Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
04:36 (GMT +7)

Nhân văn trên từng trang viết

KỶ NIỆM 30 NĂM VĂN NGHỆ THÁI NGUYÊN XUẤT BẢN SỐ ĐẦU TIÊN (6/1991 - 6/2021)

VNTN - Vậy là đã hơn 5 năm, tôi được trở thành một phần của đội ngũ làm báo nay là tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên. Có thể nói đây là một điều may mắn hay duyên nghề đối với tôi. Bởi chuyên ngành tôi được đào tạo là Văn học chứ không phải Báo chí. Song dường như, “chất văn” lại rất hợp với “tạng” của Văn nghệ Thái Nguyên, nên dù là kẻ “tay ngang” và sau rất nhiều bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu tôi vẫn tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc trên từng trang viết của mình.

5 năm làm báo/tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên giúp tôi được trải nghiệm, biết lắng nghe và cất tiếng nói. Biết bao câu chuyện, kỉ niệm từ những ngày đầu non nớt bước chân vào nghề đến nay luôn là những hồi ức giúp tôi nhìn lại, rèn giũa mình lớn hơn và càng thêm trân trọng nghề báo - dẫu nhiều gian nan nhưng cũng nhiều niềm vui.

 

Có lẽ, cái gì đầu tiên cũng thường để lại nhiều xúc cảm đáng nhớ nhất. Và tôi luôn nhớ về bài báo đầu tiên của mình - đó là một cái tin ngắn 300 chữ. Chỉ 300 chữ thôi mà nói thật, hồi ấy tôi đã phải tự mình sửa đi sửa lại không dưới 10 lần rồi mới dám gửi Tổng Biên tập (lúc ấy là cô Nguyễn Thúy Quỳnh) duyệt. Thế nhưng tôi đã bị Tổng Biên tập trả lại bài, kèm lời nhắn: “Với Văn nghệ Thái Nguyên, viết tin hay viết bài thì đúng thôi chưa đủ, mà còn phải hay và hấp dẫn nữa”. Đó là bài học đầu tiên tôi học được trong nghề báo của mình. Và đây cũng luôn là điều tôi tự nhắc bản thân mỗi khi thực hiện một bài báo hay một mẩu tin.

Phương châm của Văn nghệ Thái Nguyên mà đội ngũ phóng viên, biên tập viên chúng tôi luôn nằm lòng, đó là: “Nhân văn - Trí tuệ - Phát triển”, và với bản thân tôi, để làm nên cái hay cái hấp dẫn cho từng bài viết của mình, thì tính nhân văn luôn là vấn đề tôi quan tâm và đặt lên hàng đầu.

Như phóng sự LGBT - “tự nhiên là mình, tự nhiên yêu” của tôi và đồng nghiệp Thanh Tâm cách đây 4 năm. Khi ấy, LGBT (cộng đồng những người đồng tính, song tính và chuyển giới) - còn là điều xa lạ với nhiều người trong xã hội, và họ thường bị kỳ thị, thành kiến, đối xử thiếu tôn trọng. Đó là những rào cản khiến nhiều người LGBT luôn phải sống trong “bóng tối”, phải che giấu bản thân. Nhưng phóng sự của chúng tôi lại hướng đến một phía khác của câu chuyện - đó là bộ phận những người LGBT dám sống là chính mình, dám lên tiếng bảo vệ cho quyền của bản thân và cộng đồng mình. Phóng sự ấy là nỗ lực của chúng tôi mong muốn góp thêm một tiếng nói giúp mọi người trong xã hội (và cả chính chúng tôi nữa) hiểu hơn về cộng đồng những người LGBT - những người hoàn toàn tự nhiên, là một phần trong thế giới vốn đa dạng của chúng ta.

Hay ký sự “Đi về phía ước mơ” của tôi đăng trong số đầu tiên của Văn nghệ Thái Nguyên khi chuyển đổi sang Tạp chí vào tháng 1/2021. Đó là câu chuyện về em Ma Thị Phương (19 tuổi) - một sinh viên khiếm thị, hiện em vừa học xong năm thứ nhất, ngành Công tác xã hội của Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên. Em cho tôi một cái nhìn hoàn toàn khác về người khiếm thị: đó là, có thể ánh sáng đôi mắt đã khép lại, song ánh sáng nghị lực vẫn có thể giúp họ bước qua bóng tối, đi về phía ước mơ. Và với cô bé Phương, một trong những ước mơ tươi đẹp của em là không chỉ thay đổi số phận của chính mình mà còn có thể giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ. Viết về Phương, tôi được truyền một năng lượng sống tích cực, học được ở cô gái bé nhỏ về tinh thần dám mơ ước và nỗ lực biến ước mơ thành hiện thực.

Khi khai thác yếu tố nhân văn cho từng bài báo của mình, tôi nhận ra, mình không chỉ cố gắng truyền tải những giá trị tốt đẹp tới bạn đọc, mà dường như chính bản thân tôi cũng được hấp thụ những điều tốt đẹp ấy, như câu chuyện về hai phóng sự - ký sự tôi vừa kể trên.

Biên tập viên Bích Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy