Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
20:03 (GMT +7)

Nhà trọ “Hoa tử đằng”

VNTN - H. R. F. Keating tên đầy đủ là Henry Reymond Fitzwalter Keating (1926 - 2011) thuộc về lớp nhà văn trinh thám “mắc kẹt” giữa hai cuộc thế chiến. Thế chiến thứ nhất đã làm cho nước Anh mất đi nhiều nhà văn xuất sắc được đào tạo theo trường phái cổ điển, và các tác giả đến sau họ chủ yếu là những người tự học để viết. Henry khởi đầu bằng nghề phóng viên, rồi sau đó là nhà phê bình văn học và cuối cùng là tác giả truyện trinh thám.

Chính vì hoàn cảnh xuất thân như vậy mà lối viết văn trinh thám của nhà văn Henry mang nhiều tính thực tế. Trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của mình với hơn 50 cuốn tiểu thuyết trải dài nửa thế kỷ, người đọc luôn có thể tìm thấy tại các tác phẩm ấy của Henry một cái gì đó rất đỗi quen thuộc, đó là: một vụ án, một bối cảnh, một động cơ, hay thậm chí là chính bản thân họ nữa…

Bất giác, bác sĩ Roger Eccles-Scott cau mặt lại. Anh và người bạn của mình ở giữa một đám đông toàn những sinh viên trường y, bác sĩ và y tá đang cố gắng giải khuây những mệt mỏi của mình sau một ngày đầy những căng thẳng ở bệnh viện bằng vài vại bia.

“Chiều thứ Bảy này tớ không đến được nhà hát đâu” - Bác sĩ Roger Eccles-Scott bỗng thủng thẳng lên tiếng - “Tớ phải tới thăm một bà cô sống ở Surrey!”

“Từ trước đến nay tớ có nghe thấy cậu nói về bà cô nào đâu nhỉ?” - Người bạn của Roger tỏ vẻ ngạc nhiên.

“Họ hàng xa thôi!” - Roger giải thích - “Bà Wilhemina này giàu lắm, và tớ là người họ hàng gần nhất để thừa kế tài sản của cô ấy!”

“Thằng này đúng là vớ được của trời ban!” - Người bạn của bác sĩ đột nhiên vỗ vào đùi mình - “Thế là cậu chẳng phải lo gì chuyện nhà cửa nữa, đúng không?”

“Ừ! Đổi lại căn nhà, tớ chỉ phải hàng tháng đến thăm bà Wilhemina, uống trà với cô ấy trọn một buổi chiều, rồi lại lên tàu trở về. Mỗi tội là cái bà cô này khó tính lắm, mà lại có con chó Fido cực dữ luôn. Và rồi thì…”

“Rồi thì sao?” - Người bạn thật sự sốt ruột.

“Tớ khó chịu nhất là chuyện giữa cô Wilhemina và một bà tên là Ruth Baynes. Bà ta là con gái của một ông giám mục, vậy nên được ưu tiên làm nhà trên một mảnh đất bên cạnh nhà thờ. Bà ta sống nhiều năm ở đấy, hoàn toàn thỏa mãn với khu vườn nhỏ của mình. Mùa hè nào khu vực cũng tím rực màu hoa tử đằng, trông hệt như tranh vẽ!”

“Truyện có thế thôi ư?” - Người bạn chợt có vẻ thất vọng.

“Từ từ để tớ kể đã chứ. Chính cái thứ hoa tử đằng đấy là vấn đề. Nhà của cô Wilhemina cũng là một cái nhà trọ tên là Popham. Nhà trọ có một mảnh vườn, thế là cô tớ cũng thử trồng cây tử đằng nhưng không thể nào làm chúng nở hoa được như là bà Ruth. Thế rồi tự nhiên cô tớ mời vị tổng giám mục đến ăn tối, và ngay sáng hôm sau thì bà Ruth nhận được thư rằng, nhà thờ sẽ thu lại mảnh đất nhà mình. Mà không có ngôi nhà với khu vườn thì bà ta biết sống ở đâu?!”.

Ngừng lời giây lát để nhấp một ngụm bia, bác sĩ Roger kể tiếp: “Cô tớ mới nhân cơ hội này mà nhận bà Ruth vào làm người hầu. Nhờ vào tài làm vườn của bà Ruth mà ngay mùa hè sau đó, mấy cây hoa tử đằng trong vườn cứ đua nhau mà nở. Cô tớ cũng vì thế mà đổi tên nhà trọ thành “Hoa tử đằng”. Nếu là bà Ruth thì tớ đã cho cô Wilhemina một trận rồi!”. Bác sĩ Roger cố tình nhấn nhá những âm tiết cuối cùng.

***

Buổi sáng hôm sau, bác sĩ Roger đáp tàu đến thăm người cô của mình. Đứng từ xa anh đã nhìn thấy bà Ruth Baynes đang lúi húi chăm sóc khu vườn của nhà trọ. Trong cái se se lạnh của mùa thu, bà Ruth mặc độc chiếc áo khoác mỏng đang giơ chân giơ tay chỉ đạo ông già làm vườn Williams cắt tỉa những cành hoa tử đằng đã tàn.

Trong khi đó, người hầu thứ hai, một người đàn bà đã đứng tuổi tên là Gregson, đến nói nhỏ vào tai bà Ruth:

“Bà chủ có lời nhắn cho bà đây này!”

“À, ừ, gì vậy?”

“Bà chủ nói rằng bác sĩ Eccles-Scott sắp tới đây, và chắc chắn ông ấy sẽ không thích thấy bà lấm lem bụi đất trong vườn như thế này!”

“Ấy chết! Đúng là tôi mải làm quá mà quên mất chuyện đó. Tôi đi thay quần áo ngay đây!”. Nói rồi bà Ruth vội vã đi vào trong nhà. Nhìn dáng bà ta quày quả bỏ đi bất giác Roger liên tưởng đến một con chim sẻ gẫy cánh nhảy nhót trên đôi chân bé xíu của mình.

Một tay nắm lấy cánh cửa, bà Ruth còn ngoái đầu lại nói với ông già làm vườn: “Anh Williams này, anh nhớ là phải tuốt hết mấy cái hạt trên cây Laburnum nhé. Không làm thế thì mùa đông này cây sẽ chết mất, mà hạt Laburnum lại rất độc. Con Fido không biết mà nhai nhầm một hạt là chỉ có nước ngã lăn ra chết!”

Lặng lẽ đi về phía nhà trọ, Roger tưởng tượng ra những gì sắp hiện hữu. Bao giờ cũng vậy, sau khi Gregson đã nhặt lấy áo khoác và mũ của anh, Roger sẽ đi từ tiền sảnh vào phòng trà. Anh sẽ hôn vào hai má cô Wilhemina, rồi ngồi xuống đối diện bà. Bao giờ Wilhemina cũng sẽ giả bộ chì chiết bà Ruth một hai câu gì đó khi mà người phụ nữ ấy dâng lên cái khay toàn những thứ bánh ngọt khác nhau.

Thế nhưng lần này thì Wilhemina nổi cơn giận thật sự, vì bà Ruth làm rơi mấy cái bánh quy ra sàn lúc bê khay lên. Để tránh cho bà Ruth một trận mắng mỏ, Roger vội vàng đứng dậy nhặt mấy cái bánh.

“CôWilhemina à, không sao đâu, sàn nhà cô vẫn sạch bóng đây này!” - Roger vừa cười vừa chìa mấy cái bánh ra cho cô mình thấy.

“Cô không ăn được thứ này đâu. Cháu biết bụng dạ của cô mà. Cô mà không ăn điểm tâm mềm trước khi đưa mấy thứ của ngọt cứng như sỏi thế này vào miệng thì ắt sẽ có chuyện!”

“Cháu biết anh đầu bếp lúc nào cũng để những cái bánh quy ngon nhất trên cùng để dành riêng cho cô mà!”. Roger phủi bụi mấy cái bánh rồi kính cẩn đặt chúng lên đĩa của bà cô. Sau đó anh lại lấy cái khăn giấy lau mấy đầu ngón tay của mình. Trước sự vồn vã của anh, bà Wilhemina bớt giận. Bà ta lập tức ra lệnh:

“Này, cô Ruth, rót trà cho chúng tôi đi!”

“Dạ vâng, thưa bà chủ!” - Bà Ruth vội vàng cầm bình sữa lên.

“Ơ hay cái cô này, ai lại rót sữa vào cốc trước khi rót trà chứ!” - Bà Wilhemina gắt.

“Ối, ối… Tôi… Đầu óc của tôi rối quá, bà chủ ạ!”

“Đổ chỗ sữa trong cốc tôi vào bát cho con Fido uống, rồi thì rót cho tôi cốc trà khác!”

Từ lúc đó trở đi thì bữa trà không xảy ra sự cố nào nữa. Trong khi con chó Fido lè lưỡi liếm sữa và chủ của nó thì mải mê với mấy cái bánh quy, Roger kể cho họ về những gì đã xảy ra ở bệnh viện trong tuần qua. Như đã thành cái lệ, sau khi uống cạn cốc trà, bà Wilhemina sẽ vịn tay vào Roger rồi bắt anh đưa mình về phòng nghỉ.

Thế rồi thì bà chủ nhà trọ lăn ra chết.

Lúc đó Roger đang ngồi dưới phòng khách để đọc báo thì nghe thấy tiếng chuông đổ loạn lên trên tầng hai. Anh đã định nhỏm dậy để lên trên tầng hai xem có chuyện gì, nhưng rồi Roger lại nhớ ra rằng, bà Ruth đã ở sẵn trên tầng hai. Cứ để bà ta phục vụ người cô đáng kính của anh.

Một hai phút sau, bà Ruth chạy vội xuống phòng khách với khuôn mặt tái mét.

“Có chuyện gì thế?” - Roger bất ngờ có linh cảm xấu.

“Bà chủ bị làm sao rồi! Bác sĩ ơi, ông lên kiểm tra bà chủ xem thế nào!”

“Được rồi!”

Vị bác sĩ trẻ lao thẳng lên cầu thang. Thế nhưng anh vẫn chậm chân quá. Cô Wilhemina đã tắt thở. Roger chỉ còn cách đặt cái xác bà cô của mình lên giường, rồi cùng với Gregson dọn dẹp lại căn phòng.

Khi nhìn thấy bà Ruth đang thút thít bên cầu thang, Roger thì thầm vào tai bà ta:

“Tôi sẽ gọi cho cảnh sát. Cô của tôi chết là do bị người ta giết!”

Bà Ruth đột nhiên nín bặt và run rẩy hỏi:

“Bác sĩ nói gì, tôi không hiểu?!”

“Tôi sẽ làm cho bà hiểu bằng một vài câu hỏi. Nhưng chúng ta có thể đến chỗ nào kín đáo để nói chuyện không?”

Bà Ruth đưa Roger vào trong phòng mình. Căn phòng chỉ rộng hơn cái giường của bà Ruth một chút. Roger ngồi xuống giường và nói:

“Nếu tôi được cảnh sát tra hỏi, thì tôi sẽ nói cho họ hết về những gì đã xảy ra giữa bà và cô của mình!”

“Và ông sẽ nói gì với họ hả bác sĩ?”. Dứt lời, bà Ruth ném cho Roger một cái nhìn giận dữ. “Và tôi, tôi cũng sẵn sàng nói với cảnh sát về những gì tôi đã nhìn thấy!”

“Bà đã nhìn thấy gì?!”

“Cả tôi và bà chủ đều đã nghĩ đến khả năng ông sẽ hãm hại bà Wilhemina để được thừa kế tài sản của bà ấy. Quả đúng là điều đó đã xảy ra. Tôi đã nhìn thấy ông bí mật bôi lên cái bánh quy mà ông nhặt từ dưới sàn lên rồi đưa cho bà Wilhemina. Ông còn cố gắng nói làm sao cho bà chủ ăn mấy cái bánh đấy nữa!”

Một hạt mồ hôi lạnh chảy trên trán Roger, vị bác sĩ lắp bắp:

“Bà điên rồi! Bà nghĩ rằng cảnh sát sẽ tin vào những lời hoang tưởng của mình hay sao?!”

“Chắc chắn họ sẽ tin tôi! Nhưng mà không phải họ hay tôi mà chính ông mới là người sẽ phải đưa ra sự lựa chọn, ông bác sĩ ạ!”

“Nhưng mà tôi có sự lựa chọn nào chứ?”

“Một là, ông sẽ bị tòa án treo cổ. Thứ hai, ông sẽ lấy thứ thuốc độc trong túi mình ra mà tự tử!”

“Trời ơi, tôi không hiểu là ai trong chúng ta kẻ nọ tàn độc hơn người kia nữa?!”

“Thưa bác sĩ, trên đời này có nhiều sự độc ác khác nhau” - Bà Ruth lạnh lùng giải thích - “Có sự độc ác vì tham lam như là ông đây. Lại có người độc ác như bà Wilhemina bởi vì làm như thế khiến cho họ cảm thấy thỏa mãn. Và có sự độc ác của tôi nữa, kiểu độc ác của người làm vườn khi phải tỉa cành, bứt hoa. Ông phải cắt cành hoa tử đằng đi để cây lẫn người làm vườn có một con đường sống!”

Một nụ cười lạnh lẽo nở trên đôi môi đã khô của bà Ruth:

“Nhưng mà bác sĩ Roger này, ông còn chưa nghe sự lựa chọn thứ ba mà!”

“Còn có sự lựa chọn thứ ba?!”

“Là bác sĩ hãy để lại cho tôi ngôi nhà trọ “Hoa tử đằng” này, rồi sau đó hãy lấy hết tài sản bằng tiền vàng của bà chủ quá cố mà đi đi. Đi ngay đi trước khi mọi thứ trở nên quá muộn!”

Cả người Roger đột nhiên cứng lại. Phải khó khăn lắm anh ta mới gật được cái đầu của mình xuống một cái và căng thẳng chìa bàn tay mình về phía bà Ruth. Tuy đã già nhưng cái nắm tay của bà Ruth thật chặt, khiến cho Roger ớn lạnh toàn thân bởi cảm giác tay mình như đang bị những sợi dây leo có những chiếc gai sắc nhọn quấn chặt vào.

LÊ CÔNG VŨ (dịch)

Truyện ngắn. H. R. F. KEATING (Anh)

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 4 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 3 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 2 tháng trước