Nhà máy của tôi
VNTN- Đúng như lời đã hứa với bố, tôi đã cống hiến toàn bộ tuổi thanh xuân cho Nhà máy Luyện Cán thép Gia Sàng - gia đình lớn của tôi.
Vợ chồng ông anh ruột mẹ tôi hiếm hoi, muốn có một đứa con gái để “chấy rận” sau này, nên đã ngỏ ý với bố mẹ đẻ của tôi xin tôi về làm con nuôi. Thế là tôi - cô bé bảy tuổi gầy gò, nhút nhát, vào một ngày cuối năm 1968, khăn gói theo ông bác ruột, cũng là bố nuôi lên đất Thái Nguyên mà ngày ấy người ta gọi là Thành phố Thép. Tên thành phố là vậy nhưng ngồi sau xe đạp của bác, tôi chẳng thấy một mảnh thép nào mà dọc đường chỉ toàn những quả đồi nhấp nhô như bát úp chứ không giống những cánh đồng thẳng cánh cò bay như quê tôi. Khi hai bác cháu đi qua một buổi chợ phiên ở trong thành phố, thấy tôi cứ ngơ ngác nhìn những người mặc quần áo sặc sỡ, chân quấn vải, người đeo đầy vòng bạc, đầu đội những chiếc khăn rất lạ, bố nuôi tôi bảo:
- Thái Nguyên là tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc có một sắc thái khác nhau. Ở trên này, rồi con sẽ biết thêm về họ.
Từ đấy Thái Nguyên đã trở thành quê hương thứ hai, nơi tôi gắn bó suốt cả cuộc đời.
Sống ở Thái Nguyên ba năm, vào tuổi thiếu niên, tôi đã bắt đầu ít nhiều hình dung được công việc của bố mẹ nuôi. Họ đều là những công nhân thuộc Khu Gang thép. Bố tôi đang làm phó chỉ huy công trường xây dựng Nhà máy Luyện Cán thép Gia Sàng, một nhà máy do Cộng hòa Dân chủ Đức giúp nước ta xây dựng. Tôi nghe người lớn nói, sau khi hoàn thành, Nhà máy Luyện Cán thép Gia Sàng sẽ là một nhà máy sản xuất thép lớn nhất miền Bắc.
Tôi không hiểu rõ tầm quan trọng của việc sản xuất thép đối với một đất nước như thế nào, cũng không hiểu những công việc mà bố mẹ tôi đang cùng các cô chú công nhân tận tụy, vất vả ngày đêm xây dựng nhà máy. Nhưng những năm tháng ấy, hầu như ngày nào tôi cũng đứng bên hàng rào nhìn mọi người say sưa làm việc (ngôi nhà gia đình tôi sinh sống nằm ngay cạnh công trường xây dựng nhà máy). Lòng tôi cũng rộn ràng vui cùng tiếng hò reo của các cô chú công nhân mỗi khi từng dãy nhà xưởng rộng dài, từng thiết bị máy móc, từng cây cột bê tông khổng lồ lừng lững mọc lên. Nhất là vào những đêm nhà máy làm ca ba, ngước lên giàn giáo cao cao nhìn những ánh lửa hàn nhấp nháy như những vì sao, tâm hồn thơ trẻ của tôi lại như muốn bay lên cùng bầu trời thần tiên ấy. Sau này tôi mới hình dung được, cái ý định từ bỏ không đi đại học mà quyết tâm trở thành một cô công nhân thợ hàn bình dị của tôi đã được bắt đầu từ những “đêm sao” đầy lãng mạn kia.
Khi tôi mười một tuổi thì giặc Mỹ ném bom rải thảm miền Bắc. Thành phố Thái Nguyên, Khu công nghiệp Gang thép là trọng điểm đánh phá của bọn chúng. Ngày 18/12/1972, máy bay B52 của Mỹ được mệnh danh là pháo đài bay, gầm rú và điên cuồng trút bom xuống nhà máy của chúng tôi.
Trận oanh kích ấy, bom Mỹ rơi trúng lán trại bãi xe cơ giới của công trường Nhà máy. Nhiều thiết bị hư hỏng, một số công nhân thương vong. Hôm ấy, cả công trường buồn đau tê tái. Còn tôi, ngồi lọt thỏm trong lòng chiếc cống bê tông khóc nghẹn ngào. Nỗi đau của nhà máy cũng chính là nỗi đau của tôi.
Sau 12 ngày đêm đánh phá Miền Bắc, bị quân và dân ta đánh trả quyết liệt, bị thiệt hại nặng nề, nhiều máy bay B52 bị bắn rơi, đế quốc Mỹ phải ký hiệp định chấm dứt chiến tranh xâm lược.
Sau trận bom, bố tôi lại cùng các chuyên gia người Đức không quản ngày đêm chụm đầu thảo luận bàn bạc kế hoạch tiếp tục xây dựng Nhà máy. Tôi nhiều lần được chứng kiến bố tôi chỉ huy dựng những chiếc lò cao, những cột bê tông sừng sững trước sự trầm trồ và ngạc nhiên của chuyên gia nước bạn. Cái tên Trần Đình Thọ (bố tôi) đã từng là cái tên đầy ngưỡng mộ của nhiều thế hệ công nhân trong nhà máy.
Sau bao nỗ lực của tập thể cán bộ công nhân viên, nhà máy đã được bàn giao.
Niềm vui vỡ òa, đúng vào ngày 1/5/1975, cùng niềm vui chiến thắng giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, Nhà máy Luyện Cán thép Gia Sàng đã cho ra đời mẻ thép đầu tiên. Là một cô bé mười bốn tuổi nhưng tôi cũng đã đủ sức hiểu, để có một thành quả vĩ đại như thế là có sự cống hiến mồ hôi, nước mắt và máu của biết bao công nhân, có những người đã ngã xuống cho sự hồi sinh của nhà máy.
Học hết cấp ba tôi thi vào Trường Cao đẳng kỹ thuật và trở thành cô thợ hàn, đúng với mơ ước của mình. Sau ba năm học tập, tôi trở về làm công nhân nhà máy Luyện Cán thép Gia Sàng.
Đối với tôi, công việc có lúc thăng, lúc trầm, nhưng điều làm tôi vui nhất là suốt mấy chục năm công tác, tôi đã được làm một “ngôi sao bé nhỏ” trên bầu trời Gang thép, đúng với ước mơ đầy lãng mạn của tôi thời trẻ. Đặc biệt là tôi đã đạt danh hiệu thợ hàn giỏi của toàn nhà máy với nhiều lần đoạt giải cao trong các cuộc thi thao diễn gồm hơn 400 trăm nữ công của nhà máy, của Tổng Công ty Gang thép và có nhiều sáng kiến cải tiến kĩ thuật, mang lại lợi nhuận cho đất nước.
Năm 1987 bố tôi nghỉ hưu. Sống được 5 năm khỏe mạnh thì mắc bệnh hiểm nghèo. Trước khi lâm chung ông thì thầm bên tai tôi:
- Cố gắng con nhé, cuộc sống còn nhiều khó khăn, bố có hơi buồn vì chẳng để lại gia tài gì cho con chỉ ngoài tấm Huân chương Kháng chiến và Huy chương Vì sự nghiệp Gang thép của Tổ quốc. Có thể con phải chịu thiệt thòi không bằng bạn bằng bè. Ông khóc.
Tôi ôm chặt thân hình gầy gò của ông, nghẹn ngào trong nước mắt:
- Bố ơi, bố đừng nói thế. Bố mẹ là tấm gương mà suốt đời con phải học tập. Đến tận bây giờ con mới hiểu vì sao mọi người lại gọi Thái Nguyên là Thành phố Thép. Không phải chỉ gia đình mình đâu mà cả nhà máy này là một gia đình bố ạ - một Gia đình Thép. Con nguyện suốt đời đi theo con đường của bố. Tuần tới con được kết nạp vào Đảng rồi. Bố vui chứ ạ?
Vẻ mặt ông chợt tươi. Ông nắm bàn tay tôi, ra đi trong ánh mắt đầy mãn nguyện.
Đúng như lời đã hứa với bố, tôi đã cống hiến toàn bộ tuổi thanh xuân cho Nhà máy Luyện Cán thép Gia Sàng - gia đình lớn của tôi. Nhiều năm sau đó, khi kinh tế thị trường phát triển, không ít bạn bè tôi đã mở nhiều hướng làm ăn và trở nên giàu có hoặc có địa vị trong xã hội. Riêng tôi, tận tới lúc nghỉ hưu vẫn chỉ là cô thợ hàn bình dị. Bộ đồ thợ hàn được Nhà máy tặng, tôi đã lưu giữ ở một nơi trang trọng nhất.
Cho đến tận bây giờ, gia đình tôi vẫn sống một cuộc sống đạm bạc nhưng vô cùng vui vẻ và hạnh phúc. Bởi vì, trong tôi luôn có một niềm tin mãnh liệt, rằng niềm hạnh phúc thực sự chính là biết gửi gắm cuộc đời mình, tâm hồn mình cho mảnh đất đã từng nuôi sống, từng giúp mình vượt qua bao gian lao, vất vả, tạo cho mình niềm vui, niềm tự hào lớn. Mảnh đất ấy, chính là Nhà máy Luyện Cán thép Gia Sàng của tôi. Cho dù sau này đất trời có đắp đổi bể dâu thì mảnh đất thân thương ấy vẫn mãi mãi vĩnh hằng trong trái tim tôi.
Cồ Thị Thơm (Tổ dân phố số 2, phường Đồng Bẩm, TP. Thái Nguyên.)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...