Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
09:52 (GMT +7)

Nhận diện về “Tác phẩm hay – đích đến và giải pháp”

VNTN - Sáng nay (7/9/2018), tại Đoàn An điều dưỡng 16, Núi Cốc, Liên chi hội Nhà văn các tỉnh phía Bắc - Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Tác phẩm hay - đích đến và giải pháp”. Đến dự có nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà văn Việt Nam; đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên; Quân khu I; cùng sự tham gia của 120 nhà văn thuộc 23 tỉnh phía Bắc.

Hội thảo đã thu hút 25 tham luận của các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận - phê bình uy tín ở trung ương và địa phương. Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề liên quan về một tác phẩm hay; đồng thời đề cập nhiều giải pháp hữu ích, khơi mở một số vấn đề mà các nhà văn quan tâm như: Làm thế nào để có tác phẩm hay?; văn chương thời kỳ đổi mới, giải pháp để có tác phẩm hay; văn học dân tộc thiểu số cần được khai thác một cách nghiêm túc; khai thác thế mạnh vùng, miền để góp phần nâng cao chất lượng sáng tác…

120 nhà văn của 23 tỉnh phía Bắc tham dự Hội thảo 

Qua các tham luận được trình bày, các đại biểu đã có dịp nhìn nhận, đánh giá thực trạng sáng tác văn học thời gian qua với nhiều ý kiến tâm huyết. Nhà thơ Trần Nhuận Minh cho rằng, trong ba điều cấu thành nội dung: tác phẩm hay, đích đến, giải pháp, thì giải pháp là điều quan trọng nhất. Để có tác phẩm hay, ngoài tài năng, nhà văn còn phải có những điều chứa nặng trong cuộc đời, phải luôn nung nấu, nuôi dưỡng và sáng tạo. Viết vì những nỗi niềm không bao giờ nguôi ngoai với nhân dân, với con người, tác phẩm hay sẽ đến vào lúc mà có khi chính ta cũng không nhận ra. Nhà văn Tống Ngọc Hân (Lào Cai) nêu ra cách thức “làm thế nào để có tác phẩm hay?”, ấy là “người viết phải lắng mình, cảm nhận xem dư luận xã hội đang quan tâm điều gì, người ta chờ đợi ở nhà văn thông điệp gì, nhà văn đang nói tiếng nói của giai cấp nào trong xã hội?… Từ đó mới có thể chọn lựa đề tài phù hợp, hướng đến những điều độc giả quan tâm. Tác phẩm hay là thỏa mãn người đọc chứ không phải thỏa mãn người viết”. Có ý kiến khẳng định, tác phẩm hay là đảm bảo tính tư tưởng và có văn. Không gì đẹp bằng sự thật, và sự thật cũng có lúc bị bóp méo, chôn vùi, song cái hay đích thực, giá trị đích thực thì trước sau cũng được tôn vinh. Bản lĩnh của nhà văn, tài năng sẽ quyết định chất lượng tác phẩm.

Nhà văn Bùi Thị Như Lan (Thái Nguyên) trăn trở: đã xuất hiện hiện tượng phức tạp trong sáng tác văn học thời nay. Không ít tác giả chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, có yếu tố bạo lực, phản cảm. Trong xu hướng thương mại hóa, một số cây bút tài năng nhưng phải lo cuộc sống hàng ngày, sinh tồn bằng ngòi bút, tác phẩm của họ phải hạ tông theo gu của người làm biên tập báo chí, nhà xuất bản để tác phẩm được xuất bản, công bố. Sự chi phối của những nhân tố ngoài văn chương ảnh hưởng rất nhiều đến những người đã và đang lấy văn chương là lẽ sống. Theo đó, những giải pháp đưa ra cũng cần sát thực tế và tác động trực tiếp đến đội ngũ người cầm bút. Bà cho rằng, về phía lãnh đạo VHNT, không chỉ cần đổi mới phương thức lãnh đạo Văn học – nghệ thuật của Đảng trên tinh thần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tiếp thu, chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại, mà còn cần đẩy mạnh công tác lý luận – phê bình theo phong cách toàn diện và hiện đại. Chú trọng phê bình thực chất tác phẩm, không thổi phồng khen, chê; đầu tư cho các nhà văn dày dạn vốn sống sáng tác tác phẩm mang tầm chiến lược… Từ phía các nhà văn, những người là thư ký của thời đại, phải gắn trách nhiệm của mình với trách nhiệm của công dân. Nhà văn bằng lao động sáng tạo sẽ nhập cuộc với ý thức cao về trách nhiệm người cầm bút. Sáng tác đề tài gì, tác phẩm cũng cần thể hiện rõ quan điểm tư tưởng, chuẩn mực tình cảm trước cuộc sống, định hướng cho xã hội hướng tới vẻ toàn diện của chân – thiện – mỹ. Khơi dậy ở con người niềm trắc ẩn, bảo vệ cái đẹp, cái cao cả của cuộc đời; có ý thức phản kháng, chống lại cái ác cái xấu… Có tác phẩm hay là khi khả năng sáng tạo của nhà văn được phát huy mạnh mẽ. Điều này phụ thuộc vào cái tâm – tài năng - trí tuệ – tinh hoa văn hóa -  trải nghiệm – trách nhiệm của người cầm bút.

Một giải pháp khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm, đó là việc khai thác thế mạnh vùng, miền; phản ánh những giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, xã hội, con người: bám sát cuộc sống thực tế của đồng bào các dân tộc thiểu số trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; đẩy mạnh lý luận phê bình văn học gắn với tác phẩm thời kỳ kháng chiến, tác phẩm văn học của các nhà văn thuộc khu vực và văn học dân tộc thiểu số và miền núi. Hiện nay, những dấu ấn, sự kiện, trầm tích, bản sắc văn hóa của các tỉnh phía Bắc có thể chưa được khai thác tối đa. Chúng ta chưa có thêm nhiều những công trình sưu tầm, nghiên cứu bề dày về văn học kháng chiến. Thế mạnh vùng miền nằm trong chính khả năng các nhà văn khu vực phía Bắc, bởi họ là những người có ưu thế về vùng đất mình đang sống và gắn bó, vì thế có thể viết sâu, viết đúng, viết hay về quê hương xứ sở của mình. Viết bằng sự hiểu biết và trách nhiệm sẽ giúp các nhà văn có được những tác phẩm hay. Những công trình, tác phẩm có giá trị mang đậm bản sắc vùng miền đều xuất phát từ việc các nhà văn biết khai thác thế mạnh vùng đất và ưu thế hiểu biết của mình.

Đánh giá chất lượng, nội dung Hội thảo, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, đây là hoạt động thực sự bổ ích với người cầm bút, đề cập đến những vấn đề lớn đã, đang nhận được sự quan tâm của văn nghệ sĩ. Nhà văn được thừa nhận là từ công chúng. Muốn có tác phẩm hay và lớn, chúng ta phải có nhà văn hay, nhân cách lớn. Nhà văn trước hết phải là nhà nhân văn, sẵn sàng trải nghiệm, đi sâu vào đời sống nhân dân và phải có tầm tư tưởng…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

 Lê Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy