc như mưa. Được biết cách đây mấy năm cụ bị đột quỵ, cứu được thì di chứng não, ai đến chơi là khóc vì mừng. Vợ chồng cụ đều có lương hưu, hai con cụ đều làm nhà nước và đều cũng đã nghỉ hưu, gia đình ổn, bà nhà còn khỏe, rất chu đáo với chồng và con cháu.
Bữa cơm chiều thật ấm áp thân tình, đậm chất vùng cao, có nếp thập cẩm, cá suối nướng gói lá riềng, gà nhà nuôi, dê núi, rượu cần. Cụ Nhân sung sướng lắm cứ nắm tay chúng tôi, luôn miệng nói: “quý hóa quá!”. Cụ chỉ nói thế thôi rồi lại khóc, giục chúng tôi ăn thật nhiều cho vợ chồng các con cháu cụ bằng lòng. Tôi cảm giác như chính mình là cụ Nhân vì cảm động quá. Lúc ấy là tháng Mười âm, se lạnh, người thấy khỏe, ăn càng ngon, uống rượu càng vào. Cơm xong ngồi bàn trò chuyện, hai cụ hỏi rất nhiều tình hình trọng họ, trong làng, cụ bà bảo:
- Trên này ít uống chè sao, quanh năm chè tươi, không ngào ngạt nhưng thoải mái, hơn chè sao suốt.
Tôi làm hai cốc đại, ngon thật.
Cụ bố trí tôi với đệ tử một phòng, chú Hoan ngủ say quá vô tư kéo xẻ phe phe còn tôi không hiểu do lạ nhà hay do chè kích thích, không sao ngủ được. Tôi nhìn đồng hồ đã hai giờ sáng, dậy tu một cốc nước trà tươi, bật đèn điện thoại đọc tờ Văn nghệ Thái Nguyên khi chiều mua ở Thị xã Sông Công. Trong tiếng gió xạc xào, tiếng chó cún cứ rấm rách, lúc xa lúc gần như có người khiến tôi chú ý. Đêm miền quê bán sơn địa im ắng quá, chỉ có tiếng cún sủa đều đều nên tôi tắt đèn ngó qua khe cửa xem xét. Ngoài sân trăng vàng vọt rọi chiếu bao la. Ban đêm nhìn sân rất rộng, một phần ba sân đã bị bóng ngọn tre làm sẫm lại, con cún vồ cái bóng cây tre đung đưa trên sân không được thì chạy lên hiên vừa nhìn vừa cắn, nhịp cắn rời rạc và nhạt thếch. Tôi thở phào nhẹ nhõm chợt nhớ về làng quê tôi. Đất không đẻ mà người thì sinh đẻ đông đàn chỗ ở chật chội tre xanh mất bóng, làng bị phố hóa từ khi nào. Nhà cụ Nhân thuộc thị trấn nhưng vẫn còn xanh um bóng cây tre tiếng tre cọ vào nhau ken két khiến đêm càng sâu thẳm. Tôi vui quá vì phát hiện ra hiện tượng chó cắn bóng mà người ta vẫn bảo cắn hóng, người yếu vía bảo chó cắn ma là thế này đây.
Tôi dậy sớm, vươn vai hít thở không khí trong lành, nhìn con cún và cái ngọn cây tre cao vút mà tự bật cười. Cụ bà đã dậy. Cụ hỏi:
- Lạ nhà không ngủ được hay bọn trẻ nó đi làm, đi chơi suốt đêm nên chó cắn mà không ngủ được?
Tôi quả quyết là bà đã nhầm. Đêm qua gần mười một giờ có vài lần xe máy ra vào trong ngõ, chó cắn người đi đường tiếng nó khác, cắn bóng cây tre khác nhưng tôi không muốn giải thích sợ bà không tin lại tranh luận mất vui. Tôi thầm sung sướng vì chuyến đi này đã giải mã được ý tứ của câu hát trong bài quan họ cổ “Giữa tối hôm rằm” mà tôi rất thích song bấy lâu chưa tự giải thích được hoàn cảnh xuất xứ câu “Nửa đêm lý tính về sáng/ để giăng bằng cái ngọn cây tre/ là cái bối tương tư…”. Phải chăng cái chất chè chát của Đại Từ đã giúp tôi tỉnh táo, minh mẫn bất thường mà phát hiện ra hiện tượng thú vị chó cắn ngọn tre!?
Ăn sáng xong, chúng tôi thống nhất với hai cụ là sáng nay sẽ cùng ai đó người nhà cụ thăm quan Hồ Núi Cốc, trưa về ăn cơm cùng hai cụ, nghỉ ngơi chia tay gia đình đoàn về quê. Trên đường về sẽ đi thăm thành phố Thái Nguyên, thăm Tân Cương mua chè rồi về.
Hồ Núi Cốc có nhiều đảo nhỏ, dài cả chục cây số, không chỉ đẹp ở giá trị kinh tế, cảnh quan non nước tươi đẹp hài hòa mà còn đẹp thêm bởi câu chuyện tình huyền thoại của chàng Cốc với nàng Công, điểm du lịch hấp dẫn không chỉ của Thái Nguyên mà của cả nước. Ngồi thuyền lướt sóng, tôi chợt nhớ tới anh Hứa Mạnh Việt người đồng đội năm xưa. Sau khi giải ngũ anh về làm cho ngành du lịch, một lần anh dẫn đoàn du lịch đi tour Tây Yên Tử, Suối Mỡ, về nghỉ tại nhà nghỉ Suối Hoa TP. Bắc Ninh. Anh có kể chuyện với người quản lý khách sạn, một người tôi quen là có ở cùng đơn vị với mấy người quê Hà Bắc trong đó có tôi. Anh nhờ bạn ấy nhắn giúp là nếu đồng đội nào đi tham quan Hồ Núi Cốc cứ hỏi ban quản lý liên hệ là anh sẽ đón. Tôi liền hỏi người hướng dẫn, người hướng dẫn bảo anh ấy nghỉ hưu lâu rồi, địa chỉ nhà thì không rõ.
Tân Cương xứ chè ngon nức tiếng cả nước, mới chạm đất đã ngào ngạt hương. Hương chè thơm ngát, thức tỉnh mọi ngõ ngách thần kinh giúp con người tỉnh táo nhẹ nhõm lạ thường. Triết lý trà rộng lắm, không biết thì hỏi, bà con giải thích khá nhiều điều rất thú vị. Bà con bảo:
- Quý khách cứ tham quan, cứ hỏi, ưng đâu mua đấy, không ưng thì trở lại với chúng em. Ở đây không có hàng kém, chỉ có tiền nào của đấy tùy khách chọn.
OK! Chúng tôi tin bà con, tôi làm một yến, cứ loại đắt nhất mà mua tặng mỗi người vài ấm cho xứng với sự khát khao khi bạn hữu người thận được thưởng trà Tân Cương chính hiệu.
Chuyến đi may mắn nghĩa tình và nhớ mãi!
Vũ Thế Thược
Đại Lai - Gia Bình - Bắc Ninh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...