Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
06:52 (GMT +7)

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hãy bắt đầu bằng cách kể chân thực câu chuyện của mình

Trại sáng tác Thanh thiếu nhi năm 2020

VNTN - Hôm nay (17/8/2020), Trại sáng tác Thanh thiếu nhi năm 2020 của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tiếp tục diễn ra với sự “dẫn dắt” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Bằng sự tâm huyết và trách nhiệm của người đi trước, nhà thơ đã thực sự “truyền lửa” cho các trại viên qua những câu chuyện về kinh nghiệm sáng tác, cũng như chỉ ra những cách thức trong sáng tác văn chương.

Toàn cảnh trại sáng tác ngày thứ 3

Người viết luôn nhìn thấy sự thất bại của bản thân

Đó chính là cảm giác của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều mỗi sớm mai thức giấc. Ông cho biết, mỗi ngày ông đều cảm thấy mình đã bỏ phí 24 giờ của ngày hôm trước. Người cầm bút luôn luôn cảm thấy sự thất bại của bản thân. Hôm qua vừa viết một bài thơ, hôm nay đã thấy nó cũ kỹ, bởi vậy cứ phải liên tục viết, viết để rèn luyện và xóa bỏ sự thất bại của mình. Chính nhờ sự không hài lòng ấy mà người cầm bút không cho phép mình dừng lại.

Tinh thần nêu trên của nhà thơ đối lập với quan niệm “văn mình vợ người” vẫn tồn tại lâu nay trong giới cầm bút (nước ta). Và khi nào vẫn còn tư tưởng “văn mình là nhất”, thì lúc đó đích đến của nhà văn vẫn còn… xa mờ!

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Nhưng, viết như thế nào và viết cái gì, luôn luôn là một việc vô cùng khó, nhất là với những bạn trẻ. Nhà thơ khuyên các tác giả: mỗi khi định viết, các bạn hãy lắng nghe xem điều gì đang vang lên trong đầu mình nhiều nhất. “Tôi không yêu cầu các bạn trở thành nhà văn của hàng trăm, hàng nghìn người đọc, nhưng tôi khuyên các bạn hãy là nhà văn của riêng mình, hãy viết về những điều mình quan tâm, điều đó vô cùng cần thiết và có ý nghĩa”.

Người sáng tác là “kể lại những câu chuyện của thế gian”

Trả lời cho câu hỏi viết như thế nào, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều gợi mở: Hãy viết bằng một tình yêu rực ấm đối với cuộc đời, bởi thiên chức của nhà văn là làm cho cuộc đời này luôn luôn tươi đẹp. Ông lập luận: Điều gì cũng có thể tàn lụi, đó là quy luật. Chúng ta không thể chống lại được cái chết, nhưng chúng ta hãy bước đến, phả một tình yêu rực ấm với khát vọng sống lớn lao vào sự lụi tàn, để làm cho nó hồi sinh. Hơi ấm đó chính là tình yêu thi ca của mỗi tác giả.

Nguyễn Quang Thiều gọi những người sáng tác văn chương là “người kể những câu chuyện của thế gian”. Thế gian rực sáng hay u ám chính là do những người tìm chuyện kể. Những người kể chuyện đi khắp mọi ngõ ngách cuộc sống, kể những câu chuyện ấm áp, những câu chuyện đầy tình cảm, khát vọng, yêu thương và cảm thông. Nếu những người kể chuyện đó dừng lại thì bóng tối sẽ trùm lên, nhường chỗ cho sự hắc ám.

Đã kể chuyện thì tất nhiên phải chân thực, Nguyễn Quang Thiều khuyên các tác giả trẻ: “Ngay hôm nay, hãy về nhà và ngồi vào bàn, kể lại chân thực cuộc sống của mình bằng một trí tưởng tượng bay bổng nhất”.

Kể chuyện một cách chân thực bằng trí tưởng tượng - điều đó có mâu thuẫn không? Chúng không hề mâu thuẫn, bởi hiện thực là nguyên liệu để trí tưởng tượng bám lấy và phát huy hết tác dụng của nó. Tưởng tượng không phải là sự bịa đặt mà nó chỉ nối dài những hiện thực đó một cách hoàn hảo hơn mà thôi. Đẩy vấn đề lên đến tận cùng của bản chất, đó là nhiệm vụ của nhà văn.

“Thơ ở ngay dưới chân, hãy cúi xuống mà nhặt lấy”

Càng gần với hiện thực thì thi ca càng trở nên vĩ đại. Cái điều giết chết thơ chính là những mỹ từ sáo mòn cứ vang lên trong mỗi tác phẩm. Đừng cầu kỳ, gọt giũa nhiều, thơ ở mọi lúc mọi nơi quanh ta đang sống, chỉ cần chúng ta lắng nghe là có thể thấy được. Hiện thực mỗi chúng ta đều có, đừng bao giờ nghĩ rằng hiện thực không có gì để viết. Mỗi mảnh đất, mỗi ô cửa đều chứa đựng những điều kỳ diệu và vấn đề là chúng ta phải bước đến. Hãy bám lấy hiện thực, nhưng hiện thực trong mỗi tác phẩm sẽ đẹp hơn, lung linh hơn bởi ở đó có ánh sáng huyền ảo của nghệ thuật, nhờ sự dụng công của người sáng tác. Viết về hiện thực nhưng không được nhân đôi hiện thực đó lên. Thơ ca vốn lặng lẽ, nhà thơ không phải như võ sĩ đấm bốc trên võ đài trước sự chứng kiến của hàng nghìn người xem. Thơ có khi chỉ cứu rỗi tâm hồn cho một người thôi, nhưng đó là giá trị đích thực của thi ca.

Các trại viên chăm chú lắng nghe chia sẻ của nhà thơ về kinh nghiệm sáng tác

Nhà văn đừng sợ nỗi buồn nhưng hãy nâng niu niềm vui

Người viết phải có cái nhìn của riêng mình, của tâm hồn mình, của tư duy mình, của ngôn ngữ mình… đó chính là tài sản của người viết. Hãy mang tất cả những gì của riêng mình, kể cả trong bóng tối vào tác phẩm, hãy hé lộ những bí mật trong tâm hồn mình, đó mới chính là tài sản vô giá của người viết.

Và cuối cùng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều gửi gắm đến các trại viên: Biết nâng niu niềm vui nhưng cũng đừng sợ nỗi buồn; hãy ngồi xuống, kể lại câu chuyện của mình một cách chân thực, vậy là văn học xuất hiện. Văn chương có thể làm cho mọi điều đã chết sống lại. Thi ca có thể xóa nhòa ranh giới của hận thù… Người viết hãy gửi gắm thông điệp vào mỗi tác phẩm.

Sau ba tiếng đồng hồ, “ngọn lửa” do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhen lên đã thực sự bùng cháy trong mỗi thành viên dự Trại. Em Nguyễn Thanh Ngân, học sinh lớp 10 Chuyên Anh bộc bạch: “Nhà thơ nói rất hay, khiến em hiểu ra nhiều điều”. Tác giả Phạm Quý, Chi hội Văn xuôi thì chia sẻ: “Nguyễn Quang Thiều đã tạo nên nguồn cảm hứng cho người viết. Ông đã gợi cho tôi biết đến cái đích đích thực của văn chương. Qua đây, bản thân tôi tự nhận ra những cái mình thiếu và cần điều chỉnh cái gì”. Còn nữ tác giả Minh Hằng thì phấn khởi: “Tôi được nạp thêm năng lượng, thấy tự tin, đam mê và trách nhiệm khi cầm bút. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã gợi cho tôi cách phát hiện đề tài, cách quan sát và phương pháp thể hiện”.

Với những gì Hội Văn học nghệ thuật đã mang lại cho những người dự Trại sáng tác Thanh thiếu nhi lần này, hy vọng những người viết Thái Nguyên sẽ có một sức bật mới trong sáng tạo văn chương, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả, nhất là những độc giả nhí.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ký tặng sách cho các trại viên.

Trong hai ngày tới (18 và 19/8), các trại viên sẽ đi thực tế tại hai huyện: Phú Lương và Định Hóa, sau đó sẽ tự sáng tác tại nhà và nộp tác phẩm cho Ban Tổ chức vào ngày bế mạc (25/8) tới đây.

Huệ Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy